QĐND Online - Cũng là mưu sinh, cũng buôn bán nhưng đặc thù công việc của họ thật lắm gian nan, vẫn đồng tiền, bát gạo sao việc của họ nhọc nhằn đến vậy? Khi mọi ồn ã xô bồ của thành phố nhường chỗ cho những tiếng ve đêm, tiếng gầm rú của các loại động cơ được thay bằng tiếng kẽo kẹt của những gánh hàng, những chiếc xe đạp lóc cóc buôn đêm ấy là khi họ bắt đầu ngày làm việc mới. Dậy đi làm khi người ta đang ngủ, vội vã trở về khi xã hội chuẩn bị chuyển mình là lịch trình, là công việc của những người chuyên chạy chợ bán rau đêm ở Hà Nội.
Lệch giờ sinh học
Quan niệm bình thường, bình minh là khi những ánh sáng đầu tiên từ chiếc xe mặt trời trong một ngày bôn tẩu nhân gian để thực thi nhiệm vụ cai quản của đấng quyền năng ánh sáng xuất hiện. Nhưng theo quan điểm của họ – những người bán rau chợ đêm - thì bình minh của họ là ánh sáng từ những ngọn đèn buộc vào đầu cái đòn gánh, theo thời gian có thể là ngọn đèn cầy, đèn dầu và giờ là bóng đèn neon, khi mặt trời gõ cửa ngày mới với họ có nghĩa là hoàng hôn đã xuống. Lần đầu tiên nghe kể về chợ rau đêm, bạn tôi - một người từ rất xa về thủ đô đã thốt lên: lệch giờ sinh học. Ngoại trừ yếu tố văn hóa, tôi thấy câu nói này hình như có gì chua xót!
 |
Muôn màu chợ đêm |
3 giờ sáng tôi có mặt tại khoảng đất trống cuối đường Xuân Thủy để đi chợ rau đêm. Chẳng biết từ bao giờ người ta đã quen gọi đây là chợ đêm Mai Dịch. Đối lập với hình ảnh đông đặc người xe, ùn ùn gầm rú của lúc tan tầm, bây giờ con đường lại rộng thênh thang và vắng tanh, tiếng động cơ của chiếc xe gắn máy như thừa thãi vô duyên với mùi hoa ngọc lan đâu đó làm không khí thêm quyện sánh… Tưởng đã rất sớm nhưng khi tôi có mặt, chợ rau đã bắt đầu họp, người đến, dọn hàng sớm đã rôm rả bán mua. Phía cổng chợ, những chiếc xe máy, xe đạp thồ vẫn tiếp tục chở rau “tấp bến” – chợ. Mới từ xa nhìn vào chợ đêm, thấy lung linh như trong đêm hội hoa đăng bởi ánh sáng từ những bóng đèn neon buộc vào đầu cái gậy đủ soi tỏ mặt chủ, khách hàng. Cũng đông chẳng kém những chợ họp ban ngày, chỉ khác là chợ rau đêm không có cảnh mặc cả kỳ kèo bởi ở đây chủ yếu bán buôn còn khách thì mua với số lượng lớn nên chẳng ai nói thách, “chặt chém” làm gì. Mặt hàng thì cũng đủ loại từ những đặc sản cao cấp đã từng một thời là đồ dâng, tiến hay những rau cỏ hết sức dân dã đều có mặt ở đây. Nào tỏi, nào hành, nào riềng, gừng đủ loại. Đây cải, kia măng, chỗ đó bán lá chè tươi cho người thích sự bình dân hồn hậu.
Trước đây chợ đêm Mai Dịch họp ở khu vực Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bây giờ, quá trình đô thị hóa và những nhu cầu về giao thông, hạ tầng đã đẩy chợ dần ra xa trung tâm nhưng chức năng của nó vẫn không thay đổi. Đóng vai trò là chợ đầu mối, hàng đêm nơi đây cung cấp rau cho các quầy, sạp bán lẻ rau nên tất cả các loại rau, củ, quả đều có đủ. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng mỗi đêm chợ rau này tiêu thụ hàng chục tấn thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Chợ rau đêm đã có từ rất lâu, hàng từ đây được chuyển đi các điểm bán lẻ, chợ nhỏ, nhà hàng do đó phải họp từ rất sớm để khách mua hàng kịp phục vụ nhu cầu của người dân thành phố từ sáng sớm. Mọi chuyện vẫn vậy từ xưa tới nay nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi câu nói của anh bạn, vì miếng cơm manh áo, bởi sinh kế mà nhiều người đã chấp nhận thay đổi nhịp sinh học của mình, dẫu rằng việc này rất khó.
Tuy nhiên, chợ rau đêm đã thành một nét gì đó rất riêng của Hà Nội.
Đàn ông chạy chợ
Lâu nay, xã hội vẫn có quan niệm những công việc “tề gia trị quốc bình thiên hạ” mới là của người đàn ông còn nữ công, gia chánh là việc của người phụ nữ nên thường thấy việc đi chợ, mặc cả, buôn thúng bán mẹt hầu hết chỉ có những người được coi là chân yếu tay mềm làm. Thế nhưng, tại chợ rau đêm tôi lại gặp cảnh ngược lại. Hầu hết những người mang rau từ các huyện ngoại thành xa xôi hay từ các tỉnh khác vào thành phố đều do các đấng mày râu phụ trách. Âu cũng phải, mỗi chuyến hàng nặng hàng mấy trăm kilôgam chất lên chiếc xe máy “cải tiến” thì ngay cả việc giữ nó thôi đã khó chứ chưa nói gì tới điều khiển nó đi hàng mấy chục cây số, do đó cần phải có những người sức dài vai rộng.
 |
Anh Nguyễn Văn Hiềnchuẩn bị bóng đèn cho buổi chợ |
Khuỳnh chân, dang tay khệ nệ bê cái sọt nhựa trong chứa toàn quả su su nặng gần 40kg, anh Nguyễn Văn Hiền (Thường Tín – Hà Nội) cho biết: “Tôi làm nghề này gần 20 năm nay rồi, cũng thấy bình thường, đói thì đầu gối phải bò thôi, quan trọng gì đàn ông hay đàn bà, miễn là làm ra tiền. Mà đồng tiền dù có thấm nhiều mồ hôi, nước mắt nhưng thơm tho trong sạch là được. Có ai cấm đàn ông chạy chợ đâu?”. Cũng mà cả, trả giá “đon đả” giới thiệu, chào hàng, tay thoăn thoát chọn hàng cho khách, nhìn “nghiệp vụ” bán hàng của anh khối bà, chị mới vào nghề phải phát ghen vì anh thành thạo quá. Mọi ngày anh đi chợ có hai vợ chồng nhưng hôm nay vợ anh ốm nên mình anh chạy hàng. Anh Hiền bảo, bán hàng đêm thì nhanh và dễ bán vì khách đến mua cũng muốn nhanh chóng trở về làm việc khác còn chủ thì cũng muốn nhanh chóng giải phóng hàng vì ở chợ rau đêm này đến sáng sớm mà chưa hết hàng coi như ế. Thế nhưng lúc mới vào nghề cũng mệt, buồn ngủ lắm, mãi rồi quen. Đi xa, thức đêm mãi rồi cũng quen.
Nhà ở tận làng Đồng Bùa (xã Tam Quan), dưới chân núi Tam Đảo (huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc), để có một chuyến hàng đến chợ này, anh Lưu Quang Huy phải đi từ lúc 12 giờ đêm, qua ba chặng nghỉ mới đến được chợ. Cùng đi với Huy còn có 3 người anh em nữa cùng bán ngọn rau su su – một đặc sản của Tam Đảo. “Đi xa thế này thì vợ con đi theo thêm khổ, hơn nữa nếu cả hai người cùng đi sáng dậy phải ngủ bù thì ai chăm nom con cái. Thôi thì mình chịu khó. Mãi rồi cũng thành quen thôi mà. Vài năm đủ vốn tôi sẽ chuyển nghề khác chẳng theo nghề này nữa vì cũng mệt lắm, đôi khi lại còn bị các anh Cảnh sát giao thông phạt vì chở hàng cao quá, nhưng đó là thời gian đầu thôi, người ta cũng thông cảm mình vì miếng cơm manh áo thôi!”, anh Huy tâm sự với chúng tôi.
