 |
Toàn cảnh phiên họp cuối cùng Hội nghị Pa-ri |
(tiếp theo và hết)
Sự không bằng lòng của chính quyền P với Thiệu thể hiện ở trang nhật ký đề ngày 20-12: “Sau đó, K tới, vui vẻ báo Hai-gơ đã nhập cuộc rồi, có điều ông ta bị Thiệu “nện gãy răng” bằng cách bắt chờ tới năm tiếng đồng hồ, rằng Thiệu vẫn đòi quân miền Bắc phải rút hết. Vậy là, chúng ta sẽ ra mắt vào hôm mồng 3 tháng Giêng với một cuộc chơi riêng rẽ, nếu chúng ta giành được quyền chơi... Thiệu đã phải thôi không làm ngơ các bức thư của P, và chỉ phát biểu theo nguyện vọng cá nhân về những chủ đề như (miền Bắc cần) rút hết quân. P nói rằng, về thực chất, những điều Thiệu đã nói có nghĩa là chúng ta sẽ phải vào cuộc một cách riêng rẽ. Vậy là chúng ta phải tính sao để có thể rời khỏi Việt Nam mà lại không làm chìm con thuyền Nam Việt Nam”.
“Vấn đề chủ yếu là, liệu Hà Nội có đồng ý dàn xếp tay đôi mà không bắt chúng ta phải cắt viện trợ cho Nam Việt Nam. Họ thậm chí có thể đặt cược rằng, Quốc hội Mỹ sẽ quẳng cái gánh viện trợ (cho chính quyền Sài Gòn) đi. Nếu chúng ta cũng chấp nhận dàn xếp tay đôi (với Hà Nội), hẳn là sẽ không có chuyện ngừng bắn đâu. Nhưng ta cần nhìn nhận rằng, vị thế của Sài Gòn hôm nay đã có thể xem là vững chãi. K, trong khi họp, cứ nguyền rủa Thiệu mãi, bảo rằng Thiệu là “đồ chó đẻ” (SOB - son of a bitch). K bảo rằng, Thiệu làm thế chẳng qua chỉ vì muốn gây một tiếng vang, để rồi sửa soạn cho kết cục phải “đi ở riêng” (cave at the end); còn chúng ta thì phải cố hoàn tất chuyện này cho ổn thỏa. P nói, phải làm sao để ta không phải ký một hiệp định bất lợi, rằng ta nên dàn xếp tay đôi. Tôi phát biểu, phản đối dàn xếp tay đôi… Nếu Bắc Việt chịu đàm phán ngay, thì chúng ta sẽ được đà. Nếu Hà Nội chấp nhận đàm phán vào 1-3-1973, chúng ta phải gặp họ, dàn xếp, rồi ấn (giải pháp đó) cho Thiệu, Có thể nói, P bây giờ đã chuyển sang lập trường của tôi. Chúng ta nay phải cư xử sao cho Thiệu hoàn toàn trật tự, không được ho he. P sau đó khái quát lại mọi sự, cho rằng tình hình hiện nay không sáng sủa, nhưng lại vẫn có thể phát sinh”.
Vậy là chính quyền Ních-xơn cố thuyết phục Thiệu thông qua thư tín, sứ giả, và qua tiếp xúc hậu trường nhờ vào “mệnh phụ rồng” (bà vợ góa của tướng Clai-rê Chen-nau, người đã gặp Hồ Chí Minh ở Côn Minh tháng Ba 1945). Ních-xơn và các trợ thủ bàn soạn một kế hoạch tổng lực nhằm “chơi khăm” (bluff) Thiệu, thông qua một tuyên bố của Phủ tổng thống Hoa Kỳ trên truyền hình. Những hoạt động như thế sẽ được tiếp tục đến tận ngày ký Hiệp định Pa-ri, vào tháng 1-1973. Han-đê-man và các trợ lý khác phải lập các kế hoạch đối phó với các phát sinh, dự phòng trường hợp Thiệu từ chối ký kết hiệp định. Chẳng hạn, chuẩn bị sẵn hai bộ hồ sơ cho họp báo và ra thông cáo báo chí trong cả hai trường hợp: một với chữ ký của chính quyền Thiệu, một dành cho trường hợp Thiệu không tới ký.
