QĐND - Có mặt tại chân núi Nưa (giáp ranh giữa hai huyện Triệu Sơn và Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), trước mắt chúng tôi không phải một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - nơi Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) cùng với nghĩa quân mài gươm, luyện võ, khởi nghĩa chống lại quân Ngô… mà lại là một "công trường" khai thác quặng crômit (sau đây gọi tắt là quặng) với những hố đào nham nhở, sâu hút và tiếng nổ ầm ầm của những chiếc máy công suất lớn…
Chính quyền nói kiên quyết
Buồn lòng và thất vọng vì một dải núi vốn đẹp nhất nhì xứ Thanh lại đang đối mặt với nguy cơ bị tàn phá, chúng tôi tìm đến chính quyền sở tại để tìm lời giải đáp.
 |
Ông Hoàng Văn Vực chỉ cho chúng tôi xem số quặng khai thác trái phép bị thu giữ tại UBND xã Tân Khang.
|
Từ chân núi Nưa đến UBND các xã Tân Khang, Tân Thọ (huyện Nông Cống) và xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn), nơi gần thì hơn 2km, xa cũng không quá 4km. Buổi trưa yên tĩnh, tại trung tâm xã vẫn có thể nghe được tiếng máy nổ từ trong bãi quặng vọng ra. Trên con đường đất rộng từ chân núi Nưa đến tỉnh lộ 45 thỉnh thoảng lại có những xe tải nhỏ chở đầy quặng chạy ầm ầm…
Tại UBND xã Tân Khang, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Vực, Phó chủ tịch UBND xã không phủ nhận việc khai thác quặng trái phép trên địa bàn. Thậm chí ông còn kể tên một số “quặng tặc” có thâm niên trong vùng, như những người có tên: Sỹ, Tân, Thịnh, Nam, San, Thành… Ông Vực cho biết: Vùng quặng thuộc 3 xã Tân Thọ, Tân Khang và Tân Ninh, rộng khoảng 100ha. Năm 2004, sau khi chính quyền các xã trên vùng quặng giao đất cho các hộ dân trồng rừng theo Dự án 327, nhiều hộ dân được giao đất đã tự ý khai thác quặng.
Từ tháng 7-2008, UBND tỉnh đã ra quyết định giao cho Công ty Thương mại - Dịch vụ Nông Cống thực hiện việc quản lý và bảo vệ mỏ. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện vào đào bới ngổn ngang để khai thác quặng trái phép trên diện tích được giao. Có thời điểm, chỉ riêng địa bàn xã Tân Khang đã có 40-50 đầu máy, với lượng lao động từ 500 đến 600 người. Trước tình trạng trên, chính quyền xã Tân Khang đã nhiều lần huy động lực lượng vào vùng quặng để ngăn cản và tịch thu thiết bị máy móc của các chủ lò quặng. Nhưng khốn nỗi, đường vào đã khó, đến nơi thì cả chủ lò và người lao động đều bỏ đi. Nếu tịch thu máy nổ thì phải huy động ít nhất 30 người mới khiêng được một đầu máy ra ngoài đường, nhiều khi vì không đủ người nên đành phải về tay không.
Đưa chúng tôi ra khu nhà kho của UBND xã, ông Vực chỉ cho chúng tôi 8 đầu máy nổ và một đống quặng bị thu giữ từ năm 2006 đến nay. Ông nói:
- Đây là tất cả những gì chúng tôi làm được. Hiện tại, tuy số lò khai thác quặng có giảm, nhưng để giải quyết triệt để cần phải có sự can thiệp và hỗ trợ từ cấp huyện và cấp tỉnh.
Tại trụ sở UBND xã Tân Thọ, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Lân, Chủ tịch UBND xã. Vừa nghe chúng tôi đề cập đến khai thác quặng trên địa bàn, ông Lân khẳng định:
- Chuyện "quặng tặc" trên địa bàn Tân Thọ đã qua lâu rồi! Hiện tại xã không có một lò khai thác quặng trái phép nào. Nếu nhà báo không tin thì cứ vào tận chân núi mà xem…
“Quặng tặc” vẫn hoành hành
Trở lại khu vực bãi quặng của xã Tân Thọ, ngược với lời khẳng định của ông Chủ tịch UBND xã, chúng tôi bắt gặp ngay 4 công trường khai thác trên diện tích khoảng 30ha.
 |
Một "công trường" đang khai thác quặng trái phép trên địa bàn xã Tân Thọ, khác với khẳng định của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Lân.
|
Khác với những lời cảnh báo rằng: “Quặng tặc” có thể đập máy ảnh, đuổi đánh phóng viên…, khi chúng tôi đi xe máy đến một lán khai thác quặng trên địa bàn xã Tân Thọ, đích thân chủ lò tên là Tý chạy ra chào và tiếp chuyện rất cởi mở.
Anh Tý cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay, khu vực này thường xuyên có 4 giàn máy được neo cố định để khai thác quặng; mỗi giàn có 5-6 máy bơm, máy hút với 7-8 lao động…
Sang đến khu vực quặng xã Tân Khang, chúng tôi cũng đếm được khoảng hơn chục giàn máy đang chạy hết công suất. Trực tiếp tham quan "công trường" khai thác quặng, chúng tôi được biết: Các lò này dùng máy bơm áp lực lớn tạo thành những hố sâu hoắm, kích thước 30mx60m, sâu 10-11m rồi cho máy hút công suất lớn hút quặng lên. Các hố khai thác quặng tạo thành hàm ếch, có thể sụt bất cứ lúc nào, nhưng người làm thuê vì mưu sinh nên xem thường sự nguy hiểm tính mạng.
Một chủ lán ở xã Tân Khang cho biết: Lán của anh có 10 lao động, mỗi lao động được trả công từ 80 đến 100 nghìn đồng/ngày. Mỗi ngày một giàn máy có thể thu được hơn 1 tấn quặng (trị giá khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng), trừ chi phí cũng chẳng còn được là bao.
Đi qua một số lò khai thác quặng trên địa bàn xã Tân Khang và Tân Thọ, thông qua các chủ lò, chúng tôi biết thêm: Trước khi có lệnh cấm khai thác của tỉnh, trên vùng quặng này có khoảng 700 giàn máy. Một giàn máy hoạt động được phải chi tới 50 triệu đồng (25 triệu đồng mua máy và 25 triệu đồng khai lò).
Một chủ lò tâm sự:
- Nếu là lao động thủ công thì việc đi chỗ khác để kiếm 100 nghìn đồng/ngày không phải là khó, chỉ tiếc là mình đã trót mua máy.
Cho dù là các chủ quặng có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng đều thừa nhận việc khai thác quặng trên đất Dự án trồng rừng 327 là… trái phép. Được biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống cũng đã có kết luận về việc khai thác quặng trái phép kéo dài trên địa bàn hai xã Tân Thọ và Tân Khang, trong đó nêu rõ: "Xã Tân Khang và Tân Thọ chỉ có báo cáo lên huyện chung chung mà chưa bao giờ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng khai thác quặng trái phép để làm cơ sở cho cấp thẩm quyền thu hồi đất sử dụng sai mục đích, giao cho chủ thể khác quản lý theo pháp luật...".
Như vậy, nguyên nhân cơ bản của tình trạng khai thác quặng trái phép ở vùng quặng huyện Nông Cống là do chính quyền cơ sở chưa có giải pháp mạnh và quyết tâm xử lý triệt để tình trạng vi phạm pháp luật này.
Bài và ảnh: Phú Sơn – Hoàng Duyên