 |
Phân khu ủy Phân khu 1 họp tại Nam Bến Cát bàn kế hoạch tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.Ảnh tư liệu |
(Tiếp theo kỳ trước)
Tám Thảo không muốn phật ý ba, xách chiếc chiếu xuống trải trên nền gạch. Từ nhà ngoài, hai em Lan và Huệ cũng vào, cùng với má và chị trao đổi rì rầm to nhỏ, thỉnh thoảng cười khúc khích. Hai cháu Khánh và Quang, vừa giật mình thức giấc lại lăn xuống gạch len vào nằm giữa các cô, ngủ tiếp.
Gia đình này ngoài ba, má, Tám Thảo, Lan và Huệ thì còn người anh cả tên là Lễ đang là cán bộ công đoàn khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Thỉnh thoảng anh cũng cải trang đi Sài Gòn công tác, có lần gặp tôi tại ngôi nhà này, hai anh em cùng bàn luận thời sự. Người anh kế là bác sĩ Hồng, Trung úy quân y của ta cùng với hai em là anh Nhân, chị Mai tập kết ra Bắc theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Người em gái kế Tám Thảo là Chín Chi. Tám Thảo và Chín Chi đều là cán bộ trong cụm tình báo H63 do tôi phụ trách từ đầu năm 1962. Đầu năm 1964, theo nguyện vọng riêng, tổ chức đã đồng ý đưa Chín Chi thoát ly hẳn vào công tác trong khu giải phóng. Ở nhà cùng với ba má, có Tám Thảo, hai em gái Lan và Huệ, hai cháu trai còn tuổi học sinh: cháu Khánh con anh Hồng và cháu Quang con anh Lễ.
Một gia đình người Bắc khá giả, người lớn lo làm ăn mua bán, trẻ lo học tập, lại ở cách Dinh Độc Lập không đầy trăm thước nên bọn ngụy không nghi ngờ gì. Hơn nữa, cả 4 cô gái, kể cả Chín Chi lúc còn ở nhà, đều đẹp người đẹp nết, đều là mục tiêu “ngấp nghé” của nhiều sĩ quan quân đội Cộng Hòa. Nhưng, đây là một gia đình cách mạng, trong chế độ ngụy vẫn giữ được nền nếp gia phong như những gia đình cách mạng khác trong Sài Gòn. Già trẻ, bé lớn đều hướng về cách mạng, đều mong cách mạng thắng lợi.
Hôm đưa Tám Thảo vào căn cứ Bến Đình (Củ Chi) để học nghị quyết cấp trên, tôi có trao đổi ý kiến:
- Anh sẽ vào Sài Gòn công tác một thời gian dài và ở nhà em. Em có thấy gì trở ngại không?
Suy nghĩ một lúc Tám Thảo nói:
- Ở nhà em được. Anh có dáng người thành phố, lại biết ngoại ngữ, cũng dễ nhập vai.
Thấy tôi còn băn khoăn, cô nói tiếp:
- Cái chính là phải nói với ba em. Ba mà chịu là cả nhà chịu. Rồi cô cười:
- Tính ba em không thích người miền Nam đâu. Nhiều chàng trai Sài Gòn đã “bị” ba rồi. Anh liệu đấy!
Tôi cũng cười, nói vui:
- Ai đến nhà chọc nghẹo các cô gái cưng của ba thì ba ghét chứ anh vào để làm Cách mạng thì chắc chắn sẽ được ba ủng hộ hết mình. Rồi em xem.
Sau khi bàn kỹ với Tám Thảo, tôi đặt kế hoạch cho liên lạc ra thành phố mời ông già vào khu giải phóng chơi một chuyến. Đó là một ngày cuối xuân năm 1966, người giao thông làm nhiệm vụ hôm ấy là thím Ba Đệt. Thím đưa ba ra ngõ Phú Hòa Đông rồi dùng xe đạp chở băng qua sở cao su Mi-sơ-lanh vào căn cứ của Cụm H63 tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức. Lần đầu tiên được đón ra khu giải phóng, vừa xuống xe hơi tại chợ Bến Cỏ (xã Phú Hòa Đông) thì được chở bằng xe đạp đến ngay chỗ chúng tôi, ông già vô cùng phấn khởi vì cách tổ chức đường dây liên lạc của mình được thông suốt từ thành phố tạm bị chiếm ra khu du kích, đi rất nhanh.