Tới ngày thứ bảy, 13-1-1973 (sau trận “Điện Biên Phủ trên không”), thân phận Thiệu đã được P định đoạt. Theo nhật ký Han-đê-man, “Thiệu buộc phải phục tùng. Vì nếu không, P sẽ chủ động đặt vấn đề với Quốc hội Mỹ để “cúp” viện trợ, trước khi Nghị viện Mỹ kịp xuống tay với ngài. Tốt hơn hết là P xòe bài trước, một khi kết cục như thế là (phủ quyết viện trợ) không thể tránh nổi”.
Và, như chúng ta đều biết, Hiệp định Pa-ri được ký bởi cả bốn bên tham gia hội đàm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng hòa và Hoa Kỳ.
 |
Bìa của đĩa CD nhật ký Han-đê-man. |
4. Suy xét của P và K về miền Bắc Việt Nam
P, K và Han-đê-man đã không ngại sử dụng những từ ngữ cục cằn nhất khi nói về miền Bắc. Một vấn đề then chốt là làm sao đổ được trách nhiệm. Trang nhật ký đề ngày 5-12 thổ lộ: “Câu hỏi đặt ra là đổ lỗi cho ai đây về việc đàm phán đổ bể? K muốn P sẽ cáo buộc miền Bắc đã gây chuyện này, rồi nhờ đó mà lấy thế. P e rằng chuyện này sẽ đẩy ngài (tổng thống) dấn vào chuyện thất cơ, vì thế không muốn dính vào… Nói chung, K, chứ không phải P, sẽ phải ôm rơm, nhưng phải tươi tỉnh lên khi làm phận sự này”.
Ngày 6-12, Han-đê-man viết tiếp: “P đang nhăm nhe làm một loạt tác động tâm lý lên K… (P nghĩ) rằng, K đang ngầm tính chước chuồn, không muốn chiến đấu, nhưng lại phủ định chuyện này, thác rằng mình (K) đang cố lấy sức để đấu tranh. Trên thực tế thì y đang tìm cách thoái thác những việc nan giải, và đang không biết đâu là con đường đúng. P chắc mẩm rằng, nếu K quay về nhà mà không đạt được Hiệp định thì y sẽ từ nhiệm. Nếu K về, mình (Han-đê-man) sẽ phải lên dây cót, để K vẫn vững tay chèo, vẫn nhìn xa trông rộng, và không được ỉu xìu; rằng chúng ta không được để cho K nuốt lời mà y đã từng tỏ ra kiên định, và P ép K phải làm ăn cho ra hồn”.
Ngày hôm sau, Hai-đê-man viết thêm: “(Vì) chúng ta phải dấn tới trong đàm phán, chúng ta không thể khựng lại, và tái diễn việc ném bom”.
Về đến Hoa Kỳ, K tới gặp P và Han-đê-man hôm 14-12. Han-đê-man mô tả thời kỳ ở Pa-ri vừa qua của K là “ngập đầu trong những xấc xược, thủ đoạn và quay như chong chóng của Bắc Việt”. Theo lời Han-đê-man, K đã nắm tay lại, rủa: “Quả là cứt đái. So với người Bắc Việt, người Nga thật hảo tâm làm sao (trong mắt của Oa-sinh-tơn). Họ sánh được với người Trung Hoa. Một khi đi đến hội đàm, người Trung Hoa tỏ ra thật đáng tin cậy (responsible) và lành như đất (decent)!”. Ngày hôm sau, Han-đê-man ghi nhận: “K bảo rằng, y đã lấy lại được phong độ ngon hơn so với mấy tuần trước, bởi vì nay ta lại nắm vững tình hình, chứ không còn ở thế của con thỏ bị kẹt giữa hai con rắn đang phun phè phè”.
Hôm 19-12, giờ Oa-sinh-tơn, cuộc ném bom bắt đầu. Trong khi Nhà Trắng đếm con số B-52 bị hạ, P và Han-đê-man bàn cách phát biểu trước công chúng. Họ lại có dịp đổ lỗi cho miền Bắc: “… (Tổng thống và tôi) thảo luận vấn đề về việc nên nói về vấn đề Việt Nam ra sao (trên phương tiện thông tin đại chúng), đặc biệt là về các dư luận như “P đi ngược lại điều K đã hứa”, và “P rút K khỏi hòa đàm”. Bàn về cách làm thế nào để đáp lại những chất vấn về việc chúng tôi (chính quyền Ních-xơn) đã gieo rắc những hy vọng hão huyền (về hòa bình). Đã nhất trí được rằng chỉ cần phản công lại bằng cách gán ngay cho miền Bắc đã gieo những ảo vọng”.
