Ông Nguyễn Văn Ngư và chắt ngoại

Những ngày giữa Tháng Tám, men theo những bờ ruộng nhỏ vàng rộm trong màu nắng, tôi trở lại thăm ông Nguyễn Văn Ngư ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Căn nhà nhỏ cấp bốn rộng khoảng 9m2 của ông vẫn đơn sơ, mộc mạc như chính cuộc đời của ông vậy. Trong căn nhà này, hiện đang thờ 8 liệt sĩ và hai bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Lội qua những thửa ruộng đầy bùn đất, tới giữa một bãi đất trống, trước mắt tôi là một căn nhà giống như một túp lều mà người ta hay dựng lên trên cánh đồng làng. Chú Ba Đẩu, người dẫn đường cho tôi nói: “Nhà của ông Hai đó”. Trong nhà chỉ có một cái bàn cũ, hai chiếc ghế đã long chân và vài chiếc bát, đũa nằm lăn lóc. Ông Ngư đã sống qua 95 mùa xuân, hàm răng đã rụng gần hết, gương mặt nhăn nheo, bước đi run rẩy của người đã “gần đất, xa trời”. Nhìn vào những tấm bằng Tổ quốc ghi công và bằng công nhận hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng treo trên vách nhà, đôi mắt tôi cay xè.

Thấy có khách, ông Ngư mới giật mình buông đôi chân đánh “phịch” xuống đất. Ông lập bập, hốt hoảng như người mới từ cõi hư vô trở về. Nhìn chúng tôi bằng đôi mắt hấp háy, ông nói đứt quãng: “Ngồi… ngồi… đi các con”. Đôi mắt ông sâu thẳm, xung quanh tròng có vài giọt nước ứa ra, chảy xuống đôi gò má chằng chịt những vết nhăn của thời gian. Có lẽ ông rất ít ngủ. Mà ông ngủ sao được, khi các liệt sĩ trong gia đình luôn mong ông thức để trò chuyện...

Lúc tỉnh táo, ông Ngư kể: Hồi chống Pháp, bố mẹ tôi đã đào hàng chục mét hầm bí mật xung quanh cái nhà này. Những chiếc hầm ấy chứa được hơn 30 cán bộ của huyện, của tỉnh về vùng “Tam giác thép” hoạt động cách mạng. Nhà tôi cũng tích cực trồng lúa, khoai để tiếp tế cho các anh, các chị trong những ngày địch càn quét, truy lùng dữ dội. Gần cán bộ Việt Minh, chúng tôi được giác ngộ cách mạng nên đã lần lượt tham gia du kích và bộ đội. Bốn người em ruột của ông là Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Văn Tâm đều tham gia du kích, bộ đội địa phương và lần lượt hy sinh trong các trận đánh.

Lập gia đình, ông Nguyễn Văn Ngư sinh ra được 5 người con (3 trai và 2 gái). Các con của ông cũng không chịu ngồi yên khi quê hương đầy bóng giặc. Nối tiếp tấm gương của các chú, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Văn Sáu cũng hăng hái gia nhập du kích và bộ đội, len lỏi vào các vùng tạm chiếm để xây dựng phong trào đấu tranh của nhân dân. Thế nhưng, thương đau lại ào ào ập xuống gia đình ông Ngư: Hải, Ba, Tư, Sáu lần lượt ngã xuống. Ngày 13-3-1961, vợ của ông là Nguyễn Thị Thanh Sang cũng bị giặc bắn chết trên đường đi tiếp tế lương thực cho cán bộ. Rồi đến ngày 20-10-1966, mẹ của ông là Nguyễn Thị Thép cũng bị trúng bom đạn của quân thù…

Năm 1970, người con út của ông là anh Nguyễn Văn Trung lại tình nguyện xin đi làm liên lạc cho du kích và năm 1971, anh chính thức trở thành chiến sĩ quân giải phóng.

Gặp chúng tôi, anh Trung kể: “Chẳng thấy khi nào ba tui ngủ yên giấc cả. Có những đêm, ông đi thơ thẩn hàng giờ liền ngoài bờ ruộng làm cả nhà tìm mãi mới thấy. Tôi xin ba đi ngủ, thì ba la lớn: Bay ngủ thì cứ ngủ đi, tao còn nói chuyện với bà nội, với má mày, với các chú và các anh của mày chứ. Nói xong, ba tui áp chặt tai xuống đất…”.

Chẳng cứ ban đêm, mà nhiều ngày ông Ngư cứ lang thang từ bờ ruộng này, sang bờ ruộng khác. Có ai hỏi thì ông trả lời mộng du: “Tui đi tìm mấy đứa em và các con tui”. Đi mệt, ông lại về nhà ôm chặt những kỷ vật vào ngực và khóc nấc lên. Khóc chán, ông giậm chân bình bịch xuống đất. Ông muốn nghe vọng từ trong lòng đất tiếng nói của những linh hồn liệt sĩ dội về… Đâu rồi bóng dáng của em Long, em Tám, em Mười? Đâu rồi tiếng nói cười của con Ba, con Tư? Và đâu rồi dáng mẹ Thép còng lưng trên ruộng lúa, dáng người vợ Nguyễn Thị Thanh Sang thoăn thoắt trên đường đi tiếp tế cho cán bộ? Còn các cháu ruột của ông nữa. Ba đứa cũng đã hy sinh, 5 đứa bị giặc giết cùng một lúc trong trận càn năm 1968… Và cũng không riêng ông Ngư, ở xã Hàm Chính này, hầu như nhà nào cũng có bàn thờ liệt sĩ.

Tuy cuộc sống bây giờ đã có nhiều đổi thay, đời sống của nhân dân đã dần được nâng lên, con cháu của ông Nguyễn Văn Ngư không còn phải chịu cảnh thiếu đói, không phải ở trong những căn nhà rách nát như trước nữa, nhưng chiến tranh đã cướp đi 17 người thân của ông thì không có gì bù đắp nổi. Khi tỉnh táo, ông Hai Ngư luôn khuyên con cháu phải biết biến đau thương thành hành động, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, phấn đấu vươn lên.

Những năm qua, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng cho gia đình ông Ngư một căn nhà tình nghĩa gần UBND xã và hỗ trợ anh Trung xây dựng căn nhà sát với căn nhà của ông đang ở hiện nay, nhưng ông Ngư vẫn ở trong căn nhà đơn sơ, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Ông nói với mọi người: “Mẹ tui, vợ tui, các em và các con tui muốn tui sống ở đây để thờ cúng họ. Đây là nơi qui tụ của gia đình tui mà”.

Bài và ảnh: PHÚ HƯNG