 |
Khu phố Khâm Thiên bị máy bay B-52 Mỹ ném bom huỷ diệt, tháng 12-1972 |
Tháng 8-2007, nhà văn Mỹ Lây-di Bô-tơn mang sang Việt Nam một đĩa CD-ROM về cuốn nhật ký của Han-đê-man, trợ lý riêng và Chánh văn phòng của Tổng thống Mỹ Ních-xơn. Vì đĩa này được sản xuất năm 1994, thuộc thế hệ đầu tiên của đĩa CD-ROM truyền thông đa phương tiện, chạy chương trình Windows.3, nên suốt 4 tháng ròng, đã không thể tìm thấy một máy tính nào ở Việt Nam còn làm việc với chương trình này. “
Việt Nam nay thật là hiện đại”, Lây-di Bô-tơn nhận xét.
Thứ sáu vừa rồi, hai bạn trẻ, một đến từ Ca-na-da, một bạn đến từ Ô-xtrây-li-a, độc lập, nhưng đồng thời mở được chiếc đĩa này. Thư viện Quân đội của Việt Nam, có một bản của đĩa này do Lây-di tặng, sẽ phục vụ các bạn đọc muốn truy cập nhật ký của Han-đê-man.
Dưới đây, Lây-di Bô-tơn trích dẫn một số nội dung chưa công bố tại Việt Nam về nội tình Nhà Trắng trong tiến trình của trận “Điện Biên Phủ trên không”. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ních-xơn và cố vấn đặc biệt của ông, Kít-xinh-giơ gần đây đã xuất bản hồi ký nhằm phục vụ cho cách đánh giá riêng của họ về lịch sử. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ cũng xuất bản cuốn nhật ký của Han-đê-man, ghi lại công việc hằng ngày của ông ta trên cương vị “tay hòm chìa khóa” cho ông chủ Nhà Trắng khi đó là Tổng thống Ních-xơn. Đây là một tư liệu phản ánh chuyện “thâm cung bí sử” của một đời tổng thống Mỹ. Đĩa CD là một hồ sơ chứa đựng 2.000 trang nhật ký, các băng ghi âm, nhiều thước phim tư liệu, bức ảnh tư liệu. Tính xác thực và bất biến của tài liệu được đảm bảo, do Han-đê-man bị bắt khi đương nhiệm, do liên can đến vụ bê bối Oa-tơ-ghết, và toàn bộ sổ sách giấy tờ của ông này lúc đó bị niêm phong, và sung công vào Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ. Hiện nay, hồ sơ này đã được chuyển đến Thư viện Tổng thống Ních-xơn tại bang Ca-li-phoóc-ni-a bảo quản.
Dưới đây là một số điểm, thiết nghĩ là có ý nghĩa, liên quan đến diễn biến của trận “Điện Biên Phủ trên không” hay “Cuộc ném bom Lễ Giáng sinh”, theo cách gọi của phương Tây. Về trình tự thời gian, xin lưu ý rằng giờ Hà Nội sớm hơn giờ Oa-sinh-tơn nửa ngày. Trong nguyên bản, “P” là chữ viết tắt chỉ Tổng thống Ních-xơn (President), còn “K” là Kít-xinh-giơ. Một số đoạn của nhật ký Han-đê-man nêu ở đây còn chịu tác động kiểm duyệt Hoa Kỳ, do đĩa CD-ROM này được sản xuất cách đây 13 năm. Tác giả bài viết này hiện đang tìm cách liên hệ với các cơ quan hữu quan Hoa Kỳ, với hy vọng rằng 35 năm đã qua, hẳn là các chi tiết đó đã được giải mật.
