Nhận lệnh của tòa soạn đi công tác ở quần đảo Trường Sa, tôi hồi hộp, thao thức suốt đêm trước ngày khởi hành. Và rồi, những tên đảo: Sinh Tồn, Nam Yết, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Phan Vinh... không còn là tưởng tượng với nỗi ám ảnh da diết trong mơ ước bấy lâu nay của tôi nữa. Được đặt chân lên đảo càng thêm yêu Tổ quốc mình, tự hào về một thuở tổ tiên đi mở cõi và khâm phục ý chí, nghị lực, tấm lòng kiên trung của những người lính giữ biển hôm nay...
Tổ tiên ta, một thuở...
 |
Kéo cờ Tổ quốc tại đảo Phan Vinh.
|
Đi theo đoàn công tác của Đoàn Trường Sa lần này ở tuyến giữa có 9 nhà báo ở Trung ương, địa phương và hai cán bộ tuyên giáo của tỉnh ủy Ninh Thuận. Hành trình kéo dài hơn ba tuần, trong đó ở các đảo chỉ khoảng 10 ngày. Thời gian trên tàu khá dài và là cơ hội để chúng tôi tranh thủ chia sẻ những hiểu biết của mình về quần đảo Trường Sa.
Nhà báo Xuân Trường ở Thông tấn xã Việt Nam tự hào vì là phóng viên duy nhất trong đoàn đã được đến Trường Sa cách đây 12 năm. Chuẩn bị cho chuyến đi này, anh đã sưu tầm được khá nhiều tư liệu lịch sử về biển đảo của Tổ quốc. Viện dẫn từ các tư liệu này, anh khẳng định:
- Trường Sa còn có tên gọi khác là Spratley, đôi khi còn được gọi là “quần đảo bão tố” vì khu vực này là nơi sinh ra các cơn bão ở Biển Đông. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm diện tích khoảng 160 đến 180 nghìn ki-lô-mét vuông. Trong số này có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng hơn 40 vạn ki-lô-mét vuông. Quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược về quân sự, kinh tế, giao thông... đối với nước ta.
Theo các tư liệu lịch sử và nhiều vật chứng thuyết phục lưu truyền đến ngày nay thì quần đảo Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Trong bản đồ xứ Đàng Trong do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 và “Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ khoảng năm 1838 thì “Bãi Cát Vàng” Hoàng Sa, vạn lý Trường Sa đều được thể hiện là lãnh thổ Việt Nam.
Lê Quý Đôn trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776 đã ghi: “Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vinh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, phía ngoài đó có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến”. Địa điểm Lê Quý Đôn nói là quần đảo Trường Sa ngày nay.
Trong “Bản đồ Biển Đông” của anh em Van-lang-ren người Hà Lan in năm 1595 và trong bản đồ Méc-ca-to in năm 1693 đã vẽ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thành một dải liền nhau hình lá cờ đuôi nheo nằm sát bờ biển miền Trung Việt Nam.
Kết quả khảo sát, điều tra về quần đảo Trường Sa được ghi chép tỉ mỉ trong các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết năm 1821, “Việt sử cương giám khảo lược” năm 1876, “Hoàng Việt dư địa chí” năm 1883, “Đại Nam thực lục tiền biên” viết năm 1884 ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông cha ta cách đây hơn 2 thế kỉ trùng hợp với các số liệu trong các tài liệu khảo sát hàng hải hiện đại ngày nay.
Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên liên tục hàng thế kỉ và tiến hành khảo sát, đo đạc, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo, trên thực tế cũng như về mặt pháp lý, Nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi nó chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Đến Trường Sa, giữa biển trời mênh mông, chúng tôi như vẫn còn cảm thấy hình bóng một thuở cha ông đi mở cõi. Những “đội Hoàng Sa”, “đội Bắc Hải” trên các thuyền gỗ đơn sơ vượt sóng ra đảo khai thác hải sản và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ngày nào...
