Chú Bảy Hiếu và kỷ vật là chiếc điện đàm cũ.

Ông Nguyễn Trung Hiếu (Bảy Hiếu) được nhiều người ví là một huyền thoại trong ngành truyền hình Việt Nam. Tôi có may mắn quen biết ông gần 7 năm nay, khi ông còn là Giám đốc đài Phát thanh Truyền hình (PT-TH) Bình Dương như là chỗ thân tình chú cháu, nhưng tôi vẫn chưa một lần viết về ông.

Tôi gọi ông bằng chú theo cách xưng hô thân mật của Nam bộ: Chú Bảy. Chú Bảy Hiếu đã về hưu. Những lần đến thăm ông trong căn nhà giữa miệt vườn thuộc thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tôi nhiều lần bắt gặp ông ngồi tỉ mẩn lau chùi cái điện đài cũ của Mỹ. Đó là chiến lợi phẩm mà ông đã sử dụng cho công tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Mỗi lần lau lại kỷ vật là mỗi lần nhắc ông nhớ đến những thăng trầm về nghề và biết bao kỷ niệm khi còn ở “R”…

Người đầu tiên truyền bản tin tù binh Mỹ rời khỏi Việt Nam

Chú Bảy Hiếu quê ở xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Năm 14 tuổi, chú tham gia Hội Học sinh-sinh viên giải phóng và sau đó gia nhập cơ sở cách mạng tại xã Tân Phước Khánh, làm công tác tuyên-văn. Năm 1962, khi vừa 18 tuổi, chú Bảy tham gia bộ đội, ở tiểu đoàn S00 của quân khu Miền Đông Nam bộ. Chú Bảy tham gia nhiều trận đánh lớn và đã từng bắn rơi máy bay Mỹ, được phong tặng Dũng sĩ diệt máy bay. Các đồng chí ở Khu ủy thấy chú có năng khiếu về văn hóa nghệ thuật đã điều động về Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách công tác thanh niên, học sinh sinh viên, làm công tác thanh vận. Do nhu cầu của chiến trường, chú Bảy được cấp trên cử đi đào tạo lớp vô tuyến điện thời gian một năm ở Trung ương Cục đóng tại tỉnh Tây Ninh. Học xong, chú Bảy được điều về giữ cương vị Trưởng đài vô tuyến điện Khu 6 kiêm phóng viên chiến trường (viết tin, bài cho Thông tấn xã Giải phóng), tổng hợp thông tin chiến trường, bí mật chuyển cho cấp trên. Lúc đó, việc truyền tin rất dễ bị lộ và thực hiện khó, chú Bảy nảy ra sáng kiến dùng máy điện đàm của Mỹ “chèn sóng” của địch để truyền tin cho Thông tấn xã Giải phóng và đài Tiếng nói Việt Nam. Nhờ đó, tin được truyền nhanh hơn cả các đài nước ngoài, vừa không bị lộ. Khi nói về điều này, chú Bảy ví von: Truyền tin xong khi nòng súng chưa kịp nguội.

Năm 1972, chú Bảy được giao giữ cương vị Trưởng Phân xã Thông tấn xã Giải phóng và có mặt ở hầu hết chiến trường Miền Đông Nam bộ, trực tiếp tham gia chiến đấu và tác nghiệp báo chí. Có một sự kiện khá đặc biệt-dấu ấn thứ nhất-trong cuộc đời phóng viên của chú: Chú là người đầu tiên viết và truyền bản tin ghi nhanh về ngày trao trả tù binh ở Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) trong khuôn khổ thực hiện hiệp định Pa-ri năm 1973.

Mệnh lệnh nghề nghiệp

Sau năm 1975, chú Bảy được điều động làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Sông Bé. Giai đoạn đầu đất nước bước vào đổi mới đã đặt ngành truyền hình trước những thách thức gay gắt, đòi hỏi mới. Chú là người góp phần tạo nên những đột phá trong ngành truyền hình.

