Từ phải sang trái: Ông Kiều Văn Uỵch, ông Nguyễn Văn Khiến, ông Nguyễn Tiến Mộ bên “chuồng cọp”, được phục chế lại, mà kẻ địch ở nhà tù Phú Quốc đã nhốt ông Kiều Văn Uỵch 20 ngày.

(Tiếp theo và hết)

Mỗi kỷ vật thấm đẫm máu ấy, đối với mỗi người đều là của gia bảo nên khi thuyết phục họ hiến cho bảo tàng là một việc vô cùng khó khăn. Lắm khi ông Bảng thuyết phục được đồng đội thì vợ bạn không đồng ý. Khi vợ bạn cho phép rồi thì con cái họ không gật đầu. Đưa chúng tôi xem lá cờ búa liềm qua năm tháng đã bạc màu, khâu bằng miếng vải đỏ chỉ to bằng bàn tay, ông bồi hồi:

- Đây là kỷ vật nuôi dưỡng niềm tin để chúng tôi bền chí và kiên cường đấu tranh với kẻ thù. Lá cờ là minh chứng cho lòng trung thành của chúng tôi với Đảng. Dưới lá cờ này, chúng tôi đã làm Lễ kết nạp Đảng viên cho nhiều đồng chí. Mỗi lần địch lục soát, đồng chí Dư lại cuốn nhỏ lá cờ vào túi ni-lông, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày. Lúc “an toàn”, lá cờ lại được kéo ra treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục. Có lần bị địch phát hiện, chúng lôi anh em ra tra tấn dã man. Nhiều đồng chí sức yếu đã hy sinh ngay dưới ngọn roi, dùi cui của địch.

Để lá cờ được trưng bày trong bảo tàng, ông Bảng đã nhiều lần đạp xe hàng trăm ki-lô-mét, đến nhà ông Nguyễn Văn Dư (ở Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Tây) - người được giao giữ cờ - để thuyết phục ông hiến hiện vật cho bảo tàng. Ban đầu, ông Dư kịch liệt phản đối: “Sống thì tôi giữ, chết tôi mang theo”. Sau nhiều lần đi lại, tỉ tê để ông Dư hiểu hết ý nghĩa của việc đưa hiện vật về trưng bày, ông Dư đã thay đổi quyết định bởi sự chân thành của người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này. Phút tạm biệt lá cờ, ông Dư khóc nức nở, dặn dò: “Khó khăn lắm tôi mới giữ gìn được nó. Nay gửi vào phòng trưng bày để mọi người đến tham quan phần nào hiểu được sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ cách mạng bị tù đày như chúng tôi”.

Gần đây, một du khách nước ngoài đến bảo tàng tham quan, sau khi nghe ông Bảng kể về tiểu sử của lá cờ đã xin mua với giá 40.000USD. Ông Bảng và các cựu tù Phú Quốc từ chối ngay: “Lá cờ này là xương máu của đồng đội, là linh hồn của Tổ quốc, là báu vật vô giá của những đảng viên bị tù đày. Ông hỏi mua là đã chạm vào nhân cách, danh dự của chiến sĩ cộng sản như chúng tôi”.

Lại có kỷ vật mà ông lặn lội đến 4 lần mới rước về được. Đó là chiếc bấm móng tay, kỷ vật của bố ông Dũng, bị địch bắt và đày ra Phú Quốc từ những năm địch khủng bố trắng, rồi chú ruột ông, đến ông, cuối cùng là người em trai, lần lượt bị địch bắt, giam cầm tại đây và đều dùng chiếc bấm móng tay đó. Bố và chú ông đã anh dũng hy sinh trong nhà tù. Chiếc bấm móng tay như một báu vật linh thiêng được ông Dũng đặt lên bàn thờ tổ tiên. Lúc trao nó cho ông Bảng, ông Dũng không cầm nổi nước mắt.

