QĐND - Nằm ở phía đông bắc của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, xã Sơn Hòa được người dân trong vùng tôn vinh là một miền quê “địa linh nhân kiệt”. Miền quê nghèo hiếu học vào bậc nhất nhì của huyện này đã sinh ra không ít người con ưu tú làm rạng danh quê hương. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Sơn Hòa từng được chọn là nơi tụ binh dấy nghĩa, là hậu phương chăm sóc thương binh, che chở bộ đội, tập kết hàng hóa chi viện cho chiến trường...

Tất cả cho tiền tuyến

Sơn Hòa những ngày cuối tháng Ba, nắng vàng dịu tỏa xuống cánh đồng lúa xanh ngút ngát dưới chân núi tạo nên một bức tranh quê thật thanh bình. Nhiều người con xa quê nay trở về cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay, phát triển của quê nhà. Sơn Hòa giờ không còn cảnh đường sá bùn lầy ruộng cấy như những năm trước đây, con đường trung tâm và các đường liên xóm đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, mở thông thoáng, sạch đẹp. Cơ quan hành chính, trường học, bưu điện, trạm xá đều quy hoạch tập trung một khu vực. Nhìn về khu dân cư, hầu như nhà nào cũng tường xây, mái ngói, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên. Lại còn có cả hội quán làm nơi sinh hoạt thôn xóm... Hỏi chuyện bà con, tôi thấy ai cũng khoe: Tết Ất Mùi vừa qua, không khí đón Xuân ở đây thực sự vui vẻ và ấm áp. Bởi năm qua mưa thuận gió hòa, không có lũ lớn tàn phá, đời sống ngày càng được nâng lên nên người dân yên tâm vui Tết. Nhưng có lẽ, thông tin xã Sơn Hòa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu năm 2015 đã khiến cho lòng dân thấy phấn chấn hơn.

Gặp chúng tôi, đồng chí Hà Học Tuấn, Chủ tịch UBND xã phấn khởi chia sẻ: Trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xã Sơn Hòa có niềm vui đặc biệt, niềm vinh dự rất lớn là được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về sự đóng góp của Sơn Hòa trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc...

Trường THCS của xã Sơn Hòa được mang tên Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Ảnh: VĂN SƠN.

Theo sử sách ghi lại, Sơn Hòa khi mới thành lập được gọi là Kẻ Gôi, những năm trước 1945 gọi là các làng Bình Hòa, Gôi Mỹ, tổng Yên Ấp. Sau năm 1945, hai làng Bình Hòa và Gôi Mỹ nhập lại thành xã Mỹ Hòa, đến năm 1954, đổi tên là xã Sơn Hòa. Là nơi có địa hình đồi núi xen lẫn ao, đầm, đồng bằng. Người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông, chăn nuôi nhỏ lẻ, lại thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ nên cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, ngày xưa, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, dựa vào địa hình thế núi, Sơn Hòa từng được chọn là nơi tụ binh dấy nghĩa, là căn cứ hậu cần cho các cuộc kháng chiến. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Sơn Hòa đã đóng góp không ít sức người, sức của phục vụ cho chiến trường, nhất là chiến trường Lào và Bình Trị Thiên. Hơn 4000 lượt thanh niên, trung niên hăng hái lên đường nhập ngũ, đi thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến, tham gia đội rà phá bom mìn, trung chuyển hàng hóa, san lấp hố bom, mở đường bảo đảm giao thông... Là hậu phương chăm sóc thương binh, che chở nuôi giấu bộ đội; có thời điểm địch đánh phá ác liệt, người dân sẵn sàng di cư lên miền núi để nhường nhà, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cơ quan, đơn vị, trường sư phạm của tỉnh về sơ tán; đóng góp hàng nghìn cây tre, cây gỗ, lá cọ xây dựng doanh trại bộ đội... Trên các chiến trường, con em Sơn Hòa lập nhiều chiến công xuất sắc. Nhiều người đã trở thành cán bộ quân đội cấp chiến lược, chiến dịch, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc như các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Đường, Thiếu tướng Lê Oánh, Đại tá Đinh Nho Bát, Đại tá Tống Trần Giao, Đại tá Nguyễn Đình Quế, Đại tá Hà Ngọc Lẫm, Đại tá Đinh Nho Chiêm, Đại tá Hà Học Quỳ…

Bà Đinh Thị Sâm, cựu TNXP thời kỳ chống Mỹ ở xã Sơn Hòa kể lại: Thời đó, thanh niên đăng ký nhập ngũ, đi TNXP và dân công hỏa tuyến trở thành phong trào rất sôi nổi. Năm 1965, vừa tròn 20 tuổi, tôi xin gia nhập đội TNXP vào vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường ở Làng Ho, sau đó chuyển ra làm Đường 20 (nay là Đường 20-Quyết Thắng, Quảng Bình). Trải qua những ngày tháng nguy hiểm, gian khổ dưới bom đạn Mỹ, rồi dịch sốt rét hành hạ, các nữ TNXP tuổi 20 đã có lúc gần như kiệt sức, nhưng ý chí, nghị lực đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

"Tuy vậy, nhiều đồng đội của bà Sâm ngày đó cũng như nhiều người con của Sơn Hòa đã ra đi mà không có ngày trở về, họ đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường cho nền hòa bình, độc lập hôm nay. Toàn xã có 106 liệt sĩ, 460 gia đình có công với nước, 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…" - đồng chí Chủ tịch UBND xã Hà Học Tuấn cho biết.

