QĐND Online - Tại trung tâm xã Huổi Luông (Phong Thổ, Lai Châu) thầy giáo Nguyễn Văn Duy - Hiệu trưởng trường THCS Huổi Luông e ngại: “Chúng tôi rất mong có nhà báo đến cùng nếm trải vất vả với anh em dạy phổ cập. Nhưng để vào được bản không đơn giản đâu. Để chúng tôi bố trí điểm bản gần rồi anh đi...”. Nhưng sự quyết tâm của tôi muốn thấy sự nhọc nhằn trong công tác gieo chữ ở vùng cao cuối cùng cũng làm anh dè dặt bằng lòng...
Lửa thử vàng...
Theo đúng hẹn, 18 giờ tôi có mặt tại nhà thầy giáo Nguyễn Văn Thành-để đến điểm trường bản Nhiều Sáng. Trong căn nhà gỗ mới dựng, tài sản đơn sơ chỉ có giá sách cao ngất nghểu. Vừa chuẩn bị cho giờ dạy tối nay anh Thành vừa nói: “Đáng lẽ chúng tôi sắp xếp anh đi thăm điểm bản gần hơn, nhưng hôm nay bản đó đang cấm người lạ vào nên anh chịu khó! Nhiều Sáng cũng không xa lắm, chỉ gần 10km thôi, nhưng đường hơi khó đi...”. Lời giới thiệu về con đường của anh được “bổ xung” thêm bằng những câu hỏi khiến tôi cũng phần nào hình dung về nó: “Thế nhà báo đã đổ đầy xăng chưa? Có bơm và đồ sửa xe chưa? Đèn xe có sáng không đấy?!”.
 |
Thầy giáo Nguyễn Văn Thành trong giờ dạy sinh vật cho lớp 6 phổ cập bên cây đèn neon tại bản Nhiều Sáng |
Hành trang cho chuyến đi của chúng tôi được tinh giảm đến mức tối thiểu nhưng vẫn phải phòng thêm một bộ đồ đi mưa, còn anh Thành thì đeo thêm một chiếc đèn Neon chạy bằng pin mua từ chợ Mường So (xã Mường So - Phong Thổ) cách đây 30km!.
Đường vào Nhiều Sáng chỉ hơn 8km nhưng chúng tôi phải dành cho nó tới một giờ. Đây thực sự là con đường sơn tràng không hơn không kém! Những ổ gà, ổ trâu ẩn mình dưới ánh sáng mờ của trăng đầu tháng. Đường rộng chưa đầy một mét, hai bên cây dại tốt ngập đầu người, trườm ra cả mặt đường. Đợt rét hại vừa qua vẫn còn in dấu ấn trên mặt đường bằng những trận mưa rền rĩ khiến đất đỏ nhoét ra trơn truội, hằn đầy vết chân gia súc và những vũng nước nhỏ bắn đầy người đi đường. Lúc này tôi mới hiểu được giá trị của bộ quần áo mưa mà anh Thành lưu ý tôi mang đi.
Tôi thầm phục những ai đi trên con đường này mà không phải một lần chống chân xuống đất. Họ hẳn là những tay lái cực kỳ cừ khôi! Những khúc cua gấp tay áo, những con dốc phải ngẩng mặt, nâng kính mũ bảo hiểm mới thấy đỉnh, rồi cả những cú lắc, xóc nẩy người khiến tôi phải gồng người lên mà đánh vật với nó. Hai mắt đăm đăm nhìn lốp xe người đi trước, chân phanh chân số thi nhau nhấn, hai bàn tay tôi mỏi nhừ và tức các khớp xương. Anh Thành đi trước hết nghiêng bên này, lắc bên kia, bóp còi liên tục mỗi khi đến khúc cua gấp tay áo. Mùi xăng sống, mùi dầu thải, mùi khói quyện lại khét lẹt mỗi khi xe leo dốc. Tiếng động cơ gầm như máy xay xát gạo làm giật mình những chú chim rừng đang ngái ngủ kêu loạn xạ. Hai vệt sáng của đèn halogen quét trên mặt đường, thoắt ẩn, thoắt hiện sau mỗi ngọn đồi. Ngấm nỗi gian nan khiến tôi thêm quý những con người làm công tác phổ cập giáo dục ở đây. Dù mưa, rét vẫn miệt mài bám bản, bám lớp để mong một ngày người dân nơi đây tỏ mặt hết con chữ Bác Hồ, đọc được hàng chữ khẩu hiệu dán ở trung tâm xã. Con đường như sự thử thách đối với họ, qua lửa mới biết đâu vàng, đâu kẽm.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những em nhỏ cưỡi trâu về muộn, lầm lũi xuyên sương mù về bản...
