QĐND Online - Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang lùi dần vào quá khứ, nhưng ký ức về những trận đánh khốc liệt vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị vẫn vẹn nguyên trong tâm trí các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (nay là Trung đoàn 64, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1). Tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 tại các địa danh trên địa bàn Quảng Trị đã viết nên bản hùng ca cách mạng của thế hệ thanh niên một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”...
Ký ức máu đào trên cát trắng
Mới đây tôi được tham dự buổi gặp mặt truyền thống của các CCB Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1). Những chiến sĩ trẻ năm xưa nay là những CCB tuổi cao, sức khỏe giảm sút. Niềm vui của các CCB khi được gặp lại đồng đội như vỡ òa, xen lẫn sự bùi ngùi, xúc động với cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đã nhuốm màu thời gian…
Hôm ấy, cả hội trường lặng đi khi nghe các CCB kể lại những trận chiến đấu cam go trên chiến trường Quảng Trị. Qua những câu chuyện ấy, tôi chợt nhận ra rằng, sự khốc liệt trên chiến trường Quảng Trị không chỉ có ở Thành Cổ, Khe Sanh, sông Thạch Hãn…, mà còn hiện hữu ở nhiều địa danh khác nhưng nhiều người chưa biết. Tôi có nhã ý muốn được hỏi chuyện Đại tá Vũ Thanh Bình, thương binh 4/4, nguyên Trung đội trưởng Trung đội súng máy 12 ly 7, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 về những điều chưa biết ấy. Hiểu ý định của tôi, ông nhẹ nhàng: “Đúng là còn nhiều địa danh, nhiều trận đánh khốc liệt tại chiến trường Quảng Trị mà nhiều người chưa được biết. Tôi “khất” cậu sang tuần nhé. Hôm nay tôi phải dành thời gian để thăm hỏi những đồng đội đã từng chiến đấu năm xưa…”.
 |
Ban liên lạc CCB Trung đoàn 64 cắt băng khánh thành nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn tại xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị)
|
Đúng hẹn, tôi đến nhà ông vào một buổi sáng đầu thu. Qua nhiều lần hỏi thăm, tôi mới tìm được nơi ở của gia đình ông. Đó là căn phòng nhỏ nằm trên tầng 3 trong Khu tập thể thương binh X81, phường Hàng Bột (Đống Đa, TP Hà Nội). Đồ đạc trong căn nhà giản dị, nhưng tôi lại ấn tượng với một số kỷ vật về chiến tranh, về đồng đội mà ông lưu giữ. Ông pha chè mời tôi uống, rồi mở đầu câu chuyện với chất giọng trầm ấm: “Chuyện chiến đấu ở Quảng Trị nhiều lắm. Với tôi, những ngày tháng chiến đấu tại “chốt thép” Long Quang khốc liệt không kém gì ở Thành cổ Quảng Trị ”. “Chốt thép” Long Quang mà Đại tá Vũ Thanh Bình nhắc đến là căn cứ phòng ngự của ta tại thôn Long Quang, xã Triệu Trạch (Triệu Phong, Quảng Trị)...
