Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải ở miền Bắc trong đó có Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một huyền thoại về trí tuệ và lòng dũng cảm vô song của con người Việt Nam thắng sức mạnh bạo tàn của vũ khí tối tân Mỹ. Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc chính là chiến thắng oanh liệt của đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam đã được kế thừa chắt lọc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Vị trí chiến lược

Tại sao Mỹ lại chọn Ngã ba Đồng Lộc làm nơi tập trung đánh phá với cường độ cao và ác liệt nhất, liên tục nhất, dài ngày nhất trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968?

Nhìn lên bản đồ Việt Nam hình chữ S, Quân khu 4 là vùng mà địch gọi là “cán xoong” dài và hẹp dễ bị chia cắt, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, là tiếp điểm của mặt trận phía trước và mặt trận phía sau. Hầu hết hàng hóa, vật chất chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến trường Lào và Cam-pu-chia đều phải qua địa bàn quân khu. Dải đất hình “cán xoong” này tập trung nhiều tuyến đường giao thông chiến lược quan trọng. Song song với đường số 1 là đường số 15 chạy qua các địa hình đồi núi xen kẽ rừng già trên dải Trường Sơn. Đây là hai con đường huyết mạch vận chuyển sức người, sức của của hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Điểm nối đường số 15 chính là Ngã ba Đồng Lộc. Đó là một vùng đất rộng chừng 0,6km2, nằm trong phạm vi của bốn xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm giữa đường số 15 và các tỉnh lộ: Lạc Thiện-Đồng Lộc; Khe Giao-Đồng Lộc; Ba Giang-Đồng Lộc. Từ đây có thể mở rộng ra các hướng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị cắt đứt. Nhưng đây là nơi có địa thế rất hiểm trở, núi cao bao bọc xung quanh. Phía Đông có núi Mòi. Phía Đông Nam có nũi Mũi Mác. Phía Tây Nam là núi Trọ Voi.

Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) dưới bom đạn hủy diệt của đế quốc Mỹ (Ảnh tư liệu)

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, trống trải, khó mở các đường tránh vì một bên là núi trọc, một bên là ruộng nước, sình lầy rất khó bố trí các trận địa pháo. Đây là tuyến đường độc đạo bám theo sườn núi thoai thoải, mặt đường như lòng máng. Bom Mỹ ném xuống bên nào cũng có thể lăn xuống mặt đường, gây cản trở ách tắc giao thông. Mùa khô đoạn đường này đầy bụi đỏ. Nắng nóng và gió Lào khiến cây cối xác xơ. Mùa mưa nước đọng, ngã ba trở thành một bãi lầy ngập ngụa bùn nước. Nếu bị đánh phá thì việc khắc phục hậu quả rất khó khăn.

Âm mưu, thủ đoạn đánh phá của Mỹ

Từ giữa năm 1965 đến đầu năm 1968, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh Mỹ vào tham chiến trên quy mô lớn ở miền Nam, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Nhà cầm quyền Mỹ hy vọng rằng: Chiến tranh phá hoại sẽ ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện sức người, sức của của miền Bắc cho miền Nam; sẽ bao vây, cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam; sẽ phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân miền Bắc; sẽ uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta.

Mặc dù tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân với nhiều thủ đoạn tàn bạo, nhà cầm quyền Mỹ vẫn không thể nào ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc với miền Nam. Các mục tiêu đề ra đều không đạt được, khiến nước Mỹ hao người, tốn của. Nhân dân Mỹ ngày càng chán ghét chiến tranh, bất bình với chính phủ, liên tiếp đấu tranh đòi chấm dứt can thiệp vào Việt Nam, rút quân Mỹ về nước. Trước tình thế đó, ngày 31-3-1968, Giônsơn buộc phải ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai và chấp nhận đàm phán với Chính phủ tại Pa-ri.

Trong thế bị động và buộc phải điều chỉnh chiến lược, Mỹ vẫn cay cú thực hiện âm mưu, thủ đoạn mới, bỏ diện đánh điểm bằng không quân, hải quân, tập trung toàn bộ máy bay, pháo hạm đánh vào dải đất hẹp “cán xoong” ở Quân khu 4, âm mưu chẹt “cuống họng” phía Bắc, cắt đứt tuyến chi viện vào chiến trường miền Nam. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Mỹ đã huy động 79.000 lần/chiếc máy bay ném bom các loại, 4.596 lần đánh phá của tàu tuần dương và tàu khu trục, trong chiến dịch gọi là “ném bom hạn chế” ở Khu 4.

Chúng tập trung đánh các đầu mối giao thông quan trọng. Khu vực bị đánh mạnh nhất là từ sông Lam (Nghệ An) đến nam sông Gianh (Quảng Bình). Địch đã tăng số trận ném bom lên gấp 20 lần. Trong đó chúng thường xuyên duy trì lực lượng không quân lớn, tập trung đánh phá cả ngày và đêm với cường độ cao, nhằm triệt cắt đường số 1 và đường số 15.

Trên tuyến đường số 1, chúng đánh từ cầu Nghèn đến ngã ba Giang, nhằm cắt đứt giao thông trên một cánh đồng trũng rất khó sửa chữa. Trên đường số 15, chúng đánh từ Linh Cảm đến Địa Lợi, trọng điểm là Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 20-4-1968, sau khi cầu Cổ Ngựa trên đường số 1 bị không quân Mỹ phá sập và phong tỏa ngày đêm, ta chuyển hướng vận chuyển trên đường 15 ở vùng rừng núi phía Tây của tỉnh thì Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu của tuyến giao thông vận tải Bắc-Nam, là nơi duy nhất cho con đường vận tải chiến lược đi qua và cũng là điểm nối giữa đường 15 với các đường liên tỉnh.

