QĐND - Về xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nhìn con đò nhỏ oằn mình giữa dòng nước siết của con sông Rào Trổ, cõng trên lưng hàng chục em học sinh, chúng tôi không khỏi rùng mình. Hình ảnh con đò mong manh như chiếc lá trôi trên khúc sông dài cứ khắc sâu vào tâm trí mỗi chúng tôi.

Đò đầy… cũng phải đi

Kỳ Thượng là một xã miền núi, thuộc vùng sâu, hẻo lánh của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng có truyền thống hiếu học. Dù nghèo nhưng người dân Kỳ Thượng vẫn gắng nuôi con ăn học. Vùng đất bên kia sông gồm các xóm: Bắc Tiến, Phúc Thành và Tân Tiến, có tới 225 em học sinh đang trong độ tuổi đi học. Thế nhưng, vì sông sâu cách trở, nhiều em phải bỏ học giữa chừng. Gần đây, xã có giải pháp mở một lớp mẫu giáo và dùng hội quán của các xóm làm lớp học cho 46 em học sinh lớp 1 và 2. Nhờ đó, số học sinh bỏ học giảm dần. Tuy nhiên, đường đến trường của các em lớn tuổi hơn thì vẫn còn lắm gian nan.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để đến trường, hằng ngày các em phải dậy từ sáng sớm cùng với bố, mẹ qua đò. Những lúc nước cạn hoặc không có đò, nhiều bậc phụ huynh phải cõng con bơi qua sông. Anh Nguyễn Văn Hùng trên đường dẫn con xuống đò cho chúng tôi biết: “Khổ lắm các anh ạ, đưa con đi học mà lòng chẳng an. Biết rằng nguy hiểm, nhưng đành chịu. Không lẽ để con thất học sao?”.

Học sinh vượt sông đến trường, chuyện thường ngày ở Kỳ Thượng

 

Lo lắng của anh Hùng cũng là của các bậc phụ huynh và các em học sinh mỗi khi qua sông. Lê Thị Linh, học sinh lớp 9 tâm sự: “Cách đây ít hôm, cháu được chứng kiến một em học sinh đi đò đến lớp chẳng may rơi xuống sông, cả xóm đổ ra cứu. Từ hôm đó đến nay, mỗi lần qua đò cháu sợ lắm nhưng đành phải nín thở vượt qua”.

Anh Nguyễn Đình Chiến, một chủ đò có thâm niên nhiều năm trên khúc sông này gọi việc mình làm là “nghề nguy hiểm”: "Chúng tôi rất lo mỗi khi chở các cháu học sinh qua sông. Các cháu còn nhỏ, chưa rành sông nước, khi đò tròng trành là cứ díu vào nhau càng thêm nguy hiểm. Làm nghề lái đò, nhưng tôi cũng như bao người dân, luôn mong ngóng một cây cầu bắc qua sông, con em đến trường đỡ vất vả”.

Anh Chiến cho biết: Mấy năm gần đây, trên khúc sông này đã có không ít người tử nạn. Chỉ riêng hai năm 2008 và 2009, đã có tới 5 em học sinh các cấp bị chết đuối. 

Ước mơ bao giờ thành hiện thực?

Xã Kỳ Thượng nằm cách trung tâm thị trấn Kỳ Anh chừng 60km về phía tây. Xã có 3 xóm: Bắc Tiến, Phúc Thành, Tân Tiến bị tách biệt với trung tâm cụm xã bởi con sông Rào Trổ. Mùa mưa, gần 400 hộ dân nơi đây chỉ biết quẩn quanh trên một vùng đất hẹp giữa mênh mông sông nước. Mọi liên hệ, giao thương với bên ngoài gần như bị ngưng trệ. Còn các em học sinh thì đành phải nghỉ học. Tình trạng này cứ kéo dài hết năm này qua năm khác, không ít các em học sinh phải bỏ học giữa chừng bởi đường đến trường quá xa vì... còn thiếu một cây cầu.

Quá bức xúc, chính quyền và nhân dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhờ giúp đỡ xây cầu. Trên đã cử một số đoàn về khảo sát, cắm mốc, lập hồ sơ, song không hiểu vì sao đến bây giờ cây cầu vẫn còn... nằm trên giấy?

Ông Nguyễn Trung Tính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, phía bên kia sông có 188 hộ dân của xóm Bắc Tiến, 105 hộ dân xóm Phúc Thành và 28 hộ dân xóm Tân Tiến sinh sống. Đã bao đời nay, để sang sông, những hộ dân này đều phải lội bộ hoặc đi đò. Những năm gần đây, không ít người đã tử vong tại khúc sông oan nghiệt này.

Ông Nguyễn Trung Tính nhấn mạnh: "Kỳ Thượng là xã nghèo. Chúng tôi chỉ biết khẩn cầu và trông chờ sự giúp đỡ của huyện, của tỉnh và Trung ương. Khi chưa có cầu thì đi đò ngang là giải pháp duy nhất. Bất trắc đấy, nguy hiểm đấy, thiếu an toàn đấy nhưng không thể cấm. Chính quyền địa phương chỉ biết thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ đò cố gắng bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là các cháu học sinh mỗi khi qua đò”.

Chúng tôi xin chuyển đến các cấp có thẩm quyền của huyện Kỳ Anh, của tỉnh Hà Tĩnh và những người có trách nhiệm lời khẩn cầu của người dân Kỳ Thượng.

Bài và ảnh: QUỐC CHÂU