“Bia thơ” ở Trường Sa
 |
Lễ thả hoa tưởng nhớ các liệt sĩ hi sinh tại khu vực đảo Cô Lin-Gạc Ma.
|
Đồng hành trong chuyến đi cùng chúng tôi, Đại úy Nguyễn Minh Lành, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 14 còn cho biết một chi tiết thú vị, đó là: Ở đảo Đá Tây có “bia thơ” khắc bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt. Trong hải trình của đoàn không đến đảo Đá Tây nên chúng tôi hết sức tiếc nuối vì mất cơ hội được chiêm ngưỡng di vật này. Tuy vậy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và tàu có dịp đến Đá Tây đều khẳng định ở đó có “bia thơ” thật. Đại úy Phạm Bá Bằng, nguyên Chính trị viên đảo Tốc Tan, đã từng có hơn một năm công tác ở đảo Đá Tây kể:
-“Bia thơ” được đặt ở Khu hậu cần nghề cá của đảo. Khu hậu cần này thuộc Tổng công ty hải sản Biển Đông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bài thơ này được khắc trên đá, phía trước có bát hương, bệ bia khắc hình trống đồng...
Nói rồi, Bằng dõng dạc đọc to bài thơ này:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Giữa vùng biển trời bao la của Tổ quốc nghe anh Bằng đọc bài thơ dẫu rất quen thuộc này, mọi người đều xúc động, tự hào. Phóng viên Châu Vĩnh Lương ở Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng, một “cây văn nghệ” của đoàn báo chí, đứng bật dậy, say sưa ngâm lại bài thơ với chất giọng đầy kiêu hãnh, hào sảng.
Một điều rất xúc động nữa trong chuyến đi này là chúng tôi được tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và thả hoa trên biển, được đến thắp hương trên mộ hoặc di ảnh, bia các liệt sĩ trên một số đảo. Có nhiều câu chuyện xúc động về sự hi sinh của những người lính giữ biển. Đó là 64 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và hi sinh trong khu vực đảo Cô Lin-Gạc Ma trong sự kiện bi hùng ngày 14-3-1988. Đó là tấm gương hi sinh khi đang làm nhiệm vụ trên khu vực đảo Đá Đông của chiến sĩ Nguyễn Đăng Hùng. Hiện nay, người liệt sĩ tuổi 20 này đang an nghỉ tại khu mộ ở đảo Nam Yết. Ở đảo Tốc Tan B cũng có bia tưởng niệm ghi tên 4 liệt sĩ đã hi sinh ngày 27-11-1988. Họ đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi...
Cùng đoàn công tác ra viếng mộ liệt sĩ Nguyễn Đăng Hùng ở đảo Nam Yết ngày 28-1-2010 có Thượng tá, bác sĩ Đoàn Mạnh Tân, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Y học hải quân. Ông đứng thật lâu trước mộ. 22 năm trước cũng tầm tuổi như liệt sĩ Hùng, ông đã có mặt tại chính đảo Nam Yết này. Ông kể:
- Hồi ấy ở ngoài đảo còn vô vàn khó khăn nhưng anh em vẫn lạc quan và xác định nhiệm vụ rất tốt. Có một đoạn thơ mà đến nay tôi vẫn nhớ, đã diễn tả hoàn cảnh lúc đó:
“Rau đã thiếu, nước thời cũng thiếu
Chỉ một ca thôi cũng tắm đủ cả người
Ở nơi đây chỉ có biển và trời
Với cây súng giữ bình yên Tổ quốc”
Đi một vòng quanh đảo, Thượng tá Đoàn Mạnh Tân thốt lên: “Khác nhiều quá!”. Hệ thống ánh sáng với hàng trăm cột đèn và hàng chục trụ quạt gió nằm trong dự án chiếu sáng và năng lượng sạch đang trong giai đoạn hoàn thiện. Sóng điện thoại đã phủ khắp quần đảo. Bể chứa nước ngọt và khu vực trồng rau xanh được quy hoạch bài bản, có khả năng bảo đảm lâu dài... Cuộc sống của những người lính trên đảo Nam Yết cũng như quân dân trên quần đảo Trường Sa đang thay đổi từng ngày...
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG TIẾN
Bài 2: Đảo tiền tiêu giữa trùng khơi