“Anh Mẫn đẹp trai” lấy chồng

Ai cũng biết Sáu Mẫn “đẹp trai” có tiếng. Một lần hành quân qua sóc Nha Xi của người Khơ-me ở Sóc Trăng, Mẫn đã lọt vào “mắt xanh” của một thiếu nữ dân tộc dễ thương nhất vùng. Cô gái Chăng Cà Mun mới thấy người chỉ huy “đẹp trai” đã say như đang được cùng “anh” múa điệu Lâm Thôn. Chăng Cà Mun nằng nặc đòi cha mẹ nhận Sáu Mẫn làm con rể. Cha mẹ cô gái Khơ-me gặp Mẫn thật. Người trung đoàn trưởng của chị lại còn hăng hái nhận đứng ra làm chủ hôn cho hai người nữa chớ. Thiệt tình, Sáu cũng “mê” cô gái Khơ-me. Đó là một thiếu nữ có gương mặt tròn trĩnh, làn da thơm mùi nắng và cặp mắt long lanh như sao trên trời. Trông Chăng Cà Mun như một nữ thần đang múa Áp-sa-ra. Nếu là con trai, Sáu Mẫn không thể bỏ qua một cơ hội tốt như vầy. Chị thấy thương người bạn gái quá trời. Nhưng sợ bị bại lộ, Mẫn đành phải nhận lời hứa hôn.

“Cái kim để trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Chuyện Sáu Mẫn là gái giả trai bị đổ bể, khiến mọi người kinh ngạc. Chả là khi Sáu mới chào đời, có bà cô của một cậu bé quê cũng ở xã Vĩnh Thạnh, nhưng ra đảo Phú Quốc sinh sống đã gặp cha chị xin được nhận Mẫn là cháu dâu. Ông bà Hai Phước đã nhận lời. Khi hai người lớn lên, gia đình đôi bên vẫn liên tục nhắc đến chuyện hôn lễ. Bà cô của cậu bé cũng mang sính lễ và đưa cháu tới nhà ông bà Hai Phước để tụi trẻ sau này không thể bội ước. Cô Sáu lớn lên, giả trai đi bộ đội thì chàng trai Nguyễn Hữu Bé cũng đã là một chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Tuy phải chiến đấu với quân địch hàng ngày, nhưng Mười Bé vẫn không quên lời ước hẹn. Anh về quê thăm Sáu. Biết người thương đã đi kháng chiến, Bé lặn lội đi khắp các đơn vị du kích, bộ đội để kiếm Mẫn. Một lần đến đại đội 70, Trung đoàn 124, anh đã gặp người trung đội trưởng giống như Sáu Mẫn. Mười Bé hỏi:

- Có phải là Sáu Mẫn đó hôn?

- Tui… tui là… là Sáu Mẫn. Có chi hông đồng chí?

- Trời đất. Tui là Mười Bé, người đã hứa hôn bữa xưa nè. Tụi mình xin thủ trưởng tổ chức lễ cưới ha?

- Cái đồng chí này kỳ quá ta. Tui là con trai sao lấy đồng chí được? - Mẫn gân cổ cự lại.

Chiều ấy, khi cùng đồng đội đi tắm, Sáu Mẫn vẫn lặn sâu vào rừng bần. Ngâm mình cùng làn nước trong xanh, cô bắt đầu cởi bỏ quần áo ra. Đúng lúc cái áo rời khỏi tay Sáu, thì một cái đầu người nhô lên khỏi mặt nước. Mười Bé xuất hiện như một con rái cá. Sáu luống cuống la lên: “Cái…cá..i đồng…đồ..ng chí này làm chi vậy? Bộ không biết mắc cỡ sao, m.. à.. mà coi tui tắm”. Bé nổi trên mặt nước, lặng yên như một bông súng mới nở. Anh tròn mắt như đang được ngắm một nàng tiên từ trên trời xuống trần thế tắm xuân... Một lúc sau, Mười Bé nói ngọt như mật tràm: “Em có thể giấu được cấp trên, chứ không giấu được anh đâu”. Sáu cúi đầu xuống dòng nước lững lờ. Bao nhiêu nét hùng dũng, mạnh mẽ thường ngày bỗng dưng biến đi đâu hết, trên người cô chỉ còn lại nét thanh tú, dịu dàng của người phụ nữ…

Bé dắt Sáu Mẫn đến trước mặt người chỉ huy của cô xin được tổ chức đám cưới. Thủ trưởng của Sáu bật cười nói lớn:

- Cậu không nói giỡn đó chớ?