Trưa hôm ấy, bên bờ sông Sài Gòn chúng tôi nấu canh chua lươn với đọt bứa nêm muối và chỉ ăn cơm với một món đó mà ông già cứ khen mãi, có lẽ vì đúng bữa, bụng đói, cộng với không khí trong lành, khung cảnh tự do của vùng giải phóng. Hôm ấy, tôi vừa đi dự chỉnh huấn trên rừng sâu về, bị cơn sốt lên đến 40 độ, vẫn cố gắng mặc áo len vui vẻ tiếp chuyện với ba cả buổi chiều. Đêm, tôi tranh thủ nói về tình hình thời sự và triển vọng thắng lợi của Cách mạng miền Nam. Ba đặt ra nhiều câu hỏi: đại khái như Mỹ vào ngày càng đông, ta có thể thắng được không, ta một nước nhỏ, Mỹ một cường quốc về công nghiệp… Dựa theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương mà tôi vừa được học tập, tôi lý giải các vấn đề một cách mạch lạc rõ ràng. Ba rất vui, nhân đó, tôi hỏi:
- Trong tình hình nào đó mà công việc đòi hỏi con phải thường xuyên có mặt trong Sài Gòn, con có thể vào ở nhà ba được không?
Ông già không cần nghĩ ngợi, vui vẻ nắm tay tôi:
- Được. Mời anh vào. Nhà tôi trong khu vực đó, từ lâu giặc không nghi ngờ gì đâu.
- Gọi con bằng con đi ba!
- Ừ… Tính người quê tôi thế đấy. Gọi bằng anh là có ý tôn trọng. Thôi vậy, gọi bằng con cũng được… Tuổi anh chắc cũng bằng tuổi thằng cả Lễ nhà tôi… Con vào thật đấy nhé!
- Dạ. Con vào thật mà.
Thật ra, đối với tôi, vào Sài Gòn công tác đã là một chỉ thị của cấp trên. Còn ba, theo tôi nghĩ, dù nói vậy, nhưng ba cũng chưa chắc là tôi dám vào thành phố đầy rẫy lính Mỹ-ngụy.
Sau khi đưa ông già trở về, tôi cùng đồng đội tích cực chuẩn bị cho kế hoạch đó. Trưa ngày 20-8-1966, sau buổi liên hoan tiễn đưa tại căn cứ Bến Đình, tôi và Sáu Ẩn, chiến sĩ trong Cụm lấy xuồng bơi qua sông Sài Gòn, dắt xe đạp băng qua cánh đồng An Thành rồi theo đường tỉnh lộ 14 lên ngã ba Rạch Bắp rẽ phải đi về sở cao-su Ginết. Nơi đây, người anh ruột của Sáu Ẩn là Năm Be đang phụ trách một cánh biệt động thành. Năm Be có cơ sở mật tên là anh Sào đang lái xe vận tải nhẹ thường đi với bà chủ sở chở mủ cao-su từ đây về Sài Gòn. Anh em biệt động chuyển súng đạn, thuốc nổ về thành phố bằng cách này. Nghe trình bày đường đi trót lọt, tôi đề nghị Năm Be giúp tôi. Năm Be báo cáo về thủ trưởng đơn vị là đồng chí Hai Sang. Cần nói thêm là trong thời chống Mỹ anh em biệt động đặc công và cánh tình báo chúng tôi quan hệ với nhau rất chặt chẽ, sẵn sàng chi viện cho nhau trong đánh giặc chống càn, giúp đỡ nhau trong công tác. Hơn nữa, anh Hai Sang với tôi lại là người cùng quê, tên thật của anh là Dương Văn Giỏi, là bạn học chí thân từ thuở nhỏ tại trường làng Long Phước (một làng quê đất đỏ của tỉnh Bà Rịa) cho đến suốt mấy năm cùng lên học tại Trường Pétrus Ký Sài Gòn. Nghe qua, anh Hai Sang đồng ý ngay và giao nhiệm vụ cho đồng chí Năm Be tổ chức chu đáo đưa tôi ra Sài Gòn.
Hôm ấy, tôi đóng vai người chú của Sào từ Sài Gòn ra thăm gia đình cháu nay trở về. Sào cầm tay lái, tôi ngồi giữa, bà chủ sở ngồi bên cạnh. Loại xe “Đơ Sơ Vô”, băng trước ngồi 3 người hơi chật. Trong thùng xe phía sau, toàn là mủ cao su đóng thành từng bánh lớn vuông vức chồng lên nhau. Chuyến này, các anh biệt động có ém thuốc nổ, súng đạn trong các bành mủ cao su kia để chuyển về Sài Gòn hay không, ai mà biết được?
Xe vào thị trấn Bến Cát, rẽ sang quốc lộ 13, chạy bon bon về Sài Gòn. Dọc đường cũng phải ngừng lại nhiều chỗ, bà chủ sở xuống trình ký giấy. Chắc quen quá rồi, nên cũng không tên giặc nào đến khám xe cho mệt. Tôi nghe chúng nhờ bà chủ mua dùm món này, món khác, tất nhiên là không gửi tiền, rồi cười đùa cho qua. Dọc đường, theo phép lịch sự, xã giao và cũng là trong nghiệp vụ tình báo, tôi bắt chuyện với bà chủ sở. Được biết chồng bà là một người Pháp, lúc nhỏ bà là nữ sinh Trường Gia Long. Nữ sinh Trường Gia Long mà gặp tôi, học sinh trường Pétrus Ký thì thiếu gì chuyện để kể cho nhau nghe về những kỷ niệm học đường. Cũng vui, qua một đoạn đường từ Bến Cát về Sài Gòn, bà chủ mến tôi và cho địa chỉ gia đình, mời tôi bữa nào đến chơi, vợ chồng bà sẽ rất hân hạnh đón tiếp.
