 |
Ông Khắc Xuể-nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân |
QĐND Online Tin tức về sự kiện Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa liên tục được đăng tải trên báo Quân đội nhân dân trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tuy vậy, hình ảnh chiến sĩ giải phóng trên những hòn đảo này chỉ được đăng tải khi phóng viên đầu tiên của báo Quân đội nhân dân đến với Trường Sa cùng đoàn tiếp vận Hải quân. Người phóng viên ghi lại những hình ảnh đầu tiên đó là Khắc Xuể…
Còn nợ một hồi còi
Cái dữ dằn của từng ngọn sóng, con bão ở vùng biển Đồ Sơn- Hải Phòng đã ăn vào máu thịt Khắc Xuể từ những ngày thơ ấu. Nhưng đến khi ông trở thành phóng viên báo Quân đội nhân dân và ra chiến trường thì biển lại chở che ông. Nhiệm vụ của Khắc Xuể trong cuộc tổng tiến công năm 1975 là bí mật theo đoàn đặc công 126 Hải Quân ra Trường Sa ngay sau ngày giải phóng. Khi đó, Khắc Xuể nhận được lệnh cùng đoàn phái viên quân sự do Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó tổng tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Hải quân dẫn đầu, ra tiếp viện gấp cho lực lượng đi tiên phong giải phóng Trường Sa.
Đoàn tàu đặc biệt gồm ba chiếc, được chuẩn bị trước, ngay lập tức từ Đà Nẵng di chuyển vào Cam Ranh. Tại đây, Khắc Xuể đã nhập vào đoàn phái viên quân sự đi Trường Sa. Đoàn tàu bí mật rời cảng Cam Ranh ngay khi lực lượng tiên phong nổ súng tấn công đảo Song Tử Tây (26-4-1975).
Kinh nghiệm của một người con vùng biển khiến ông có những dự cảm về thời tiết xấu trước giờ xuất phát. Nhưng nhiệm vụ được giao lại rất quan trọng nên ông giữ kín lo lắng cho riêng mình. Để giữ bí mật cho đoàn tàu tiếp vận nên đoàn phải sử dụng nhiều tàu nhỏ, trọng tải chỉ tương đương với những con thuyền đánh cá thông thường. Trên tàu chất đầy vũ khí, đạn dược, lương thực, quân dụng… cho bộ đội vừa giải phóng Trường Sa vì trước đó, lối đánh “công đồn đặc biệt” của họ đã không cho phép họ mang theo với số lượng lớn.
Sau sáu tiếng lênh đênh trên biển, trời bỗng nổi cơn giông... Từng cơn lốc xoáy và cột nước khổng lồ làm những con tàu vốn đã nhỏ bé giờ như những chiếc lá mong manh giữa biển khơi dữ dằn. Kỳ hạm mà Khắc Xuể đang ngồi cùng đồng chí Hoàng Hữu Thái bị mất liên lạc với những chiếc tàu còn lại. Sau hơn nửa tiếng vật lộn với những cột sóng dữ dội thì tàu chết máy, trôi dạt trong biển đêm.
Bỗng những người lính giải phóng nhìn thấy luồng sáng đèn pha. Họ đã gặp may. Đó là một con tàu viễn dương. “Lúc đó tàu của chúng tôi so với chiếc tàu lạ chỉ như một con tem đặt cạnh
 |
Một trong những bức ảnh do phóng viên Khắc Xuể chụp, đăng trên báo Quân đội nhân dân số 5217 ngày 09-11-1975 |
cuốn sách dày. Nhìn con tàu lạ, lòng ai cũng đầy hi vọng nhưng không ít lo lắng…” Khắc Xuể diễn đạt lại cảm giác của hơn 33 năm về trước như thể nó vừa xảy ra ngày hôm qua.
