LTS: Báo Quân đội nhân dân vừa giới thiệu tấm gương thượng úy Phạm Hữu Huyên quên mình cứu dân trong lũ, thì đã nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc ở khắp mọi miền Tổ quốc gửi về, đề nghị giới thiệu toàn diện hơn về tấm gương binh nhất Rơ Châm Thuyên cứu đồng đội bị lũ cuốn, cũng hy sinh rất anh dũng mà báo Quân đội nhân dân đã đưa tin ngày 16-8-2007. Phóng viên báo Quân đội nhân dân đã trở lại đơn vị, gặp đồng đội, gia đình và người thân của Rơ Châm Thuyên kể lại thời khắc mà anh hy sinh.

Khúc tráng ca bên dòng Sa Thầy

Chúng tôi về nơi Rơ Châm Thuyên hy sinh cứu đồng đội. Đó là dòng Sa Thầy, đoạn thuộc xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Hôm nay, dòng sông đã trở lại bình thường, nước trong xanh, nếu không có đất phù sa, rêu rác còn bám lại trên những bụi cây ở hai bên bờ, thì khó mà hình dung được, nơi đây vừa xảy ra trận lũ lớn.

Trung úy Lê Xuân Quang, Trung đội trưởng trung đội Công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai trực tiếp chỉ huy phân đội rà phá bom mìn và cũng là người được Rơ Châm Thuyên cứu, kể:

- Hằng ngày đơn vị vượt sông Sa Thầy vẫn bằng con bè tự tạo, vì bình thường nước sông cũng không lớn lắm, lại rất trong, đứng trên bờ có thể nhìn xuống tận đáy được. Đơn vị còn làm sợi dây dẫn níu cố định vào 2 bên bờ, nên đi lại khá an toàn. Cũng như các lần khác, ngày 8 tháng 8, phân đội chia làm 2 tổ, tổ đầu 3, tổ sau 4 đồng chí, để xuống bè qua sông. Tôi và Chuẩn úy Phạm Ngọc Hoài, Binh nhất Thoan, sang trước để làm công tác chuẩn bị.

Thấy tôi dừng bút, nhìn anh, Quang hiểu ý, giải thích:

- Thoan không dùng họ. Đó là phong tục của người dân tộc Ba Na. Tuy nhiên, không phải là tất cả, cũng có người mang họ như đồng bào Kinh…

Quang kể tiếp:

- Ba anh em chúng tôi nhảy lên bè, bám theo dây dẫn đi, lúc ấy là 6 giờ 45 phút. Nhưng bè mới đi được mươi mét thì thấy phía thượng nguồn mây đen cuộn lên vần vũ.

Binh nhất A Lý nói xen vào:

- Lúc ấy Thuyên ở trên bờ gọi với theo rất to “Các anh đi nhanh lên, sắp có mưa đấy”.

Di ảnh Rơ Châm Thuyên

Quang kể: Thấy Thuyên nói thế, hơn nữa cũng đã có kinh nghiệm, biết là trên thượng nguồn có lũ, ba người dồn sức bám cả vào dây dẫn, kéo con bè vượt lên dòng chảy. Khi còn chừng 20 mét nữa là vào đến bờ bên kia, thì đúng lúc ấy, dòng sông như sôi lên, nước từ trên thượng nguồn ào ào đổ về như thác, kéo theo những khúc cây đổ, lao phăng phăng như tên bắn, cuồn cuộn đập vào những tảng đá. Ba người hò nhau níu chắc chiếc bè vào dây dẫn, để cố gắng vào bờ thật nhanh. Sợi dây dẫn căng ra như khung diều thừa gió, rồi bỗng nhiên đứt phựt. Chiếc bè mất hẳn phương hướng, lật úp…

- Sự việc diễn ra quá đột ngột - Quang nói-tôi quờ quạng trong dòng nước xoáy, nước thốc vào mồm, vào mũi, nghẹt thở như sắp bị chết đuối… Đúng vào lúc chân tay cứng đờ, không còn sức để ngoi lên nữa, thì bỗng nhiên có một bàn tay túm lấy tôi đẩy mạnh. Tôi nghe bên tai tiếng nói quen thuộc của Thuyên: “Cố lên anh Quang, bám chắc vào vai em, đừng để tụt, nước cuốn mất...”.

Giọng Quang chùng xuống, cặp mắt quầng thâm rưng rưng lệ:

- Thế rồi tôi không biết gì nữa, đến khi tỉnh dậy, câu đầu tiên tôi nghe được là: “Thuyên hy sinh rồi”.

