QĐND Online - Một trong những thành tích xuất sắc của Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận-Tổng cục Chính trị) là việc kịp thời đề xuất và tổ chức đưa những cán bộ địch vận ưu tú ở miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Trong khi cán bộ chiến sĩ ta ở miền Nam náo nức xuống tàu tập kết ra miền Bắc thì một số cán bộ có kinh nghiệm làm công tác địch vận đối với ngụy binh, lính Âu Phi ở miền Bắc lại được Cục Địch vận lựa chọn, lặng lẽ từ biệt người thân, tìm mọi cách thâm nhập vào vùng địch kiểm soát ở miền Nam để làm nhiệm vụ. Họ được gọi là “Những người tập kết ngược”.

Theo hồ sơ lưu trữ tại Cục, đợt đầu tiên, Cục đã tổ chức đưa vào Nam 34 đồng chí; đợt thứ hai đưa thêm 17 người nữa. Sau đó, rải rác trong các giai đoạn của chiến tranh còn có thêm nhiều cán bộ được Cục Địch vận bổ sung cho các chiến trường. Từ năm 1959 đến 1964, Cục đã đưa vào miền Nam thêm 222 đồng chí, trong đó có 167 bộ đội, 55 cán bộ dân chính. Đồng chí Vũ Oanh - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Cục trưởng Cục Địch vận thời kỳ này - là người đã thực hiện việc lựa chọn, gặp gỡ giao nhiệm vụ và tiễn các đồng chí đó lên đường. Ông kể lại: “Lúc ấy, sau 9 năm kháng chiến gay go gian khổ, miền Bắc vừa mới được hưởng không khí hòa bình. Những đồng chí được cử vào Nam là chấp nhận đi vào nơi gian khổ, đầy hy sinh, thử thách. Trong số họ có đồng chí vừa mới cưới vợ, có đồng chí vợ yếu, con nhỏ, có nữ đồng chí đang có người yêu chỉ chờ hòa bình là cưới... Vậy mà khi được giao nhiệm vụ, họ đều nhận một cách nhẹ nhàng, hào hứng, không mảy may đắn đo suy nghĩ, không đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích cách mạng. Những người ra đi được trang bị về mặt tư tưởng và những nội dung về nghiệp vụ công tác binh-địch vận. Trước khi lên đường, họ được đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung) - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các đồng chí lãnh đạo Cục Địch vận mời cơm, động viên. Họ vào Nam bằng nhiều cách: có người đi máy bay, có người đi tàu thủy theo đường di cư, lại có người vào giới tuyến rồi vượt biển vào Nam...”.

Những cán bộ binh - địch vận trong ngày gặp mặt truyền thống 1-5-2008

Còn đồng chí Nguyễn Võ Danh (tức Bảy Dự) - Nguyên Phó Ban Thường trực Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, sau giải phóng là ủy viên thường trực Thành ủy - Trưởng Ban Nội chính - Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh (nay đã mất), trong thư gửi Tổng cục Chính trị ngày 30/11/1994, đã viết: “Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ, sau này là Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, rất quý trọng số vốn liếng ban đầu mà Trung ương và quân đội đã chi viện rất sớm, rất kịp thời cho công tác binh vận miền Nam... Chất lượng được tổ chức lựa chọn rất kỹ, các đồng chí được cử vào lúc ấy đã đáp ứng sự cần thiết về yêu cầu cán bộ của công tác binh vận lúc đầu đang còn mới, có khó khăn...”.

Cũng cần phải nói thêm là trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động binh-địch vận ở miền Bắc được chỉ đạo và tổ chức thành một phong trào rộng lớn, có hiệu quả hơn hẳn các vùng miền khác. Ở miền Nam, trong kháng chiến chống Pháp, công tác binh-địch vận chưa được coi trọng đúng mức, không hình thành hệ thống, cán bộ ít và thiếu kinh nghiệm. Chính vì vậy, việc Cục Địch vận - cơ quan phụ trách, chỉ đạo các Ban địch vận thống nhất trên toàn quốc trong kháng chiến, chủ động đề xuất và được Trung ương tán thành, tổ chức “tập kết ngược” các cán bộ binh-địch vận vào miền Nam làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh là một chủ trương táo bạo, đúng đắn, kịp thời và có hiệu quả rất tốt.

