QĐND - Những năm công tác ở Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, tôi có may mắn hai lần được đi cùng hai vị Tư lệnh bộ đội đặc công về thăm sông Giá của huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng - nơi huấn luyện bộ đội đặc công chuyên đánh địch ở lòng sông, lòng biển. Đó là Thiếu tướng Tư Cường và Thiếu tướng Mai Năng, Anh hùng LLVT nhân dân. Anh Mai Năng hiền từ, đằm tính, có vẻ gan lỳ. Anh Tư Cường người Nam Bộ, sôi nổi và xông xáo. Cả hai lần đi công tác, tôi đều được nghe hai anh nói về sông Giá, cái nôi rèn giũa những chiến sĩ “thọc sâu, đánh hiểm, thắng lớn” của bộ đội đặc công nước.

Dân quân Kênh Giang tham gia tuần tra giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Ảnh: Nguyễn Khánh

Đứng trên cầu sông Giá, nhìn dòng nước trong xanh lặng lờ trôi giữa đôi bờ xanh ngắt của làng quê yên bình, hai anh đều có những hồi ức giống nhau: “Từ dòng sông này ra đi, các chiến sĩ đặc công đã lập nên biết bao chiến công nổi tiếng ở Cửa Việt, cảng Đà Nẵng, sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu… làm khiếp vía kẻ thù xâm lược”. Mỗi lần về thăm lại dòng sông, thăm lại bà con Kênh Giang đã nuôi dưỡng, chở che bộ đội của mình trong những ngày huấn luyện trên sông, các vị tư lệnh và các cán bộ khác ở Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công đều thả lòng cùng dòng nước xanh thẳm, nhớ ơn lòng dân mênh mông, bao giờ cũng đằm thắm tình quân-dân cá nước. Bởi vậy, lúc về gần rồi lại đi xa, những người chiến sĩ đặc công vẫn mang trong mình nỗi nhớ những người dân ở các làng: Trại Kênh, Mỹ Giang, Trà Sơn của xã Kênh Giang vốn ân tình một thuở.

Đất lành nuôi những anh hùng. Quả đúng như vậy. Trong những hang sâu, núi đá của những vùng đất cận kề Kênh Giang ở Minh Tân, Lưu Kiếm vẫn còn lưu lại dấu tích những chiến công đánh giặc trên lưu vực sông Bạch Đằng của cha ông xưa kia làm kinh hoàng giặc xâm lăng phương Bắc. Người Kênh Giang từ đất ông cha sung vào nghĩa quân Bạch Đằng để đánh quân Nam Hán, đánh giặc Nguyên, đã được hun đúc ý chí giữ nước từ thuở ấy. Bởi vậy, khi có Đảng lãnh đạo từ những năm 1930, cùng với quân-dân Thủy Nguyên, người Kênh Giang đã một lòng theo Đảng, góp sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, giành cuộc sống hòa bình cho quê hương.

Ngày 17-8-1945, cùng với nhân dân Thủy Nguyên, nhân dân các thôn: Trại Kênh, Mỹ Giang, Trà Sơn sát cánh cùng các thôn khác đứng lên giành chính quyền từ tay giặc. Sau khi nghe Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại lễ mít tinh từ Ba Đình truyền tới, nhân dân các làng, xã đã thi đua đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” ủng hộ Chính phủ. Ngày 6-1-1946, cử tri từ các làng, xã nô nức đi bỏ phiếu để bầu Quốc hội khóa I. Các đội dân quân tự vệ thi đua huấn luyện, phòng gian, bảo mật, giữ vững an ninh, trật tự để chính quyền cách mạng hoạt động có hiệu quả. Các nhà sư ở chùa Kênh Giang dành số tiền ít ỏi mua một khẩu súng ủng hộ dân quân tự vệ. Nhà sư Phạm Văn Huynh sung vào đội tăng gia cứu quốc, sau đó sung vào quân đội và anh dũng hy sinh.

Từ ngày 7-2-1947, với ba mũi tiến công vào Thủy Nguyên, quân Pháp đã dùng tàu thủy đi theo đường sông Giá, đổ bộ lên cầu Giá, đánh chiếm các thôn: Trại Kênh, Mỹ Giang, Trà Sơn và tiến về Núi Đèo. Cùng với Tiểu đoàn 182 Vệ quốc đoàn của Hải Phòng và Tiểu đoàn Quang Trung, bộ đội địa phương của huyện Thủy Nguyên, dân quân tự vệ xã Kênh Giang đã cùng dân quân và tự vệ toàn huyện đánh địch trên các hướng, kìm chân địch trên địa bàn xã. Ngày 8-2-1947, giặc Pháp điên cuồng tiến công vào các thôn: Mỹ Giang, Trại Kênh, Trà Sơn, sát hại 72 người dân, đốt cháy hơn 300 ngôi nhà. Nợ máu phải trả bằng máu. Lập tức, đêm 7-3-1947, du kích địa phương đã cùng đại đội địa phương mang tên Lê Lợi bí mật tiến công bốt Cầu Giá, tiêu diệt hơn 20 tên địch, thu vũ khí, thu lại 30 con trâu, bò do giặc cướp của dân. Từ ngày đó đến khi Hải Phòng giải phóng (13-5-1955), ngoài 9 trận đánh lớn và nhiều trận đánh nhỏ, nhân dân và dân quân, du kích địa phương đã kiên trì kháng chiến, góp phần quan trọng cùng quân-dân Thủy Nguyên và quân-dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Hòa bình mới được 10 năm. Làng xóm Kênh Giang vừa cùng quân-dân Thủy Nguyên tiến hành cuộc cải cách ruộng đất thắng lợi, đưa ruộng đất về tay nông dân; tiến hành sửa sai sau cải cách ruộng đất rồi tiến lên xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thì giặc Mỹ lại điên cuồng đưa hải quân và không quân ra đánh phá miền Bắc XHCN. “Tay cày, tay súng”, “Tay bút, tay súng”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, cả Kênh Giang dàn thế trận, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Xã Kênh Giang tiễn đưa 489 thanh niên đi đánh giặc ở các chiến trường, 146 người đi thanh niên xung phong, đóng góp cho Nhà nước 3000 tấn lương thực và 15 tấn thực phẩm, bảo đảm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Dân quân, tự vệ toàn xã thay nhau trực chiến, phối hợp bảo vệ an toàn cầu Giá và Xí nghiệp Lò cao 19-5; bảo vệ tuyến đường 10 chạy về Uông Bí, Đông Triều, Quảng Ninh. Suốt những năm đánh giặc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân toàn xã luôn nêu cao cảnh giác, bảo vệ an toàn cho các khóa huấn luyện đặc công nước trên sông Giá, bảo đảm chi viện kịp thời cho các chiến trường ở miền Nam.

Sau thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, “Niềm vui đến chẳng tày gang”, chỉ hai năm sau, biên giới Tây Nam của Tổ quốc bị xâm lăng; tháng 2-1979, chiến tranh biên giới lại xảy ra trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Người dân Kênh Giang lại nô nức tiễn người thân vào biên giới Tây Nam, lên biên giới phía Bắc, bảo vệ toàn vẹn đất đai Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.

Trong các cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập, tự do của Tổ quốc, Kênh Giang đã hiến dâng cho Tổ quốc 180 liệt sĩ, 35 người gửi lại một phần xương máu ở chiến trường, 25 người từ chiến trường trở về bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Trong sự hy sinh, mất mát đó, Kênh Giang luôn tự hào về thành tích của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ người Kênh Giang mang lại: 76 gia đình được Nhà nước tặng thưởng “Bảng vàng danh dự”, 267 gia đình được tặng “Bảng vàng gia đình vẻ vang”, 762 cán bộ, chiến sĩ được trao tặng huân chương và huy chương các loại.

Nhớ ơn các thế hệ người Kênh Giang đã đổ máu xương, mồ hôi và công sức để tạo nên danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân Kênh Giang đã đoàn kết phấn đấu, lập nhiều chiến công trong thời kỳ đổi mới đất nước. Bên cạnh những thành tích về sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững quốc phòng-an ninh, cả ba thôn của Kênh Giang đều đạt chuẩn “Làng văn hóa”; xã đã đạt 13 trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ đạt 16 tiêu chí; Đảng bộ xã suốt 15 năm đạt TSVM; chính quyền xã và các đoàn thể chính trị đều đạt tiêu chuẩn vững mạnh, xuất sắc.

Kênh Giang đang đoàn kết, tiến bước trong thời kỳ mới để mãi mãi xứng đáng là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

 

KHÁNH TOÀN