 |
Về viếng đồng đội ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh Đức Toàn |
(Tiếp theo và hết)
Chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh đã điều động một lực lượng lớn gồm 5 đại đội thanh niên xung phong, 3 đại đội chủ lực giao thông, 1 đội cầu, 1 đội xe cơ giới làm nhiệm vụ ứng cứu giải tỏa giao thông. Lực lượng chiến đấu gồm Trung đoàn pháo cao xạ 210 của Bộ, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh. Đội phá bom 110 thuộc Tổng đội 57, Đại đội 4, tiểu đoàn 30 công binh quân khu. Quân số khoảng trên 16.000 người. Đấy là chưa kể hàng vạn dân quân du kích và nhân dân các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc và các vùng chung quanh trọng điểm tham gia chiến đấu và bảo đảm hậu cần.
Cùng thời điểm đó, Ban chỉ huy giải tỏa điểm chốt Đồng Lộc được thành lập. Các tổ quan sát bom, cắm tiêu, rà phá bom, ứng cứu giao thông cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc được hình thành và bắt tay ngay vào công việc với mục tiêu thông tuyến, thông xe nhanh nhất".
Công việc giải tỏa điểm chốt được tiến hành khẩn trương, chạy đua với thời gian, với nhiều biện pháp đồng bộ tích cực như: vừa đánh máy bay, vừa phát hiện, rà phá bom, mìn, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, vừa phát triển mở rộng thêm các tuyến đường mới, đường vòng tránh.
Cuộc chiến đấu sinh tử tại trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc thể hiện bản lĩnh, ý chí vô song của con người Việt Nam, chiến tranh nhân dân Việt Nam đối chọi với nền kinh tế, quân sự hùng mạnh, sự tàn bạo và độc ác của đế quốc Mỹ. Chính ở đây đã xuất hiện hàng nghìn, hàng vạn tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của tất cả các tập thể và cá nhân thuộc các lực lượng vũ trang, các ban ngành đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi chiến sĩ, mỗi người dân trực tiếp chiến đấu ở đây là một người anh hùng.
Với tinh thần "Máu có thể đổ, đường không thể tắc", "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", các lực lượng chiến đấu ở trọng điểm Đồng Lộc đã tỏ rõ gan vàng dạ sắt, kiên cường trụ bám mặt đường suốt ngày và đêm, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, sáng tạo nhiều cách đánh để chiến đấu và chiến thắng.
Tiêu biểu cho lực lượng phòng không là Trung đoàn 210. Từ khi kéo pháo vào giải tỏa trọng điểm giao thông Đồng Lộc, Trung đoàn 210 đã chiến đấu rất kiên cường. Địch tăng thêm lực lượng vào chế áp trận địa phòng không. Cả khu vực Đồng Lộc rền vang tiếng súng và tiếng nổ của bom đạn. Bom từ trường, bom bi chồng lớp này đến lớp khác. Hầu hết các đại đội đều có thương vong. Theo kế hoạch đã hiệp đồng, dân quân các xã Mỹ Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc đến các trận địa tiếp đạn, cứu thương, giải quyết thương binh, tử sĩ và lo công tác hậu cần giúp các đơn vị. Tuy bị địch đánh vào trận địa nhưng các đơn vị vẫn phát huy được hỏa lực. Một mặt đã hạn chế một phần bom đạn rơi trúng mặt đường, tạo điều kiện cho các lực lượng phát hiện, rà phá bom, mìn san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, vừa phát triển mở rộng thêm các tuyến đường mới, đường vòng tránh. Mặt khác, đánh địch bảo vệ các đợt vận chuyển của bộ đội vận tải liên tục buộc máy bay địch không thể hạ thấp độ cao ném bom trúng mặt đường. Các đoàn xe vượt trọng điểm an toàn. Trong các ngày 15, 16, 17 tháng 6, số lượng hàng vượt qua Đồng Lộc bằng 33% kế hoạch cả tháng. Trung đoàn 210 ở Đồng Lộc đã cùng với lực lượng tại chỗ đã giải tỏa giao thông thông suốt, tăng lượng hàng vào tuyến trong. Hai tuần đầu chốt tại Ngã ba Đồng Lộc, Trung đoàn 210 đã bắn rơi 5 máy bay, 1 chiếc rơi tại chỗ. Có bộ đội pháo phòng không bảo vệ, thanh niên xung phong và bộ đội công binh phấn khởi yên tâm làm nhiệm vụ.
