 |
Những con voi rừng còn sót lại. |
Thuần dưỡng voi, nuôi voi và Hội Đua Voi mang một nét đặc trưng không thể thiếu của đồng bào Tây Nguyên. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, voi là con vật thân thiết và linh thiêng, là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng. Điều đáng tiếc là thời gian gần đây, những cánh rừng Tây Nguyên – quê hương sinh tồn của loài voi đang bị con người tàn phá nghiêm trọng. Đàn voi rừng phải sống du canh du cư tứ xứ . Còn đàn voi nhà đang giảm dần theo thời gian.
Hoài niệm làng voi Nhơn Hòa
Đã có một thời, cụm làng voi Nhơn Hòa bao gồm: Plei Lao, Plei Kia, Plei Kly Ful, PleiThơ Ga xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, Gia Lai được ví như chiếc nôi của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở vùng Bắc Tây Nguyên. Thế rồi, do nhiều nguyên nhân nghề này dần dần đi vào dĩ vãng. Bây giờ người dân Nhơn Hòa chỉ còn niềm hoài niệm về nó mà thôi...
Ánh mắt già làng Kpăh Kleng (tuổi 80) ở làng Plei Lao, có cha là người Lào, mẹ là người Jrai, sáng lên khi chúng tôi nói chuyện voi. Ký ức ngày trước ùa về khiến ông trở thành người độc thoại của cuộc trò chuyện. Già Kleng nói rằng, thuở lên năm, ông đã tập tễnh bước vào nghề săn bắt voi rừng. Tuổi 18 –20 ông to khỏe, nhanh nhẹn và trở thành chàng thợ săn voi dũng mãnh. Ông không nhớ vùng Nhơn Hòa có tất cả bao nhiêu con voi “nó nhiều lắm, có lúc bằng cả đàn bò bây giờ…”. Riêng nhà ông ngày đó được xem là “nhà sang” vì có đến ba con voi là Păm, Keng, Khăm Plang. Cả 3 con voi này đều bị chết bởi bom đạn Mỹ trong chiến tranh. Những ngày sau hòa bình, Kpăh Kleng hùn vốn với người làng sang Đắc Lắc mua voi và đặt tên là Thoong Răng (một hoài niệm về tổ tiên người Lào) về nuôi. Bọn xấu lợi dụng sự sơ hở của gia đình ông đã hai lần cưa trộm ngà. “Tiếc là thằng Anhót con trai mình đã đưa nó sang Đắc Lắc bán lại cho người ta mất rồi. Voi hết thì nghề thuần dưỡng cũng quên mất thôi” - Giọng già Kpăh Kleng trầm lắng”. Câu chuyện về voi luôn bị ngắt quãng bởi thỉnh thoảng già làng Kleng buồn cái bụng quay lại phía sau dúi mắt…vì voi làng cứ thưa dần, thưa dần và... vắng luôn dấu chân voi.
Hơn ai hết, những người già ở Nhơn Hòa biết rõ những bước thăng trầm của đàn voi gần 50 con của những năm 70 thế kỷ trước. Số chết vì đạn giặc, số chết vì bệnh hay gục ngã vì bị bòn rút sức lực. Sức voi, thời của voi ở Nhơn Hoà dần đổ theo thời gian. Năm 2000, một tin vui đến, thắp lên hy vọng cho đàn voi nhà. Công ty du lịch Gia Lai phối hợp với những chủ voi ở Nhơn Hoà đưa gần 20 con voi vào sử dụng trong các tour du lịch sinh thái. Nhưng rồi du lịch vắng khách, sự kết hợp đó cũng lụi dần. Voi lần lượt bị bán sang vùng khác. Trong những nỗ lực cuối cùng, công ty này đã thương lượng mua lại 3 con voi, mỗi con có giá 40 - 50 triệu đồng khi chúng sắp có chủ khác. Sáu nài voi được trả 3 triệu đồng/tháng để giữ voi và phục vụ khi có khách tham quan.
Cả đàn voi nhà gần 50 con từng là niềm kiêu hãnh của người dân Nhơn Hòa nay chỉ còn lại... 4 con. Con voi chỉ còn là một hoài niệm buồn trong từng câu chuyện, qua các bưu ảnh ố màu. Huyền thoại về làng voi duy nhất ở vùng Bắc Tây Nguyên này gần như bị mai một.
Năm 1980, voi nhà của tỉnh Đắc Lắc (loài voi rừng châu Á) thuần dưỡng có khoảng 300 con; đến năm 1995 còn khoảng 200 con; hiện nay thì chỉ còn 64 con! Huyện có nhiều voi nhà như Buôn Đôn, Lắk hiện chỉ còn mỗi nơi 27 con; huyện Ea Súp đếm được 7 con, huyện Krông An thì còn 2 con và huyện Krông Bông chỉ còn một con duy nhất.
Gặp chúng tôi tại Buôn Đôn, cụ A Ma Công đã ngoài 90 tuổi, một quản tượng nổi tiếng ở Đắk Lắk, từng bắt gần 300 voi rừng về thuần dưỡng, tâm sự rằng: “Ngày trước, cơn mê bắt voi vận vào người khi nào không hay. Kể cả khi... ngủ với vợ, nghe tiếng voi rừng rống là muốn vùng dậy đi... Con voi, một đặc ân của tự nhiên ban phát cho núi rừng, cho con người Tây Nguyên vì lý do khác nhau đang có nguy cơ tuyệt chủng”.