- Báo cáo thủ trưởng. Sáu Mẫn là con gái thiệt mà. Gia đình cổ và nhà tui đã hứa gả con cho nhau - Bé thanh minh.

Đứng trước người chỉ huy và vị hôn phu, mặt Sáu đỏ hồng lên. Chị cứ ấp úng mãi mà không thoát ra thành lời. Sự kiện Sáu Mẫn từ trai thành gái là một câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ, được lan truyền khắp các đơn vị trong Quân khu 9 lúc bấy giờ. Để tổ chức hôn lễ, Sáu phải về tận Sóc Trăng từ hôn với cô gái Chăng Cà Mun. Người thiếu nữ Khơ-me bị “phụ bạc” khóc ròng và trách Sáu: “Hay anh có người yêu từ trước rùi mà vẫn hứa hôn với tui? Nếu không lấy được anh, tui sẽ tự tử cho mà coi”. Sáu Mẫn lau những giọt nước mắt đầm đìa trên mí mắt của cô gái Khơ-me và dắt Chăng Cà Mun vô buồng, cởi áo của mình ra… Đám cưới của chiến sĩ Nguyễn Hữu Bé với người nữ trung đội trưởng Trần Quang Mẫn đông vui chưa từng thấy. Anh em trong đơn vị, chiến sĩ các đơn vị bạn và bà con trong vùng kéo đến như đi trẩy hội.

Diệt ác ôn, đánh cai ngục

Những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ở Rạch Giá có nhiều tên ác ôn khét tiếng. Bọn chúng giết người không biết run tay. Trong số những tên này, nổi lên là thiếu tá Lâm Quang Phòng, chỉ huy tiểu đoàn bảo an Kiên Giang. Tên tay sai bán nước này đi đến đâu là giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ đến đó. Hắn nhiều lần chỉ huy quân đi càn quét, thấy cán bộ Việt cộng là cắt đầu, moi gan. Những người nuôi giấu Việt cộng cũng bị tên Phòng treo cổ mấy ngày ở chợ hay những con đường lớn. Có lần nó dám mổ bụng, uống máu của 7 thanh niên một lúc mà không ghê sợ. Tên Phòng đã thề: “Nhổ cỏ U Minh, uống máu Việt cộng”. Thấy cảnh người dân bị Lâm Quang Phòng chém giết, hãm hại, dòng máu trong người Sáu Mẫn sôi lên sùng sục.

Không thể để hắn giết đồng bào, đồng chí mãi được, Sáu Mẫn quyết định gặp lãnh đạo Tỉnh ủy, tình nguyện xin đi trừ khử tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Được cấp trên chấp thuận, Sáu về mài một con dao thiệt bén và tập kỹ các động tác triệt hạ đối thủ. Để lọt vào trong nhà tên Phòng, Mẫn đã phải làm quen với một người cô của hắn và xin vô nhà của bà giả làm người giúp việc. Qua bà cô hắn, chị biết sắp tới tên Phòng tổ chức đám giỗ cha, nhưng thiếu một số người nấu bếp giỏi.