Cuộc chiến đấu để giữ cho tuyến đường thông suốt tại Ngã ba Đồng Lộc mỗi ngày một ác liệt hơn. Ngoài những trận đánh thường xuyên vào các đoàn xe, vào mặt đường và các lực lượng bảo đảm như công binh, thanh niên xung phong, không quân Mỹ tổ chức nhiều đợt đánh dồn dập vào các trận địa pháo phòng không. Bầu trời Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Ban đêm, máy bay Mỹ thả pháo sáng theo dõi hoạt động của ta trên mặt đất. Ban ngày máy bay Mỹ từng tốp, từng tốp lao xuống cất bom hoặc phóng rốc-két. Suốt 147 ngày đêm rất ít ngày Trung đoàn 210 không bị thương vong. Trong số 6 đại đội trưởng thì 5 người hy sinh. Từ tháng 6 đến tháng 10-1968, Trung đoàn 210 có 122 đồng chí hy sinh, 259 đồng chí bị thương. Phòng Kỹ thuật sư đoàn có nhiều tổ nhân viên kỹ thuật, thợ sửa chữa pháo, khí tài xuống các đơn vị sửa chữa, dồn lắp vũ khí để đơn vị có súng, pháo tốt. Những trận địa chốt ở Trung Lộc, Ngầm Bạng, Tùng Cốc, cầu Tối được củng cố lại. Nhân dân ba xã Mỹ Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc đã giúp trung đoàn xây dựng nhiều trận địa dự bị. Cán bộ, chiến sĩ được biên chế sắp xếp lại. Quân chủng Phòng không-Không quân kịp thời điều động, bổ sung, kết hợp với Trung đoàn 210 mạnh dạn đề bạt, cất nhắc những cán bộ có tinh thần chiến đấu dũng cảm đã qua thử thách, chiến đấu ác liệt giữ các cương vị từ khẩu đội trưởng đến đại đội trưởng. Công tác hậu cần bảo đảm đời sống cho bộ đội ngày càng được quan tâm chu đáo hơn. Nguồn thực phẩm tại chỗ nhất là rau xanh được nhân dân địa phương cung cấp.
Sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ phòng không còn có các lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội công binh, bộ đội vận tải, công an vũ trang, dân quân tự vệ, cán bộ chiến sĩ các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Họ cùng chịu đựng bom đạn và sự gian khổ hy sinh như bộ đội phòng không.
Sau mỗi đợt đánh phá của địch, tổ quan sát bom rơi từ trên đỉnh núi Moi lao xuống đánh dấu, cắm tiêu cho bộ đội công binh phá bom và thanh niên xung phong sửa đường. Tiêu biểu là đồng chí La Thị Tám, tiểu đội phó tự vệ, Đại đội 2 phòng giao thông huyện Can Lộc. Từ tháng 4 đến tháng 10-1968, địch ném bom dữ dội vị trí quan sát. Tuy 23 lần bị bom vùi, đồng chí La Thị Tám sau khi bới được đất vùng dậy lại tiếp tục làm nhiệm vụ, lần tìm đánh dấu đúng chỗ bom chưa nổ, tạo thuận lợi cho bộ đội công binh nhanh chóng phá sạch được bom, bảo đảm cho xe và người qua lại an toàn tại Ngã ba Đồng Lộc. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, La Thị Tám được Quốc hội và Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 22-12-1969. Đội phá bom 110 thuộc Tổng đội 57, đại đội 4, Tiểu đoàn 30 làm nòng cốt cùng với lực lượng công binh, dân quân đã kiên trì bám trụ ở những vùng trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc dùng các phương tiện máy phóng từ FB-5, DB 67, PE AR, T-480, T-311 kết hợp các dụng cụ thô sơ như khung dây, nam châm, tôn sắt, thuốc nổ, sáng tạo nhiều cách phá bom độc đáo mà đem lại hiệu suất cao, góp phần giải phóng giao thông, bảo đảm an toàn cho tuyến đường, tạo điều kiện cho lực lượng mở đường mở thêm đường tránh phá thế độc tuyến.
Lực lượng ứng cứu, giải tỏa đường luôn có mặt ở những nơi địch đánh phá ác liệt nhất để san lấp hố bom, chống lầy, bốc dỡ hàng hóa. Trong những trường hợp khẩn cấp, cần phải giải tỏa ngay mặt đường, anh chị em đã dũng cảm quên mình dùng tay, dùng máy ủi đẩy quả bom ra xa để thông đường cho xe qua.
Ngày 24-7-1968, không quân Mỹ tổ chức đánh liên tục 15 trận, ném 600 quả bom xuống Ngã ba Đồng Lộc. Đại đội 552 thuộc đội thanh niên xung phong N55 của Tổng đội thanh niên xung phong Hà Tĩnh được phân công trấn giữ trọng điểm quan trọng này. Tiểu đội 4, Đại đội 552 thanh niên xung phong do Võ Thị Tần chỉ huy đã liên tục san lấp các hố bom sau 11 trận đánh. Đến trận thứ 12, một quả bom rơi trúng hầm trú ẩn của tiểu đội mười cô gái do Võ Thị Tần chỉ huy. Cả tiểu đội đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hy sinh anh dũng của các cô gái đã để lại sự khâm phục, niềm tiếc thương vô hạn cho đồng đội, cho nhân dân cả nước, cũng như nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Khắc sâu chiến tích anh hùng vẻ vang đó, ngày 7-6-1972, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho mười nữ liệt sĩ thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước.