Nghẹn ngào và ao ước
… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Voi nhà có tuổi thọ ngắn hơn voi rừng là điều tất nhiên, bởi ai cũng biết môi trường tự nhiên mới là hoàn hảo cho các loài động vật hoang dã. Nhưng không chỉ vậy, nguyên nhân giảm sút đàn voi còn do cách hành xử của con người. Thực tế voi chết nhiều là do bị cách ly ra khỏi những nơi thuần dưỡng thích hợp. Đơn cử chỉ riêng trường hợp voi nhà từ Đắk Lắk bán sang Lâm Đồng, từ năm 1995 đến nay đã lần lượt chết 11 con. Những con voi chết tại các khu du lịch thác Đăm B'Ri (một con), hồ Tuyền Lâm (8 con) và Nam Qua (2 con) ở tỉnh Lâm Đồng đều vì không chịu được khí hậu lạnh có độ cao chênh lệch với Đắc Lắc hơn 1.000 mét. Thêm vào đó còn là nguyên nhân thiếu và lạ nguồn thức ăn. Cho voi ăn chuối mãi đâu phải là cách tạo sức sống bền bỉ của loại động vật vốn có tuổi thọ 90-100 năm khi sống trong rừng tự nhiên. Ngoài ra còn có các trường hợp bán voi sang biên giới để giết lấy ngà, đem voi đi "triển lãm" nhiều nơi... cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy kiệt nhanh chóng của đàn voi.
Những cánh rừng Tây Nguyên, kể cả Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) ngày ngày bị con người tàn phá, một số rừng bị triệt hạ để lấy gỗ quí đem bán, số còn lại bị đốt làm nương rẫy. Quê hương, không gian sinh tồn của voi bị thu hẹp, bị xẻ nát. Trong hành trình nhọc nhằn kiếm cái ăn, voi phải đi dài hơn, đói hơn khiến đàn voi rừng trở nên bạo hơn trong thế quẫn của sự sinh tồn... đã dẫn đến nhiều chuyện đau lòng xảy ra như voi nhà thì dùng vòi quật chết quản tượng (Đắc Lắc); voi rừng thì hung dữ tấn công con người như ở Gia Lai, Quảng Nam… và đặc biệt là tàn phá cây trồng hoa màu những vùng ven sông, suối và rừng núi ở Ea Súp (Đắc Lắc); Chư Prông (Gia Lai)…
Voi nhà của cả Gia Lai và Đắc Lắc đầy vẻ nặng nhọc, già cỗi vì đã qua rồi cái thời phong độ huy hoàng đặc trưng - voi Tây Nguyên. Việc nuôi voi ở một số địa phương cũng trái với sự sinh tồn, phát triển của voi vì chúng bị buộc riêng lẻ vào một sợi xích, dài khoảng 50m và thả trong rừng. Đôi khi đến phiên cho ăn nhưng người chủ ham uống rượu là lập tức... quên ngay. Vậy là voi nhịn đói… Vào độ tháng tư, voi động dục. Chúng hẳn bắt được "hương tình" của nhau nhưng đành bất lực bởi những sợi dây xích oan nghiệt. Tiếng voi nhà động dục rống lên hằng đêm vẫn vọng về, dội vào núi rừng thâm u, vào mỗi vách nhà một cách bi thiết, bất lực.
Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến voi bị triệt sản bất đắc dĩ. Theo già làng Kpăh Kleng, một người có nhiều kinh nghiệm nuôi và thuần dưỡng voi, thì voi là loài khá kín đáo trong chuyện "phòng the". Nếu không có một sinh cảnh thích hợp và "đức lang quân" vừa ý thì chuyện ấy khó xảy ra. Điều đó giải thích tại sao trong ngần ấy năm, chúng ta chưa ghi nhận một "bé voi" nào chào đời trong điều kiện "nuôi nhốt". Đã có ý kiến mạnh dạn đề xuất như thụ tinh nhân tạo cho voi; tạo cho voi một không gian để chúng có thể "gần" nhau... Đặc biệt, chính quyền hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc đã tổ chức những Hội thảo “về voi” và đã xác định những bước đi đầu tiên trong nỗ lực bảo tồn, phát triển voi nhưng vẫn còn... chờ!
Theo ý kiến chung, biện pháp khoa học và thật khẩn trương để cứu đàn voi nhà trước nguy cơ đàn voi của các tỉnh Tây Nguyên (cũng là của cả nước) khỏi nguy cơ tuyệt chủng nhanh chóng là vấn đề bảo tồn phát triển rừng tự nhiên quanh đàn voi nhà, chế độ chăm sóc chu đáo, tăng trưởng sinh sản số lượng voi nhà... và trước mắt nên bớt tận dụng quá tải sức voi và chớ nên để đàn voi nhà bị bán, hoặc hành hương đi xa…
Cứ đà mai một, thưa thớt đàn voi như hiện nay, những hoạt động lễ hội liên quan đến voi cũng mất dần trong tâm thức người làng voi. Mất voi, có nghĩa là mãi mãi mất luôn "văn hóa voi", mất đi một bản sắc Tây Nguyên.
LÊ QUANG HỒI