Binh nhất A Lý, người đã cùng Thuyên lao xuống dòng nước dữ, bồi hồi nhớ lại:

- Sau khi chiếc bè lật úp, cuốn theo dòng nước thì chỉ thấy những cánh tay chới với, chúng tôi bàng hoàng cứ ngây người ra chưa biết tính sao, thì đã thấy Rơ Châm Thuyên lao mình xuống sông, loáng cái đã bơi đến sát con bè. Thế là tôi cùng K Rê và Rơ Com Xuân Bổ cũng nhảy xuống theo.

… Dòng nước cứ phăng phăng chảy, khi 3 chiến sĩ bơi gần đến nơi, thì đã thấy Thuyên đang cố hết sức đẩy Lê Xuân Quang lên mặt nước. Ba anh góp sức, nhưng cũng lâu lắm mới đưa được Quang lên tảng đá mồ côi ở gần đó. Ngay lập tức Thuyên lại lao ngay xuống dòng nước, mọi người cũng lao theo bơi về phía Thoan và Hoài đang chới với bám vào chiếc bè mắc lại nhờ một cây gỗ xoay ngang. Khi ba chiến sĩ cùng Thuyên đưa được Thoan lên tảng đá, cũng là lúc chiếc bè bị thác nước đẩy ra, vỡ nát thành từng mảng. Thuyên vừa nhảy xuống sông vừa kêu lên “nhanh cứu Hoài…".

- Thuyên nhảy xuống một lúc - binh nhất K Rê kể - chúng tôi lại nhìn thấy cánh tay Hoài chới với, thế là cả ba lại nhảy theo, lao về phía Hoài. Đến gần nơi, thì Hoài đang chập chờn, nổi lên lại chìm xuống trong dòng nước dữ. Có lẽ lúc đó Thuyên đang cố gắng vẫy vùng đẩy Hoài lên. Chúng tôi tìm mọi cách để cứu Hoài thì bất chợt thấy Thuyên nổi lên vẫy vùng, rồi lại chìm xuống.

Binh nhất Rơ Com Xuân Bổ, giọng còn khản đặc. Anh nói trong nước mắt:

- Lúc ấy tại tôi sức yếu quá rồi, chứ Thuyên chỉ cách chúng tôi chừng một sải tay. Tôi càng cố, càng rướn tới Thuyên thì nước càng đẩy ra xa... Giá tôi cũng khỏe như Thuyên thì đã kéo được Thuyên…

Binh nhất A Lý, đôi mắt mở to, nhìn vào khoảng không tĩnh lặng, thi thoảng lại giật mình, nói trong xúc động:

- Không thể nào quên được hình ảnh của Thuyên co người lại vẫy đạp trong nước thấy đấy mà tôi không sao nhoài ra để cứu bạn được. Từ hôm Thuyên hy sinh đến nay, tôi vẫn thấy như có Thuyên bên cạnh. Thuyên giỏi lắm, biết đàn, biết hát, còn sức khỏe thì nhất đại đội. Tôi với Thuyên nhập ngũ cùng ngày; cùng huấn luyện chung một tiểu đội. Hai đứa chơi thân với nhau lắm. Thế mà bây giờ Thuyên đi mãi mãi mất rồi…

Thượng tá Nguyễn Xuân Phong, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, người trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm Thuyên nhớ lại:

- Suốt 3 ngày đêm chúng tôi chia quân ra hai bên bờ, rải dọc hơn 28km theo chiều dài của dòng sông với một hy vọng mong manh là Thuyên còn sống đang bám vào cành cây, hoặc ghềnh đá nào đó. Giọng chúng tôi ai nấy đều khản đặc. Mọi người thay nhau gọi: “Thuyên ơi! em ở đâu” nhưng chỉ có tiếng của chính mình vọng trở lại… Thực ra lúc đầu đơn vị ai cũng hy vọng Thuyên còn sống. Vì Thuyên vừa khỏe, vừa bơi rất giỏi. Dòng sông lại nhiều đá mồ côi, hai bên bờ nhiều cây cối rậm rạp… Nhưng sự thật thì em hy sinh rồi. Đúng vào lúc tưởng như thân xác Thuyên đã bị trôi ra biển, thì chúng tôi tìm được em. Hình như Thuyên nghe thấu tiếng gọi của chúng tôi. Thương đồng đội vất vả, em hiện về một cách bất ngờ. Lúc ấy là 9 giờ 12 phút ngày 13 tháng 8, chỉ cách nơi em tham gia cứu đồng đội chừng 1km. Thân hình em vẫn nguyên vẹn. Em còn trẻ quá. Em nằm, mắt nhắm lại như ngủ! Theo phán đoán của chúng tôi, khi túm được Hoài thì cũng là lúc Thuyên đã kiệt sức, em bị nước xoáy nhấn chìm rồi trôi theo dòng chảy và bị mắc vào một khe đá nào đó…

