QĐND Online - Nằm nép mình trên phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình (Hà Nội), Trung tâm Phúc Tuệ là một trong những cơ sở của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Hà Nội. Tên gọi Phúc Tuệ như phần nào nói lên ước nguyện, cũng như sự hy sinh thầm lặng của những con người nơi đây đang miệt mài đem niềm vui, hạnh phúc về trí tuệ đến với trẻ thiểu năng, trẻ tự kỷ.
Nặng lòng với nghiệp
Theo chân một nhóm các bạn trẻ tình nguyện mang quà đến cho các em tại Trung tâm Phúc Tuệ, chúng tôi gặp cô Vũ Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm trong căn phòng làm việc nhỏ chưa đầy 10m2. Thật khó diễn tả hết suy nghĩ của tôi khi chứng kiến một giám đốc của hai trung tâm nuôi dạy trẻ thiểu năng, trẻ tự kỷ lại làm việc trong căn phòng đơn sơ đến thế. Bộ bàn ghế tiếp khách và chiếc máy tính để bàn cũ đã chiếm gần hết diện tích căn phòng. Giám đốc Trung tâm Vũ Thị Minh Hương tuổi đã ngoài 70, dáng người nhỏ nhắn. Chia sẻ với chúng tôi về hoạt động của trung tâm cũng như cơ duyên đến với nghề, bà cho biết: "Trước đây tôi công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến năm 1996 thì nghỉ hưu. Đứng ở góc độ là người làm giáo dục, tôi cảm thấy những đứa trẻ thiểu năng, trẻ tự kỷ vẫn bị bỏ rơi, không có ai quan tâm đến. Các cháu đều có quyền được học tập, được đến trường và tất cả các quyền như những đứa trẻ khác. Hơn nữa, khi tiếp cận với phụ huynh của các cháu, tôi thấy họ rất khổ tâm nên muốn chia sẻ, giảm bớt gánh nặng cho họ".
Trò chuyện với bà, chúng tôi cũng được biết, Trung tâm Phúc Tuệ được đặt theo pháp danh của cha bà-người đã xả bỏ tất cả danh vọng, tiền bạc để quy y cửa Phật, làm việc phúc, việc thiện. Phúc Tuệ nghĩa là tràn đầy quà phúc về trí tuệ và đem niềm vui, niềm hạnh phúc về trí tuệ chứ không phải tiền tài. Có lẽ thừa hưởng lòng bao dung, nhân ái từ người cha của mình nên ngay từ nhỏ, bà đã được dạy triết lý sống ở đời là “Lộc bất khả hưởng tận”, khi mình có nhiều hạnh phúc thì phải sẻ chia.
 |
Giờ học của trẻ thiểu năng trí tuệ và trẻ tự kỷ tại Trung tâm. |
Được thành lập năm 2001 dưới sự giúp đỡ của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội nhưng khi đó Trung tâm cũng gặp vô vàn khó khăn về vật chất, pháp lý cũng như về con người. Thời điểm ấy, khái niệm trẻ tự kỷ vẫn còn tương đối xa lạ với mọi người và khi ấy trong gia đình bà cũng có một người cháu mang bệnh này. Với sự hiểu biết của người làm giáo dục lâu năm, cùng với tình thương của mình, mong muốn bù đắp những thiệt thòi cho trẻ tự kỷ là động lực để bà quyết làm đến cùng. Bà đã tìm đọc thêm sách, báo, nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý nước ngoài, một số bệnh viện để có đủ kiến thức về một bệnh lý mới và hăm hở muốn áp dụng các kiến thức dạy trẻ tự kỷ này. Bà tâm sự về những khó khăn khi thành lập Trung tâm:
- Thời gian đầu, tôi đặt trụ sở trung tâm ngay tại nhà riêng của mình để nuôi dạy các cháu. Tuy rằng có địa điểm, có kiến thức nhưng trong tay không dư dả về tiền bạc. Nhiều người cũng lo rằng tôi sẽ bỏ dở công việc giữa chừng vì để lập nên được một trung tâm thì cần rất nhiều tiền. Nhưng tôi đã làm trong lĩnh vực giáo dục nhiều năm, thấy được sự khó khăn của trẻ tự kỷ đối với cuộc sống bên ngoài nên tôi đã quyết tâm đến cùng. Được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, các cơ sở, bệnh viện, tôi có được danh sách trẻ bị tự kỷ; rồi phải đến tận nhà, thuyết phục từng gia đình đưa các cháu đến để các cô ở trung tâm chăm sóc, nuôi dạy các cháu.
Những người mẹ thứ hai
“Những ngày đầu mới thành lập, trung tâm hoạt động với 2 cô giáo theo dạy 5, 6 trẻ tự kỷ. Trung tâm Sao Mai giúp đỡ bằng cách cử một giáo viên có kinh nghiệm về dạy cho các trẻ cũng như hướng dẫn các cô giáo giao tiếp với trẻ. Tuy nhiên, được sự tư vấn của các chuyên gia, nếu chỉ nuôi dạy trẻ tự kỷ thì sẽ rất vất vả, nên chúng tôi mở rộng đối tượng, nuôi dạy thêm các cháu thiểu năng trí tuệ để các cháu hỗ trợ hành vi cho nhau”, bà Hương tâm sự.
Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay Trung tâm Phúc Tuệ đã phát triển mở rộng thành hai cơ sở với trên 90 em theo học. Cơ sở một tại 66 phố Phó Đức Chính có hơn 60 em dạy trẻ hằng ngày, cơ sở hai được thành lập cách đây hơn 4 năm có gần 30 em ở số 3 Thạch Cầu (quận Long Biên) là nơi trẻ được học và ở ngay tại lớp. Quy mô được mở rộng nên các hình thức dạy của Trung tâm ở 2 cơ sở cũng được bổ sung theo: Dạy học chữ, vi tính, âm nhạc, thủ công; trị liệu về tâm lý cho hoạt động tập thể, trị liệu cá nhân, mát-xa phục hồi sức khỏe; chữa bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ và dạy nghề hướng nghiệp. Các em đến đây học tùy theo trình độ, có chương trình dạy riêng cho mỗi trẻ và có em theo học từ những ngày đầu mới thành lập trung tâm đến nay.
 |
Giờ học của trẻ thiểu năng trí tuệ và trẻ tự kỷ tại Trung tâm. |
Quả thực, chứng kiến các cô giáo của Trung tâm kiên trì, nhẫn nại dạy các em từng câu nói, từng hành vi, chúng tôi hiểu, phải có lòng nhiệt huyết, yêu nghề cùng với tình yêu thương vô bờ bến mới có thể gắn bó lâu dài với nghề đến vậy. Cô Nguyễn Thị Hà (39 tuổi), một trong ba người gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập tâm sự: “Hiện tại tôi đang phụ trách chuyên môn cho tổ chuyên môn dạy trẻ tự kỷ và hàng ngày vẫn dạy khoảng 18-20 cháu. Dạy trẻ tự kỷ khó khăn hơn rất nhiều vì các cháu thường có hành vi mang tính định hình, rập khuôn, chưa kể mỗi cháu có một hành vi khác nhau, rồi những cảm xúc không được như trẻ chậm phát triển. Nhiều cháu rất hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp, cũng có cháu khả năng hiểu tốt nhưng vì mang tính định hình và tăng động cao nên cũng không thể học được nhiều. Trong lớp cháu nhỏ nhất 4 tuổi và lớn nhất là 14 tuổi nhưng vì các cháu thường không tập trung nên khi dạy chúng tôi phải chia nhỏ từng bước để các cháu tiếp thu dễ dàng hơn. Ở đây, các cháu được dạy theo trình độ khả năng tiếp thu chứ không phân theo tuổi nên chúng tôi cũng luôn phải theo dõi sát sao từng hoạt động của trẻ để dần tìm ra phương pháp tiếp cận thích hợp, từ đó có thể hướng dẫn trẻ theo một nề nếp học tập, sinh hoạt có ảnh hưởng tích cực tới sự tiến bộ của trẻ”.
Cô Trần Thanh Hà (46 tuổi) đã dạy lớp tự kỷ lớn ở trung tâm được 7 năm. Trước đây cô Hà là giáo viên tiểu học. Được người quen giới thiệu nên Ban giám đốc Trung tâm đã tìm đến tận nơi thuyết phục cô về làm giáo viên trung tâm. Cô Hà chia sẻ: “Mặc dù là giáo viên tiểu học, có kinh nghiệm, nhưng môi trường dạy học cho trẻ tự kỷ hoàn toàn khác. Trình độ nhận thức của các cháu không được như trẻ bình thường, thế nên phương pháp dạy hầu như phải tự biên tự diễn, thay đổi liên tục để phù hợp với các cháu. Tôi làm việc được đến ngày hôm nay không chỉ là do tình thương đối với các cháu, mà còn nhận được sự ủng hộ rất nhiều của gia đình. Chồng tôi là thương binh, cũng biết nhiều hoàn cảnh khó khăn của đồng đội có con bị thiểu năng, tự kỷ nên luôn luôn động viên tôi trong công việc”.
Vất vả là vậy nhưng thu nhập của các cô giáo ở trung tâm từ việc dạy học thật khiêm tốn so với những cơ sở cùng dạy trẻ tự kỷ khác. Bà Hương cho biết: Trung tâm Phúc Tuệ thu kinh phí dạy học của các cháu chỉ bằng 1/3 những trung tâm khác. Nếu thu quá cao, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ không thể theo được. Ở trung tâm, 25 cháu có hoàn cảnh khó khăn cũng được giảm học phí. Có em giảm một nửa, có em giảm 1/3. Những gia đình có 2 trẻ bị tự kỷ thì chỉ thu một trẻ. Theo bà Hương, số tiền thu được của học sinh dùng để trả lương cho giáo viên và đóng bảo hiểm xã hội cho các cô. Hiện nay, lương của cô Nguyễn Thị Hà-người có thâm niên nhất ở trung tâm khi đã đóng bảo hiểm chỉ được gần 4 triệu đồng/tháng, người mới làm được hơn 2 triệu đồng/tháng.
Để đảm bảo nuôi dạy các trẻ được tốt, ngoài sự nỗ lực cố gắng, chia sẻ khó khăn của các giáo viên thì trung tâm cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện. Do trung tâm thu phí của các em rất thấp nên có nhiều tổ chức cũng ủng hộ các cháu. Với sức ăn của các cháu, mỗi buổi trưa cũng chỉ đóng 16.000 đồng/buổi nên phải nhờ đến sự giúp đỡ của các khách sạn trên địa bàn thành phố giúp thêm thức ăn trưa cho các cháu…
Vất vả là vậy nhưng mỗi khi thấy được sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của trẻ, các cô đều rất vui mừng, đó cũng là niềm vui của các bậc phụ huynh khi thấy con mình có thể dần hòa nhập tốt với cộng đồng.
Bài và ảnh: THANH LOAN