Sài Gòn biến đổi nhiều quá. Lần chót tôi vào đây là hồi tháng 6-1954. Lúc ấy với cương vị là tổ trưởng quân báo liên huyện Cần Đước-Cần Giuộc-Nhà Bè, vào Sài Gòn với nhiệm vụ vẽ bản đồ, điều tra lực lượng các đồn bốt thuộc lực lượng Bình Xuyên bên kia cầu chữ Y cung cấp cho Ban tham mưu tỉnh Bà Rịa để đánh nhằm khuếch trương thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là dưới thời Tây, còn nghèo nàn. Sau mười hai năm trở lại, là thời Mỹ. Cảnh đông đúc, sầm uất, khó nhận ra.
Tạm biệt “cháu” Sào, bắt tay thân mật bà chủ sở cao su tại Bến Chương Dương, tôi gọi một xích lô đạp đưa tôi theo đại lộ Hàm Nghi về chợ Bến Thành. Tôi xuống xe ở cửa Nam rồi đi bộ lững thững lên cửa Bắc, sau đó theo đường Thủ Khoa Huân rẽ trái vào đường Gia Long. Theo lời chỉ dẫn của cô Tám Thảo mà tôi đã thuộc lòng thì cứ nhìn lề bên trái có tiệm Giao Sport bán dụng cụ thể thao và tiệm bánh Bảo Hiên Rồng Vàng thì rẽ vào hẻm đối diện bên phải. Đó là hẻm 136, đi thẳng vào độ 30 mét đụng một tòa nhà 4 căn. Hộ số 136 là của một gia đình người Tàu. Kế bên 136A là hộ người Ấn Độ, rẽ phải vài bước là nhà mình: 136B. Anh cứ tự tiện thò tay rút chốt xô nhẹ cánh cửa sắt đi vào. Chớ có đi lối qua 136C mà đụng phải gia đình có người đi cảnh sát ngụy.
Tôi đã làm đúng như vậy, với tác phong ung dung tự nhiên như một người rất thân trong gia đình đã đến đây nhiều lần. Từ nhà trong, Ba ra tiếp tôi vừa rất ngạc nhiên, vừa mừng rỡ. Hai người ngồi vào ghế sa-lông giữa nhà, ba gọi cô Lan bưng nước ra mời tôi. Cùng nói chuyện với nhau một lúc thì bà má từ ngoài chợ về. Tôi quên nói là gia đình có bán một sạp vải ngoài chợ, và sạp vải “Tân Mỹ” ấy là một trong những hộp thư của Cụm tình báo chúng tôi trong Sài Gòn.
Gương mặt má đầy đặn, phúc hậu, có vẻ mệt mỏi sau một ngày trời ngồi chợ. Tôi đứng dậy, lễ phép chào má.
- Anh Tư mà tôi thường nói với bà đây bà. Anh Tư ra đây với gia đình ta một lúc.
Nghe ba giới thiệu, má rất vui và niềm nở.
- À… anh! Anh có khỏe không? Trông hơi xanh đấy!
- Con vừa qua cơn sốt má à. Nay thì khỏi hẳn rồi. Một lúc con sẽ hồi phục lại thôi.
Ba má hối các em dọn cơm và từ tối hôm ấy tôi ngủ chung với ông già trên một đi-văng. Ba không được khỏe, mắc bệnh suyễn, hay lên cơn hen. Đêm nào tôi cũng bóp lưng, bóp chân tay, thoa dầu. Vừa thoa bóp vừa nói chuyện về Bác Hồ, về Cách mạng cho ba nghe. Dần dần, ba thương tôi thật sự, thương như một đứa con ruột trong nhà, vắng mặt thấy nhớ. Có lần tôi về chiến khu dự lớp chỉnh huấn và ở lại gần cả tháng để cùng anh em xây dựng căn cứ, đánh giặc chống càn, khi trở ra thành, đêm đầu, trước khi ngủ ba nói:
- Anh đi lâu nhớ cái đấm bóp của anh quá. Tối tối, có anh nói chuyện bên tai dễ ngủ. Với lại khi nghe đài có điều gì khó hiểu, không hỏi ai được.
Nhà dột, tôi leo lên mái nhà lợp ngói lại. Đêm đêm, tôi chỉ bảo thêm các em, cháu trong nhà về tiếng Anh, tiếng Pháp. Tên trắng trắng lùn lùn ở đầu hẻm là một tên chỉ điểm, cô Tám Thảo cho biết như vậy.
(còn nữa)
Theo “Sài Gòn Mậu Thân 1968” của tác giả NGUYỄN VĂN TÀU