Anh bỏ lửng câu nói. Chúng tôi nhìn nhau, mắt ai cũng ngân ngấn lệ. Rơ Châm Thuyên cùng đồng đội đã giành lại sự sống cho đồng chí mình bằng sự hy sinh của chính mình. Cái chết của anh trở thành bất tử, như khúc tráng ca ngân lên bên dòng sông Sa Thầy, quyện vào gió núi, mây ngàn của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Trong tình yêu đồng đội

Những ngày này ở Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đang dấy lên phong trào học tập và hành động theo tấm gương binh nhất Rơ Châm Thuyên. Đến đâu chúng tôi cũng được đồng chí, đồng đội, người thân và bà con buôn làng kể về anh với một tình cảm đặc biệt và niềm tiếc thương vô hạn.

Chúng tôi đến đại đội Công binh, đơn vị được Bộ CHQS tỉnh Gia Lai giao nhiệm vụ rà phá bom mìn trên con đường tuần tra dọc tuyến biên giới tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia.

Từ quốc lộ 14C đến vị trí đại đội cơ động đứng chân khoảng 40km đường rừng. Suốt mấy tháng qua, thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn-nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, chỉ sơ suất nhỏ là có thể hy sinh, nhưng đơn vị lúc nào cũng vui như hội, vì đúng là cứ sau bước chân các anh là có tiếng đồng bào về cắm đất làm nhà và màu xanh trở lại. Vậy mà đã 3 ngày, 7 ngày, rồi 9 ngày nay, kể từ khi Thuyên hy sinh, cả đơn vị trầm lặng, vắng hẳn tiếng cười đùa. Đại úy Vũ Văn Đoàn, Đại đội trưởng, không giấu được những cảm xúc khi tâm sự với chúng tôi về Rơ Châm Thuyên, người mà anh coi như đứa em ruột thịt trong gia đình. Anh tự hào kể về Thuyên:

- Tháng 10 - 2006, Thuyên nhập ngũ và huấn luyện chiến sĩ mới tại tiểu đoàn 50. Mọi thứ đều xa lạ đối với Thuyên, vì em là người dân tộc thiểu số, ít nói, nhưng em đã hòa nhập được ngay với môi trường quân đội. Và đã được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngay trong thời gian huấn luyện. Cuối tháng 12, em được biên chế về đại đội Công binh thuộc Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai.

Dừng lại một lúc khá lâu như để kìm nén những cảm xúc, giọng Đoàn đều đều:

- Thuyên là một chiến sĩ có ý chí và nghị lực. Mới 19 tuổi đầu, nghiện thuốc lá từ nhỏ, thế mà khi đơn vị phát động bỏ thuốc là Thuyên bỏ được ngay. Rượu Thuyên cũng không uống nữa, mặc dù như mấy chiến sĩ người cùng làng nói, thì ở nhà Thuyên uống được nhiều rượu. Hỏi em, bỏ thuốc, nhịn rượu có thấy khó chịu không, em cười bẽn lẽn, chỉ nói một câu ngắn gọn: “Phải quyết tâm chứ”. Nhiệt tình, tận tụy, tự giác chấp hành mọi quy định của đơn vị và kỷ luật quân đội là phẩm chất của Rơ Châm Thuyên. Nếu em không hy sinh, thì ngay sau đợt công tác này sẽ được chi bộ cử đi học tập lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Bộ CHQS tỉnh cũng vừa thông báo về đơn vị, phòng chính trị đang làm thủ tục khen thưởng 4 đồng chí của phân đội rà phá bom mìn, đặc biệt là Rơ Châm Thuyên.

Tôi gọi điện thoại cho Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh. Đồng chí cho biết, chiều ngày 21-8, Đảng ủy và Bộ CHQS tỉnh đã họp và đang làm thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho Binh nhất Rơ Châm Thuyên, đề nghị Quân khu khen thưởng cho ba đồng chí A Lý, K Rê và Rơ Com Xuân Bổ.

