QĐND Online - Chúng tôi về Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), nơi ghi dấu chiến thắng Ba Gia lẫy lừng 50 năm trước (31-5-1965). Các CCB nguyên là chiến sĩ Ba Gia đã từng nhiều lần đến đây vậy mà vẫn xúc động khi trở lại chiến trường xưa, đặc biệt khi từng bước chậm rãi leo lên các bậc đá, dâng hương tượng đài chiến thắng trên mỏm Cổ Rùa, xã Tịnh Sơn.
“Nhanh như Chóp Nón, gọn như Ba Gia”
Chiến sĩ của Trung đoàn Ba Gia tức Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 đều biết truyền thống hào hùng của đơn vị qua các trận đánh được xâu chuỗi thành các “giai điệu” dễ thuộc, dễ nhớ: “Nhanh như Chóp Nón; Gọn như Ba Gia; Dũng cảm như Vạn Tường; Nỗ lực như Đồng Dương; Khẩn trương như Quang Thạnh; Đánh mạnh như Vĩnh Huy”.
Vì sao “Chóp Nón, Ba Gia” được đứng đầu trong câu trên? CCB Trịnh Phú Thiện, từng là tiểu đội phó, tiểu đội cối 81, đại đội độc lập của Trung đoàn cho biết: “Chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ chủ trương dùng lực lượng quân ngụy với cố vấn và trang bị vũ khí Mỹ mở nhiều cuộc hành quân, nhưng chúng liên tiếp thất bại. Phát huy chiến thắng Việt An, Đồng Dương (Quảng Nam), Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Hè Bắc Quảng Ngãi với phương án chỉ đạo: “Bất ngờ, câu địch tiêu diệt từ nhỏ đến lớn”. Chiến thuật của ta là không để địch phát hiện có bộ đội chủ lực xuất hiện trên chiến trường Quảng Ngãi. Trước đó tất cả lực lượng của Trung đoàn 1 gồm Tiểu đoàn 40, 60, 90 đều luyện tập ở Quảng Nam đến sát ngày đi. Quần áo, tư trang trước khi đi gửi cả ở huyện Đại Lộc. Dọc đường hành quân không nấu cơm mà hoàn toàn ăn cơm vắt mang theo từ “nhà”. Tên tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Ngọc của địch sau này bị bắt đã thốt lên là không hiểu quân giải phóng từ đâu đến và đến lúc nào. Sau này khi kết thúc chiến dịch, ta cũng giữ bí mật. Địch tưởng Trung đoàn 1 rút lên núi nên ném bom dữ dội, trong khi ta đã hành quân về phía biển”.
 |
Các CCB cùng nhau ôn lại những kỷ niệm. |
CCB Phan Công Chánh, nguyên đại đội trưởng thông tin trong chiến dịch tự hào nâng niu tấm kỷ niệm chương chiến sĩ Ba Gia trên ngực và nói: “Chiến thắng Ba Gia với chiến thuật linh hoạt, chính là nối tiếp tài trí thế mưu của Bạch Đằng, Chi Lăng, được nâng lên tầm cao mới của thời đại Hồ Chí Minh”. Không cần giở sách sử, ông Chánh nhớ từng chi tiết diễn biến trận đánh dẫu đã nửa thế kỷ.
Trận đánh bắt đầu từ đêm 28-5. Ta sử dụng một bộ phận đánh nhử ở Lộc Thọ, buộc một đại đội địch đang đóng chốt ở Núi Tròn phải xuống ứng cứu. Tiểu đoàn 90 phục kích tiêu diệt phần lớn bọn chúng. Số còn sống sót kêu cứu. Đúng như dự đoán của ta, 10 giờ ngày hôm sau, địch cuống quýt chi viện và tiếp tục lọt vào trận địa của Trung đoàn 1 và bộ đội Sơn Tịnh với hàng trăm tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có nhiều cố vấn Mỹ. Bộ đội và nhân dân trong vùng đã tràn ra bắt sống trên 200 tên, thu 200 khẩu súng, 5 xe GMC.