1. Bối cảnh lịch sử và việc chọn thời gian cho cuộc ném bom Lễ Giáng sinh
Cuộc ném bom Hà Nội cuối tháng 12-1972 xảy ra khi Ních-xơn đã thắng áp đảo (61%) trong cuộc bầu cử đầu tháng 11 năm 1972. Lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ II sẽ được tiến hành vào tháng Giêng 1973. Nhưng vào tháng Chạp 1972, công tác điều tra vụ “đột vòm” trụ sở toàn quốc đảng Dân chủ tại tòa nhà Oa-tơ-ghết đã “chiếu tướng” đội hình nhân viên chủ chốt của Ních-xơn, cùng các cộng tác viên của họ. Vụ Oa-tơ-ghết (Cái cổng nước) sẽ mở lối dẫn tới việc từ nhiệm của Han-đê-man vào 30-4-1973 và vụ FBI bắt giam ông này, rồi đến việc Ních-xơn “thoái vị” ngày 9-8-1974.
Ngày 14-12-1972, Kít-xinh-giơ trở lại Oa-sinh-tơn sau 10 ngày hội đàm ở Pa-ri. Các cuộc hội đàm bị đình đốn, và ông Lê Đức Thọ bay về Hà Nội để hội ý. Để đáp lại sự “không khoan nhượng” của miền Bắc Việt Nam, chính quyền Ních-xơn xúc tiến phương án không kích ồ ạt. Ngày 18-12, Han-đê-man viết như sau về thời điểm không kích: “Tổng thống cũng nghĩ rằng chúng ta thuận lợi, vì bắt đầu ném bom đúng một tuần trước Lễ Giáng sinh”.
Ở đây cần có một chú giải. Kỳ nghỉ lễ Giáng sinh ở Hoa Kỳ được xem là tương đương với dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Một tuần trước lễ Giáng sinh, (tương tự với tuần lễ trước Giao thừa âm lịch ở Việt Nam) mọi người nô nức trẩy hội. Vào dịp này, Quốc hội Mỹ dừng các kỳ họp. Các nghị sĩ của lưỡng viện phân tán về các địa phương quê nhà họ. Vì thế, các dân biểu thuộc đảng Dân chủ đối lập không thể tổ chức hoạt động phản đối. Các nhà trường và học viện cũng nghỉ học. Sinh viên, học sinh đều đi nghỉ lễ, không thể tập hợp được (để biểu tình). Ních-xơn, Kít-xinh-giơ và Han-đê-man biết rằng ở thời điểm này, dân Mỹ ai cũng lo việc gia đình, hoàn toàn có thể ném bom mà không gặp phản đối kịch liệt của dư luận trong nước.
Thời điểm bắt đầu ném bom được Han-đê-man bình luận như sau trong trang nhật ký đề ngày 15-12: “Dự kiến kế hoạch là tổ chức một cuộc họp báo hôm nay, rồi bắt đầu hành động quân sự vào ngày mai, và không kích ồ ạt vào chủ nhật... Nó sẽ dẫn tới bối cảnh hay ho là, chúng ta ném bom đúng lúc Lê Đức Thọ ở Bắc Kinh sẽ gây tác dụng ghê gớm hơn... P (Ních-xơn) cho rằng lẽ ra nên ném bom ngày thứ hai, trừ phi Kít-xinh-giơ nhất quyết phải làm việc này vào chủ nhật. Tổng thống không ưa chuyện ông vừa dự lễ nhà thờ ngày chủ nhật, vừa ném bom”.
Ngày 18-12, Han-đê-man viết: “Tổng thống muốn hai hay ba chiếc B-52 hôm nay. Ngài hỏi Kít-xinh-giơ liệu không quân Hoa Kỳ có muốn lùi bước. Kít-xinh-giơ nói rằng không đâu, rằng chúng ta đang làm đúng. Rồi P nói rằng, mọi sự sẽ kết thúc hay ho; rằng ta đã có thể lui chuyện này lại vài tuần nhưng ra tay bây giờ mới là thượng sách. K (Kít-xinh-giơ) cho rằng đường hướng tốt nhất của Tổng thống là cư xử bất trắc một cách cục súc (brutal unpredictability). [Một đoạn không rõ dài hay ngắn bị kiểm duyệt].
