Trên đường từ sân bay về trung tâm thủ đô Phnôm Pênh, các bạn Cam-pu-chia giới thiệu với chúng tôi rằng: “Tới xứ sở Ăng-co, các bạn sẽ thấy có nhiều cảnh vật thân quen, gần gũi như ở đất nước mình”. Quả thực, thủ đô Phnôm Pênh mang nhiều dáng vẻ tương đồng với các đô thị ở Việt Nam, đó là những dãy phố dài, vừa hiện đại, vừa cổ kính. Chỉ có điểm khác biệt là đường phố Phnôm Pênh ghi dấu sự phát triển của một thủ đô vừa bình yên, vừa năng động khi có khá nhiều xe hơi mang các thương hiệu: Lexus, Audi, Mercedes… lăn bánh bên những chiếc xe gắn máy, xích lô, tuk tuk… Những ngày này, Cam-pu-chia đang bước vào mùa mưa. Những cơn mưa thường xuất hiện vào mỗi buổi chiều, ào ạt đến rồi đi, tương tự như mùa mưa ở các tỉnh Nam Bộ.
Những điểm gần gũi, tương đồng cũng dễ nhận thấy tại các cuộc làm việc song phương giữa ta và bạn. Đoàn công tác do Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân làm Trưởng đoàn đã có nhiều hoạt động trao đổi, tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan báo chí trong quân đội mỗi nước nhằm góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Trong buổi tiếp đoàn tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thống tướng Me Xa-von, Tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Quốc phòng Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia đã đánh giá cao chuyến thăm, làm việc của đoàn và nhấn mạnh sự phối hợp của các cơ quan báo chí quân đội hai nước có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục tình đoàn kết, hữu nghị giữa quân đội, nhân dân hai nước, giúp thế hệ trẻ ngày nay hiểu sâu sắc hơn về sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam đối với sự hồi sinh của đất nước Cam-pu-chia.
Thống tướng Me Xa-von, Tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Quốc phòng (thứ tư, bên trái) tại buổi tiếp Đoàn công tác báo chí Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đoàn công tác báo chí quân đội thăm cơ sở vật chất của Kênh truyền hình TV5 (Cục Thông tin tuyên truyền, Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia).
Đại tướng Chan Ma-ri-đô, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dịch vụ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Thông tin tuyên truyền, chân thành bộc bạch: “Gặp lại các bạn Việt Nam, tôi nhớ lại kỷ niệm cách đây hơn 38 năm. Đó là ngày 7-1-1979, ngày tôi có mặt trong sự kiện đất nước Cam-pu-chia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Đó là dấu mốc ghi nhận nhiều cơ quan, đơn vị được các bạn Việt Nam giúp đỡ, gây dựng lại từ đầu. Báo chí quân đội Cam-pu-chia cũng được các chuyên gia Việt Nam giúp xây dựng từ con số 0. Năm 1989, khi Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, trở về nước, với nền tảng của sự giúp đỡ ấy, các cơ quan báo chí trong quân đội chúng tôi đã đứng vững và có sự phát triển như ngày hôm nay”.
Cục Thông tin tuyên truyền thuộc Tổng cục Dịch vụ Quốc phòng (Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia) có nhiệm vụ chính là quản lý lĩnh vực truyền hình (quân đội nước bạn không có báo in) và tổng hợp, theo dõi các số liệu trong nước, quốc tế để nghiên cứu, tham mưu, báo cáo cấp trên. Kênh truyền hình TV5 thuộc Cục Thông tin tuyên truyền, được Bộ Quốc phòng hợp tác, xây dựng từ năm 1995. Kênh có nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh các hoạt động của Chính phủ và Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia với tổng thời lượng phát sóng các tin tức, phóng sự tài liệu khoảng 3 giờ mỗi ngày.
Đại tướng Chan Ma-ri-đô cho biết: “Năm 2016, chúng tôi có dịp sang thăm Việt Nam, thấy hoạt động phát thanh-truyền hình của quân đội các bạn phát triển rất mạnh. Chuyến đi giúp chúng tôi học hỏi được nhiều điều. Nhưng chúng tôi biết, để làm được như các bạn thì không đơn giản chút nào”.
Trung tướng Viêng Sốc Hiêng, Phó cục trưởng Cục Thông tin tuyên truyền kiêm Giám đốc Kênh truyền hình TV5 cũng kể về những khó khăn mà lĩnh vực truyền hình trong quân đội nước bạn gặp phải. Đó là khó khăn về kinh phí, phương tiện kỹ thuật, về đội ngũ cán bộ, phóng viên cũng như những thách thức đặt ra đối với công tác thông tin, truyền thông trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ cán bộ, phóng viên làm việc tại Kênh TV5 chỉ vài chục người, đa số họ tự học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, trong số đó, rất ít người có bằng cử nhân báo chí. Các đơn vị cơ sở cũng có đội ngũ cộng tác viên, nhưng số này không nhiều và họ cũng gặp khó khăn về phương tiện, trang bị, trình độ chuyên môn…
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn chia sẻ những khó khăn mà quân đội nước bạn gặp phải và cho rằng những khó khăn ấy có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đó là những khó khăn, thách thức trước sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, là những đòi hỏi ngày càng cao của công tác thông tin, tuyên truyền, là những thiếu thốn về cơ sở vật chất, về phương tiện, nhân lực… đòi hỏi các cơ quan báo chí cần tích cực nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ. Ở Việt Nam, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội đang được đầu tư xây dựng với các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm, tự tin làm chủ được hệ thống, làm chủ các khâu sản xuất, quy trình kỹ thuật. Đối với Báo Quân đội nhân dân, theo “Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” của Chính phủ, Báo Quân đội nhân dân được xác định là một trong những cơ quan báo chí thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, báo đang xây dựng đề án phát triển Báo Quân đội nhân dân thành cơ quan báo chí đa phương tiện. Trước mắt, thực hiện Đề án “Hiện đại hóa Báo Quân đội nhân dân giai đoạn 2014-2018”, báo sẽ cho ra mắt Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếng Lào và tiếng Cam-pu-chia.