Trung tuần tháng 10-1972, sau gần một tháng điều trị vết thương tại Quân y viện 48, Thượng sĩ Vũ Thanh Bình được điều về làm Trung đội trưởng Trung đội súng máy 12 ly 7, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, trực tiếp chiến đấu tại chốt Long Quang. Nơi đây có điểm cao 11, bộ đội ta gọi là “đồi cây ba chạc”. Đây là vị trí hết sức quan trọng, bởi chiếm được điểm cao này sẽ dễ dàng kiểm soát được con đường cơ động từ Cửa Việt về thị xã Quảng Trị. Địa hình nơi đây trống trải, chỉ là những cồn cát hẹp, bất lợi cho ta triển khai đội hình phòng ngự. Hằng ngày, máy bay OV-10 của địch ngày đêm bay lượn trinh sát phát hiện mục tiêu. Khi phát hiện mục tiêu của ta, chúng bắn pháo khói chỉ điểm và dùng máy bay phản lực đánh phá. Cuộc chiến đấu giành giật từng tấc đất giữa ta và địch diễn ra vô cùng cam go, ác liệt tại đây. Trung đội của Thượng sĩ Vũ Thanh Bình được biên chế 30 cán bộ, chiến sĩ. Qua nhiều trận đánh, một số đồng chí bị thương, hy sinh, nên quân số chỉ còn một nửa. Ngày cao điểm, trung đội phải ngăn chặn 4 đến 5 đợt tiến công của địch. Sau mỗi trận pháo kích của địch, cát ở trận địa như nóng lên; cát phủ trắng những khẩu súng máy, phủ trắng những bộ quân phục bạc màu... Việc bảo đảm hậu cần ở đây cũng vô cùng khó khăn. Hơn 2 tháng ở chốt giữ ở Long Quang, Thượng sĩ Vũ Thanh Bình và đồng đội hầu như chỉ ăn lương khô, uống nước lã. Họa hoằn lắm mới được nắm cơm do bộ phận hậu cần tuyến sau tiếp tế. Ông Bình xúc động nhớ lại: Tôi nhớ mãi hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Ruyện, quê Thái Bình, khi mang cơm lên chốt cho anh em trực chiến thì bị hỏa lực địch đánh phá dồn dập. Ngớt tiếng pháo, anh em lao đến tìm Ruyện thì đã quá muộn. Ruyện đã hy sinh. Hai chân anh khuỵu xuống, thân người tựa vào giao thông hào, tay vẫn cầm chặt quai hăng-gô đựng cơm nắm. Những mảnh đạn pháo găm khắp người anh, máu trào ra, thấm đẫm cát trắng dưới chân…
Đối với CCB Nguyễn Văn Chung, nguyên Khẩu đội trưởng 12 ly 7, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 164 thì ký ức về “chốt thép” Long Quang không chỉ đơn thuần là những trận đánh lẫy lừng của quân và dân ta. Tâm trí ông luôn hiện hữu hình ảnh về sức chịu đựng ghê gớm của những người lính Trung đoàn 64 trong chiến tranh và sự đổi thay của mảnh đất ấy ngày hôm nay. Ông bùi ngùi nhớ lại: “Ngày đó bom đạn của địch ngày đêm đổ xuống nên cây cối ở đây gần như không còn, chỉ còn lại cát và cát. Chúng tôi ngày đêm ăn, ngủ trên cát để bám trụ trận địa”. Giờ đây, mỗi dịp trở lại Quảng Trị, ông Chung không quên tìm đến Long Quang, nới có điểm cao 11, bộ đội ta quen gọi là “đồi cây ba chạc”. Ông kể, năm 1972, nơi đây cây cỏ bị bom đạn quét sạch, duy nhất chỉ còn một cây có 3 cành vẫn đứng hiên ngang giữa đồi cát trắng, nên bộ đội ta gọi luôn là "đồi cây ba chạc". Người dân xã Triệu Trạch gọi "cây ba chạc" là sim rú, loại cây mọc phổ biến ở đây. Bây giờ, không chỉ có “cây ba chạc” ngày ấy, mà còn có nhiều loại cây khác mọc lên xanh tốt, tỏa bóng mát trên cát trắng. Có lẽ, hình ảnh ấy đã phần nào tượng trưng cho sức vươn lên mạnh mẽ của mảnh đất, con người nơi đây…
Sáng ngời trí thông minh và lòng dũng cảm
Đại tá Hoàng Điệp, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 đã nhiều lần trở lại thăm chiến trường xưa tại Quảng Trị. Đối với ông, địa danh Long Quang luôn linh thiêng và gần gũi. Bởi lẽ nơi đây, ông đã chứng kiến bao đồng đội của mình ngã xuống. Máu xương của họ đã hòa vào lòng đất mẹ. Ngày đó, ông mang quân hàm Thượng úy, là Trợ lý tác chiến của Trung đoàn 64, được cấp trên điều động về giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, đảm nhiệm chốt chặn địch tại Long Quang. Để hạn chế thương vong cho bộ đội, Thượng úy Hoàng Điệp đề xuất phương án tổ chức đánh một số trận nhỏ để giành thắng lợi, sau đó sẽ tổ chức đánh lớn nhằm tiêu hao sinh lực địch.
