“Mùa Xuân thứ mười” là kể từ mùa Xuân năm 2002, khi những người lính đầu tiên của Đoàn kinh tế-quốc phòng Sông Mã (Quân khu 2) trèo đèo lội suối vào đây hạ trại lập nghiệp, bắt tay thực hiện dự án xây dựng khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên một địa bàn chiến lược thuộc miền Tây Bắc của Tổ quốc. Đây là dự án phát triển kinh tế-xã hội kết hợp củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn 13 xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên; trong đó, toàn bộ 8 xã của huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) nằm gọn trong vùng dự án.

Mùa Xuân thứ mười này, chúng tôi lên Sốp Cộp...

1. Hình dung “Tây tiến”

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.../... Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người...

Đây là lần đầu tiên tôi lên Sốp Cộp. Một trong những lý do khiến tôi hào hứng với chuyến đi này bởi đây là miền đất có những địa danh nổi tiếng trên lộ trình gian nan của đoàn quân Tây Tiến năm xưa đã tạc vào lịch sử qua bài thơ “Tây Tiến” bất hủ của Quang Dũng. Vẫn là “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, nhưng Quốc lộ 4G men theo bờ hữu của dòng sông, nối ngã ba Mai Sơn (Sơn La) với huyện lỵ Sông Mã đã cơ bản hoàn thành, để lại đằng sau những Mai Châu, Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông... Nghĩa là lên được Sốp Cộp còn xa lắm, cao lắm. Hơn mười năm trước, đường lên Sốp Cộp còn gian nan vất vả hơn cả lộ trình của đoàn quân Tây Tiến năm xưa!

Vâng, hơn mười năm trước, đường lên huyện lỵ Sông Mã còn là con đường cấp phối sấp ngửa ổ trâu, ổ voi; ô tô chỉ chạy được vào mùa khô, nhưng phải là xe U-oát dã chiến nhà binh, hoặc xe tải ba cầu, còn mùa mưa thì chỉ có một cách duy nhất là đi bộ. Thời gian đầu, Đoàn KT-QP Sông Mã lên đây, đoạn đường này đã có thêm phương tiện xe ôm, nhưng “ôm” một chiếc “Min-khơ” từ ngã ba Mai Sơn lên Sốp Cộp mất đúng nửa tháng lương trung úy nên chẳng mấy anh chịu chơi...

Trạm xá Đoàn sản xuất 825 khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con địa phương. Ảnh: Trần Ngọc Yến.

Bây giờ thì con đường “Tây Tiến” ấy đã được nâng cấp thành Quốc lộ 4G; qua Mường Lát, Mường Hịch... lên Sốp Cộp, Mường Và... rồi vượt đỉnh Pu Sâng chất ngất hơn hai ngàn thước sang Mường Lèo, Điện Biên... khép kín một vòng cung Tây Bắc. Nhưng tuyến đường KT-QP này chỉ mới hoàn chỉnh được hơn trăm cây số từ ngã ba Mai Sơn lên thị trấn huyện Sông Mã. Còn gần hai trăm cây số từ Sông Mã lên Sốp Cộp, rồi qua Điện Biên... thì đang còn ngổn ngang dang dở, đủ cho chúng tôi hình dung ra nỗi gian lao vất vả của những người lính Đoàn KT-QP Sông Mã những ngày đầu lên khai sơn phá thạch chốn này. Đồng chí Lại Văn Phòng, lái xe của Ban chỉ huy Đoàn KT-QP Sông Mã từ những ngày đầu thành lập đơn vị đến nay, đọc cho chúng tôi nghe bài thơ của một vị chỉ huy ngày ấy viết về những chuyến đi công tác: Đi cùng hòn đá lăn/ Theo lòng suối, lòng khe/ Dòng nước xuyên rừng rậm/ Chỉ cho ta lối về/ Người bạn đường vui chuyện/ “Hòn đá là... hon-đa/ Ta cưỡi lên mà vượt/ Kể chi đường gần, xa/ Quân dân mở đường mới/ Vắt núi đồi trong mây/ Cho bản làng xích lại/ Cho bước chân sải dài/ Cảm ơn “các bộ đội”/ Đoàn kinh tế-quốc phòng/ Làm con đường lên bản/ bao đời dân mình mong...

Sốp Cộp là huyện mới thành lập năm 2004, tách từ 8 xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Sông Mã cũ. Toàn huyện có 4 xã biên giới, tiếp giáp với một địa bàn cũng hết sức khó khăn về kinh tế-xã hội và trật tự-an ninh của nước bạn Lào...