Trong không khí làm việc cởi mở, chân thành, thắm tình hữu nghị, hai bên đã tiến hành trao đổi nghiệp vụ và thống nhất một số nội dung phối hợp hoạt động trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan thông tin, báo chí quân đội hai nước, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, nhất là trong thời gian tới, khi Báo Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị ra mắt Báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Cam-pu-chia...
Trong những ngày ở Cam-pu-chia, không chỉ được đón nhận những tình cảm nồng hậu mà phía bạn dành cho đoàn Việt Nam, chúng tôi còn cảm thấy thân thương, gần gũi khi được nghe tiếng mẹ đẻ ngay trên đất bạn. Với nụ cười thường trực trên môi, thỉnh thoảng lại thấy Đại tướng, Cục trưởng Chan Ma-ri-đô “bật” ra một tràng tiếng Việt giúp người phiên dịch làm rõ nghĩa của một cụm từ. Hỏi ra mới biết ông từng là học viên của Học viện Chính trị ở Hà Nội. Đến cố đô Xiêm Riệp, chúng tôi cũng gặp một chất giọng tiếng Việt dễ thương của nữ hướng dẫn viên Sóc Đa. Sóc Đa có mẹ là người Việt Nam nên chất giọng của chị giống hệt giọng của các cô gái miệt vườn Nam Bộ. Suốt chặng đường dài từ Phnôm Pênh tới Xiêm Riệp, chúng tôi lại có dịp trò chuyện bằng tiếng Việt với anh Phan-cun Chây, một đồng nghiệp đang là biên tập viên của Kênh TV5. Hỏi chuyện, được biết trong những năm 1981-1982, Phan-cun Chây đã theo học quay phim ở Xưởng phim Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội nhân dân). Khi được hỏi: “Hơn 30 năm mà anh vẫn nhớ và nói tiếng Việt tốt thế?”, Phan-cun Chây cười, bảo: “Quên nhiều rồi, nhưng tên các thầy ở Xưởng phim Quân đội thì vẫn nhớ…”.
Tới thăm các đơn vị: Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ tư lệnh Hiến binh và Sư đoàn 2 (Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia), chúng tôi cũng gặp các tướng lĩnh, sĩ quan từng có nhiều năm sát cánh cùng lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Qua những dòng hồi ức trong những năm tháng quân ngũ, các bạn đều khẳng định Cam-pu-chia sẽ mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ, hy sinh của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Đặc biệt, chuyến đi lần này, Đoàn công tác báo chí Quân đội nhân dân Việt Nam có Đại tá Vũ Đăng (cán bộ Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội), cựu chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam có nhiều năm chiến đấu giúp nước bạn ở chiến trường Xiêm Riệp. Với anh, đây là lần đầu tiên trở lại chiến trường nước bạn sau hơn 30 năm. “Ngày ấy, những địa danh Ăng-co Vát, Ăng-co Thom hay đền Bay-on thường gắn với những trận đánh truy quét, tiêu diệt tàn quân Pôn Pốt, và không ai nghĩ rằng có một ngày những người lính tình nguyện như chúng tôi có dịp trở lại để khám phá, chiêm ngưỡng kỳ quan đặc sắc của thế giới ngay tại chiến trường xưa”, Đại tá Vũ Đăng cho biết.
Tối hôm ấy, tại Sư đoàn 2, một đơn vị từng sát cánh cùng Quân tình nguyện Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước Cam-pu-chia, trong bữa tối do Đại tướng Keo Thênh, Tư lệnh Sư đoàn 2 chiêu đãi đoàn công tác, những ca từ của bài hát “Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp-xa-ra” chợt vang lên: Em dịu dàng trong điệu múa Áp-xa-ra. Anh là người lính tình nguyện mang theo câu hát dân ca “Yêu nhau cởi áo cho nhau”… Áp-xa-ra, ơi điệu múa hay tình đất nước, Áp-xa-ra. Anh từng đi vượt rừng sâu qua bao mùa dông bão, cùng những người lính Cam-pu-chia anh dũng…
Thưởng thức ca khúc “Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp-xa-ra” trên xứ sở Ăng-co, những người lính Việt Nam và Cam-pu-chia đều nhận thấy những câu hát nồng nàn, da diết ấy không chỉ là bài ca thắm tình hữu nghị mà còn là lời khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc - một tài sản vô giá cần được các thế hệ tiếp tục giữ gìn, vun đắp.
Bài và ảnh: MINH TUỆ