Ngày giỗ cha, tên Phòng lại không tổ chức ở nhà mẹ đẻ hay nhà bà cô như mọi khi. Hắn chuyển việc tổ chức đám giỗ về nhà mình. Sáu báo cáo với tổ chức xin được giết Phòng tại nhà của hắn. Trước khi đến nhà tên ác ôn, Sáu giấu kỹ chiếc dao dưới đáy rổ rau. Chị được bà cô tên Phòng dẫn vô bếp, nên bọn lính canh không nghi ngờ gì cả. Sự việc không theo ý của Sáu. Hôm đó bọn bảo an về dự tiệc rất đông. Chị chưa tìm được thời cơ hành động thuận lợi. Ngay cả khi tên Phòng nằm ngủ trên sập, cũng có bọn lính canh bên ngoài. Nếu không hành động bây giờ, khó có cơ hội tốt để diệt tên đồ tể! Còn hành động giết hắn, mình sẽ bị bắt, thậm chí bị địch bắn chết! Sáu suy nghĩ mông lung trong vài phút. Cuối cùng chị quyết định: Phải làm lẹ. Lợi dụng lúc bọn bảo an tán dóc với nhau, Sáu lấy chiếc dao bén ra. Chị xông thẳng đến chỗ ngủ của tên Phòng vung dao lên. Nghe tiếng la hét của mấy tên lính gác, tên ác ôn bừng tỉnh. Hắn định chạy ra ngoài, nhưng Sáu đã túm được cái tóc của nó. Tên Phòng hất tay của Sáu ra. Do đầu nó hớt cua nên tay Sáu bị tuột ra ngoài. Sáu nhanh tay cầm dao chém mạnh xuống. Tên ác ôn kêu rống lên, máu me chảy khắp mặt của hắn. Một mình giữa đám quân đông, Mẫn vẫn rượt và chém cho tên Phòng 5 nhát vào người. Đám bảo an kéo đến như kiến cỏ. Sáu bị chúng túm được, ghì xuống đất, trói chặt chân tay. Tuy chưa giết chết được tên ác ôn khét tiếng nhưng sự kiện tên thiếu tá Lâm Quang Phòng chỉ huy tiểu đoàn bảo an bị Trần Quang Mẫn hành thích tại nhà đã làm nức lòng quân và dân Rạch Giá. Từ đó, hắn không còn hung hăng như trước nữa. Những tên ác ôn khác cũng “co vòi”, ít dám làm càn vì sợ bị xử như tên Phòng. Sau sự kiện này, nhiều loại báo chí của Sài Gòn phát hành năm 1958 đã đăng các bài viết chế nhạo sự yếu kém về an ninh của quân ngụy. Đáng chú ý là bài “Nữ thần hạ sát Lâm tướng quân”, bài báo đã có chút “li kỳ hóa” sự việc làm cho kẻ địch run sợ và kính nể Việt cộng.

Sau khi bị bắt, địch đưa Sáu Mẫn ra tòa án binh xét xử. Chị bị kết án 7 năm tù khổ sai, 5 năm đi biệt xứ.

Trong tù, Sáu Mẫn cùng các đảng viên trong ngục giảng giải cho mọi người hiểu về con đường giải phóng dân tộc của nhân dân ta do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, giác ngộ cách mạng cho nhiều người tù khác. Sau mỗi lần bị địch tra khảo về, Sáu Mẫn sống lạc quan, còn làm thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ viết trên tường, sáng tác các bài ca cổ lên án bọn đế quốc, thực dân và chế độ hà khắc của nhà tù Phú Lợi.

Do không buộc tội được Sáu Mẫn, kẻ địch đã phải thả chị ra khỏi trại giam. Thoát khỏi cảnh tù tội, chị trở về đội ngũ tiếp tục chiến đấu với quân thù. Cũng từ đó, cái tên “Nữ thần miền Tây” truyền đi khắp vùng sông nước Cửu Long, làm cho kẻ địch chỉ nghe tên đã bạt vía, kinh hồn.

      Thương đau chồng chất

Tuần trăng mật của Sáu Mẫn với Mười Bé chìm trong tiếng bom đạn. Sau đám cưới “độc nhất, vô nhị” trong căn cứ kháng chiến, Sáu Mẫn chỉ được gần chồng có 7 ngày. Những đêm chồng vợ, cô kể cho anh nghe bao nhiêu là chuyện trong những năm tháng chiến đấu của mình và của đơn vị. Mặc dù biết vợ mình giả trai đi bộ đội, Nguyễn Hữu Bé vẫn không khỏi bất ngờ. Sáu thì thào với chồng: “Anh có giận em hôn?”. “Giận sao được. Mình là người tuyệt vời nhứt đó”. - Giọng Mười Bé trào dâng. “Nhưng anh phải để cho em tiếp tục chiến đấu đó nghen.”. “Ừ. Đánh nhau thì cứ đánh nhau. Nhưng phải sanh cho anh một thằng nhỏ để sau này gửi nó ra Bắc học”. Tiếng thúc giục của chiến trường đã đưa Sáu Mẫn trở về với đơn vị. Họ có biết đâu, một mầm sống trong lòng Mẫn đang hình thành.