Chiếc tàu viễn dương tiến lại gần. Do chiều cao của hai tàu quá chênh lệch nên những người lính giải phóng đã phải dùng một cây sào chuyển tấm bản đồ có thông điệp xin cứu giúp đến con tàu lạ. Nhận được tấm bản đồ hàng hải có đánh kí hiệu neo tàu tại cảng Cam Ranh từ con tàu gặp nạn, những người xa lạ trên con tàu viễn dương đã thả dây thừng, ra tay giúp đỡ. Sợi dây được thắt chặt và con tàu gặp nạn được kéo đi. Nhưng khoảng cách giữa 2 tàu quá gần. Sóng đánh liên hồi làm méo cả một bên mạn tàu. Sự va đập có thể làm cho đạn pháo, khí tài quân sự nổ ngay tức thì. Cả đoàn chỉ còn ba người còn trụ vững trước sóng gió là thuyền trưởng, Khắc Xuể và Tham mưu trưởng Hoàng Hữu Thái. Lấy hết sức bình sinh, Khắc Xuể chặt đứt một trong hai sợi dây thừng buộc nối tàu, đẩy con tàu lùi ra xa con tàu lớn. Tàu của ông vẫn được kéo đi. Tháo xong “ngòi nổ” cho “quả bom khổng lồ”, Khắc Xuể kiệt sức, thiếp đi, phó mặc tất cả cho số phận.
Trời mờ sáng, mọi người hồi tỉnh lại và nhìn thấy núi lờ mờ trong sương. Tất cả như hồi sinh khi nhận ra trước mặt là cảng Cam Ranh. Chiếc tàu viễn dương đã cắt dây kéo và lặng lẽ quay đi. Khắc Xuể mải mê nhìn theo mà quên cả việc nói với thuyền trưởng kéo một hồi còi cảm ơn. “Tôi chỉ kịp nhìn thấy trên mạn tàu dòng chữ “Vladivoxtoc” đủ để hiểu đó là những người bạn Liên Xô... Có thể sau này những người thủy thủ trên con tàu ấy không còn nhớ đến chiếc thuyền nhỏ bé gặp nạn trong đêm bão. Nhưng tôi suốt đời tri ân họ” - Ông vừa nói, ánh mắt nhìn ra xa xăm như vẫn còn tiếc nuối.
Những bức ảnh để đời
Ngày hôm đó ông đã sống trong nỗi khắc khoải, hi vọng chờ tin từ những chiếc trực thăng cứu hộ đang tìm kiếm những đồng đội của mình trên biển. May mắn đã đến khi cả đoàn nguyên vẹn trở về sau bão táp. Trong đêm tối, họ lại tiếp tục khởi hành, hướng về Trường Sa một lần nữa trên con tàu V125.
Hành trình lần này thuận buồm xuôi gió, họ nhanh chóng đến được với đảo Song Tử Tây. Với chiếc máy ảnh thuộc loại tốt nhất thời đó (Praktica) do báo Quân đội nhân dân trang bị, Khắc Xuể đã chụp được hàng trăm bức ảnh về những người chiến sĩ vượt gian khổ giải phóng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thời khắc lịch sử có một không hai đó không cho phép ông trau chuốt cho những tác phẩm của mình về cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên đảo An Bang. Nhưng theo ông, đó là bức ảnh đặc biệt nhất: “Tôi đã tay không bắt ó biển để đưa vào bức ảnh làm minh chứng về mảnh đất vừa được giải phóng. Con chim ó tưởng hiền lành đã mổ vào tay tôi, làm tôi bị thương…”.
Ông cố hết sức để ghi lại hình ảnh của những người lính vừa giải phóng Trường Sa, của biển trời lồng lộng. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc lịch sử không chỉ được lưu giữ trên phim mà đã đi vào trong tâm thức, trong hoài niệm của ông. Trường Sa trong những ngày đầu giải phóng như một bản hùng ca trong cả một cuộc đời cầm máy của người phóng viên quân đội. Mà như ông nói, là “thời sự”, là “sự kiện”, là “cơ hội” vô giá mà ít người làm báo có được.
Bước chân của người phóng viên ảnh còn đưa ông đi khắp các chiến trường, đi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc. Để đến bây giờ, khi không còn làm báo nữa, ông vẫn say mê và tự hào về những năm tháng ấy.
Bài và ảnh : Kim Giang - Nguyễn Oanh