QĐND Online - Ông Đặng Ngọc Quyết ở thôn Xuân Hội (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là một ví dụ điển hình về ý chí vươn lên làm giàu bằng cách mạnh dạn đầu tư khôi phục nghề mây tre đan. Thấy việc ông làm có kết quả, nhiều người khác trong và ngoài thôn cũng học và làm theo, vì vậy nguồn thu của gia đình ông và nhiều hộ khác ở địa phương đã được chủ động, không còn quá phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp thuần túy.

Nhất nghệ tinh

Thôn Xuân Hội vốn có truyền thống làm nghề đan. Trước kia người dân đan các đồ dùng sinh hoạt và lao động sản xuất phục vụ nhân dân quanh vùng và gia công một số mặt hàng xuất khẩu. Trong ký ức của nhiều người, việc làm hàng mây tre đan thời đó khá nhộn nhịp. Dưới ánh trăng đêm hè lộng gió hoặc bên ngọn đèn, cả gia đình vừa đan, vừa chuyện trò rôm rả. Nhiều trẻ em, học sinh tíu tít giúp ông bà, bố mẹ pha tre, trẻ lạt và học đan. Đến chợ phiên, các bà, các mẹ gồng gánh đủ thứ, nào giậm, nào đó, nào đụt, giỏ, rổ, rá… đủ cả đem bán để có thêm đồng dưa cà mắm muối. Từ khi thị trường xuất khẩu truyền thống mất đi, nhất là khi các loại sản phẩm sản xuất từ nhựa và các vật liệu khác tràn ngập trên thị trường, hàng mây tre đan tự nhiên bị lép vế. Thế là cái nghề từng gắn bó với người nông dân quê nghèo cứ mai một dần. Có cụ già nhớ nghề đan, pha tre, chẻ lạt làm các loại vật dụng phục vụ đời sống gia đình. Thấy cảnh đó, có kẻ bạo miệng chê ỏng chê eo: Ối giời! bây giờ là thời nào mà còn đan với nát. Rõ rách việc. Thế là nghề đan của thôn đi vào dĩ vãng

Ông Quyết hướng dẫn thợ quét dầu bóng cho sản phẩm ngay tại đường vào nhà ở của gia đình.

Cũng như bao người khác trong thôn, ông Quyết bỏ đan học nghề thầy lang, rồi đi bán thuốc dạo kiếm sống. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông đi khắp các địa phương miền Bắc… Nghề bán thuốc nam dạo tuy vất vả, nhưng lời lãi kiếm được cũng đủ giúp ông góp vào nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2004, trong một lần đến huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) bán thuốc, thấy bà con nơi đây làm nghề mây tre đan khá phát đạt, từ đó ông đau đáu suy nghĩ và đi tìm phương thức phục hồi nghề đan truyền thống của địa phương. Lân la dò hỏi ông biết các công ty có chức năng kinh doanh xuất khẩu hàng mây tre đan nhận mẫu hàng từ đối tác, sau đó đặt dân địa phương gia công rồi thu gom về công ty để thực hiện một số công đoạn hoàn thiện sản phẩm, đóng hộp đưa hàng đi tiêu thụ.

Ông mang mẫu hàng song mây về nhà làm thử. Do đã có tay nghề nên việc gia công theo yêu cầu của các công ty xuất khẩu không mấy khó khăn. Tuy nhiên, vốn mua nguyên liệu mây và song đắt, do chưa có uy tín, số lượng hàng nhập còn ít nên các công ty chưa mặn mà cấp vốn cho ông. Lợi nhuận thu được chẳng bõ bèn, có lúc ông chán nản định quay về với nghề bán thuốc nam dạo, nhưng cứ nghĩ đến cái cảnh đạp xe bất kể thời tiết mưa nắng, ông lại sợ. Sau này, các công ty mang mẫu hàng  về nhiều, kỹ thuật gia công không cầu kỳ, vốn mua nguyên liệu rẻ hơn hàng song mây nên ông quyết định chuyển sang gia công mặt hàng này.

Thấy gia đình ông bắt đầu có thu nhập, nhiều người dân trong thôn đến liên hệ làm thử. Thế là cái nghề truyền thống một thời tưởng đã mai một kia nay có dịp được phục hồi nhờ sự mạnh dạn và kiên trì tìm hướng thoát nghèo của một ông bán thuốc nam dạo.

Doanh nghiệp “Ba trong một thứ”

Mấy năm nay nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước làm ăn thua lỗ và phá sản, nhưng doanh nghiệp của ông Quyết không chỉ đứng vững mà phát triển khá tốt, đem lại việc làm, thu nhập đáng kể cho người dân trong vùng. Khi đã “thực mục sở thị” cơ ngơi và cách làm ăn của ông Quyết, tôi phần nào hiểu được khát vọng lớn lao trong con người ông.

Cơ sở của ông Quyết khá đặc biệt, không biển hiệu, không xưởng sản xuất, không văn phòng…bởi tất cả đều được ông và gia đình linh động xử lý kết hợp nhuần nhuyễn theo phương châm “ba trong một”. Nằm trọn trên diện tích khoảng một sào bắc bộ, cơ sở mây tre đan của ông Quyết vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi ở, sinh hoạt hằng ngày của gia đình, đồng thời cũng là trụ sở giao dịch của công ty. Nhà cũ và khoảng vườn phía trước được dùng để đựng vật liệu chưa sơ chế. Sân nhà phía sau rộng chừng 60m2, có mái che là nơi thu gom hàng và để hàng đã qua xử lý, chờ đóng hộp xuất đi. Mái tôn có độ dốc nhỏ, được dùng làm sân phơi hàng. Bên trái là ba phòng sấy có diện tích khoảng 9m2, vừa được ông đầu tư xây mới hai tháng trước.. Chỉ với cơ ngơi này mà trung bình mỗi tháng doanh thu của doanh nghiệp ông Quyết đạt từ 700 đến 800 triệu đồng.

