Thế hệ trẻ đến thắp hương trên mộ Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ

Từ lâu, tôi
đã được nghe kể về Thiếu úy biên phòng Trần Văn Thọ, người Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở Leng Su Sìn (Mường Nhé, Điện Biên) - nơi ngã ba biên giới của Tổ quốc. Tôi đã tìm đến, tiếp xúc với những con người mà Trần Văn Thọ đã từng “3 cùng” trong thời kỳ gian khổ. Giờ họ đã trở thành những ông lão, bà lão nhưng những câu chuyện về người cán bộ ấy dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Và tôi hiểu: Nơi đây, tên anh gắn liền với chiến công bất tử.

Ông Pờ Chí Tài (bản Tà Khố Khừ, xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên) năm nay đã bước qua tuổi 60 nhưng khi có ai hỏi về anh Trần Văn Thọ là đôi mắt ông dường như sáng hơn, giọng ông sôi nổi hơn. Bởi ông là một trong những người em, người học trò của người cán bộ biên phòng, người thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Thọ ngày nào ở vùng biên cương này. Làm sao quên được những ngày tháng anh Thọ ở chung cùng một mái nhà, ăn cùng một mâm cơm. Trẻ nhỏ được anh cắt tóc, theo anh ra ruộng thăm lúa, đi bắt cá ngoài suối Mo Phí… Từ lúc nào chẳng biết, anh Thọ đã thực sự trở thành người thân của người Hà Nhì.

Những tháng đầu năm 1960, Thiếu úy Trần Văn Thọ là Đội trưởng Đội địa bàn đi vận động người Hà Nhì thành lập Hợp tác xã ở Sín Thầu. Bởi vậy mà bản nào cũng có dấu chân anh, dù có bản phải đi 4-5 ngày đường mới đến. Ngày ấy, người Hà Nhì chỉ biết phát nương trồng lúa, ngô, sắn. Năng suất thấp lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên một năm có đến 6 tháng thiếu đói. Anh Thọ đã nghĩ đến những cánh đồng lúa xanh tốt nơi anh đã đi qua. Anh xẻ đất, dẫn nước, đắp bờ làm ruộng trong sự tò mò, khó hiểu của mọi người. Năm ấy lúa của cán bộ Thọ sao tốt và nặng bông thế? Thấy được kết quả việc anh làm và nghe anh kể về những cánh đồng lúa nước bao la ở miền xuôi nên ai cũng muốn làm theo. Một mảnh ruộng có thể dùng tay, cả hàng trăm mảnh ruộng thì phải dùng cày, bừa mới làm được. Mà người Hà Nhì đã bao giờ nhìn thấy lưỡi cày, bừa đâu?

Một buổi chiều, anh Thọ mang về cặp nhung hươu bảo với Chính trị viên xã đội Pờ Pó Chừ (là bố của ông Pờ Chí Tài): “Anh mang cặp nhung hươu này sang Trung Quốc bán rồi hỏi mua người ta cái lưỡi cày. Phải có lưỡi cày mình mới làm ruộng nước được”. Ông Chừ xúc động lắm, vì nhung hươu là của quý, đắt tiền nhưng anh Thọ dám bỏ của tư làm của chung. Có lưỡi cày rồi, anh Thọ hướng dẫn cho bà con đóng bừa, để con trâu giúp người kéo cày, bừa ruộng. Ngày tất cả người dân xuống ruộng là ngày hội mà không người Hà Nhì nào nơi đây có thể quên. Và càng không thể quên vị dẻo, vị ngọt của tình quân dân trong bát cơm đầu tiên ấy. Ở miền biên ải hồi ấy, số người nói được tiếng phổ thông đếm trên đầu ngón tay, còn người biết chữ thì chưa có ai. Nhiều người vẫn nghĩ: từ trước tới giờ mình vẫn sống mà đâu cần tới cái chữ. Nhưng anh Thọ không nghĩ thế. Dưới mái nhà lợp tranh thưng vách nứa, buổi tối anh dạy xóa mù cho người lớn, ban ngày trẻ em thay vì theo cha mẹ lên nương, hoặc chơi rông, được anh dạy chữ, dạy hát. Anh Thọ có thể nói tiếng Quan Hỏa và tiếng Hà Nhì, nên buổi học của anh không bị cản trở bởi sự bất đồng ngôn ngữ. Anh cũng nhất quyết dạy trẻ con tiếng phổ thông dù ở đất Sín Thầu chỉ có bộ đội là người Kinh. Lời nói của anh như vẫn còn đó: “Phải học tiếng Kinh thôi. Các em học tiếng phổ thông để mai này cũng trở thành cán bộ như anh, có thể về Thủ đô hay bất cứ nơi đâu trên đất nước này”.