Sau khi bàn bạc và thống nhất với chỉ huy tiểu đoàn, Tiểu đoàn trưởng Hoàng Điệp đã chỉ huy đơn vị tiến công đại đội địch phòng ngự bằng mìn “hệ thống”. Đây là sáng kiến của đơn vị, dùng mìn phóng liên kết với mìn định hướng bằng khuôn cát cao khoảng 40cm, có nẹp cố định và nẹp đối trọng. Khi mìn phóng nổ, đốt cháy dây cháy chậm, đồng thời đẩy quả mìn định hướng bay lên cao. Mìn định hướng nổ ở độ cao bao nhiêu, tùy thuộc vào độ dài của dây cháy chậm. Khi phát nổ, mìn định hướng sẽ phóng ra gần 800 mảnh kim loại sát thương và chụp xuống mặt đất. Thượng sĩ Giang Văn Thành (nay là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân), Đại đội trưởng Đại đội 6, là người gan dạ, dũng cảm, thông minh được giao nhiệm vụ phụ trách việc đánh mìn. Thế là Tiểu đoàn 8 sử dụng lực lượng Đại đội 6 được tăng cường quân số, phối hợp với Trung đội du kích xã Triệu Trạch đánh tập kích địch vào ban đêm. Trận đầu tiên, tiểu đoàn đã tiêu diệt toàn bộ đại đội biệt động của địch chiếm giữ ở “đồi cây ba chạc”, đội hình của ta không ai thương vong. Trận thứ hai, cũng với việc sử dụng hỏa lực tự chế, Tiểu đoàn 8 đã tiêu diệt gần một đại đội thủy quân lục chiến của địch.
 |
Ban liên lạc CCB Trung đoàn 64 về thăm lại “chốt thép” Long Quang.
|
Gần 43 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Giang Văn Thành quãng thời gian trực tiếp chiến đấu tại “chốt thép” Long Quang năm 1972 vẫn là những kỷ niệm không thể phai mờ. Năm ấy, ông là Đại đội trưởng Đại đội 6 khi mới 19 tuổi. Trưa ngày 17-11-1972, địch dùng hỏa lực mạnh hỗ trợ bộ binh đánh chiếm được một phần trận địa của ta tại Long Quang. Tình hình lúc này rất khẩn trương, Giang Văn Thành đã cùng Đại đội phó Nguyễn Văn Hà và Chính trị viên Nguyễn Bá Lư chỉ huy đơn vị phản kích lấy lại trận địa. Với kinh nghiệm có được từ những trận đánh phản kích nảy lửa ở An Lộng, Bích La, ông đã chỉ huy đại đội dùng hỏa lực để chế áp hỏa lực địch ở phía sau, sử dụng cối 60 bắn vào đội hình địch. Đến gần 14 giờ, đại đội đã lấy lại được trận địa. Sau này Đại đội 6 của Đại đội trưởng Giang Văn Thành cùng các đơn vị bạn liên tục chốt giữ nhiều ngày ở Long Quang. Đơn vị đã đẩy lùi cuộc hành quân “Sóng thần 36” của Mỹ ngụy. Ngày cao điểm, đại đội phải chống trả tới 5 đợt tấn công của tiểu đoàn địch với sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh, không quân. Thời gian chốt giữ tại đây, Trung đoàn 64 đã đánh 26 trận, tổ chức 9 trận tập kích, tiêu diệt hơn 800 tên địch, bắn cháy 9 xe tăng, thu nhiều vũ khí, trang bị của địch.
Thiếu tướng Giang Văn Thành chia sẻ với tôi kinh nghiệm mà ông và các đồng đội thu được trong những ngày tham gia chiến đấu ở “chốt thép” Long Quang là những bài học vô giá. Đây là kinh nghiệm xương máu đã được ông truyền thụ lại cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ hôm nay. Ông đúc rút: Muốn giữ được trận địa phải xây dựng được hệ thống hầm, giao thông hào liên hoàn, vững chắc, nhiều tuyến, nhiều lớp. Hệ thống hỏa lực nên bố trí ở nhiều trận địa và được ngụy trang tốt. Đồng thời, thực hiện đánh luồn sâu phía sau lưng địch và chủ động đánh địch trước khi chúng tấn công ta…
Còn rất nhiều câu chuyện của các CCB Trung đoàn 64 kể về chiến trường Quảng Trị, về “chốt thép” Long Quang. Xuyên suốt trong ký ức của họ là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ dũng cảm, can trường trước kẻ thù. Trong đó máu xương của nhiều chiến sĩ đã mãi mãi hòa vào đất mẹ để viết nên những khúc tráng ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; để cho mảnh đất Long Quang hôm nay xanh tươi, khởi sắc…
Bài và ảnh: NGUYÊN THẮNG