Thợ xây nước ngoài tại Nga. Ảnh: ng.ru

QĐND Online-Người Việt sang Nga làm nghề xây dựng ngày một đông. Phần lớn họ đến từ các vùng nông thôn miền Bắc và miền Trung. Cuộc sống nghèo khó ở quê nhà không nuôi nổi gia đình nên dù trong tay không chút nghề “cầm bay”, nhiều người vẫn quyết vay cho được vài chục triệu để được một chuyến sang Nga “đổi đời".

Lang bạt nơi xứ người

Hành trình sang Nga của những người làm nghề xây dựng này đa phần là qua các công ty môi giới xây dựng. Như nhiều trường hợp xuất khẩu lao động khác, những công ty này hứa với người lao động sẽ lo đầy đủ cho họ giấy tờ, vé máy bay, việc làm trong 3 năm, chỗ ăn ở và mức lương từ 400 đến 700 USD/tháng (có bao ăn) và một câu hẹn “sắp bay”. Bù lại, người lao động sẽ phải trả cho công ty trước khi đi 2000 – 2700 USD.

Vì là công ty liên kết với Nga nên hợp đồng lao động cũng được viết bằng tiếng Nga. Với những người lao động từ nông thôn lên, làm sao họ có thể hiểu nội dung bản hợp đồng mình phải ký là gì? Nghĩ đến 400 USD/tháng - mức lương họ chưa từng mơ khi làm lụng vất vả ở nông thôn, thì khoản tiền chừng 2000 USD vay mượn trước lúc đi “chắc sẽ sớm bù lại được”. Nhưng thực tế ra sao?

Anh Sơn (quê Thái Bình) là một trong rất nhiều người sang Nga làm nghề xây dựng qua công ty môi giới ở phố Đốc Ngữ (Hà Nội). Số phận bấp bênh của anh Sơn và một vài công nhân khác như anh Phong, anh Nhạc (quê Hà Tĩnh), anh Hội (quê Thái Bình) đã phản ánh đúng thực tế cuộc sống của đại đa số người đi xuất khẩu xây dựng sang Nga.

Trước khi sang Nga, anh Sơn đã từng làm nhiều nghề kiếm sống, mong tích cóp mở quán rượu, nhưng không thành. Nghe lời rủ của một người bạn cùng làng, số tiền anh dành dụm để kinh doanh bấy lâu đều đổ vào chuyến đi xuất khẩu lao động này. Sau khi ký hợp đồng, ông giám đốc của công ty môi giới này thông báo: “Vài ngày nữa em sẽ bay”. Anh Sơn thấp thỏm mong chờ chuyến đi. Ba ngày sau thì anh và những người cùng đoàn phải lên đường sang xứ sở bạch dương bằng tàu hoả. Chín ngày chín đêm trên tàu, ăn uống kham khổ là hành trình đầu tiên các anh trải qua.

Thành phố các anh dừng chân là Vla-di-vô-xtốc. Khi ấy là tháng ba, mùa đông lạnh giá kéo dài tưởng chừng không bao giờ kết thúc. “Ba năm có việc làm” đâu không thấy, cả tháng đầu tiên không có việc, chỗ ở tạm bợ, các anh không được trả một đồng nào mà phải tự trang trải lấy cuộc sống. Những tháng sau việc khi có, khi không. Mỗi giờ làm việc công nhân được trả 33 rúp/h. Giả sử một ngày công 8 tiếng, công việc có liên tục 30 ngày trong tháng thì mức lương tối thiểu 400 USD là không hiện thực (7920 rúp – khoảng 300 USD). Và điều đáng nói là những ông chủ xây dựng này không trả lương cho các anh theo tháng mà khất lần, hay may ra, thi thoảng đưa cho họ vài ngàn rúp tiền ăn. Ngoài ra, các ông chủ còn nghĩ ra những khoản phạt nghiêm khắc để trừ tiền công nhân như làm mất vệ sinh chung (2 lần vi phạm phạt 1000 rúp - khoảng 40 USD).

Sống và làm việc nơi xứ người, những người lao động này không được trang bị ngoại ngữ trước khi đi. Họ chỉ biết trông cậy vào người đã đưa họ sang đây. Nơi họ có thể tin tưởng, có thể bảo vệ họ thì trả lời: “Trông các anh, chị khôi ngô thế này mà bị người ta lừa thì còn đến đây kêu ai?” Và khi các ông giám đốc công ty không còn đủ khả năng lo cho họ như đã hứa, đặc biệt là không đóng được khẩu tạm trú tại địa phương cho người lao động, thì điều gì sẽ xảy ra?

Họ sẽ trở thành những người nhập cư bất hợp pháp, bất cứ lúc nào cũng có thể bị chính quyền sở tại trục xuất về nước. Hơn nữa, họ khó có cơ hội xin vào làm ở những công ty xây dựng khác do người Nga làm chủ bởi không có giấy tờ đầy đủ (hộ khẩu tạm trú hay giấy công nhận quyền lao động). Một số người trong số họ bỏ ra ngoài chợ xin làm thuê cho cộng đồng Việt. Một số khác có tay nghề cao, ông chủ người Việt đã đưa họ lên làm cho “chi nhánh công ty” ở thủ đô Mát-xcơ-va. Và lần này mức lương hứa hẹn cao gấp đôi: 66 rúp/h, chi phí đi lại từ Vla-di-vô-xtốc đến Mát-xcơ-va do ông chủ “bao”. Những người ở lại thì khốn đốn và chịu cảnh sống bấp bênh.

Rủi ro vẫn hoàn rủi ro

Anh Sơn và một số thợ xây quê Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh quyết “liều” đến Mát-xcơ-va tìm cơ hội. 600 USD tiền đóng hộ khẩu tạm trú cho một năm ở Vla-di-vô-xtốc xa xôi, những người lao động này cũng chỉ sử dụng trong ba tháng. Công việc ở “chi nhánh công ty” này cũng chẳng có gì khá hơn. Gần một tháng, 9 con người lại an nhàn trong căn phòng 9 mét vuông giữa cái thế giới chi tiêu đắt đỏ nhất này.
Luật xuất khẩu lao động Việt Nam số 72/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 quy định: Doanh nghiệp dịch vụ thoả thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài; Trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Người lao động được doanh nghiệp đưa đi lao động ở nước ngoài phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp; Chỉ được đưa người lao động đi làm việc tại các công trình, dự án mà các doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài; Có phương án sử dụng và quản lý người lao động ở nước ngoài; Có phương án tài chính đưa người lao động về nước trong trường hợp bất khả kháng. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2007.

Họ quyết định bỏ ra ngoài đi tìm việc. Không tìm tới các công ty môi giới Việt Nam nữa, bởi họ hiểu điều gì sẽ đến với họ nếu lại tiếp tục làm việc cho những ông chủ như vậy. Họ đã gọi các ông chủ này bằng cụm từ “bán lương tâm, mua lương thực”. Anh Sơn và các bạn cùng đoàn may mắn được nhận vào làm ở một công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ. Các anh là thợ có tay nghề và cần cù lao động, vì thế được ông chủ mới đối xử tốt.

Tất nhiên, làm công việc lao động chân tay như những người thợ xây này nơi đất khách, thì tiền lương không thể hoàn toàn xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Ở đây không có “công đoàn” để bảo vệ mọi quyền lợi cho người lao động. Hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp và thiếu giấy tờ cần thiết đã buộc họ phải tiếp tục duy trì công việc dù không hề thỏa ý.

Xây dựng là một nghề nguy hiểm và vất vả, nay đây mai đó. Trường hợp công nhân xây dựng Việt Nam ngã từ giàn giáo xuống đất tử nạn không phải không xảy ra. Anh Phong và anh Nhạc (cùng quê Hà Tĩnh) là những người không may như vậy. Các anh gặp nạn khi đang làm việc trên giàn giáo tầng 9 một khu chung cư. Anh Hội (quê Thái Bình) thì bị thương nặng. Nằm viện, nghỉ làm cả tháng trời không lương, không được sự quan tâm hỏi thăm nào của người chủ, anh phải tự chi trả viện phí, thuốc men. Rơi vào hoàn cảnh như vậy anh thấy số phận con người thật mong manh làm sao.

Có vẻ như trong hợp đồng không có điều khoản nào nói về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công nhân gặp tai nạn lao động. Các công ty này là công ty tư nhân, thậm chí không có trụ sở cố định nào trên đất Nga. Thiệt thòi chỉ thuộc về những người lao động mà thôi.

Hiện nay thợ xây dựng Việt Nam tại Nga không chỉ có ở Mát-xcơ-va, mà ở nhiều tỉnh khác. Không đóng được khẩu tạm trú và công việc không ổn định là tình trạng chung ở nhiều nơi. Hàng năm con số này vẫn tăng lên, người mới vẫn đến, còn người đang ở thì vất vả, khốn đốn với công việc và cuộc sống nơi đây.

Nguyễn Nga