Còn rất nhiều hiện vật quý giá khác được trưng bày ở đây. Như những chiếc đinh 10 phân địch đóng vào đầu đồng chí Vũ Đình Kỳ (khi khai quật mộ đồng chí mới lấy ra được); chiếc khăn tay màu trắng thêu dòng chữ mật mã bằng chỉ đỏ: “Quay nhìn kỷ niệm đời vui mãi” - dịch là “Quyết nghị kết nạp đảng viên mới” - được dùng thay cho quyết định kết nạp Đảng đồng chí Nguyễn Thị Liễu tại trại giam Plei-cu (tỉnh Gia Lai) năm 1969…

Ngồi trò chuyện cùng ông, chúng tôi được biết ông Bảng đã cẩn thận ghi chép và lưu giữ hàng nghìn địa chỉ, quê quán của những người bạn tù của ông với ý định như ông nói:

- Khi rảnh rỗi anh em chúng tôi đến thăm nhau rồi cùng nhau phát hiện, sưu tầm thêm hiện vật, làm phong phú cho bảo tàng.

Chúng tôi thực sự khâm phục khi thầm nhẩm tính số lần đi lại của người thương binh tuổi gần “thất thập” đi đoạn đường dài bằng đường xích đạo, để mang về bảo tàng của mình hơn 2.000 hiện vật quý giá. Ông vẫn đùa vui: “Tôi đang cố gắng giành giải quán quân trong số những người đi vòng quanh đất nước!”.

Giờ đây, bảo tàng của ông là nơi hội tụ của những tấm lòng, những con người đã một thời gan góc, xả thân vì đất nước. Đều đặn vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, họ lại chẳng quản đường sá xa xôi, thu xếp thời gian, tìm về mái nhà chung này. Không đơn thuần là đến để “ôn cố tri tân”, các cựu tù Phú Quốc còn đến để bàn bạc, tìm cách giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện tại.

Chúng tôi đến thăm bảo tàng vào một buổi chiều thứ bảy. Hôm ấy các gian phòng của bảo tàng chật kín các em học sinh ở Trường trung học phổ thông Tô Hiệu (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) đến tham quan. Em Lê Thị Ánh, học sinh lớp 11 khi xem kỹ 7 chiếc răng địch nhổ khi tra tấn cựu chiến binh Nguyễn Văn Tằng quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, đã khóc và nói với tôi:

- Lần đầu tiên em được tận mắt nhìn thấy tội ác dã man của kẻ thù và hiểu được sự kiên cường, bất khuất của lớp chiến sĩ cha ông. Đây chính là nơi thắp lên ngọn lửa cho thế hệ trẻ chúng em trong học tập và công tác.

Cũng chính vì mục đích tốt đẹp ấy mà hơn 20 năm qua, ông Lâm Văn Bảng cất công tìm kiếm hiện vật chiến tranh để thành lập bảo tàng này. Ông nói với tôi như một lời tâm sự:

- Mỗi hiện vật ở đây như một ngọn lửa nhỏ tự nó cháy sáng lên, còn chúng tôi chỉ là người giữ lửa.

Để giữ ngọn lửa cháy mãi

Hằng năm, ông Bảng và các đồng đội ở bảo tàng dùng số lương hưu ít ỏi của mình để chi phí cho các chuyến đi triển lãm ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngày 2-9, tại triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), gian trưng bày hiện vật của bảo tàng đã thu hút được hàng vạn người xem, nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi xem các hiện vật, nghe các ông kể chuyện của mình.

Vì các ông đến với bảo tàng theo nguyên tắc “4 tự”: Tự nguyện, tự quản, tự túc, tự chịu trách nhiệm, nên trong bữa ăn hằng ngày, chúng tôi được chứng kiến, đạm bạc như cơm sinh viên thời bao cấp, nhiều bữa trên mâm cơm chỉ có “nước canh toàn quốc, nước chấm đại dương”. Ông Nguyễn Văn Khiến - cả 30 ngày trong tháng đều có mặt ở bảo tàng - tâm sự:

- Chúng tôi thành lập bảo tàng với mong mỏi đem những hiện vật biết nói này đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ, mong muốn thắp lên ngọn lửa truyền thống đã tiềm ẩn trong họ. Tuy nhiên, kinh phí để đi lại, bảo quản, sưu tầm thêm những hiện vật hoàn toàn phải tự túc. Các anh đã biết, đời sống của chúng tôi chủ yếu dựa vào tiền hưu trí của Nhà nước. Đến một thời điểm nào đó khi lực bất tòng tâm, tôi e rằng bảo tàng không tồn tại được.