Trận khêu ngòi thắng lợi. Địch ở cứ điểm Gò Cao hoang mang cực độ. Ngày 30-5, chúng tổ chức một chiến đoàn hỗn hợp gồm Tiểu đoàn biệt động quân số 39, Tiểu đoàn 3 Thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 51, Sư đoàn 25 và chi đoàn thiết giáp xe M113 tập kết tại thị xã Quảng Ngãi, dùng máy bay, pháo binh đánh phá ác liệt dọc Sơn Tịnh, dọn đường cho bộ binh, xe tăng tiến lên Ba Gia (Tịnh Đông). Không còn yếu tố bí mật nữa, lực lượng ta chuyển từ “vận động phục kích” sang “vận động tấn công”. Trung đoàn 1 sắp đặt sẵn thế trận, đánh địch ở cao điểm 47, đồi Mả Tổ và phía bắc làng Phước Lộc đến tận đêm. Riêng Tiểu đoàn 45 (thuộc Sư đoàn 312) tăng cường nhanh chóng vây địch co cụm ở đồi Chóp Nón (Tịnh Bình) và diệt gọn đồn này. Đến 4 giờ 30 phút, toàn bộ trận đánh kết thúc sau 15 giờ chiến đấu anh dũng. Trong tháng 6, Trung đoàn 1 đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ tấn công hệ thống kìm kẹp của địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, phá tan ấp chiến lược, giải phóng hàng vạn dân trên địa bàn,
Đầu tháng 7, địch thành lập lại một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 51 trấn giữ Gò Cao. Trong vòng 35 phút ngày 5-7, ta đã xóa sổ đồn này. Đến ngày 20-7, Quân khu 5 quyết định kết thúc chiến dịch Hè Bắc Quảng Ngãi. Như vậy với chiến thắng Ba Gia, các lực lượng của ta đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn địch và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2000 tên, trong đó bắt sống 387 tên, phá 15 xe quân sự, bắn rơi 18 máy bay, thu 973 súng; hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng ở 29 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Quảng Ngãi; giải phóng 167.600 dân thoát khỏi sự kìm kẹp của địch. Chiến thắng góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói: “Chiến thắng Ba Gia cuối tháng 5-1965 tại Quảng Ngãi là một trận tiêu diệt chiến tuyệt đẹp của quân ta…”.
Tri ân Ba Gia
CCB Lê Văn Thọ, từng là tiểu đội trưởng trinh sát của Quân khu 5 tăng cường, chỉ cho chúng tôi cánh đồng Ba Gia: “Tháng 11-1964, tôi được cử về trinh sát nơi đây, chuẩn bị cho chiến dịch. Đường dây thông tin được rải và ém dưới ruộng đến sở chỉ huy trên núi Nhàn. Gạo, vũ khí cũng được bí mật chôn cất trên các ngọn đồi. Góp phần giữ bí mật về lực lượng ta là dân Sơn Tịnh”. Ông Thọ lại nhớ: “Ngày tôi trở về đánh trận Ba Gia. Thương mẹ, nhớ em mà không dám vào nhà, chỉ nấp ở lùm cây quan sát. Mẹ tôi mặc áo vá vai, đang giã sắn, lấy bột làm bánh. Em trai bên cạnh cứ quấn lấy mẹ đòi ăn vì đói. Nhìn cảnh đó lòng đau như thắt chỉ muốn chực nhào vào ôm mẹ và em. Trong trận Ba Gia, bà nội tôi nấu ăn tiếp tế cho bộ đội dưới gốc xoài thì bị bom xăng của Mỹ thả và chết. Xong chiến dịch, cả tháng sau tôi mới quay lại và biết chuyện nội mình. Ba tôi hy sinh năm 1945, anh trai và em tôi cũng lần lượt hy sinh. Gia đình tôi nằm trong nhiều gia đình ở Sơn Tịnh sẵn sàng hy sinh tất cả cho cách mạng”.
Tri ân đồng bào Sơn Tịnh, hằng năm Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 1 đều cử người về thăm các đối tượng chính sách. Năm 2013, kỷ niệm 50 năm thành lập Trung đoàn 1, đơn vị đã phối hợp với Ban liên lạc đi thăm tặng quà hàng chục gia đình, trong đó tặng 6 suất mỗi suất 5 triệu đồng cho các hộ đặc biệt khó khăn. Trung đoàn đã có kế hoạch tiếp tục thăm tặng quà cho bà con Sơn Tịnh nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ba Gia.
Tháng 5, những cánh đồng ở Sơn Tịnh đã xong mùa gặt. Khói lam chiều bay lên từ những chân rạ được đốt chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Thủy lợi Thạch Nham tưới mát và đem no ấm về cho vùng đất cách mạng làm các CCB Ba Gia thấy yên lòng. Họ nói mãi về Ba Gia như tuổi thanh xuân đẹp nhất của họ 50 năm trước.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN