Kỳ 3: Cài người
Tháng 3-1965, những đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ hùng hổ đổ bộ vào Đà Nẵng. Cuộc xâm lược trực tiếp của người Mỹ vào Việt Nam bắt đầu.
Đà Nẵng trở thành căn cứ quân sự hỗn hợp khổng lồ của Mỹ-ngụy.
Đứng đầu bộ máy quân sự của chính quyền Sài Gòn ở miền Trung là Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1-Vùng 1 chiến thuật.
Trung ương thấy cần thiết phải nắm được hoạt động của tên này, để từ đó biết được âm mưu, thủ đoạn và các kế hoạch tác chiến của Mỹ-ngụy ở vùng đất nóng bỏng.
Hoàng Xuân Lãm có một thư ký mang hàm trung tá tên là Nguyễn Văn Lý. Tay này hồi chống Pháp là bộ đội ta, nhưng không chịu được gian khổ nên về thành phố đầu hàng địch. Y có 3 người anh, hai người là kỹ sư, một là bác sĩ, đều là cán bộ cách mạng đã tập kết ra Bắc.
Nguyễn Văn Lý có một người cậu ruột tên là Phan Kỳ, gốc người Huế, là nhà tư sản có tiếng ở Đà Nẵng thời bấy giờ, chủ hai hiệu vàng ở đường Trần Hưng Đạo (nay là đường Nguyễn Thái Học). Ông Phan Kỳ là người đỡ đầu cho Lý về tiền bạc và gia đình nên Lý xem ông như là người cha của mình. Như vậy, muốn nắm được những hành động của Hoàng Xuân Lãm, phải “đột nhập” qua con đường ông Phan Kỳ.
 |
Vợ chồng ông Phan Kỳ. Ảnh gia đình cung cấp |
Trường hợp Phan Kỳ đã được Trần Phong và cơ quan tình báo chiến lược của ta nghiên cứu rất kỹ. Cho nên khi Trần Phong điện ra Bắc, cấp trên của anh đồng ý ngay phương án đó.
Vấn đề bây giờ chọn ai để đột nhập? Con người đó, trước hết phải đạt 3 tiêu chuẩn: Người Huế, thành phần trí thức, hình thức tương đối sáng sủa và phải có năng lực. Sau một thời gian, Trần Phong đề xuất với bộ phận Tuyển chọn một người: Đó là NQ, người Huế, đã có vợ và 2 con tập kết ngoài Bắc, vốn là cầu thủ của đội bóng đá nổi tiếng. NQ từng là đồng đội với Lý, cả hai cùng chơi với nhau trong đội bóng của Bộ tham mưu Quân khu 5 thời chống Pháp.
Sau khi đã được tuyển chọn, NQ được huấn luyện nghiệp vụ tình báo một năm. Năm 1966, với giấy tờ và căn cước giả, NQ đã được đội tàu 128 của tình báo quân sự đưa vào bến Bạch Đằng (Đà Nẵng).
Cần phải đưa NQ về Gò Nổi để tiếp tục huấn luyện, chờ thời cơ để anh tiếp xúc với Phan Kỳ. Nhưng ai xuống đón NQ? Đường từ Đà Nẵng về Gò Nổi phải qua một trạm kiểm soát của địch, chỉ sơ suất một chút là chúng bắt ngay. NQ có dáng một trí thức, trắng trẻo, không thể đóng vai nông dân được. Như vậy, không thể đưa cán bộ hoặc các nữ giao thông xuống liên lạc. Tính đi tính lại, Trần Phong quyết định tốt nhất là chọn một cụ già có dáng nhà nho là hợp lý nhất. Người đó là ông Xã Hoàng. Anh đến gặp ông, ướm hỏi:
- Bác à, bây giờ cháu nhờ bác xuống Đà Nẵng một chuyến có được không?
- Được chớ sao không!
- Cháu nhờ bác đón một cán bộ của ta mới ở Bắc vô, bác làm được chứ?
- Được! Nhưng hai người chưa biết nhau, làm sao nhận mặt?
Trần Phong cho ông Xã Hoàng biết tín hiệu nhận nhau, mật khẩu trao đổi và các động tác cần thực hiện khi xuống đón NQ. Đêm đó, khi mọi người ngủ hết, hai bác cháu tập đi tập lại tình huống đi đón cán bộ. Vài ngày sau thấy Xã Hoàng vào vai rất đạt, Trần Phong mới cho ông xuống Đà Nẵng.