Hình ảnh xả thân cứu đồng đội của bốn chiến sĩ trẻ, đặc biệt là Rơ Châm Thuyên, cứ lấp lánh, lấp lánh ngời lên một lẽ sống cao đẹp mà bình dị, lặng lẽ như bông hoa rừng tỏa ngát hương thơm.

Dân làng nhắc mãi tên anh

Đồng chí thiếu tướng Trần Minh Hùng, Phó Tư lệnh-chỉ huy trưởng tiền phương Quân khu 5 (thứ 3 từ phải sang) đến thăm, chia buồn với gia đình Rơ Châm Thuyên

Nghe tin Rơ Châm Thuyên anh dũng hy sinh, những ngày ấy, mặc dù trời mưa, đường sá đi lại rất khó khăn, dòng người từ các làng Al, làng Fung và làng Ia Lok của xã Ia Mơ Nông; làng Rãng 1, Rãng 2 của xã Ia Phí; làng Giã của xã Ia Ly thuộc huyện Chư Păh (Gia Lai) và nhiều vùng lân cận khác vẫn nườm nượp đến chia buồn cùng gia đình và thắp hương tưởng niệm Rơ Châm Thuyên.

Trong ngôi nhà sàn nhỏ, bà Rơ Châm Byih, tay thắp nén nhang cho con, giọng nói như tỉnh, như mê:

- Thằng Thuyên nó chưa chết đâu. Nó đi công tác xa đó thôi. Thuyên ơi, con về “bắt vợ” đi cho mẹ, rồi con đi công tác ở đâu cũng được…

Còn bố Thuyên, ông Ông Rơ Châm Ngô - người chiến sĩ liên lạc của đội du kích năm xưa-tuy cứng rắn hơn vợ, nhưng giọng cũng đầy nước mắt:

- Mấy ngày nay bà ấy toàn lẩm nhẩm thế. Lúc nào cũng như nói chuyện với con, mong con về "bắt vợ". Chỉ tiếc rằng thằng Thuyên ra đi sớm quá, từ ngày vào bộ đội đến giờ, nó chưa về thăm nhà lần nào, Tết vừa rồi nó được thưởng phép nhưng xung phong ở lại. Thư nó viết về khoe đã bỏ được thuốc lá, không thèm cái rượu, nó khuyên mình bỏ thuốc để giữ gìn sức khỏe. Nhà mình nghèo, ngay từ tuổi thiếu niên nó đã biết thương cha mẹ và các em, sáng đi học, chiều lên nương, lên rẫy đỡ đần cha mẹ. Lớn lên chút ít, tay biết cầm con dao là vào rừng tìm cây giang, cây nứa mang về cho mình đan gùi, đan sọt. Nó tinh ý lắm, đã biết nhìn con trăng để câu cá, thả lưới. Thích đi học, nhưng nhà mình nghèo chỉ cho nó học hết lớp 8 thôi.

Ông dẫn chúng tôi ra vườn cà phê, những cây cà phê xanh mướt, chuẩn bị ra bông, kết trái lứa quả đầu. Giọng ông thổn thức:

- Hơn 200 cây cà phê này là thằng Thuyên trồng trước ngày lên đường nhập ngũ. Không biết ai hướng dẫn, hay học kỹ thuật ở đâu, mà nó còn chép vào quyển sách hướng dẫn cho mình cách chăm sóc, phòng bệnh cho cà phê. Cây mỗi ngày mỗi lớn mà nó thì đi hẳn mất rồi…

Nghe bố của Thuyên nói tôi không cầm được nước mắt, cũng không dám hỏi thêm điều gì nữa. Tôi chào ông, lặng lẽ đến nhà già làng AI Rơ Châm La.

Già làng nói như khoe với chúng tôi:

- Người Giơ-rai mình xưa nay vẫn giữ cái phong tục không cho đưa người chết ở ngoài làng về nhà mồ. Nhưng riêng với Rơ Châm Thuyên thì làng bỏ hết tục lệ. Nó là bộ đội Bok Hồ (Bác Hồ), hy sinh trong lúc cứu đồng đội, nó làm đẹp cho dân làng, nó xứng đáng được để ở nơi đẹp nhất trong khu nhà mồ của làng. Dân bản mình tự hào về nó. Kể từ hôm đưa Thuyên về với Atâu (ông bà) đến giờ, lũ thanh niên trong làng ngồi đâu cũng bàn tán về Thuyên với sự khâm phục. Mình bảo với cái cán bộ thôn rằng: “Thằng Thuyên nó làm cho người Giơ-rai ta nở mặt, nó làm cho dân làng tự hào, nhân dịp này họp cái lũ thanh niên lại, hướng cho chúng nó noi theo gương thằng Thuyên, để đứa nào có cái hư, cái xấu thì tự giác bỏ đi".

