Kỳ 5: Vượt qua “cú sốc” mối tình đầu
QĐND - Cuốn nhật ký trong khoảng thời gian gần 5 năm của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi nhắc nhiều đến một người con gái mang tên Hoa Huyền. Vậy Hoa Huyền là “gì” của chàng lính trẻ Nguyễn Văn Hợi? Ông cho biết, đó chính là mối tình đầu trong sáng mà ông mang theo vào chiến trường. Trước khi đọc tiếp Nhật ký Nguyễn Văn Hợi để hình dung thêm một mối tình trong trẻo đến kỳ lạ, chúng tôi đã gặng hỏi cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi về Hoa Huyền. Ông kể:
Ngày nhập ngũ tôi vừa tròn 20 tuổi, bạn gái thì có đấy nhưng đâu dám gọi là người yêu. Bởi lớp trẻ chúng tôi ngày đó còn ngây ngô lắm. Yêu lắm, nhớ lắm, một ngày không nhìn thấy nhau là ra ngóng vào đợi, nhưng khi gặp được nhau mặt lại đỏ bừng chẳng nói với nhau được điều gì. Tôi và Hoa Huyền cùng học với nhau từ hồi cấp một, rồi cấp hai Tô Hiệu. Tuy không học cùng lớp nhưng chúng tôi thân nhau lắm. Chúng tôi bằng tuổi nên xưng hô với nhau bằng tên. Hoa Huyền ở xóm Chiền. Học hết cấp hai, Hoa Huyền đi học trung cấp tài chính ở Hải Hưng rồi về công tác ở phòng tài chính thị xã, còn tôi tiếp tục học lên cấp ba Trần Phú.
Ngày Mỹ đánh bom vào thị xã, cơ quan của Hoa Huyền lại sơ tán về gần nhà tôi, và chúng tôi vẫn một ngày không gặp được nhau là nhớ.
Ngày mồng 10-12-1967, Hoa Huyền là người đầu tiên đọc được tờ lệnh nhập ngũ của tôi. Đọc xong Hoa Huyền bỗng cúi xuống, chẳng nói chẳng rằng. Một lúc sau Hoa Huyền mới trấn tĩnh được. Hoa Huyền có một chị gái làm nghề bán hàng vật liệu xây dựng ở cầu Oai. Chúng tôi hẹn nhau tối ra thăm chị rồi nói chuyện. Một cái bàn gỗ, tôi và Hoa Huyền mỗi đứa ngồi một đầu nói chuyện với nhau cho đến gần sáng mà chẳng đâu vào đâu. Có mỗi cái điều muốn nói từ con tim thì chúng tôi chẳng ai nói được. Khoảng 4 giờ sáng, có tiếng đổ xe ngoài đường, hai đứa chúng tôi mở cửa ra xem. Một bác nông dân đi bán khoai lang bằng xe đạp thồ, chắc là vừa đi vừa ngủ gật nên bị đổ. Hai đứa chúng tôi ra giúp bác nhặt khoai vào sọt. Quay vào nhà, bần thần tôi định liều cầm tay Hoa Huyền, dù là một lần, mà không dám. Gà gáy sáng, chúng tôi chia tay nhau.
Bốn giờ chiều ngày 24-1-1968, sau lễ tiễn Trung đoàn 246 (Quân khu Việt Bắc) vào Nam chiến đấu tại Cây đa Tân Trào lịch sử, tôi cùng trung đoàn hành quân vào Nam chiến đấu bằng ô tô. Thật bất ngờ, khoảng 9 giờ tối, đoàn xe lại qua Vĩnh Yên quê tôi (chỉ 6 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán), nên tôi tranh thủ xin về nhà vài tiếng.
Về nhà, tôi sang ngay cơ quan Hoa Huyền, song lại không gặp. Mặt buồn rười rượi, tôi thẫn thờ quay ra thì thấy Hoa Huyền đi ngân hàng về. Hoa Huyền đi chiếc xe đạp Thống Nhất mới vừa được phân phối. Tôi vội qua nhà lấy xe đổi cho Hoa Huyền. Hoa Huyền đi xe của tôi và ngược lại. Hai đứa chúng tôi đạp xe về phía Phúc Yên. Cái rét cắt da cắt thịt ngày đó đối với chúng tôi hình như chẳng là gì hết. Những lúc đó tôi cảm thấy cuộc đời này chỉ còn mỗi Hoa Huyền. Đến Hương Canh, bên cây cầu mới bị máy bay Mỹ đánh hỏng, Hoa Huyền dừng xe nói: "Bọn mình đứng lại ở đây một lúc và hãy ghi tạc lại mọi hình ảnh xung quanh để xem sau này về bọn mình có còn nhớ không”. Rồi chúng tôi tiếp tục đạp xe đi, đến chân núi Thanh Tước, gần đoạn rẽ vào Tráng Việt, chúng tôi dừng lại. Có bốn cái tem thư binh sĩ vừa được phát tôi xé làm hai. Hai chiếc tôi giữ có chữ ký của Hoa Huyền. Hoa Huyền giữ hai chiếc có chữ ký của tôi. Nhìn trước nhìn sau không có người, lần đầu tiên tôi dũng cảm cầm lấy hai bàn tay nhỏ bé của Hoa Huyền. Và trời ơi, lần đầu tiên tôi thấy Hoa Huyền khóc. Thổn thức trong nước mắt, Hoa Huyền nghẹn ngào: "Hoa Huyền sẽ không thích, và không bao giờ muốn phải xem lại đoạn cuối của bộ phim Khi đàn sếu bay qua”. Bất ngờ, Hoa Huyền cấu tôi một cái thật đau, rồi quay xe đạp như chạy...