Ở chợ, tôi còn gặp nhiều người cũng là “trang nam tử” nhưng nhặt rau, bóc lá cứ nhoay nhoáy rồi mặc cả, chào hàng, sắp xếp rau củ sao cho bắt mắt khách hàng chẳng kém các bà các cô thâm niên trong nghề chạy chợ.
Mong có chợ ngày
Ngày nắng, hôm mưa, trời dông, trời lạnh… bất kể thời tiết thế nào thì chợ rau vẫn họp đủ 364/365 ngày. Cả năm chợ chỉ nghỉ đúng một đêm đó là đêm 30 Tết Nguyên đán. Nghĩa là cả năm những người chạy chợ này đều phải thức đêm. Dù dưới ánh đèn neon không quá sáng bởi năng lượng của bình ắc quy không lớn nhưng tôi vẫn nhận ra nước da mai mái, đôi mắt võng sâu của các bà các cô và cả những cái cằm lởm chởm râu chưa kịp cạo của những người đàn ông chạy chợ. Dọc chợ tôi vẫn gặp cảnh vài người quá mệt mỏi, ế hàng ngồi ngủ gật bên cái cọc buộc bóng điện, hay nằm dài trên yên xe máy mà “ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”.
 |
Sau 3 giờ trên đường và 3 chặng nghỉ những ngọn su su này được anh Lưu Quang Huy chuyển từ huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) về chợ rau phục vụ nhu cầu thực khách Thủ đô |
Tôi đã gặp nhiều người, đã cùng ngồi xếp rau, nhặt ớt với họ. Hầu hết họ đều có chung một nguyện vọng sớm có một lượng vốn kha khá để chuyển nghề bởi việc buôn bán rau ban đêm lời lãi chưa biết nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều người không chịu được gian khổ cũng đã bỏ nghề chuyển sang bán rau ban ngày ở các chợ, bán rau dạo… Có người lại đến với nghề này vì sự túng quẫn như vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Bền – Bùi Thu Hà (Đông Anh - Hà Nội). Trước đây anh Bền làm nghề chạy xe công nông chở vật liệu, nông sản thuê cho bà con trong vùng. Khi Nhà nước khai tử xe công nông, anh hết nghề nên cùng em trai làm nghề này, giờ anh chỉ mong mở được một cửa hàng nho nhỏ cho vợ kinh doanh còn mình tìm nghề khác.
Một trong số những nguyên nhân để chợ rau đêm ra đời đó là chưa có một mặt bằng hoạt động cho bà con – nếu có một nơi buôn bán thuận tiện, dám chắc chẳng ai còn muốn đi đêm về hôm để buôn bán nữa. Những chợ đầu mối xây ở ngoại vi thành phố thì quá xa trung tâm nên lượng tiểu thương từ nội thành ra mua rau về bán ít và nhiều chợ không phù hợp cho việc buôn bán nông sản, nhất là mặt hàng rau quả. Hơn nữa hiện nay các chế phẩm sinh học bảo quản rau quả thân thiện với môi trường, không gây hại cho con người còn quá ít nên quan điểm rau nhất định phải mới thu hái mới là tươi ngon đảm bảo sức khỏe chưa có điều kiện thay đổi. Thiết nghĩ hai lý do này là những yếu tố chính, nếu thay đổi được những người nông dân hằng đêm vẫn nhọc nhằn với gánh rau sẽ đỡ vất vả hơn.
Chúng tôi rời chợ rau đêm khi những ngọn đèn đường dần tắt lịm. Phố phường còn chưa đông đúc, chợ rau cũng đã tan, có người hả hê vì hôm nay hàng chạy, ai ế ẩm đành bán rẻ, gửi hàng cho nhanh để về chuẩn bị ngày mai tiếp tục câu chuyện áo cơm từ những ngọn rau này.
Xen lẫn tiếng ve đêm là tiếng cót két phát ra từ những chiếc xe đạp khô dầu của người đi chợ đêm về. Phố phường bắt đầu một ngày mới, còn với họ bình minh bây giờ chỉ là hoàng hôn, họ đã đón bình minh từ rất sớm.
Bài, ảnh: Khánh Kiên