Miền quê hiếu học

Không chỉ có tinh thần yêu nước mà Sơn Hòa còn là một miền quê có tiếng tăm về học hành, khoa cử bậc nhất của huyện Hương Sơn. Văn bia tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) và tại cố đô Huế hiện còn lưu danh một số vị tiến sĩ quê ở Sơn Hòa như: Nguyễn Tử Trọng là người đỗ tiến sĩ đầu tiên khai mở truyền thống hiếu học của quê hương; Đinh Nho Công; Đinh Nho Hoàn; Đinh Nho Điền; Nguyễn Khắc Niêm... Là nơi hội tụ nhiều dòng họ hiếu học từ đời này sang đời khác như: Nguyễn Khắc, Nguyễn Đình, Đinh Nho, Hà Học, Tống Trần, Phan Huy… Rất nhiều con cháu của các dòng họ ở xã đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhà chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao… hoạt động trong và ngoài nước như: Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, tốt nghiệp Đại học Y khoa Pa-ri (Pháp), nguyên Ủy viên Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, Giám đốc NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới); Trung tướng Nguyễn Đường, nguyên Cục trưởng Cục Tài vụ, Bộ Quốc phòng; nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông Đinh Nho Liêm, nguyên UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao; ông Tống Trần Đào, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp; PGS Hà Học Hợi, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952, tốt nghiệp Viện Hàn lâm KHXH Liên Xô (trước đây), nguyên Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương...

Trên lĩnh vực khoa học, giáo dục và một số lĩnh vực khác có: GS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Phi, nguyên PGĐ kiêm Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam; nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương; GS, TS, Nhà giáo ưu tú Hà Học Ngô, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quản lý đất-địa chính Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, từng là chuyên gia giáo dục giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp ở An-giê-ri; GS, TSKH, Nhà giáo nhân dân Đinh Phạm Thái, tốt nghiệp Trường Đại học Lê-nin-grát (Liên Xô trước đây), nguyên Trưởng Bộ môn Luyện kim màu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành luyện kim; GS, TSKH Đinh Dũng, nguyên Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS, TS, Nhà giáo ưu tú Đinh Nho Chương, nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS, TS Hà Thị Mỹ Hương, nguyên giảng viên Viện Quan hệ quốc tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh; PGS, TS, Thầy thuốc ưu tú Đinh Thị Phương Hòa (Trường Đại học Y tế Công cộng)… Ngoài ra, số thạc sĩ, cử nhân hiện nay khá đông, nhiều gia đình đã phổ cập đại học, riêng dòng họ Hà Học có 12 gia đình có con, dâu, rể, cháu đều tốt nghiệp đại học…

Không phải ngẫu nhiên mà Sơn Hòa lại sản sinh ra nhiều người con ưu tú như vậy. Từ bao đời nay, mỗi dịp Tết đến, Xuân về là các gia đình đều có phong tục đến Nhà thờ dòng họ vào sáng Mồng Một Tết thắp hương dâng lễ tổ tiên, sau đó mới đi chơi chúc Tết. Mong cho con em học hành tiến tới, thi cử đỗ đạt, thành danh là điều người dân ở đây rất trọng. Bởi thế mà có thơ lưu truyền trong dân gian rằng:

Con ơi mẹ dặn câu này

Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm

Ở đời đói rách sạch thơm

Công danh là nợ nước non phải đền.

Trò chuyện với chúng tôi, PGS Hà Học Hợi cho rằng, điều đáng quý ở Sơn Hòa là con cháu của các dòng họ thường noi gương, thi đua nhau học tập, ban ngày lao động sản xuất, tối đến cầm đèn đi học rất nhộn nhịp. Nhiều tấm gương đi trước thi cử đỗ đạt cao chính là động lực thúc đẩy chúng tôi phấn đấu học tập. Kết quả học tập tốt còn nhờ vào tinh thần thương yêu, đùm bọc nhau của bà con làng xóm, tình quân dân gắn bó thắm thiết trong thời buổi khó khăn, thiếu thốn…

Được biết, từ thời Pháp thuộc, Sơn Hòa là nơi mở rất nhiều lớp học dạy chữ Hán, Quốc ngữ, Pháp văn, có nhiều thư viện… nhờ thế mà số người biết chữ ở đây khá đông. Sau Cách mạng Tháng Tám, Sơn Hòa cũng là một điển hình tiên tiến của tỉnh trong phong trào xóa nạn mù chữ, với các cuộc vận động: "Hè diệt dốt”, “Ngọn đèn làng học”, “Đêm bình dân học vụ”… Thi đua học tập cũng là yêu nước. Và truyền thống hiếu học, yêu nước vẫn tiếp tục được các thế hệ người dân Sơn Hòa gìn giữ, phát huy. Dù ở đâu họ cũng luôn nỗ lực học tập để cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

HÀ THANH MINH