Em giảng bài trong tiếng gió lao xao
Gần 19giờ 30 chúng tôi mới đến được điểm trường bản Nhiều Sáng. Nhiều Sáng tối nay có hai lớp phổ cập cùng học. Tôi đến thăm lớp 3 phổ cập do cô giáo Lý Thị Hảo đứng lớp. Gọi là lớp học nhưng đó chỉ là khung nhà có mái mà không có vách! Ranh giới của lớp học chỉ là gờ đất, nền được tôn cao. Tuy nhà đã có mái nhưng đã hỏng nên cô giáo phải mua thêm bạt căng dưới mái cho khỏi dột. Chiếc bảng cũ đã bạc màu, vênh lên, từng tấm gỗ như muốn tách rời ra. Vào đây tôi mới hiểu nghĩa câu thơ mà cô giáo Bùi Thị Phương - Phó hiệu trưởng trường THCS Huổi Luông đã đọc: “Ngôi trường nhỏ đơn sơ mái lá; Em giảng bài trong tiếng gió lao xao”. Dường như đã quá quen với hoàn cảnh này nên cô giáo Hảo chỉ cười: Thế này thì đã thấm vào đâu!
 |
Thầy giáo Nguyễn Văn Thành trong giờ dạy sinh vật cho lớp 6 phổ cập bên cây đèn neon tại bản Nhiều Sáng |
Chưa đến giờ học nhưng các em học sinh đã đến rất đông đủ. Bản còn nghèo, chưa có điện nên ngoài sách vở các em học sinh còn phải mang theo một chiếc đèn pin để học. Nhiều em ban ngày học phổ thông tối vẫn đến xem các bạn học phổ cập. Mỗi khi cô viết trò lại bấm đèn pin lên soi. Những loáng đèn chỉ đủ nhìn rõ mặt chữ rồi lại tắt vì phải tiết kiệm pin, bởi lên được tới bản giá một đôi pin đã tăng gấp mấy lần giá gốc. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, lớp học trông như một bản hợp ca của những chú đom đóm chuyên cần xếp thành hàng, thành dãy líu lo tập đọc i tờ...
Tuy là nhà tạm nhưng lớp học của cô Hảo vẫn còn “khang trang” hơn lớp của thầy Thành. Đó chỉ là cái hiên nhà của ông Chẻo Siếu Sân, được quây lại bằng bạt để tránh mưa tạt, gió lùa. Ban ngày bàn ghế phải thu dọn lại trả chỗ cho chủ nhà, thầy giáo đến lớp phải tự mình lau bảng, tự kê bàn ghế chờ học sinh đến học. Những năm gần đây, học sinh học phổ cập được Nhà nước hỗ trợ tiền gạo nên lượng học sinh đi học tăng đáng kể. Hôm nay lớp 6 phổ cập của thầy Thành đi đủ 100%. Có em vẫn mặc nguyên bộ đồ đi làm để đến lớp vì còn chưa kịp tắm rửa, ăn tối.
 |
Thước kẻ, đèn pin cũng rất cần trong các buổi học phổ cập |
Đúng 19 giờ 30 phút, lớp của thầy Thành sáng đèn. Chiếc đèn neon chạy bằng pin được bật sáng soi tỏ mặt thầy, trò và tấm bảng đen đã bạc. Hai tiết đầu cả lớp học môn Vật lý, nửa giờ còn lại dành cho môn Sinh học. Do các điểm bản ở xa trung tâm, đi lại khó khăn nên Ban giám hiệu trường THCS Huổi Luông sắp xếp giáo viên mỗi tối chỉ phải đi một bản do đó giáo viên sẽ dạy thêm một bộ môn đã được đào tạo chuyên môn. Thầy Thành ân cần giảng giải tỉ mỉ về các hiện tượng tự nhiên, liên hệ với thực tế cuộc sống để các em dễ tiếp thu bài. Đối với môn sinh học các ví dụ được rút ra từ cuộc sống, từ nương rẫy, con chim, cái nấm, nguồn nước mà hàng ngày các em vẫn gặp... Những đôi mắt học trò thơ ngây nhìn sách, nhìn thầy, có em ở xa còn phải rọi đèn lên bảng đọc cho rõ nét phấn thầy mới viết... Từ những buổi học này, các em sẽ biết cách bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường...
Lớp học cứ ríu ran cho tới khi bên ngoài sương núi đượm đầy lá cây rừng rơi lộp bộp ngoài hiên cũng là lúc chiếc đèn của thầy Thành cạn pin dần tối lại.
Chúng tôi lại lên xe vật lộn với con đường khi trăng đêm đã lên đến ngọn cây cao nhất bản. Xe chúng tôi lại vạch lên không khí mờ sương những đường sáng để ra trung tâm xã với ánh mắt lưu luyến dõi theo của các em học sinh. Đứng trên ngọn núi cao nhất nhìn lại thấy những dãy đồi xếp lúp xúp như những mái nhà sàn quần cư của bà con dân tộc thiểu số. Tại đó mỗi tối vẫn sáng lên ánh đèn, tiếng trẻ đọc bài của những lớp học phổ cập buổi tối để rồi mai đây, từ nơi đó sẽ có những mầm xanh mới vươn lên giúp nơi này có một tương lai mới sáng sủa hơn!
Bài và ảnh: Khánh Kiên