Chúng tôi gặp Rơ Châm Kõp, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Nông. Ông nói:

- Gia đình Thuyên thuộc diện nghèo trong xã, anh Ngô (bố của Thuyên) nguyên là chiến sĩ liên lạc của đội du kích ngày xưa, sức khỏe không được tốt cho lắm, mẹ Thuyên thì càng yếu hung. Ngay từ khi ở nhà Thuyên đã có suy nghĩ chín chắn, làm việc chăm chỉ. Nó không đua đòi ăn diện, không tụ tập chơi bời. Nó lại biết đánh đàn ghi ta và giọng hát của nó thì không lẫn vào đâu được. Các đồng chí hỏi mình cảm nghĩ về tinh thần hy sinh của nó ư, đơn giản thôi. Mình nghĩ, trước tình huống ấy không phải ai cũng làm được như vậy đâu. Nhất là nó lại mới 19 tuổi…

Nghe đồng đội, nghe bố Thuyên nói, nghe già làng, nhất là nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nhận xét tôi càng hiểu thêm, môi trường quân đội đã góp phần quan trọng rèn luyện, dung dưỡng Thuyên trở thành người chiến sĩ dũng cảm, nhưng ngay từ ở nhà Thuyên đã là đứa con ngoan, một thanh niên tốt.

Những điều giản dị

Ngay sau khi Binh nhất Rơ Châm Thuyên được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng, nhiều đồng chí thuộc đại đội Công binh đã chủ động lên gặp ban chỉ huy đại đội đưa tiền nhờ trả lại Thuyên, người ba chục, năm chục, người bảy chục, một trăm nghìn đồng… Số tiền dồn lại đúng 1.300.000 đồng và nói, đó là tiền khi còn sống Thuyên cho mượn.

Nhìn gói tiền ấy, nhiều người không cầm được nước mắt, đồng phụ cấp hằng tháng ít ỏi của Rơ Châm Thuyên, không tiêu đến là cho anh em mượn. Chuẩn úy Phạm Ngọc Hoài, một trong ba người được Thuyên cứu sống kể:

- Hằng tháng, cứ đến đợt nhận phụ cấp, là Thuyên lại hỏi, có ai cần thì Thuyên cho vay. Thuyên bảo khi nào Thuyên được về phép thì gửi lại để mang về giúp bố mẹ. Khi còn sống Thuyên có ước mơ hết sức bình dị, bình dị như chính cuộc sống của em vậy. Em bảo, ngày khoác ba lô về phép, em mong có bộ quần áo cho bố, lọ dầu gió cho mẹ, chiếc váy mới cho đứa em gái và đôi giày thể thao cho cậu em trai.

Thế là những mơ ước dung dị ấy không bao giờ Thuyên thực hiện được nữa rồi.

Chỉ vào chiếc giường của Thuyên, Hoài bảo:

- Thuyên sống đơn giản lắm, chẳng có gì cho bản thân mình, mà luôn nghĩ về người khác, luôn lo lắng cho người khác. Nhiều khi được đơn vị bồi dưỡng là lại nhường phần cho đồng đội. Giục nó phải ăn thì nó toét miệng cười rồi thật thà bảo: “Ăn quen bụng, mai về quê không có mà ăn…” .

Cũng như Thượng úy Phạm Hữu Huyên ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, Rơ Châm Thuyên mất đi, nhưng những việc anh làm, những lời anh nói còn sống mãi trong lòng đồng chí, đồng đội, bạn bè, người thân. Tấm gương hy sinh của các anh khẳng định lý tưởng sống cao đẹp của Bộ đội cụ Hồ - Đội quân được Bác Hồ và Đảng sáng lập, rèn luyện, có bề dày truyền thống vẻ vang hơn 60 năm. Đội quân sinh ra từ nhân dân, có giặc thì đuổi giặc, khi đất nước thanh bình thì tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Chúng tôi xin được viết những dòng mộc mạc, chân thành này như một nén tâm nhang kính viếng hương hồn các anh, người đồng đội quả cảm mà bình dị của chúng tôi.

Bài, ảnh: ĐẶNG TRUNG HỘI QUANG HỒi