Nhiều năm qua, Sốp Cộp đã được Nhà nước quan tâm đầu tư mọi mặt, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì điều kiện kinh tế-xã hội của Sốp Cộp vẫn còn rất thấp kém. Đặc biệt, đây là địa bàn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, như: Buôn bán và sử dụng ma túy, mê tín dị đoan, lợi dụng tự do tôn giáo v.v..

Ngay hôm đầu tiên lên Sốp Cộp, tôi may mắn được dự Hội nghị tổng kết công tác quốc phòng-quân sự năm 2011 do UBND huyện tổ chức. Qua báo cáo tổng kết và các ý kiến phát biểu, tôi đã phần nào hiểu thêm tình hình chung của huyện, nhưng có một chi tiết khá ấn tượng: Sau khi đọc quyết định khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích trong năm, đồng chí Chủ tịch huyện “trần tình” rằng, hôm nay xin các đồng chí vui lòng chỉ nhận bằng khen, còn tiền thưởng kèm theo thì cho huyện... nợ vài tháng nữa!

Ấy là một chi tiết sinh động về hoàn cảnh kinh tế của Sốp Cộp, một huyện mà tổng thu ngân sách hằng năm chỉ đạt 11 tỷ đồng, trong khi tổng chi hằng năm là hơn 240 tỷ đồng. Còn về mặt bằng dân trí, chính Bí thư huyện ủy Đoàn Văn Toản kể với chúng tôi rằng, hồi chưa được chia tách thành lập huyện mới, ở trên này có vị chủ tịch UBND xã chỉ đọc thông viết thạo mỗi... cái tên của mình. Khi cần ký các công văn, đơn từ thì thư ký ủy ban đọc cho nghe rồi ông ký và đóng dấu (!).

Trong điều kiện và hoàn cảnh ấy, Đoàn KT-QP Sông Mã thực sự là chỗ dựa đắc lực và tin cậy của địa phương. Chính tại hội nghị tổng kết công tác quốc phòng trên đây, tôi đã nghe đồng chí bí thư huyện ủy phát biểu cảm ơn Đoàn KT-QP Sông Mã đã gắn bó keo sơn với bà con các dân tộc huyện nhà, triển khai các dự án KT-QP có hiệu quả. Là một đơn vị kinh tế-quốc phòng, nhưng Đoàn KT-QP Sông Mã không có các nông trường, xí nghiệp và các cơ sở sản xuất-dịch vụ-kinh doanh... như nhiều đơn vị kinh tế-quốc phòng hiện nay.

Đồng chí Đoàn Văn Toản, Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp thăm và tặng quà Đoàn sản xuất 825 Tết Nhâm Thìn 2012. Ảnh: Trần Ngọc Yến

Trực thuộc Đoàn KT-QP Sông Mã có 3 “Đoàn sản xuất” phụ trách 3 cụm địa bàn trong khu vực dự án, trong đó 8 xã của huyện Sốp Cộp do Đoàn sản xuất 825 và Đoàn sản xuất 19 phụ trách. Mỗi Đoàn sản xuất lại có các Đội sản xuất phụ trách từng xã hoặc cụm xã. Nhiệm vụ của các Đội này là bám nắm địa bàn, “ba cùng” với đồng bào các dân tộc và phối hợp chặt chẽ cùng cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, cùng địa phương tổ chức thực hiện tốt các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo các chương trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Như vậy, chức năng nhiệm vụ chủ yếu của các Đoàn sản xuất và Đội sản xuất là các đơn vị vận động quần chúng theo phương thức và mô hình mới của quân đội ta.

Mười năm gắn bó với núi rừng Sốp Cộp, cán bộ và chiến sĩ Đoàn KT-QP Sông Mã kiên trì mục tiêu phấn đấu để đạt được “4 tăng, 4 giảm”, đó là: Tăng dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên, chất lượng dân quân-tự vệ được tăng cường, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; Giảm tệ nạn xã hội, giảm các hoạt động lợi dụng tôn giáo trái pháp luật, giảm di cư tự do và giảm tỷ lệ đói nghèo... Vẫn đồng chí Bí thư huyện ủy Đoàn Văn Toản “khoe” với chúng tôi vài dẫn chứng kết quả cụ thể của mục tiêu “4 tăng, 4 giảm” trên đây: Mười năm qua, đơn vị đã tham mưu giúp địa phương tạo nguồn, bồi dưỡng và kết nạp được gần 500 đảng viên mới ở các thôn, bản. Nhờ vậy, đến đầu năm 2012 này toàn huyện chỉ còn duy nhất bản Hồi Hương chưa có chi bộ Đảng do mới “hồi hương” thành lập nên chưa đủ số lượng đảng viên. Tuy nhiều đoạn đường còn là cấp phối đá dăm, mùa mưa bùn lầy vất vả, nhưng với hơn một trăm cây số đường dân sinh “quân-dân” mới mở, về cơ bản đã nối liền các trung tâm xã trong toàn huyện. Đặc biệt, nhiều công trình phúc lợi dân sinh như: Ngầm Nậm Ca, tuyến cấp điện Mường Và-Mường Lạn, 4 trạm thu phát truyền hình v.v.. đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của huyện nhà...