Nhận rõ vị trí quan trọng của Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã điều động lực lượng tập trung bảo vệ và đề nghị trên tăng cường thêm phương tiện, lực lượng, mở thêm một số đường mới để phá thế độc đạo khi đường 15 bị tắc. Trong lúc ta đang dồn sức để củng cố tuyến đường cũ, chuẩn bị mở thêm các tuyến đường mới thì địch cũng phát hiện ra thế hiểm yếu của Ngã ba Đồng Lộc-một trọng điểm có tính chất cửa ngõ của đường Hồ Chí Minh, tất cả hàng hóa từ Bắc vào Nam phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Đây là trọng điểm rất hiểm trên đường vận tải từ Bắc vào Nam nên địch tập trung đánh phá ác liệt ngay từ đầu chiến dịch “ném bom hạn chế”. Từ ngày 18 tháng 4 đến 31 tháng 5 năm 1968, địch đã đánh vào khu vực trọng điểm (Nghèn, Thượng Gia, Cổ Ngựa) 158 lần với 3.024 quả bom và 970 quả mìn từ trường.

Tính chung trong 7 tháng ném bom hạn chế, từ tháng 4 đến tháng 10-1968, chúng đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể các loại đạn rốc két, đạn 20mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 21 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần bay với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm nơi đây không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị cày lên, xới lại nhiều lần, hố bom chồng lên hố bom. Ban ngày chúng đánh chặn các lối ra vào ngã ba. Ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc-két, đạn 20mm nhằm tiêu diệt lực lượng ứng cứu đường của ta. Bằng mọi thủ đoạn, chúng muốn biến nơi đây thành hoang mạc, thành điểm chết.

Biểu tượng của đường lối chiến tranh nhân dân

Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của địch trong chiến lược chiến tranh cục bộ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm động viên lực lượng toàn dân kháng chiến, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ nói chung, chiến tranh phá hoại miền Bắc nói riêng.

Để bảo đảm yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, tháng 3 năm 1965, Trung ương Đảng ra nghị quyết 11 chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân, hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại hiện nay đến mật độ ác liệt gấp bội hoặc chuyển sang một cuộc chiến tranh cục bộ ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, ra sức động viên tinh thần của miền Bắc chi viện cho miền Nam…”.

Giao thông vận tải ngày càng trở thành một mặt trận ác liệt, nóng bỏng: bảo đảm giao thông vận tải là một nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, việc chỉ đạo công tác giao thông vận tải là chỉ đạo chiến đấu ở một chiến trường có tầm chiến lược. Tháng 10 năm 1965, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu chiến lược: “Đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 (12-1965) hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên lực lượng của cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam… Vấn đề mấu chốt là phải bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trên những chặng đường chiến lược quan trọng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải khắc phục mọi khó khăn để giữ vững những con đường chi viện cho miền Nam”.

Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trên mặt trận giao thông vận tải, Trung ương Đảng và Chính phủ phát động phong trào “Toàn dân làm công tác giao thông vận tải”, lấy lực lượng giao thông vận tải chuyên nghiệp làm nòng cốt, bộ đội công binh, hậu cần, vận tải, phòng không của quân đội làm lực lượng xung kích. Tháng 10-1965, Hội đồng Chính phủ thành lập Ban điều hòa giao thông vận tải Trung ương do đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng làm trưởng ban. Vận dụng kinh nghiệm của những năm kháng chiến chống Pháp, tháng 6-1965, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Hàng chục vạn nam nữ thanh niên trên miền Bắc xung phong lên đường nhận nhiệm vụ ở những nơi khó khăn ác liệt nhất, chủ yếu là trên mặt trận cầu đường. Một số đội thanh niên xung phong được điều vào tuyến đường Trường Sơn và các tuyến trọng điểm ở Quân khu 4 làm nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông.

Trung ương Đảng, Chính phủ sớm nhận thức được vị thế của Quân khu 4 đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải chi viện chiến trường. Nghị quyết Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 12 (12-1965) chỉ rõ: “Cần củng cố và tăng cường lãnh đạo các tỉnh thuộc Quân khu 4, tăng cường lực lượng quốc phòng và kinh tế trong khu, xây dựng các tỉnh vững mạnh hơn nữa về mọi mặt để làm hậu phương trực tiếp của miền Nam và Trung, Hạ Lào”.

Trung ương Đảng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, chỉ đạo sâu sát, tăng cường lực lượng cho mặt trận giao thông vận tải ở Quân khu 4, giao cho Hội đồng Quốc phòng Quân khu và Ban đại diện Giao thông vận tải Nhà nước trực tiếp chỉ đạo công tác giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4. Tháng 12-1965, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giao cho quân đội đảm bảo giao thông trên các tuyến đường chiến lược bao gồm: đường số 1 đến Vĩnh Linh, đường 15 đến Xuân Sơn, đường số 7, 8, 12 và 217 với tổng chiều dài 2.197km có 742 cầu lớn nhỏ.

(còn nữa)

Thiếu tướng Lê Mã Lương (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)