Từ Gò Nổi đi Đà Nẵng đối với ông Xã Hoàng là chuyện dễ dàng, bởi ông đã có giấy tờ tùy thân đầy đủ. Bọn địch không thể ngờ rằng, một ông già gần 80 tuổi lại làm việc cho “tình báo Việt cộng”. 9 giờ sáng, Xã Hoàng áo đóng khăn xếp, tay cầm ô ra chỗ hẹn. NQ thấy một cụ già lọm khọm cứ bán tín bán nghi, nhưng mọi ám hiệu bắt liên lạc đều đúng với quy ước. Anh tiến đến hỏi:
- Bác ơi, từ đây ra chợ Đống Đa có xa không?
Nhận đúng mật khẩu, Xã Hoàng trả lời đủng đỉnh:
- Thì vào chợ Hàn mà mua chứ đi đâu cho xa!
Hai bác cháu nhận ra nhau, mừng rỡ. Ông Xã Hoàng đón xe cùng NQ trở về Gò Nổi. Đến trạm kiểm soát, khi bọn lính gác khám xét và hỏi giấy tờ, Xã Hoàng chỉ vào NQ nói với bọn chúng: “Đây là con trai tao, giấy tờ đầy đủ cả đấy!”. Bọn lính kiểm tra một hồi nhưng không phát hiện được điều gì nghi vấn, mặc dù căn cước của NQ được làm giả từ ngoài Bắc. Hai bác cháu về căn cứ an toàn.
Ở Gò Nổi, Trần Phong cung cấp cho NQ đầy đủ về gia cảnh của ông Phan Kỳ, về sự biến động của xã hội Đà Nẵng sau 12 năm anh tập kết ra Bắc. Anh cũng nói rõ cho NQ biết những gian khổ, hiểm nguy đang chờ ở phía trước, nhất là hoạt động ở trong một thành phố đầy sắc lính và bọn mật vụ.
Trở lại Đà Nẵng, NQ tìm đến số nhà 29 đường Trần Hưng Đạo (nay là đường Nguyễn Thái Học) ở sát chợ Hàn. Đó là hiệu vàng Tâm Thành nổi tiếng. Vào tiệm, sau khi hỏi thăm chuyện giá cả vàng bạc, chuyện làm ăn buôn bán, NQ đề nghị gặp riêng ông Phan Kỳ. Ông chủ, một trung niên có dáng người tầm thước, khuôn mặt chữ điền cương nghị vui vẻ mời anh lên gác. Sau khi hỏi thăm gia đình và nhận nhau là đồng hương Huế, NQ nói:
- Cháu mới ở Sài Gòn ra. Trong đó lộn xộn lắm, nên muốn ở lại Đà Nẵng làm ăn. Hồi đi học, cháu có quen với 3 cháu của bác… Mấy anh sau này tập kết ra Bắc…
Ngừng một lúc, thấy Phan Kỳ vẫn tỏ thái độ đàng hoàng không chút sợ hãi, NQ nói tiếp:
- Bác có thư mấy anh gửi cho đây. Thư các anh gửi vào Sài Gòn nhờ cháu chuyển cho bác.
Phan Kỳ mừng rỡ nhận mấy bức thư và mời NQ ở lại chơi vài hôm.
Vợ chồng Phan Kỳ có 4 người con. Đứa con trai lớn khoảng 13 tuổi, bị liệt một chân từ nhỏ nhưng rất nghịch ngợm. Thấy NQ là người trung thực, tin cậy, học hành nhiều, lại có ý muốn làm ăn ở Đà Nẵng, ông Phan Kỳ gợi ý: hay là anh ở lại đây, tạm thời quản lý và kèm cho mấy đứa nhỏ học hành. Công xá thì ông bảo đảm chu tất. Chưa trả lời ngay, NQ về Gò Nổi báo cáo với Trần Phong và 3 ngày sau xách đồ đạc về ở với Phan Kỳ.
Ở được một thời gian, NQ báo cáo với Trần Phong là ông Phan Kỳ rất tốt, có cảm tình với cách mạng, đề nghị cho phát triển thành cơ sở. Trần Phong nhận định, nếu gây dựng được cơ sở này thì rất thuận lợi cho ta trong việc nắm tình hình địch. Trần Phong báo cáo ra Hà Nội. Trung ương chấp thuận phương án của Trần Phong và chỉ thị cần điều tra, nghiên cứu thật kỹ và từng bước hướng Phan Kỳ hoạt động cho ta.
Sau khi đã gây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, trong một lần hai người ngồi uống nước đàm đạo thời cuộc, NQ giả bộ vô tình nói lộ ra mình là người có liên hệ với cách mạng để thăm dò thái độ của Phan Kỳ. Thấy ông vẫn điềm nhiên uống nước mà không biểu hiện sắc thái gì, mấy ngày sau NQ cho Phan Kỳ biết rằng, anh muốn đưa ông về căn cứ để gặp cấp trên. Không ngờ, ông Phan Kỳ đồng ý ngay.