Tôi đã được đi trên con đường cấp phối đá dăm, nhiều đoạn đang thi công dở dang bừa bộn, sấp ngửa gần bảy chục cây số qua Dồm Cang, Nậm Lạnh... ngoằn nghèo chênh vênh; vượt đỉnh Pu Sâng chất ngất hơn hai nghìn mét, sang Púng Bánh rồi Mường Lèo hun hút... để thăm một người quen là Thượng tá Nguyễn Quý Quỳnh ở Đoàn sản xuất 19. Mười lăm năm trước, Quỳnh là trợ lý phòng Tuyên huấn Quân khu 2. Thỉnh thoảng lên quân khu công tác, tôi vẫn được anh dẫn đi đơn vị cơ sở. Bẵng một thời gian không gặp, nghe nói anh được sung vào lực lượng tăng cường địa bàn khi Quân khu 2 thành lập các đội công tác cơ sở. Gần chục năm trước, có đoàn một trăm già làng trưởng bản và thanh niên dân tộc tiêu biểu thuộc Khu KT-QP Sông Mã về thăm thủ đô Hà Nội, tình cờ tôi được gặp lại anh, mới biết anh đang làm Đội trưởng Đội công tác số 1 của Đoàn KT-QP Sông Mã. Bây giờ thì anh là Phó chính ủy Đoàn sản xuất 19. Ngót nghét hơn chục năm bám trụ ở Sốp Cộp, lăn lộn với công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, xây dựng địa bàn, “cầm tay chỉ việc” giúp bà con lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới... Nguyễn Quý Quỳnh có biết bao câu chuyện sâu sắc ấn tượng với miền đất này, nhưng ấn tượng nhất vẫn là chuyện đường sá. Anh bảo: Bảy chục cây số từ thị trấn Sốp Cộp lên đây, hôm nay các anh đi xe U-oát hết gần 4 tiếng đồng hồ mà kêu ca à? Cái hồi lên tăng cường cơ sở, chúng tôi cứ xắc-cốt quàng vai, ruột tượng gạo quàng lưng ròng rã hơn 2 ngày mới tới nơi đấy! Về sau có đường ô tô gọi là dã chiến, mùa khô nhiều đoạn cho xe rẽ xuống bám theo bờ suối đi còn “êm” hơn mặt đường.

Trò chuyện với Nguyễn Quý Quỳnh, tôi lại vỡ lẽ thêm nhiều điều về công việc của những người lính Đoàn KT-QP Sông Mã. Ấy là ngoài nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế-xã hội, các anh còn là đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên một hướng địa bàn chiến lược miền Tây Bắc. Tết Nhâm Thìn vừa rồi là cái Tết thứ năm anh trực chiến kể từ ngày lên đây. Những lần trước không sao, nhưng mồng bốn Tết năm nay gia đình và Hội bảo thọ xã nhà tổ chức lễ thượng thọ 80 tuổi cho mẹ anh... Trước Tết, anh gọi điện về nhà, con gái anh căn vặn: Năm nay Nhà nước cho nghỉ Tết những 9 ngày, sao bố lại không về được? Anh giải thích là quy định ấy không dành cho bộ đội, con gái lại “gợi ý”: Vậy thì Mồng Hai, Mồng Ba Tết, bố xin tranh thủ vẫn kịp mà! Ôi con gái yêu, chỗ bố đóng quân chưa có tuyến xe khách. Phải chờ có xe tải để đi nhờ hoặc đi xe ôm bảy chục cây số ra thị trấn Sốp Cộp mới có tuyến xe khách về thành phố Sơn La. Rồi từ Sơn La mua tiếp xe khách về Vĩnh Yên nhà mình. Nhưng Mồng Hai, Mồng Ba Tết ở trên này thì xe tải, xe ôm, xe khách... đều không có đâu con gái ạ...