 |
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3-Tam Đảo cùng thăm lại và thắp hương viếng đồng đội đã hy sinh tại đỉnh điểm cao 689
|
Và dưới đây là những dòng Nhật ký về Hoa Huyền trong những ngày Nguyễn Văn Hợi đi chiến đấu.
Ngày 10 tháng 1 năm 1969
Tôi được trung đoàn quyết định ra Bắc về Quân khu Việt Bắc báo cáo thành tích, nhưng đơn vị lại chuẩn bị vào chiến đấu và đúng lúc nhận quân bổ sung nên Đại đội trưởng Ma Văn Vui đề nghị tôi ở lại. Tôi nghĩ việc ở lại là cần thiết, nên cũng vui vẻ ở lại đơn vị chiến đấu, không về quân khu với anh em. Nghĩ cũng tiếc, vì nếu ra Bắc báo cáo, thì tết này chắc có điều kiện về ăn tết với gia đình, có điều kiện gặp Hoa Huyền. Nhưng thôi, chiến đấu là trên hết, phải biết gác tình riêng, mưu việc lớn.
Ngày 1 tháng 4 năm 1969
Tôi có quyết định bổ nhiệm làm trợ lý quân lực thay đồng chí Liên ra Bắc học. Mấy ngày qua, để cho nắm thật chắc quân số, vũ khí của bộ đội, tôi lao xuống làm việc với các đại đội.
Kỳ này nhận được thư của gia đình và của Hoa Huyền.
Ngày 15 tháng 4 năm 1969
Sáng nay, cả tiểu đoàn hành quân ra Quảng Bình, nghỉ ngơi đôi ngày sau hơn một năm chiến đấu.
10 giờ ngày 18-4-1969 thì đến vị trí đóng quân. Đây là xóm Bầu, thôn Sen Đông, xã Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.
Ngày 26 tháng 4 năm 1969
Mới có ít ngày ở cái làng ven biển này, bên cạnh sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân, tôi cũng bắt đầu có cảm giác ngài ngại vì sự táo tợn của các o ở đây. Tôi tự nhủ phải đủ bản lĩnh, phải có đủ phẩm chất của người quân nhân cách mạng, để các thế lực ấy không thể chi phối và đánh đổ được mình (vì nếu sa ngã sẽ gây đau khổ cho người khác ở hậu phương).
Ngày 28 tháng 4 năm 1969
Điều tôi sợ đã đến. Trên đường ra nghỉ ở Sen Thủy, tôi quen biết o A, cán bộ xã. Qua quan hệ công tác tôi cảm thấy A có cái gì khác thường. Sáng nay, A giúi vào tay tôi lá thư, lá thư này A tỏ tình và hẹn muốn gặp.
Ngày 29 tháng 4 năm 1969
Sáng nay, A đi họp trên xã, thế mà tối còn về đến nhà mẹ Thuyết gặp tôi. Thật khó nói với A quá. Nói với A là quan hệ yêu thương này là không thể được. Nhưng nói ra ngay sợ A sẽ đau khổ, đành vừa cắt khoai lang cho mẹ Thuyết vừa nói chuyện linh tinh không đâu vào đâu cả. A xem ra rất thất vọng rồi bực tức bỏ về. A về rồi, tôi quyết định đem toàn bộ câu chuyện của A nói lại với anh Canh, trợ lý chính trị tiểu đoàn và đưa anh Canh xem lá thư thổ lộ của A. Bởi tôi không nói ngay cho chi bộ biết chuyện này, sau này dư luận có chuyện gì thì không hay cho tôi.
Ngày 9 tháng 5 năm 1969
Thôi thế là trực tiếp nói chuyện được với A. Quả là hơi tàn nhẫn vì A rất đáng thương. Nhưng đang phải chiến đấu mà. Nói chuyện với A mới thấy A thực sự yêu tôi, yêu tha thiết, đắm đuối và em đã chủ động thổ lộ điều đó với tôi. A đau khổ và gầy rộc đi.