Tại Gò Nổi, Trần Phong mời cả đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến làm việc với Phan Kỳ. Đồng chí Bí thư nói cho Phan Kỳ hay về tình hình Mặt trận dân tộc thống nhất, về nhiệm vụ cách mạng do Đảng lãnh đạo. Phan Kỳ rất phấn chấn. Sau đó, Trần Phong nói với Phan Kỳ:
- Bây giờ, chúng tôi giao cho anh một cán bộ, cụ thể công việc như thế nào thì anh ấy sẽ nói với anh. Rất mong anh giúp đỡ chúng tôi.
Phan Kỳ lưỡng lự một hồi lâu rồi nói:
- Tôi nhận với các anh việc này xem như đặt một quả bom nổ chậm trong nhà. Nhưng không sao, vì tôi tin Cụ Hồ. Tôi chỉ thắc mắc một điều: Tôi là nhà tư sản, mà ngoài Bắc xem tư sản là thành phần phức tạp, phải cải tạo. Tại sao các anh lại tin tôi?
Trần Phong cười:
- Ở Đà Nẵng có cả trăm nhà tư sản, nhưng tại sao chúng tôi tìm đến anh? Chúng tôi nắm chắc tình hình Đà Nẵng, biết ai tốt, ai xấu. Tin anh, chúng tôi mới đưa anh về Gò Nổi, vì đây là căn cứ bí mật. Chúng tôi hứa sẽ không phụ lòng tin của anh.
Lời hứa đó Trần Phong giữ mãi cho đến bây giờ.
Khi Phan Kỳ đã là cơ sở của Cụm tình báo miền Trung, ông trở thành người bảo vệ cho NQ hoạt động. Vào một ngày đầu năm 1967, Phan Kỳ cho gọi Nguyễn Văn Lý, thư ký của Hoàng Xuân Lãm đến. Phan Kỳ nói với Lý:
- Này, cháu có người ngoài Bắc vào thăm đó.
Lý sửng sốt:
- Thưa cậu, ai đó ạ?
Phan Kỳ gọi NQ xuống. Hai người bạn thân lâu ngày gặp lại, ôm nhau mừng rỡ. Họ cuống quýt ôn lại chuyện xưa, kể lại những trận đấu bóng đá hào hứng khi cả hai cùng trong một màu áo của đội Bộ tham mưu Quân khu 5 mà quên mất giờ đây hai người ở hai chiến tuyến khác nhau. Thật ra, trong con người của Lý vẫn còn một chút tình cảm với những đồng đội xưa, những người đã từng sống hết mình vì nhau trong những ngày kháng chiến chống Pháp. Chỉ vì ngại gian khổ, hy sinh mà anh ta trở về thành phố tìm kiếm chỗ an nhàn dung thân.
Dần dần, biết NQ là người của cách mạng, Nguyễn Văn Lý đã sẵn sàng hợp tác. Mặc dù chưa phải là cơ sở của ta, nhưng Lý cũng đã cung cấp cho NQ nhiều tin tức quan trọng như Trung tướng Hoàng Xuân Lãm và Bộ tư lệnh Quân đoàn 1-Vùng 1 chiến thuật điều động lực lượng ra sao, sẽ mở chiến dịch nào… Những tin tức đó được Trần Phong chuyển ngay cho cấp trên và được đánh giá là những tin tức tình báo tốt, giúp ích nhiều cho cách mạng.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Quân Giải phóng, Nguyễn Văn Lý được thăng hàm đại tá và chuyển vào làm thanh tra Vùng 3 chiến thuật. Tình thế bắt buộc Tình báo miền Trung đề nghị cấp trên chuyển NQ vào theo luôn. Ông Phan Kỳ lại giúp NQ mua nhà, làm giấy tờ và việc làm ở Sài Gòn. Năm 1969, vì bị lộ nên ông Phan Kỳ bị bắt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chính quyền Sài Gòn đưa ông ra giam tại nhà tù Côn Đảo, ở cùng với một số chiến sĩ tình báo cách mạng. Bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng ông một mực khẳng định mình là người làm ăn, không khai báo bất cứ điều gì. Năm 1973, nhờ gia đình dùng tiền lo lót, ông Phan Kỳ được thả tự do…
(Còn nữa)
Kỳ sau: Đột nhập
Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Cụm tình báo miền Trung (phần 1)
Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Cụm tình báo miền Trung (phần 2)
Hồng Sơn