Lần theo hồ sơ chiến công và những tư liệu lưu trữ, nhận thấy những cán bộ vào Nam đợt đầu đã được Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ sử dụng như những “vốn quý”. Một số đồng chí như Trần Bá, Lê Đình Ngoạn, Phạm Đức Kính, Phan Thịnh, Phạm Xuân Lô... được giữ lại công tác ở cơ quan Ban Binh vận. Đồng chí Trần Bá được giao trọng trách Phó Ban; một số đồng chí nữ như Hoàng Thị Nghị, Lê Thị Chính, Phạm Thị Soi, Trần Thị Hải, Trần Thị Chung... nhận nhiệm vụ tìm cách bám nắm địch để xây dựng cơ sở nội tuyến, làm nhân mối. Họ không được cấp kinh phí hoạt động mà phải tự tạo thế hợp pháp, xoay sở làm ăn, buôn bán lấy tiền, vừa đảm bảo cuộc sống bản thân vừa làm kinh phí hoạt động cho tổ chức. Một số đồng chí khác thì được đưa về làm nòng cốt cho các Ban Binh vận ở địa phương, như: Nguyễn Trọng Tâm về Biên Hòa, Trần Công Sơn về Tây Ninh, Lê Quốc Chinh về miền Tây Nam Bộ... Một số khác được ta tổ chức đưa vào hàng ngũ địch để “chui sâu leo cao” như Thái Quang Chức, Phạm Văn Riện, Nguyễn Đình Hưng, Lê Xuân Tu... Có những đồng chí được giao “bám nắm, vận động” những đối tượng đặc biệt như Dương Thành Nhật “bám” anh trai là Dương Văn Minh, Vũ Quang Lân tiếp cận anh trai là Vũ Quang Tài...

Ngoại trừ một số rất ít những đồng chí công tác trong cơ quan ngoài cứ, tuyệt đại đa số đều phải hoạt động bí mật trong lòng địch, chịu nhiều gian khổ hy sinh. Hầu hết 34 đồng chí vào đợt đầu tiên đều bị địch bắt, có đồng chí bị bắt đi bắt lại 2 - 3 lần, có đồng chí bị địch đày ải qua hàng chục nhà giam, bị tra tấn dã man. Có những đồng chí bị địch đánh đến chết vẫn giữ vững ý chí, kiên trung, kiên quyết không khai báo cho địch biết về tổ chức, về đồng chí mình, về cơ sở bí mật trong lòng địch; trong nhà tù địch vẫn tiếp tục tiến công địch, tiếp tục vận động binh sĩ địch đi theo cách mạng... Trong số đó, cả 3 anh hùng LLVT nhân dân của Cục Địch vận đều là những người “tập kết ngược” năm xưa. Đó là Liệt sĩ Trần Bá, hy sinh trong nhà tù kẻ thù năm 1963; Thiếu tá Hoàng Thị Nghị và Trung tá Nguyễn Trọng Tâm.

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, những người “tập kết ngược” ấy lại trở về với cuộc sống đời thường và tham gia xây dựng đất nước như những công dân khác. Có đồng chí tiếp tục ở lại giúp các tỉnh, thành ủy tổng kết công tác và giải quyết chính sách; một số đồng chí quay trở lại Cục Dân vận công tác và giải quyết chính sách; một số đồng chí sức khoẻ giảm sút do bị địch giam cầm, tra tấn dã man được trên cho nghỉ hưu, còn phần lớn đều chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan công an, thương nghiệp, thương binh xã hội, giao thông vận tải... Do điều kiện đặc thù lúc bấy giờ, phần lớn các đồng chí nghỉ chế độ hay chuyển ngành đều chịu nhiều thiệt thòi về mặt đãi ngộ, các đồng chí nữ đều đã qua thời xuân sắc, không còn khả năng làm mẹ... Tuy nhiên, gạt ra ngoài mọi nỗi niềm riêng tư, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình còn được sống, còn được cống hiến phần đời còn lại cho đất nước...

Do quy luật nghiệt ngã của thời gian, những người “tập kết ngược” năm xưa nay chỉ còn tính được trên đầu ngón tay và người trẻ nhất cũng đã qua tuổi “xưa nay hiếm” từ lâu. Tuy hiện nay sống ở nhiều vùng quê trên đất nước: người ở thành phố Hồ Chí Minh, người ở Biên Hòa, Tây Ninh, Hải Phòng, một số ở Hà Nội, điều kiện sống của nhiều người hiện rất khó khăn, song hết thảy họ đều mong đến ngày họp mặt truyền thống hàng năm để được gặp gỡ thăm hỏi nhau, chia sẻ nỗi niềm, ôn lại những kỷ niệm hoạt động và chiến đấu năm xưa.

Bài, ảnh: Thuận Hoá - Minh Tuệ