Nhưng sau khi A gửi tôi lá thư tỏ tình thì tôi thấy nó không bình thường nữa rồi, mà còn nguy hiểm là khác nữa.
Nhưng tôi đang có Hoa Huyền yêu.
Tuy việc này tôi đã báo cáo với anh Canh, với chi bộ nhưng tôi cũng rất sợ dư luận của quần chúng. Tôi biết A đau khổ lắm. Nhưng thôi, đành để A oán tôi một lúc còn hơn để A đau khổ cả đời.
Ấy thế mà rồi chuyện của A với tôi cũng đến tai các đảng viên trong chi bộ. Tổ đảng họp phân tích và phê bình tôi là đáng ra phải trả lời dứt khoát ngay từ đầu thì đâu đến nỗi như thế này. Tôi cũng tự nhận thấy điều đó là đúng. Chỉ vì sợ A đau khổ, mà lùng nhùng mãi sau mới nói.
Ngày 22 tháng 5 năm 1969
4 giờ sáng hôm nay, tôi tạm biệt Sen Thủy, tạm biệt cồn cát trắng để quay vào mặt trận.
Và còn o A nữa cũng đáng nhớ lắm. A là một cô gái có một không hai. Một cô gái Quảng Bình giản dị, sống chan hòa, dễ thương và cũng tý nữa làm tôi chết oan.
Ngày 25 tháng 5 năm 1969
Trưa thì chúng tôi về đến thủ đô Động Nóc, về đến xóm cây Tăm. Khi chúng tôi ra Quảng Bình có một đơn vị bạn vào ở cứ của chúng tôi. Khi đi, họ phá cứ chúng tôi tan hoang cả, trông nhà cửa đổ nát mà ớn quá.
Thời gian qua đối với tôi thật sự là những ngày phiền toái vì việc với A ngoài Sen Thủy. Bữa đơn vị hành quân vào mặt trận, A lại gửi một lá thư tỏ tình nữa nhưng không gửi trực tiếp cho tôi mà lại gửi qua y sĩ Thăng (tốt hơn vì thế tôi không phải là người duy nhất xem thư này).
Mặc dù khi ở Sen Thủy tôi đã báo cáo sự việc cho chi bộ và đã trực tiếp đưa cả thư cho anh Canh xem. Nhưng chi bộ vẫn hiểu lầm tôi điều đó.
Tối qua anh Canh ngồi tâm sự. Anh nói Đảng ủy đánh giá, quanh lá thư của tôi rất nặng nề. Thật khổ cho tôi quá. Tôi thật sự chưa lúc nào nghĩ đến quan hệ yêu đương với A. Nhưng giờ thì muộn rồi, thanh minh cũng khó vì ngay từ đầu tôi đã không có quyết tâm dứt khoát.
Thôi thì đành phải lấy đây là một bài học xương máu. Không được phép buồn, mà phải càng phấn đấu cho tốt hơn.
Ngày 30 tháng 11 năm 1970
Một ngày không thể nào quên.
Với Hoa Huyền-khi chia tay nhau cũng đầm đìa nước mắt, cũng hẹn chờ nhau về sau ngày chiến thắng. Nhưng về để làm gì cũng chả ai nói được và rồi chiến tranh và rồi những cuộc chiến đấu liên miên. Thư từ cũng chậm dần, rồi không liên lạc được với nhau nữa.
Đợt đi công tác đưa 500 anh em thương bệnh binh của Mặt trận B5 (trong đó có 56 đồng chí của tiểu đoàn) ra Đoàn 200 ở Nghệ An an dưỡng, tôi mới có dịp về nhà. Sau 3 năm trở lại, thật trớ trêu, Hoa Huyền đã đi lấy chồng. Tôi quyết định xuống nhà thăm Hoa Huyền.
Hoa Huyền vừa sinh cháu được 1 tháng. Hoa Huyền cũng chẳng thay đổi là bao. Hoa Huyền thực sự bối rối khi tôi bất ngờ xuống nhà. Tôi bế con Hoa Huyền một lúc mà tâm trạng rối bời. Vui vì Hoa Huyền mẹ tròn con vuông, nhưng còn nỗi buồn thì chắc là nhiều hơn. Hoa Huyền tâm trạng cũng buồn buồn. Gửi tôi bế cháu 1 lúc để đi ngân hàng. Rồi hai đứa chúng tôi chia tay nhau (chắc đây là chia tay thực sự rồi. Hoa Huyền bùi ngùi nói: Thôi tất cả là tại chiến tranh, Hợi ạ).
Tất cả là tại chiến tranh!
Kỳ 1: Đường ra trận
Kỳ 2: Trận đầu, chiến đấu hụt
Kỳ 3: Đây là sự "đầu hàng" của Quân giải phóng!
Kỳ 4: Vào Đảng ở Động Tiên
Kỳ cuối: Tiến theo Đường 9
Hồng Hải (sưu tầm và giới thiệu)