Người Hà Nhì còn nhớ về anh là người rất giỏi vận động nhân dân tố giác thổ phỉ trên địa bàn. Ngày ấy người Hà Nhì nghèo lắm, ăn mặc đều không đủ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau như thân tộc, bị ép… nên một số gia đình vẫn làm “cơ sở” cho phỉ bằng cách giữ hàng, lương thực và súng đạn. Anh Thọ biết rõ điều này, thế nhưng anh chẳng đến tịch thu, bắt người. Chỉ thấy anh đến từng nhà, nói chuyện với gia chủ. Cũng không biết anh đã nói những gì nhưng sau đó mọi người tự mang hàng hóa, súng đạn mình giữ nộp cho anh. Người này thấy người kia nộp, nhà này thấy nhà kia chỉ chỗ giấu súng đạn nên cũng không thể ngồi im, chẳng mấy chốc các bản cũng thay nhau đến báo với anh các “cơ sở” của phỉ. Anh cho mang súng đạn về đồn, còn quần áo, hàng hóa anh mang chia cho những gia đình nghèo. Ông Tài được anh chia cho chiếc áo dạ mà theo trí nhớ thì: “Chiếc áo đó ấm lắm. Cũng chẳng biết là ấm thật hay vì vui bởi lần đầu tiên trong đời được có chiếc áo đẹp, ấm vì tình cảm của anh”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn giúp đồng bào Hà Nhì làm nhà mới.

Kể về ngày anh Thọ mất, ông Chang Chừ Chờ (trước ở bản Leng Su Sìn nay ở bản Tả Khố Khừ) giọng chùng xuống. Nhà ông ở bản Phu Phang, gần Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nên anh Thọ rất hay xuống nhà chơi. Lúc thì anh mang cho cậu bé Chờ quả trứng, lúc thì hộp sữa, lúc gói đường nhỏ. Cậu bé Chang Chừ Chờ thường lên đồn ngủ với anh Thọ trên chiếc giường ọp ẹp nhưng rất sạch sẽ. Một chiều, nghe người lớn nói: “Anh Thọ bị sốt rét rồi”. Cậu bé Chờ chưa kịp mang mía (món mà anh Thọ rất thích) để lên thăm thì đã nghe tin dữ “Anh Thọ mất rồi”. Người Hà Nhì vốn kiêng không cho trẻ đi đám ma nhưng trẻ lại đến rất nhiều trong đám tang anh Thọ. Ai cũng khóc. Những giọt nước mắt dành cho người cán bộ đã trở thành người con, người anh, người em, người bạn của người Hà Nhì tưởng như không ngừng. Năm ấy anh Trần Văn Thọ vừa tròn 26 tuổi. Thương anh lắm vì anh còn trẻ quá, vì anh chưa kịp cưới người con gái Hà Nhì anh yêu thương. Mộ anh được đặt trên đỉnh núi Leng Su Sìn. Nơi ấy, người Hà Nhì gọi là: “Hòn ngọc giữa miệng Rồng”.

Bây giờ đã có con đường chạy qua núi và người ta gọi đoạn đường ấy là dốc Trần Văn Thọ hoặc dốc ông Thọ. Ở Ngã ba biên giới này, tên Anh hùng Trần Văn Thọ vẫn còn lưu giữ ở nhiều bản của người Hà Nhì, không chỉ ở tỉnh Điện Biên mà còn lan sang Hà Giang, Lào Cai… Đó là cầu ông Thọ, đường ông Thọ, ao ông Thọ, ruộng ông Thọ... Năm 2004, một con đường ở thành phố Điện Biên Phủ đã được đặt tên Trần Văn Thọ.

Lần đầu đi ngang qua Leng Su Sìn, mới lên tới lưng chừng đèo, tôi đã ngửi thấy một mùi thơm rất dễ chịu. Trung úy Trần Văn Tương, cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nói với tôi: “Mùi thơm của hoa long não đấy. Khi an táng anh Thọ người ta trồng một cây long não để đánh dấu. Sau này, mộ của anh đã được di dời nhưng cây long não thì vẫn ngát hương như ngày nào”.

Đã gần 40 năm trôi qua, kể từ ngày anh ra đi nhưng tên anh vẫn khắc sâu trong trí nhớ và trong những câu chuyện người già kể cho trẻ con Hà Nhì hôm nay. Còn đối với những cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng quân trên địa bàn, nơi anh đã sống, làm việc nghĩ gì? Thiếu tá Lò Văn Sơn, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nói: “Chúng tôi hiểu, người Hà Nhì nơi đây cũng nhìn, cũng mong chúng tôi cũng sẽ như anh Thọ nên chúng tôi luôn cố gắng sống như anh”.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực Sín Thầu - Chung Chải là khu vực bọn gián điệp, đặc vụ của Mỹ-ngụy lén lút hoạt động chống phá cách mạng. Vượt qua mọi gian khó, Anh hùng Trần Văn Thọ cùng đồng đội đã kiên trì bám địa bàn, bám dân; "3 cùng" với đồng bào dân tộc địa phương. Anh đã tổ chức lực lượng biên phòng, dân quân thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ bản làng; anh trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng và giới thiệu lên Đảng ủy cấp trên kết nạp 13 quần chúng ưu tú vào Đảng, thành lập được một chi bộ. Từ năm 1954 đến 1961, toàn xã Xính Phình (cũ) đã xây dựng được 5 hợp tác xã đều thuộc loại khá. Riêng Phu Bì là hợp tác xã mà anh Thọ trực tiếp hướng dẫn đã trở thành lá cờ đầu ở vùng cao

Bài và ảnh: TRÚC HÀ - ĐỖ HOÀNG