Khi về Đài PT-TH Sông Bé, chú Bảy đã lập một “kỳ tích”, đó là xây dựng Trung tâm tiếp vận của đài Phát thanh-Truyền hình Quốc gia trên đỉnh Bà Rá cao 750 mét. Hồi đó, tỉnh Sông Bé rộng lớn, nhân dân 6 huyện phía Tây Nam (thuộc tỉnh Bình Phước bây giờ) không thể thu sóng PT-TH Trung ương. Muốn thu được phải xây dựng trạm thu phát, tháp ăng-ten trên đỉnh Bà Rá. Tuy nhiên, việc này được giới chuyên môn đánh giá là điều không tưởng. Vì khó đưa máy móc, phương tiện lên đỉnh quá cao, nếu làm được sẽ bị sét đánh phá khi có mưa; vả lại kinh phí xây dựng quá lớn không thể đáp ứng nổi…

Như có “mệnh lệnh nghề nghiệp” thôi thúc, chú Bảy không chùn bước và quyết tâm làm. Chú Bảy đã lập các phương án, dự án cụ thể và mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh thực hiện dự án theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chú Bảy nhớ lại:

- Hồi ấy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, bây giờ là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng trạm thu phát trên đỉnh Bà Rá. Có lần đồng chí Bí thư vỗ vai tôi và nói, giờ tôi vẫn nhớ như in: “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nên phải biết dựa vào dân để phát huy. Trong khó khăn ghê gớm, phát động nhân dân, quyết tâm làm, tôi tin cậu sẽ thành công”.

Từ lời động viên ấy, chú Bảy kiên trì lãnh đạo cán bộ, công nhân viên của đài và với sự giúp đỡ của hàng nghìn lượt người dân địa phương, ròng rã 9 tháng trời, mở đường, vận chuyển, xây dựng, lắp đặt máy móc. Khi làm xong trạm thu phát lại bị sét đánh. Nhiều biện pháp cài thiết bị hiện đại gắn trên đỉnh để chống sét nhưng... cũng đành bó tay. Chú Bảy Hiếu đã bỏ công túc trực trên trạm những ngày dông bão, tận mắt coi sét đánh lan truyền trên dòng điện, ngoằn ngoèo như rồng lửa vào trạm. Và rồi trong đầu chú lóe ra sáng kiến khắc phục dựa trên cách chống sét cổ truyền: Đó là đào hố chôn những miếng đồng tiết diện lớn, trộn muối để dẫn điện xuống đất. Nhờ đó, sét không còn đánh vào trạm thu phát nữa. Ngày 1-12-1991, Trung tâm được xây dựng xong, tháp ăng-ten cao 25 mét, xây dựng trên độ cao 750 mét này, phá kỷ lục cao nhất, với kinh phí xây dựng thấp nhất và đưa sóng phát thanh, truyền hình Trung ương phủ khắp 6 huyện Tây Nam, tạo nên niềm vui lan tỏa trong nhân dân. Sau này, Trung tâm này phát triển thành Trung tâm tiếp vận Phát thanh-Truyền hình Quốc gia.

Dấu ấn thứ hai là việc chú Bảy Hiếu đã mạnh dạn đưa vào khai thác công nghệ Truyền hình kỹ thuật số, lần đầu tiên trong cả nước phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T thành công. Sự kiện kỹ thuật này đã gây xôn xao dư luận. Các báo chí Trung ương và địa phương, cũng như giới chuyên môn đều đánh giá đây là bước đột phá của ngành truyền hình.

Nhưng khó ai biết được đằng sau thành công đó, chú Bảy đã phải trải qua những thăng trầm, lo lắng, phải nhận án kỷ luật treo trên đầu trong nhiều năm liền.

- Vì sao chú có ý tưởng “xé rào” đưa truyền hình kỹ thuật số vào Việt Nam khi ngay cả đài Truyền hình Việt Nam còn chưa nghĩ đến? Tôi hỏi ông.

- Chuyện đó thì dài lắm. Nhưng có lẽ là nhờ kinh nghiệm từ thời ở rừng: Thói quen phải liên tục tư duy và quyết đoán. Đầu những năm 1990, các đài truyền hình mới manh nha phát triển. Lúc ấy tôi còn là giám đốc đài. Hầu hết kỹ thuật truyền hình đều phát bằng tần số Analog. Số lượng kênh rất hạn chế, các đài lại tranh giành nhau tần số để phát sóng. Trong khi đó công nghệ mới kỹ thuật số thì chưa ai làm. Lúc đó, một tần số kỹ thuật số (digital) cho ra tám kênh, trong khi một tần số analog chỉ có một kênh.