2. Phản ứng của Ních-xơn với tổn thất của B-52
Cuốn nhật ký cho thấy cả P và Han-đê-man thường làm việc liền tù tì, kể cả thứ bảy lẫn chủ nhật. Tuy nhiên, không may cho các nhà sử học, là Han-đê-man lại đi phép vào nửa sau của kỳ nghỉ Giáng sinh. Vì thế, đã không có các trang nhật ký đề các ngày từ 23-12-1972 đến 1-1-1973.
Tuy nhiên, nhật ký Han-đê-man ngày 19-12 đã cho thấy một thoáng của những đợt không kích đầu tiên: “Trận ném bom mở đầu của ngày hôm nay đã xảy ra mà không có thiệt hại nào (của B-52) cả khi vào, lẫn khi ra. Vậy là tốt hơn của ngày hôm qua. (Theo các nguồn tin, tổn thất của đêm 19-12 là hai B-52. Đêm 18-12, Mỹ mất 3 chiếc B-52, trong đó hai chiếc rơi tại chỗ, một chiếc rơi ở biên giới Thái - Lào).
Trang nhật ký ngày 20-12 cho thấy bức tranh đầy đủ hơn: “Chúng ta mất thêm 3 chiếc B-52 nữa hôm nay. (Một đoạn không rõ dài hay ngắn bị kiểm duyệt). P rõ ràng là đang lo lắng về hậu quả với B-52. Giới quân sự đã tiên liệu rằng, cứ 100 lần chiếc máy bay đi đánh phá, (không lực Hoa Kỳ) sẽ chịu tổn thất là 3 chiếc. Tuy nhiên, P nói tiếp, chúng ta chớ có ngã tay chèo (knock it off), và được K tán đồng. (Lại một đoạn không rõ dài hay ngắn bị kiểm duyệt). Rồi tổng thống lại quay lại vấn đề tổn thất về B-52. Tổng thống bảo rằng ta không thể chùn bước, nhưng liệu chúng ta có chịu nổi tổn thất ba chiếc (B-52) mỗi đợt? Nếu xảy ra như vậy thì quả là khó chịu đựng được”.
3. Vai trò của Nguyễn Văn Thiệu
Thiệu liên tục từ chối ký Hiệp định, trừ phi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút hết quân khỏi miền Nam. Sự ngoan cố của Thiệu làm P và K ngán ngẩm. Ngày 2-12, Han-đê-man hỏi: “... Liệu chúng ta có phải tiếp tục các hoạt động quân sự cho tới khi tất cả bộ đội Bắc Việt Nam rời khỏi miền Nam Việt Nam?”. Ngày hôm sau, Han-đê-man bình luận: “Quan điểm của P là, vì Thiệu không tin tưởng K, chúng ta cần phải cử người khác sang (Sài Gòn) để mặc cả với Thiệu”. Người liên lạc chủ chốt với Thiệu được chọn là Alếch-xan-đơ Hai-gơ, người giúp việc cho K và phó trợ lý về an ninh quốc gia cho P.
Hôm 7-12, khi K còn ở Pa-ri, Han-đê-man nói: “Hà Nội muốn thống nhất toàn Việt Nam dưới sự kiểm soát của họ. Còn Thiệu muốn tất cả (bộ đội) Bắc Việt phải rời khỏi Việt Nam... Chúng ta không thể để cho kẻ thù của mình lấn lướt, càng không thể cho phép đồng minh của mình được phủ quyết. Chúng ta không thể dung thứ sự chống đối của Nam Việt Nam... Không thể có chuyện chúng ta phải làm theo ý Thiệu, bởi vì điều đó sẽ làm chúng ta mất sự ủng hộ của Quốc hội, hoặc của nước Mỹ, để rồi cả chúng ta lẫn Việt Nam cộng hòa đều bị đánh bại... Ngoài ra, nếu chúng ta chọn một phương cách khác, cộng đồng quốc tế sẽ bảo rằng chúng ta đặt Thiệu lên trên vấn đề tù binh Mỹ. Có nghĩa là chúng ta không thể tiếp tục biện hộ rằng chúng ta ném bom nhằm cứu tù binh Mỹ. Trái lại, sẽ lộ ra là chúng ta ném bom để cứu (chế độ) Thiệu”.
(còn nữa)