Niềm vui sắp có con không ngăn nổi đôi vợ chồng trẻ lao vào những trận chiến đấu. Mười Bé quần nhau với giặc khắp vùng tứ giác Long Xuyên. Sau mỗi trận đánh, anh mơ ước mình được bồng trên tay đứa con thơ ngây trong lời ru: Ầu ơi! Ví dầu lắc lẻo cầu tre. Cha đi đánh giặc, mẹ đi diệt thù. Mong sao con lớn thành người. Trai tài, gái sắc dựng xây nước nhà. Cái bụng của Sáu bự lên từng ngày. Ấy thế mà mọi người vẫn nhìn thấy chị ngồi vót chông, lau súng, hay sải bước ra bãi tập để hướng dẫn cánh lính trẻ cách chống càn.

Gần tới ngày sanh, Sáu xin phép đơn vị về nhà ba má ở Vĩnh Thạnh. Một buổi chiều, khi đang khấp khởi chuẩn bị cho ngày sinh con thì Sáu nghe tin bà con nói nhỏ với nhau: “Cậu Mười đã hy sinh khi đánh đồn Chàng Chẹt rùi”. Tai Sáu Mẫn ù đặc. Chị như nghe thấy có hàng trăm, hàng nghìn tiếng bom giội vào màng nhĩ, phá nát từng mảng trong tâm hồn. Nước mắt Sáu chảy thành dòng. Người thiếu phụ đau đớn, quằn quại như có ai đang cắt từng khúc ruột. Còn đâu người chồng quanh năm ham mê đánh giặc mà vẫn thương yêu vợ hết lòng. Ảnh biểu, sau khi sanh con sẽ đưa cả nhà về Phú Quốc thăm nội. Ảnh còn nói, sau này khi đánh tan giặc sẽ dựng cho hai má con một căn nhà thiệt to để ở. Sáu như đang bị rơi từ trên trời xuống đất. Có lúc chị mơ hồ nghĩ đến cái chết. Nhưng đứa bé trong bụng càng quẫy mạnh hơn. Có lẽ nó cũng đang đớn đau như chị vậy. Chị xỉu lên, xỉu xuống. Bà Hai Phước ôm lấy con năn nỉ: “Sáu ơi, con đừng đau đớn nữa mà. Má sợ lắm. Con phải sống để nuôi đứa con sắp sanh nữa chớ”. Đúng, chị phải sống để nuôi con thành người, để sau này nó có thể trả thù cho cha nó. Chị ghìm chặt nỗi đau vào trong.

Bốn ngày sau, Sáu Mẫn sinh được một bé trai bụ bẫm. Khi cậu bé ra khỏi lòng mẹ, bà đỡ đã kêu lên: “Thằng nhỏ giống cha quá ta”. Thằng bé khóc to đòi bú, nhiều người xung quanh lại biểu: “Cái tánh này chỉ có ở má Mẫn thôi à”. Sáu Mẫn chẳng biết nói gì, cô nhìn con và xót xa nhớ về chồng. Cậu bé tuổi Nhâm Thìn (1952) được ông ngoại đặt tên là Nguyễn Quốc Hưng với lòng mong mỏi Tổ quốc sẽ có ngày thanh bình, hưng thịnh.

Sinh con được vài tháng, Sáu Mẫn gửi Quốc Hưng lại cho ông bà ngoại còn mình trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội.