Qua tìm hiểu, tôi đã mạnh dạn đề xuất, xây dựng dự án gửi các ban, ngành địa phương và Trung ương. Người thì ủng hộ, người không. Liên tục nhiều năm, hàng chục lần tôi ra Trung ương để vận động, trình bày, kiến nghị. Cuối cùng, công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép Đài PT-TH Bình Dương làm. Ngày đêm tôi lao vào công việc, vì nếu thất bại, cả sự nghiệp của mình và cán bộ, phóng viên của Đài PT-TH Bình Dương sẽ đổ sụp. Cán bộ, công nhân viên của đài cũng dồn sức không kém, như đang chuẩn bị vào một trận đánh lớn; như cố thoát ra khỏi cái áo chật hẹp, tiếp cận những công nghệ mới; chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng phương án thi công lắp đặt cũng như các giải pháp kỹ thuật. Cứ như vậy cho tới ngày kiểm tra kỹ thuật cuối cùng. Và ngày 3-2-2002, Đài PT-TH Bình Dương phát thành công chương trình truyền hình kỹ thuật số mặt đất, đón đầu sớm nhất trong cả nước, trước hai đài truyền hình lớn là VTV và HTV.

Sau khi phát sóng thành công, chú Bảy Hiếu đã chỉ đạo xây dựng hàng loạt chương trình truyền hình lớn, có tiếng vang và nhiều chương trình duy trì cho đến nay, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Cụ thể như: Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ, Liên hoan hát dân ca và ca cải lương, Liên hoan văn nghệ người khuyết tật, các giải thể thao phong trào, giải bóng đá Truyền hình Bình Dương…

Đồng chí Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương cho chúng tôi biết:

- Trên nền tảng, những thành công được chú Bảy Hiếu lãnh đạo làm nên, giờ đây Đài PT-TH Bình Dương đã phát triển lên một tầng nấc mới, hiện đại và chuyên sâu hơn với tổng cộng hơn 400 cán bộ, công nhân viên. Có 5 kênh truyền hình và một kênh phát thanh, đồng thời có sự tiếp kênh nhiều đài trung ương và nước ngoài, liên kết, cho các đài khác thuê kênh phát sóng. Đài đang phát triển theo hướng chuyên kênh…

Nghỉ hưu, chú Bảy Hiếu vẫn không nghỉ việc. Hơn một năm nay, ông dồn sức viết kịch bản truyền hình với tựa đề Món nợ miền Đông dài hai mươi tập. Đây là một sử thi về cuộc đấu tranh của quân và dân vùng đất đỏ miền Đông dưới góc nhìn của một nhà báo.

Chú Bảy thích chăm cây cảnh. Vì vậy vườn của chú đẹp và hài hòa, xanh mát. Trong vườn có một cây bưởi sum sê, thấy khá lạ mắt, tôi thắc mắc. Chú Bảy tâm sự:

- Cây bưởi ấy là giống mới, loại ruột đỏ, vỏ xanh. Tôi chăm sóc sáng sáng, chiều chiều bền bỉ như hồi nào đi kháng chiến…

Với sự nỗ lực, thành công và những ý tưởng mạnh mẽ, đúng hướng cống hiến trong hàng chục năm qua, chú Bảy đã được Đảng và Nhà nước ta tặng nhiều huân, huy chương cao quí: Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huy hiệu Lao động sáng tạo… Chú được thanh niên miền Đông Nam bộ ví như “hạt giống đỏ” của phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh, sinh viên một thời...

Cùng chú Bảy đến thăm Đài PT-TH Bình Dương, tôi bắt gặp sự tiếp đón chú Bảy đầy thân tình, quý mến, kính trọng của cán bộ, phóng viên; bắt gặp không khí làm việc hối hả của cán bộ, phóng viên của một đài cấp tỉnh đang vươn tầm khu vực trong xu thế cạnh tranh. Chú Bảy Hiếu nói với tôi:

- Mỗi lần vào đài, tôi như được trở về nhà.

Dứt lời, ông cười phá giữa trưa nắng miền Đông vàng rượm.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6-2007

ĐẶNG TRUNG KIÊN