Ông cho biết thêm:

- Ngày 11-10-2006, UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định số 1711 công nhận bảo tàng “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Chúng tôi hy vọng, cùng với quyết định ấy, chính quyền tỉnh sẽ có hỗ trợ kinh phí nhất định để duy trì sự sống của bảo tàng. Nhưng cho đến hôm nay, hy vọng vẫn chỉ là hy vọng…!

Cũng có rất nhiều doanh nghiệp muốn đứng ra bảo trợ cho bảo tàng, như doanh nghiệp của Anh hùng thời kỳ đổi mới Nguyễn Đắc Hải đã đề nghị các ông chuyển bảo tàng về xã Chuyên Mỹ, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Công ty đã dành 2ha đất và kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng. UBND xã Nam Triều cũng ngỏ ý dành cho bảo tàng một khu đất ở gần đường, nhưng không có kinh phí xây dựng… Nói với chúng tôi về vấn đề này, ông Bảng ngậm ngùi:

- Chúng tôi rất cảm ơn lời đề nghị của anh Nguyễn Đắc Hải, nhưng thực ra đó chỉ mới là lời đề nghị trong một lần đến thăm bảo tàng, chưa có văn bản, hợp đồng chính thức nên chúng tôi vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng. Việc xây dựng bảo tàng hoàn toàn là tự nguyện, trở thành máu thịt của anh em chúng tôi, nhưng vì không phải là doanh nghiệp nên việc “nuôi” một bảo tàng vô cùng khó khăn, vất vả và khó có thể lâu dài được. Đợt đi triển lãm 6 ngày ở Vân Hồ (Hà Nội), chi phí mất 6 triệu đồng, nhưng chúng tôi chỉ được cấp một bằng khen và 600.000 đồng tiền thưởng. Rất mong được sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hảo tâm của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân… để bảo tàng được duy trì và ngày càng phát triển.

Khách quan nhìn vào, ai cũng hiểu được tâm tư, nguyện vọng và nỗi niềm của các ông. Địa điểm của bảo tàng hiện nay đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, trở thành niềm tự hào của các ông. Nếu phải chuyển đi nơi khác, điều đó giống như một nỗi đau, một sự mất mát không thể bù đắp được. Vả lại, một ngày bảo tàng phải tiếp, giới thiệu, thuyết minh cho hàng trăm lượt khách. Chỉ riêng tiền than củi đun nước sôi cho khách uống mỗi tháng, theo lời ông Nguyễn Tiến Mộ “cũng tốn gần một triệu đồng”. Ông nói thêm:

- Bây giờ còn khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, còn có gạo của vợ để mang đi tự nguyện góp gạo thổi cơm chung. Chúng tôi chỉ lo mùa màng thất bát, thu nhập kém, các bà xã chắc chắn sẽ “xiết chặt tay hòm chìa khóa”, không biết đến lúc ấy chúng tôi lấy gì mà sống để phục vụ bảo tàng.

Nghe những lời tâm sự chân tình của các ông, chúng tôi mường tượng đến cảnh “tan đàn xẻ nghé” của những người ở bảo tàng này. Chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của Phó giáo sư sử học Đa-vít Stic, giảng viên Trường đại học Ca-li-phoóc-ni-a (Mỹ) khi đến thăm bảo tàng vào ngày 15-7-2007:

- Tôi thấy sự khốc liệt, ác liệt và thực sự bất ngờ vì bảo tàng có những hiện vật đậm nét về lịch sử chiến tranh. Tôi nghĩ, bảo tàng rất cần thiết cho mọi người, nhất là sinh viên để hiểu biết về lịch sử của những người bị bắt tù đày mà thật đáng tự hào về họ. Đặc biệt, hiện nay nhân dân Mỹ cũng đang phản đối chính quyền Mỹ về sự tồn tại của nhà tù Oan-ta-na-mô…

Chúng tôi cầu mong một ngày gần nhất, bảo tàng “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” sẽ được sự quan tâm của chính quyền các cấp để các hiện vật ở đó như những ngọn lửa cháy mãi, thắp sáng lên niềm tự hào của một dân tộc anh hùng.

Bài và ảnh: VŨ ĐẠT - HỒNG THẠNH

Nơi giữ lửa (Phần 1)