2. Những “mô hình trình diễn”...

Đoàn sản xuất 19 của Thượng tá-Phó chính ủy Nguyễn Quý Quỳnh phụ trách 4 xã xa nhất của huyện Sốp Cộp là: Dồm Cang, Púng Bánh, Sam Kha và Mường Lèo. Đoàn bộ đóng trên một ngọn đồi, ngoảnh mặt ra cánh đồng Mường Lèo thấp thoáng ẩn hiện dưới chân dãy núi chất ngất, trông rất ngoạn mục hữu tình. Ruộng bậc thang nhưng không dốc đứng như nhiều nơi. Những mảnh ruộng mới cấy mạ vừa bén chân phơi mình trong lay phay mưa bụi gợi một không gian thật thân thương quê kiểng. Anh Quỳnh kể: Gần mười năm trước, khi các anh mới lên đây, cánh đồng này chỉ cấy mỗi năm một vụ Hè-Thu. Hỏi thì bà con bảo tập quán ngàn đời nay vẫn thế. Lý do dễ nhận thấy là do ruộng cấy nhờ trời, không có thủy lợi chủ động nguồn nước. Nhưng tìm hiểu kỹ, còn một lý do nữa là trên này chăn nuôi trâu bò thả rông, mùa rét lùa về mấy chân ruộng gần bản để quản lý, vì vậy không thể cày cấy làm vụ Đông-Xuân được. Vậy là muốn vận động bà con thâm canh mỗi năm hai vụ thì vừa phải có dự án làm đập thủy lợi Mường Lèo, vừa phải vận động, thuyết phục, hướng dẫn bà con nuôi nhốt trâu bò để giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe gia súc và bảo vệ cây trồng. Toàn là những việc xa lạ, ngàn đời nay bà con chưa ai nghĩ tới. Đơn vị quyết tâm làm. Đắp được đập, làm được mương, vận động được bà con làm chuồng trâu bò xa nhà ở rồi... nhưng cả bộ đội lẫn đồng bào đều thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Lại còn quan niệm của bà con là không thể lấy phân trâu bò để trồng cái ăn nữa chứ! Vậy nên vụ đầu chỉ làm được 2ha, vụ sau thêm 4ha nữa... Cứ thế “phủ” dần dần cánh đồng Mường Lèo mỗi năm hai vụ. Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen, càng về sau lúa “ăn phân” càng nhiều càng tươi tốt, mà nồi cơm nấu từ thóc lúa ấy càng đầy hơn, càng ngon hơn. Bà con hết nghi ngại, phấn khởi lắm!

Vườn rau quanh bếp của Đội sản xuất số 1 cũng là một “mô hình trình diễn” cho bà con học tập. Ảnh: Trần Ngọc Yến

Trồng được cây lúa mỗi năm hai vụ rồi, nhưng tại nhiều chân đồi, chân ruộng... vẫn còn những khoảnh ao hồ lâu nay bà con vẫn quen nuôi thả cá tự nhiên. Thiếu tá Đỗ Văn Oanh và anh em Đội sản xuất số 9 nghĩ đến một mô hình nuôi cá giống. Vùng này nhiều gia đình cũng đã từng nuôi cá hàng hóa để bán cho bà con trong bản. Nhưng cá giống thì phải ra tận thị trấn Sông Mã cách xa gần trăm cây số. Con giống vận chuyển xa nên tỷ lệ sống thấp, lại “lạ nước” nên khó thích nghi, chậm lớn, nhiều bệnh. Nếu đơn vị chăn nuôi được cá giống tốt tại chỗ thì sẽ khắc phục được những điều trên đây. Đề án được lãnh đạo và chỉ huy Đoàn sản xuất 19 chấp thuận và cho vay 10 triệu đồng để thực hiện. Anh em “mượn” xã Púng Bánh một mảnh ao chừng vài trăm mét vuông bỏ hoang ở bản Nà Lều. Rồi nạo vét, đắp ngăn thành một khu chăn nuôi cá giống đúng mô hình kỹ thuật, có hệ thống dẫn lưu thông thủy. Cá hương giống mua của Trung tâm khuyến nông huyện, kèm cả tài liệu kỹ thuật nữa. Thỉnh thoảng anh em còn mời cán bộ kỹ thuật của trung tâm vào tư vấn thêm. Sau hai tháng rưỡi cá lớn độ nửa gang tay là “xuất chuồng”, cung cấp cho một số hộ là cán bộ thôn, bản nuôi thả dưới sự kèm cặp theo dõi và hướng dẫn hằng tuần của Đội. Từ đó nhân rộng mô hình ra nhiều hộ khác. Đến nay đã có hơn chín chục hộ của 3 bản Nà Lều, Huổi Cốp và Pá Thoong được công nhận “thoát nghèo” nhờ nuôi cá. Trên đà thắng lợi, Đội 9 lại “mượn” tiếp một mảnh ao rộng hơn, thuê máy đào ủi, cải tạo thành một ao nuôi cá thịt. Từ năm ngoái đến nay, tuần nào anh em cũng “đánh tỉa thả bù”, có thêm khoản thu nhập để trả nợ vay vốn giúp dân và mua sắm doanh cụ... Bữa ăn đơn vị “tươi” hơn và đời sống tinh thần của anh em trong Đội cũng... vui tươi hơn!

Tôi theo Thiếu tá Đỗ Văn Oanh xuống bản Nà Lều xem ao cá giống, gặp ông Quàng Văn Hưởng là bí thư chi bộ bản, lại nghe ông say sưa kể về dự án nuôi bò của Đội sản xuất số 9 thực hiện ở bản ông. Mô hình nuôi bò “luân lưu” trước đây huyện cũng đã triển khai, nhưng giao tiền cho bà con đi mua bò thì không thành công. Nay Đội 9 vay tiền Trung tâm khuyến nông huyện, trực tiếp cùng hai hộ gia đình thuộc diện “xóa đói giảm nghèo” đi mua hai con bò cái về giao cho họ nuôi. Năm sau cả hai con bò này đều đẻ hai con bê, gia đình giữ bê lại nuôi, còn hai con bò mẹ lại giao cho hai hộ khác. Cứ thế, đến nay “đàn bò dự án” của bản Nà Lều đã có 8 con...

Thực tình, trước đây nghe nói đến “Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Sông Mã” là tôi tưởng tượng ra những nông trường quân đội “hùng hậu” nuôi trồng các loại cây con đặc sản miền Tây Bắc; những nhà máy, xí nghiệp quốc phòng tấp nập công nhân; những dự án điện-đường-trường-trạm... nhiều tỷ đồng thu hút các nhà thầu “đại gia” vào cuộc. Hóa ra không phải thế! “Làm kinh tế” chỉ là một nội dung trong các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chẳng hạn như năm 2011, Đoàn sản xuất 825 đã tổ chức một lớp học hè cho 43 học sinh yếu sắp thi lên trung học cơ sở và xóa mù chữ cho 23 hội viên phụ nữ ở một bản nơi Đoàn bộ đóng quân. Toàn Đoàn đã tổ chức gần một nghìn lượt cán bộ về các bản biên giới nắm tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân tự triệt phá hơn 8ha cây thuốc phiện, tổ chức đưa hàng chục đối tượng đi cai nghiện, tổ chức định cư cho 37 hộ gia đình “hồi hương”, kịp thời phát hiện và vận động thành công 41 hộ gia đình gồm 862 người ở 6 bản biên giới bỏ ý định di cư khỏi địa bàn... Nhờ vậy, vụ lộn xộn xảy ra ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) hồi giữa năm 2011, không có bà con người Mông ở Sốp Cộp tham gia...

Về nhiệm vụ “làm kinh tế”, Đoàn KT-QP Sông Mã cũng chỉ là một lực lượng tham gia thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo trong chương trình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội miền núi của Chính phủ. Ngoài một số công trình dân sinh thì nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn KT-QP Sông Mã là tham gia hướng dẫn và tổ chức thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo, thông qua các “mô hình trình diễn” để bà con làm theo, một kiểu “cầm tay chỉ việc” rất thiết thực và hiệu quả.

Đích thân đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lạn, dẫn tôi xuống thăm một số “mô hình trình diễn” ở Đội sản xuất số 1 của Đoàn sản xuất 825. Anh Bình mới ngoài ba mươi tuổi, là cán bộ văn phòng UBND tỉnh Sơn La tăng cường cơ sở. Cấp trên “tăng cường” anh về Mường Lạn vì đây là xã biên giới trọng điểm, từng là “điểm nóng” về trật tự-an ninh. Anh kể: Nếu không có Đội 1 của Đoàn KT-QP Sông Mã làm chỗ dựa thì anh khó mà hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn như việc lãnh đạo địa phương xóa đói giảm nghèo vốn đã rất khó khăn vì quá nửa số hộ gia đình ở Mường Lạn thuộc diện đói nghèo, nhưng khi bắt tay vào việc càng thấy khó khăn hơn vì tâm lý bà con ở đây không thích thoát nghèo, đơn giản vì thoát nghèo thì không được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước. Làm thế nào chuyển biến nhận thức, xóa bỏ tâm lý ỷ lại ấy của bà con là một quá trình vận động, giải thích, thuyết phục... vô cùng gian nan bền bỉ. Ấy thế là anh em Đội 1 làm được. Đầu tiên anh em chọn hộ gia đình bà Vì Thị Tảo, dân tộc Lào ở bản Cống để làm mẫu. Hằng tuần, anh em thay nhau xuống bám sát gia đình, hỗ trợ hạt giống, con giống... và hướng dẫn gia đình các bước làm đất, gieo trồng, chăm sóc... Qua vụ đầu “cầm tay chỉ việc”, đến nay gia đình đã có ruộng lúa, nương ngô tổng cộng gần 2ha canh tác, đàn lợn 6 con, đàn vịt 25 con... Nhà bà Tảo đã có “đồng ra đồng vào”, được công nhận hộ “thoát nghèo”.

Hào hứng nhất là “Mô hình trình diễn gà Tam hoàng”. Trung tá, Đội trưởng Nguyễn Duy Liêm kể: Khi bắt tay làm “mô hình trình diễn”, anh em lúng túng không biết chọn cây-con gì. Qua khảo sát, thấy một số hộ người Kinh lên đây làm ăn, nuôi thả vườn được giống gà Tam hoàng, chứng tỏ môi trường ở đây thích hợp. Nếu phát triển đàn gà Tam hoàng nuôi nhốt chuồng trại thì vùng này sẵn nguồn thức ăn là ngô và sắn. Thế là Đội lập dự án vay Đoàn 10 triệu đồng, mua 60 con gà giống và vật liệu xây dựng chuồng trại, lại thuê đất bà con trồng ngô “bai-ô-xít”, vừa để làm “mô hình trình diễn” trồng ngô giống mới cho bà con xem, vừa tạo nguồn thức ăn nuôi gà. Quá trình nuôi gà và trồng ngô, Đội mời 5 hộ gia đình gần nhất cùng “chung tay góp sức”. Khi gà sinh sản thì chia cho các hộ này tự nuôi theo cách của bộ đội. Kết quả là chỉ sau một năm, Đội đã trả được vốn vay, lại phát triển được đàn gà hơn 160 con từ 5 hộ kể trên. Đến nay, xã Mường Lạn đã có 26 hộ gia đình nuôi gà hàng hóa có lãi...

Cùng là mô hình nuôi gà, nhưng Đội sản xuất số 2 của Trung tá Hoàng Văn Năng, đóng ở bản Nà Khi, lại là nuôi gà lôi. Chọn gà lôi bởi bản Nà Khi chủ yếu là bà con dân tộc Lào, vốn quen nuôi gà lôi nhưng do nuôi thả tự nhiên nên lai tạp và dịch bệnh nhiều, nay hầu như tuyệt chủng. Đội trưởng Năng quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ, nơi có giống gà lôi nổi tiếng. Anh vay vốn về quê mua gà giống lên đơn vị gây đàn. Khi đã sản xuất được gà giống, Đội bán chịu cho dân, giá chỉ bằng một nửa giá thị trường và hướng dẫn bà con cách nuôi nhốt, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... Chỉ sau gần hai năm, bà con trả hết nợ cho Đội, Đội trả hết nợ cho Đoàn. Gà lôi của bản Nà Khi ra chợ đường biên tỏa về nhiều bản khác, sang các bản Lào bên kia biên giới nữa...

“Mô hình trình diễn” ở Khu KT-QP Sông Mã là những dự án gọn nhẹ và cụ thể như thế. Đại tá Phạm Văn Khả, Chính ủy Đoàn KT-QP Sông Mã, một cán bộ dân vận kỳ cựu trên địa bàn Tây Bắc mấy chục năm nay, khẳng định với chúng tôi rằng: Với điều kiện và đặc điểm kinh tế-xã hội trên này thì cách làm như vậy là dứt điểm, vững chắc và thiết thực. Còn tôi thì trộm nghĩ rằng, có lẽ đây cũng là một mô hình thí điểm của phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” mà Bộ Quốc phòng vừa chính thức phát động trong những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn 2012 vừa qua...

Ghi chép của Mai Nam Thắng