Sản phẩm hàng nan được phơi trên mái tôn của gia đình.

Hằng ngày, gia đình ông thuê khoảng 20 nhân công để hoàn thiện các sản phẩm. Vợ và các con của ông trực tiếp nhận, trả tiền thu mua hàng. Ông cho biết, từ năm 2008 đến nay, đã mở được hơn chục lớp bồi dưỡng kỹ thuật đan cho người dân địa phương và các huyện Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong, TP Bắc Ninh. Hiện có khoảng hơn một nghìn người ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh cung cấp hàng cho ông. Trong điều kiện lãi suất ngân hàng cao, để có vốn kinh doanh lâu dài, ông Quyết không đầu tư nâng cấp mở rộng mặt bằng, nhà xưởng, mà tập trung trả tiền hàng và công cho người lao động dứt khoát. Chính lý do này đã tạo ra cho ông chữ tín với người dân trong vùng, đặc biệt đã giúp ông giải bài toán vốn và lãi suất ngân hàng một cách hiệu quả.

Ông Đặng Ngọc Điệp, Trưởng thôn Xuân Hội tâm sự, gia công hàng mây tre đan không tốn nhiều sức, người già, em nhỏ đều có thể tranh thủ thời gian làm được. Cái cần nhất là sự chịu khó và khéo léo. Còn bà Nguyễn Thị Thuấn, vợ ông Quyết chia sẻ, gia công sản phẩm chỉ là một công đoạn, các công đoạn hoàn thiện sản phẩm sau đó khá phức tạp, tốn nhiều công sức và rất tỉ mỉ. Đầu tiên là phải đem khò sản phẩm qua lửa cho hết tơ, sau đó cắm quai, rửa, phơi khô, nhúng keo sữa, sấy rồi phun dầu bóng và tiếp tục phơi cho khô mới được đóng hộp.

Rất cần… một cú hích

Bà Lê Thị Hương cùng thôn Xuân Hội kể, chỉ trong năm ngày hai vợ chồng bà đã gia công được 730 chiếc giỏ đựng hoa. Mỗi chiếc, chủ doanh nghiệp trả 1.400 đồng. Tiền nguyên liệu hết khoảng 80.000đồng. Như vậy, trừ chi phí, ông bà thu gần một triệu đồng. Điều đáng nói là, công việc này chủ yếu vào buổi tối, vì hiện nay, công việc chính của hai vợ chồng bà là chăm sóc gần một mẫu ruộng.

Cùng chung quan điểm với bà Hương, bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Tam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, một đầu mối thu gom sản phẩm của ông Quyết cho biết, gia công hàng nan tại nhà rất có lợi vì đỡ phải bỏ ra nhiều khoản chi phí không cần thiết so với khi lao động ở bên ngoài. Thu nhập tuy không cao so với các loại hình lao động khác, nhưng tận dụng được thời gian, cường độ sức lao động bỏ ra không lớn, thích hợp với mọi lứa tuổi.

Còn ông Đặng Ngọc Điệt, Trưởng thôn Xuân Hội cho biết thêm về hiệu quả của nghề này, trung bình một lao động làm nghề mây tre đan được 150.000-170.000 đồng/ngày, với những sản phẩm chất lượng đòi hỏi tay nghề cao, công lao động lên tới 200.000 đồng/ngày. Thu nhập trung bình mỗi tháng từ làm mây tre đan của một người ước đạt từ 3 đến 4 triệu đồng. Như vậy thu nhập của một người dân có thể đạt từ 26 đến 28 triệu đồng/người/năm. 

Khi nói về hiệu quả của việc làm mây tre đan đem lại cho địa phương, ông Trịnh Bá Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) khẳng định: “Hiện nay thôn Xuân Hội có hơn 700 lao động làm nghề mây tre đan. Năm 2010, số hộ nghèo chiếm 8% (theo tiêu chí mới), nhưng năm 2011, số hộ nghèo giảm xuống còn 6%.

Là người có công làm cho nghề mây tre đan ở địa phương sống lại, ông Đặng Ngọc Quyết vẫn canh cánh ưu tư tìm hướng đi mới cho nghề này phát triển, mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Theo ông, đầu ra cho sản phẩm mây tre đan không thiếu, cái quan trọng là phải chủ động được nhiều mẫu mới có tính nghệ thuật cao, hiện đại; mở rộng quy mô, mặt bằng, và đầu tư các thiết bị sản xuất công nghiệp… thì lợi nhuận thu được sẽ khả quan hơn. Hiện lãi suất ngân hàng quá cao nên thực hiện được mong ước này rất khó. Nếu được các cơ quan chức năng của huyện Tiên Du và tỉnh Bắc Ninh quan tâm, tạo điều kiện quy hoạch phát triển thành làng nghề và tiếp tục đầu tư hỗ trợ vốn, thì giá trị sản xuất hàng mây tre đan sẽ đem lại triển vọng tốt cho mọi người, ông Quyết khẳng định thêm với chúng tôi như vậy.

Trong xã hội, những người tạo cơ hội việc làm và góp phần tạo điều kiện cho nhiều người khác có thu nhập ổn định để thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống… như ông Đặng Ngọc Quyết không phải là nhiều. Ông chính là điểm sáng trong thực hiện chủ trương phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để làm giàu chính đáng. Kết quả và cách làm ấy của ông rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng trong xã hội chúng ta.

Bài và ảnh: Mạnh Thắng