QĐND Online - Không phải nhà ảo thuật quyền năng, nhưng ông có thể “bắt” những chiếc đồng hồ phải theo ý mình, cho dù đó là những chiếc đồng hồ khó tính nhất... Người ta gọi ông là “phù thủy thời gian” một phần cũng vì lẽ đó. Ông là Đào Văn Dư, người thợ sửa đồng hồ tài hoa bậc nhất Kinh kỳ.
Đam mê với việc “chữa” nhịp thời gian
Ngay từ nhỏ, ông Dư đã tỏ ra hứng thú đặc biệt với những kim ngắn, kim dài, bánh xe, quả lắc... của chiếc đồng hồ. Có lẽ đó là do kế thừa “gen di truyền” từ cụ thân sinh của ông cũng là một thợ sửa chữa đồng hồ có tiếng ở miền Bắc những năm 30 của thế kỷ trước.
Do tò mò và ham học hỏi, ông Dư đã theo bố làm thuê cho một tiệm sửa đồng hồ có tên là Vạn Sinh ở Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông Dư đã tự tay mày mò sửa chữa được những chiếc đồng hồ đơn giản bị hư hỏng. Theo học ngành sư phạm một thời gian, ông trở về với niềm đam mê đích thực là được làm một anh thợ sửa đồng hồ. Nhưng khác với các đồng nghiệp, ông Dư không chỉ học hỏi kinh nghiệm, cần mẫn thực hành với những ngưòi thợ sửa đồng hồ lớp trước mà ông còn bỏ thời gian tìm tòi nguyên lý họat động cũng như lý giải những sự cố của mỗi loại đồng hồ khác nhau. Chính vì sự khoa học trong cách làm nghề ấy mà khi còn trẻ, ông Dư đã rành đồng hồ đến nỗi dù đồng hồ loại nào, hỏng hóc khó đến mấy ông cũng có thể sửa được.
Nổi tiếng gần xa với tài sửa đồng hồ, năm 1960, khi nhà nước thành lập liên doanh đồng hồ đầu tiên, ông đã được mời làm phụ trách kỹ thuật. Vào thời điểm đó, tay nghề của ông ở bậc 5/7. Còn trẻ, lại giỏi chuyên môn, ông đã tham gia đào tạo hàng trăm thợ sửa đồng hồ lành nghề.
 |
"Phù thủy thời gian” Đào Văn Dư. |
Ngay từ những năm 1970, ông đã tham gia hoàn chỉnh hệ thống đồng hồ công cộng ở chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở… và sau này là đồng hồ ở Bưu điện Hà Nội. Ông tâm sự: “Lúc bấy giờ không phải ai cũng có tiền để mua đồng hồ, vì thế hệ thống đồng hồ công cộng rất quan trọng. Đi làm người ta xem giờ, tan ca người ta xem giờ, rồi ngày Tết cũng nghe tiếng đồng hồ điểm bong bong mà đón Giao thừa…”.
Năm 1975, ông được cử làm Trưởng Phòng đào tạo của Trung tâm Công nhân kỹ thuật, chuyên đào tạo lắp ráp và sửa chữa đồng hồ tại Hà Nội. Con đường sự nghiệp ngày càng rộng mở đối với người thợ Đào Văn Dư. Những thành công đó là kết quả của một quá trình dài ông kiên trì, nỗ lực và cộng thêm cả cái duyên với nghề nữa.
Những năm tháng không thể nào quên
Nhìn lại 60 năm gắn bó với những chiếc đồng hồ, ông không giấu nổi niềm xúc động, tự hào mỗi khi kể lại những câu chuyện mà ông từng trải qua. Đó là việc ông đã hai lần được sang tu nghiệp tại Trung tâm đồng hồ quốc tế WOSTEP của “Vương quốc đồng hồ” Thụy Sỹ. Lần đầu tiên vào năm 1979, ông được Nhà nước và UBND thành phố Hà Nội cử đi học. Lần đầu tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới, người thợ như vỡ ra nhiều điều. Chỉ một thời gian ngắn so tài cùng bạn bè nhiều nước trên thế giới, ông đã chứng tỏ năng khiếu thiên bẩm về sửa chữa đồng hồ. Ông tốt nghiệp với số điểm cao nhất mà trước ông vài chục năm, chưa có người thợ lành nghề nào đạt được.
Hơn chục năm sau, chính Trung tâm đồng hồ quốc tế WOSTEP một lần nữa lại mời đích danh ông quay lại Thụy Sỹ để tham dự Hội nghị Quốc tế về đồng hồ và tham gia tiếp khóa đào tạo tại các nhà máy đồng hồ lớn. Cho đến bây giờ, ông vẫn không thể quên cảm giác tự hào khi được nhận tấm bằng chứng nhận của các hãng đồng hồ danh tiếng như Rado, Omega, Longines với dòng chữ: “Ngài Dư đã chứng minh mình là chuyên gia xuất sắc nhất và hiểu tường tận về đồng hồ”.
 |
Ông Đào Văn Dư trong một lần thực tập tại nhà máy đồng hồ lớn ở Eta - Ebeauche (Thụy Sĩ). Ảnh chụp lại. |
Với 7 tấm bằng Diploma được nhận từ “Vương quốc đồng hồ” Thụy Sỹ, ông vinh dự trở thành một trong những người có nhiều bằng nghiệp vụ về đồng hồ nhất Châu Á. Sự xuất sắc của ông đã khiến bạn bè quốc tế biết đến và nể phục con người và đất nước Việt Nam nhỏ bé mà tài năng. Nhận được nhiều lời mời ở lại làm việc, ông vẫn quyết tâm về nước bởi hình ảnh quê hương, gia đình vẫn luôn đau đáu trong tim.
Ngoài tài sửa đồng hồ, ít người biết được ông còn là một người lính đặc công, được nhận huy hiệu “Chiến sĩ Mậu Thân 1968” mặc dù chưa một ngày khoác áo lính ra chiến trường. Đó là câu chuyện về những quả bom hẹn giờ được chế tạo từ sự thông minh, mưu trí của người thợ sửa đồng hồ trẻ Đào Văn Dư. Quay lại thời điểm những năm 1968 - 1972, khi mà cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất, ông lúc đó đang làm cán bộ nhà nước và được cấp trên giao nhiệm vụ cải tạo những chiếc đồng hồ Poljot thành những quả bom hẹn giờ. Nhận thấy tầm quan trọng và sức nặng của nhiệm vụ được giao, ông xin được có một tuần để suy nghĩ. Với sự thông minh và hiểu biết sâu sắc về đồng hồ, ông đã tìm ra được cách đặt thêm một cực vào chiếc đồng hồ, tạo thành hai cực âm, dương khi chạm nhau sẽ đóng mạch mìn và gây nổ. Những quả mìn hẹn giờ chính xác này đã giúp bộ đội đặc công lập được nhiều chiến công lừng lẫy, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Năm nay đã ở tuổi ngoài 70, ông vẫn ngày ngày làm việc bên chiếc bàn nhỏ với lỉnh kỉnh chi tiết và chỉ bảo thêm cho con trai mình là anh Đào Vũ Hải. Anh Hải con trai ông giờ cũng là một thợ sửa đồng hồ lành nghề với cửa hàng ở số 32L Lý Nam Đế. Nghề sửa đồng hồ đã gắn với gia đình ông như một cái nghiệp, từ đời này truyền sang đời khác. Ông vui vẻ chia sẻ: “Tôi sửa đồng hồ hàng ngày thì thấy người khỏe mạnh, ngồi không một chỗ lại thấy mệt mỏi hơn”.
Nhìn người thợ già miệt mài, lặng lẽ bên bàn làm việc, gắp từng con ốc, cái kim nhỏ xíu mới hiểu và cảm phục niềm đam mê của ông với thế giới vô hạn của thời gian.
Bài, ảnh: Thúy Hằng