 |
Ông Nguyễn Văn Cử đang khám cho bệnh nhân |
Chờ ông một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng…, trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ: Gặp một vị tướng thật không đơn giản! Sốt ruột, tôi “đánh liều” rời khỏi phòng khách, định xem ông làm gì bên ngoài mà để tôi đợi lâu thế. Tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy trên tường của gian phòng bên cạnh có ghi dòng chữ: “Khám bệnh miễn phí”. Trước mắt tôi lúc này không phải là Trung tướng Nguyễn Việt Hùng từng nghiêm trang trong bộ quân phục, mà là một “bác sĩ” đang khám cho bệnh nhân.
Trong căn nhà không thật rộng ở khu tập thể H1, phường Vĩnh Phúc, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cử (tức Nguyễn Việt Hùng) vẫn dành riêng một gian phòng để khám bệnh và bốc thuốc giúp người nghèo. Nhìn những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên trán của thầy lang đã 92 tuổi, tôi quên mất mình đang tìm gặp một lão thành cách mạng, một chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa.
Đoàn người khám bệnh ra về lúc trời đã tối muộn. Chưa vội cơm nước, ông Cử dành thời gian trò chuyện cùng tôi như đã hẹn. Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao năm xưa ông từng bị địch đánh gẫy xương kiềng cổ, đục thủng màng nhĩ, cắt đứt gân hai chân, nhét tỏi ớt vào mắt rồi khâu lại… mà bước sang tuổi cửu thập, ông vẫn khoẻ mạnh và minh mẫn hơn người thường. Nhấp vội chén trà nóng, ông tâm sự: “Ông nội tôi là thầy thuốc, 30 năm theo cụ Đề Thám vừa chiến đấu giữ nước, vừa chữa bệnh cho lính lúc bị thương. Đến bố tôi, là thành viên của “Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”, cũng vừa cầm súng, vừa chữa bệnh. Lúc lên 6 tuổi, tôi đã theo ông nội đi rừng để kiếm cây thuốc. 13 tuổi tôi bắt đầu tham gia cách mạng, nhưng vẫn mày mò học thuốc để giữ nghề truyền thống của gia đình”.
Về hưu với quân hàm Trung tướng, ông không chịu nghỉ ngơi mà quyết định mở phòng khám bệnh miễn phí giúp người nghèo. Thời gian đầu còn khoẻ mạnh, ông tìm đến các khu rừng ở nhiều nơi như: Ba Vì (Hà Tây), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử, Đắc Lắc, Gia Lai… rồi sang cả Lào để lấy thuốc. Ông khiêm tốn nói: “Thuốc thiên nhiên nên miễn phí cho dân nghèo, có gì là đáng kể đâu”. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân ở các tỉnh trong cả nước nườm nượp tìm đến nhờ ông trị bệnh giúp. Nhiều người sau khi khỏi bệnh còn lặn lội hàng trăm ki-lô-mét về tạ ơn ông. “Đôi khi họ chỉ mang biếu một con gà, hay vài cân gạo của gia đình họ tự làm ra, nhưng cũng vui lắm vì mình đã làm được một việc thiện”- ông cười nói. Không chỉ xem bệnh qua bắt mạch, ông còn đầu tư mua máy đo tim, máy soi họng, đo huyết áp… để phục vụ tốt hơn cho việc khám, chữa bệnh. Thuốc được ông dùng chữa bệnh toàn là thảo dược như: diệp hạ châu, vương thái tô, khởi tử, đỗ trọng, độc hoạt, ô dược… nên rất tốt và phù hợp với nhiều bệnh nhân.
Từ năm 2001 đến nay, do tuổi đã cao nên ông không đi lại được nhiều như trước để tìm thuốc. Nhưng bệnh nhân vẫn được khám bệnh hoàn toàn miễn phí, chỉ phải trả tiền thuốc theo giá gốc mà ông nhập vào. Ông trăn trở: “Nước mình còn nhiều người nghèo quá. Có những người chỉ đủ tiền để đi ô tô tới đây. Tôi phải nói khéo: “Ông cho nợ, bao giờ có trả cũng được”. Hoặc có những thương binh, bệnh binh vết thương tái phát nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện chạy chữa. Họ cũng đã là lính như mình mà, giúp được đồng đội thật vui lắm!”.
Hầu như ngày nào trong gian phòng khám bệnh của ông cũng đông bệnh nhân tìm đến. Đó là niềm vui lúc tuổi già khiến con người “đắc thọ”- như ông từng nói. Không dám ở lại lâu vì thấy ông đã thấm mệt, tôi ra về mà bên tai còn vọng tiếng của chị Lê Thị Hồng (người Hưng Yên): “Nhà nghèo quá, chẳng đủ tiền để đi bệnh viện. Không có ông thì chắc tôi không còn sống đến ngày hôm nay”.
Bài và ảnh: HỒNG THẠNH