Bé Quốc Hưng càng lớn, càng giống ba má cái tính gan dạ, nhanh nhẹn và hoàn cảnh đã sớm cho anh chí căm thù giặc. Đến năm 10 tuổi, Quốc Hưng không chịu ngồi yên ở nhà nữa, cậu đã trốn ông bà ngoại và má lên tỉnh đội Rạch Giá xin được làm liên lạc. Thấy cậu bé còn nhỏ, mấy chú biểu: “Con về với ông bà cho lớn thêm chút nữa nhen”. Nhưng Quốc Hưng quả quyết: “Con chiến đấu được mà”. Không thể thuyết phục được cậu bé, cán bộ tỉnh đội đã phải bố trí cho Quốc Hưng công tác ở đội U Minh 10. Bà Hai Phước thấy mọi người kể vậy đã lắc đầu thở dài: “Đúng là má nào, con nấy”. Làm liên lạc rất ít có cơ hội đi chiến đấu, Quốc Hưng nằng nặc xin bác Bốn Tâm cho sang bộ phận trinh sát. Tuy nhỏ tuổi, nhưng Quốc Hưng rất mưu trí, dũng cảm. Năm 15 tuổi, Quốc Hưng đã chững chạc, từng trải trận mạc. Anh có người bạn rất thân trong đơn vị tên là Nguyễn Tấn Dũng. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo lời kể của Má Mẫn, hồi đó đồng chí Nguyễn Tấn Dũng là chiến sĩ quân y trong đội U Minh 10 cùng với anh Quốc Hưng. “Quốc Hưng và Tấn Dũng thương nhau dữ lắm, thân nhau còn hơn anh em ruột thịt đó” – Má Mẫn nói. Hầu như có chuyện to, chuyện nhỏ, anh Quốc Hưng và anh Tấn Dũng đều tâm sự với nhau. Mỗi lần đi đánh trận về, hai người lại trò chuyện to nhỏ trong niềm vui chiến thắng.

Quốc Hưng là niềm tự hào của Sáu Mẫn. Chị mong con phát huy được đức tính của người cha, chiến đấu dũng cảm và lập nhiều chiến công. Nhưng trong trận chống càn đánh nhau với bọn chi khu Chương Thiện năm 1967 ở Vĩnh Hòa Hưng, Quốc Hưng đã anh dũng hy sinh. Lần ấy đơn vị anh bị địch phục kích, đồng đội hy sinh gần hết. Quốc Hưng chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm. Mỗi tay anh cầm một khẩu súng quét đạn vào kẻ thù. Một đồng đội của Quốc Hưng kể lại, khi thấy gần 10 tên địch gục xuống trước làn đạn của mình, anh đã la to: “Thế là tôi đã trả thù được cho cha rùi”. Nhưng đúng lúc ấy, một viên đạn quái ác của quân thù đã bắn trúng anh. Khi ngã xuống, hai tay Quốc Hưng vẫn nắm chặt khẩu cacbin và AR15. Anh hy sinh khi vừa tròn 15 tuổi.

Chồng và con đã hy sinh, nhưng nỗi đau của Sáu Mẫn còn tăng thêm khi được tin hai người anh ruột là Hai Thu, Ba Đáng và em trai Trần Út cũng hy sinh trên chiến trường. Những giọt nước mắt của Sáu Mẫn bây giờ quánh lại, không chảy được thành dòng.

Ngó thấy đôi mắt của Sáu Mẫn quầng thâm, các anh trong cơ quan khuyên: “Hãy bớt đau buồn đi em. Sáu còn phải sống để giải phóng miền Nam nữa chớ”. Người nữ chỉ huy chợt nhận ra ngoài bưng kia còn vang rền tiếng bom đạn. Quê hương còn đầy bóng giặc, máu và nước mắt của người dân vẫn hằng ngày đổ xuống. Chị và đồng đội phải sống, phải chiến đấu để trả thù cho đồng bào, đồng chí, trả thù cho những người thân của mình và giải phóng quê hương. Trái tim đang bị bóp nát của Sáu Mẫn bỗng trỗi dậy… Chị gạt nước mắt, xách súng đi về phía đồng đội đang chờ.

Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10-2007

Lê Phi Hùng