Ngày 20-12, chính quyền P thay đổi cách cư xử với miền Bắc: “P lại quay lại với thiệt hại về B-52, và tỏ ra thực sự phiền muộn, cứ hỏi xem liệu còn cách gì xoay xở. K bảo chả còn gì. Rằng đây là cuộc không kích qui mô lớn cuối cùng. Rằng chúng ta phải tìm cách giảm tổn thất. K lại tiếp tục rủa bọn Thiệu là “chó đẻ” (SOB), là lũ tâm thần bệnh hoạn (maniac). Cả hai đều nhất trí rằng, chúng ta không được để lộ là Hai-gơ đã bị Thiệu cự tuyệt. Chúng ta cần tiếp tục ném bom miền Bắc, nhưng ở quy mô kém ồ ạt hơn. Chúng ta cần giảm bớt đòn không kích vào Hà Nội, nhờ đó mà tránh những tổn thất quá lớn (excessive losses)”.
5. Quan hệ giữa P và K
Nhật ký Han-đê-man tiết lộ quan hệ giữa Ních-xơn và Kit-xinh-giơ. Bởi lẽ Han-đê-man hoàn toàn trung thành với P, ông ta rõ ràng phải “bênh” P hơn. Han-đê-man mô tả K là không tin cậy (insecurity), quá nhấn mạnh cái tôi, mắc chứng “ám thị tự sát” (suicidal complex), hay để rò rỉ (tin mật) cho giới báo chí, có nhu cầu đặt mình vào trung tâm của mọi sự.
Nhật ký Han-đê-man thường xuyên nhắc đến “vấn đề K”. Vào ngày 13-12, một ngày trước khi K bay sang Pa-ri, Han-đê-man viết: “P sau đó nhận xét rằng, K đã bộc lộ quá nhiều dấu hiệu bất phục tùng (insubordination)”. Tiếp đến hôm 20-12, ông ta viết tiếp: “Tổng thống đã quán triệt “vấn đề K”. Ngài e rằng K đang bắt cá hai tay... chỉ ra rằng, chúng ta không thể cho phép những suy xét của K ngự trị lên trên mọi công việc, rằng K không thể vừa gần gũi với P, lại vừa xa rời ngài”.
Đoạn hay ho nhất của mối quan hệ Ních-xơn/Kít-xinh-giơ chính là sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Ních-xơn, Kít-xinh-giơ, Han-đê-man và các chức sắc khác của Nhà Trắng đã thiết kế một chiến dịch tiến công trên phương tiện thông tin đại chúng của Hoa Kỳ, cũng như trong khuôn khổ Quốc hội Mỹ, nhằm chống lại “những kẻ chống đối” và “bọn địch”. Chiến dịch nhằm vào đề cao sự “quả cảm” và “quyết đoán” của P. Tuy vậy, chính K lại đoạt được sự “tỏa sáng”.
Han-đê-man đã không quan tâm gì đến việc Hiệp định được ký kết ngày 27-1-1973. Thay vào đó, ông ta nhận xét về cuộc họp báo của K: “Vậy là P đã chỉ rõ: mắt xích bị khuyết chính là “tấm gương quả cảm”. Chúng ta đã xem kỹ các bài xã luận trên báo chí, nhưng chủ đề này đã không được phản ảnh. Cuộc họp báo (của K) đã không có tác dụng đột phá để làm nổi bật được chủ đề này. Trong cuộc này, K đã chỉ nhắc đến P có ba bận - ngược lại, khi những chuyện tồi tệ đến, K kể tên ngài những 14 lần. K (sau đó) còn nói rằng chúng ta đã tiêu diệt được những kẻ phê phán, nhưng chúng ta không hề làm được điều đó”.
Cho đến nay họ vẫn không làm được điều đó. Và chắc là sẽ chẳng bao giờ làm được.