Các lực lượng công an, bưu điện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội cao xạ, công binh, thanh niên xung phong giao thông để tổ chức phân công, điều động xe cộ, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải. Những tấm gương cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam tiêu biểu như Nguyễn Tiến Tuẫn-tổ trưởng cảnh sát giao thông, Nguyễn Tri Ân-đại đội trưởng thanh niên xung phong, hai anh đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, tổ lái máy ủi Vương Xuân Lý, Bí thư chi bộ Võ Triều Trung, trạm thông tin liên lạc Nguyễn Thị Hiền…
Để bảo đảm giao thông vận tải trong chiến tranh, ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của các đơn vị chủ lực chuyên trách như lực lượng công binh, giao thông, thanh niên xung phong, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát động toàn dân Hà Tĩnh làm công tác giao thông vận tải, lấy dân quân tự vệ làm lực lượng xung kích nhằm giải quyết các yêu cầu về ứng cứu, giải tỏa giao thông tại chỗ, phục vụ các đơn vị chiến đấu, đảm bảo hậu cần.
Phong trào toàn dân làm công tác giao thông vận tải ở khu vực Ngã ba Đồng Lộc được phát động từ năm 1965. Tất cả mọi người dân trong các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc đến các xã chung quanh trọng điểm Đồng Lộc từ cụ già đến em bé đều tham gia góp sức vào công tác bảo đảm giao thông. Thấm nhuần sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”, với lời thề son sắt “Tim có thể ngừng đập, mạch máu giao thông quyết không ngừng chảy”, gia đình nào cũng chuẩn bị những dụng cụ lao động như xẻng, cuốc, dao, gồng gánh, bồ sọt, dự trữ sẵn những sọt đá, cọc tre, gỗ… để sẵn sàng ứng cứu mặt đường. Khi được huy động, hàng vạn người không quản ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng ra mặt đường làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh, chôn cất tử sĩ, xây dựng trận địa dự bị… phục vụ cho các lực lượng chiến đấu. Lòng yêu nước của nhân dân còn được phát huy cao độ với tinh thần "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "Nhường nhà để hàng, nhường làng để xe", nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn để làm kho tàng, sẵn sàng dỡ nhà để lấy gỗ lát đường chống lầy cho xe qua.
Trong 7 tháng kiên cường bám trụ, quân dân Đồng Lộc đã hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 19 máy bay Mỹ, phá hủy 1.780 quả bom nổ chậm, bom từ trường; huy động 97.240 ngày công để san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường và làm thêm tuyến đường mới dài gần 6km từ ngã ba Khiêm Ích qua Truông Kén đến Bãi Dĩa, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của đế quốc Mỹ hòng cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc-Nam qua Đồng Lộc.
40 năm đã trôi qua, lịch sử đã ghi nhận Ngã ba Đồng Lộc như một huyền thoại gần gũi, linh thiêng và sâu thẳm trong ký ức mỗi người dân Việt Nam. Từ nhiều năm trước, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã xây dựng Ngã ba Đồng Lộc thành một Khu di tích lịch sử hoành tráng với khuôn viên, tượng đài to đẹp. Hầu hết tên các liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ đều được khắc vào bia đá, đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà tưởng niệm của Ngã ba Đồng Lộc. Khách tham quan đến đây ngày một nhiều và đều có ấn tượng sâu sắc về Lực lượng thanh niên xung phong, đặc biệt về tấm gương hy sinh cao đẹp của 10 nữ thanh niên xung phong tiểu đội Võ Thị Tần.
Tuy nhiên, cần tiếp tục xây dựng, mở rộng khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, bảo tồn, tôn tạo một phần di tích, bổ sung thêm hiện vật, đổi mới nâng cao nội ngoại thất nhà trưng bày, bổ sung di tích, tạo thêm cơ sở vật chất phục vụ cho khách tham quan có điều kiện đến đây học tập, nghiên cứu và du lịch.
Tiếp tục tuyên truyền về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các ấn phẩm, phim ảnh… để phát huy giá trị lịch sử của di tích vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam, với khách nước ngoài.
Năm tháng qua đi, cuộc sống ở Ngã ba Đồng Lộc đã hồi sinh, nhưng Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc sẽ luôn sống mãi trong ký ức, trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc là một dấu son đỏ chói trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, là niềm tự hào to lớn của người Việt Nam, là niềm khâm phục sâu sắc của bạn bè thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta là phải ra sức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mỗi chúng ta hãy sống xứng đáng với những người đã khuất.
Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG
(Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Phần I- Thiên anh hùng ca bất diệt của đường lối chiến tranh nhân dân
Phần II- Thiên anh hùng ca bất diệt của đường lối chiến tranh nhân dân