QĐND Online - Khi các em học sinh của trường trung học và tiểu học xã Bình Sơn dốc hết sức, dắt chiếc xe đạp trở về nhà sau một ngày đi học cũng là lúc chị Cù Thị Liên (thôn Ba Bào) chuẩn bị dọn bữa cơm tối cho gia đình. Dường như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, chị cho biết: “Ăn bây giờ cho nó sáng, kẻo tí nữa lại phải thắp nến ăn cơm…”. Chúng tôi cứ ngỡ hôm nay có lịch cắt điện, nhưng như lời chị nói thì “ở đây, có điện cũng như không”…

“Ăn cơm bằng đèn, đi ngủ bằng điện”

Theo chân ông trưởng thôn Nguyễn Văn Sơn, chúng tôi về thăm thôn Ba Bào (xã Bình Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hóa) vào một ngày tháng tư. Vượt qua con dốc Ông Chanh- con dốc ngăn cách địa lý hai thôn Ba Bào và  Ông Chanh, cũng là cột mốc cho thấy sự khác nhau về điều kiện sống của người dân nơi đây.

Một đoạn đường dẫn vào thôn Ba Bào

Được thành lập từ năm 1992, Thôn Ba Bào hiện có 40 hộ dân với 170 nhân khẩu. Trong đó, có 4 gia đình thuộc diện 134, là đồng bào dân tộc Thái và Mường, còn lại là dân di cư từ dưới xuôi lên. Bình Sơn với đặc thù là một xã giáp ranh và thôn Ba Bào có đường biên giáp với 3 huyện: Triệu Sơn, Thường Xuân và Thọ Xuân. Đáng ra, xã đã có thể có được những điều kiện thuận lợi từ vị trí trên, nhưng hiện nay, cuộc sống của người dân thôn Ba Bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ UBND xã Bình Sơn, để lên được với thôn Ba Bào phải đi khoảng hơn 15 km, nhưng đường đi không dễ đi chút nào. Nhiều đoạn đường do bị xe công nông chuyên chở lâm sản “cày nát”, gây khó khăn cho đi lại, đặc biệt vào ngày mưa. Theo ông Nguyễn Văn Sơn- Trưởng thôn Ba Bào, những con đường trong thôn đều do bà con tự mình san lấp, mở rộng. Những ngày mưa gió, đường bị ngập bà con rơi vào tình thế “ngăn sông, cấm chợ”, các em học sinh không thể tới trường, đó là mối bận tâm lớn của 170 người dân thôn Ba Bào.

 Năm 2004, bà con thôn Ba Bào đã được tiếp cận với nguồn điện. Trước đó, bà con vẫn dùng đèn dầu, nến để sinh hoạt. Cứ ngỡ cuộc sống đã được cải thiện sau khi có điện, nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy vì “có điện cũng như không”. Ban ngày, họa hoằn lắm  mới có điện nhưng cũng chập chờn, có khi vừa bật lên lại tắt ngay. Một số hộ sắm ti vi, nồi cơm điện, quạt nhưng cũng đành “xếp xó” phần vì không có điện để dùng, phần vì điện không ổn định nên gây ra cháy, chập. Những vật dụng không thể thiếu trong nhà của 40 hộ gia đình trong thôn là chiếc đèn dầu, đèn pha, bộ nạp ắc quy và nến. Bữa cơm chiều của bà con thường được ăn sớm hơn để tranh thủ ánh sáng ngoài trời, nếu không đành phải ăn cơm “tranh tối, tranh sáng” dưới ánh nến hoặc đèn. Các em học sinh thường tranh thủ học bài vào ban ngày, sau đó phụ giúp bố mẹ làm việc. Đến khoảng 1- 2 giờ sáng, điện mới có hoặc ổn định hơn, lúc này bà con trở dậy, tranh thủ bơm nước sinh hoạt, nạp điện thoại, nạp ắc quy, các em học sinh lớn hơn thì bắt đầu học bài. Khoảng đến 3 giờ điện lại bị ngắt. Sự bất ổn định của điện đã khiến cuộc sống của bà con bị xáo trộn. Câu nói vui “Ăn cơm bằng đèn, đi ngủ bằng điện” đã thể hiện được phần nào khó khăn trong sinh hoạt của bà con thôn Ba Bào.

 Bài ca đường, điện…

Theo phản ánh của người dân, năm 2003, khi điện về với thôn thì người dân đã chủ động mua dây điện, đóng cột và hàng năm đóng góp đầy đủ các khoản thu, nhưng điện vẫn cứ “chớp nhoáng” ngay giữa ban ngày. “Đường đã kém nay điện lại yếu, thử hỏi làm sao dân trí ở đây không thấp”. Một người dân bức xúc nói.

Ông Ngân Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn chia sẻ: Bình Sơn là một xã nghèo của huyện Triệu Sơn. Tính đến năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo là 57%. Mặc dù đã được hưởng khá nhiều hỗ trợ từ chương trình 135, 167, Nghị định 30a của Chính phủ, chính quyền xã cũng đã hết sức tạo mọi điều kiện để đầu tư nhưng hệ thống điện, đường, trường, trạm, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là khó khăn chung của 4 xã miền núi thuộc huyện Triệu Sơn. “Số vốn đầu tư không thấm vào đâu so với những khó khăn mà địa phương đang gặp phải!”, chính những khó khăn trong hệ thống đường giao thông và hệ thống điện đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt, phát triển kinh tế cũng như phong trào và thành tích học tập của các em học sinh.

Nhiều ti vi, nồi cơm điện bị chập, cháy hoặc “xếp xó”

Lấy ví dụ điển hình đó là giá trị cây luồng, nếu  đường giao thông thuận lợi, xe ô tô có thể vào được tận nơi, bà con không phải bỏ tiền thuê người bốc vác luồng ra xe, không bị đầu cai ép giá thì giá luồng sẽ được đảm bảo, đem lại lợi nhuận cao cho bà con. Các em học sinh sẽ không còn cảnh “nắm cơm đi học”. Theo như chia sẻ của bà con, hiện nay, con em trong thôn đi học thường mang cơm theo ăn trưa, vì đường về nhà xa và quá khó.

Hiện xã chỉ có 2 trạm điện với công suất 100KW không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trên toàn xã. Nhiều hộ gia đình  của thôn Ba Bào nằm cách trạm điện tới 5.000m nên việc điện không ổn định cũng là điều dễ hiểu. Hệ thống dây tải điện do được lắp đặt gần 10 năm nên đến nay đã xuống cấp và hiện chưa có điều kiện nâng cấp dù đã bàn giao cho lưới điện quốc gia. Có thời gian, điện không dùng được, bà con không bơm được nước để sinh hoạt phải dùng nước giếng, không xay xát được gạo để ăn. Các em học sinh cố gắng lắm mới hoàn thành được bài vở của mình.Tuy nhiên, do điều kiện ánh sáng không được đảm bảo nên nhiều em học sinh có nguy cơ mắc các bệnh về mắt, chất lượng học tập cũng chưa cao.

Chia tay thôn Ba Bào, hình ảnh khiến chúng tôi phải băn khoăn nhiều nhất đó là chiếc ti vi bị mạng nhện giăng kín do lâu ngày không dùng tới và mâm cơm trong ánh đèn dầu phập phù. Hi vọng, bằng những chính sách và sự quan tâm của Đảng và chính phủ, đời sống của bà con thôn Ba Bào nói riêng và các thôn bản vùng sâu, vùng xa nói chung sẽ dần được cải thiện, để không còn cảnh bà con tranh thủ bơm nước, xay gạo vào lúc 3 giờ sáng.

Lưu An