QĐND - Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên cương Tổ quốc và những mục tiêu trọng yếu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 15-12-1959, lớp đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên ở Việt Nam chính thức khai giảng và ngày này đã trở thành Ngày truyền thống của Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Hiện nay, "ngôi trường đặc biệt" này có nhiều bước phát triển mới, trở thành nơi cung cấp chó nghiệp vụ cho toàn quân để thực hiện các nhiệm vụ: Tuần tra biên giới; phát hiện, tấn công địch và các loại tội phạm; tìm kiếm, cứu nạn trong các vụ nạn nhân bị vùi lấp sâu; đấu tranh với buôn lậu ma túy, vũ khí “nóng”; bảo vệ các mục tiêu trọng yếu…
Huấn luyện đặc biệt, chiến công xuất sắc
Vào thăm Trường Trung cấp 24 Biên phòng, chúng tôi còn đang ngỡ ngàng trước cảnh doanh trại vừa xây dựng khá “hoành tráng” thì Đại tá, TS Phạm Văn Thùy, Hiệu trưởng nhà trường đã cởi mở tâm sự: “Trước đây, cơ sở vật chất của trường tôi sơ sài lắm! Bây giờ các thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng ngày càng quan tâm đến nhiệm vụ đặc thù của nhà trường trước tình hình mới nên đầu tư xây dựng trường tương đối khang trang. Không chỉ anh em tôi, mà các bác đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu lên thăm trường cũ rất phấn khởi”. Rồi đồng chí Hiệu trưởng lại nhiệt tình gợi ý: “Trường chúng tôi có tính chất đặc thù, phải tự chủ động nghiên cứu, dự báo trước các tình huống để biên soạn giáo án, giáo trình huấn luyện và được coi là nghề "đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm". Quá trình tác nghiệp, các nhà báo cứ bám vào tám chữ đặc thù của trường sẽ ra khối chuyện”.
 |
Huấn luyện viên cùng các chú khuyển luyện tập mật phục, đánh bắt đối tượng.
|
Chưa từng chứng kiến đơn vị nào có công tác huấn luyện đặc biệt như Trường Trung cấp 24 Biên phòng, nên đến đâu chúng tôi cũng say sưa tham quan và ngỡ ngàng thán phục. Lúc ra bãi tập tìm kiếm cứu nạn, các huấn luyện viên đang chỉ đạo những chú khuyển tìm kiếm “nạn nhân” trong đống đổ nát của tòa nhà cao tầng. Giống như trò trốn tìm, người đóng giả nạn nhân lẩn trốn sâu trong đống đổ nát khoảng 3 đến 5m, bên trên là khói lửa, nhưng sau một hồi sục sạo, hít hà, chó nghiệp vụ đã sủa vang báo hiệu đúng vị trí nạn nhân. Với tình huống sạt lở đất, những bộ quần áo cũ được bí mật chôn sâu trên bãi đất rộng rồi xóa dấu vết cẩn thận trước đó vài ngày. Các chú khuyển thay nhau hít ngửi, rà tìm. Huấn luyện viên cắm cờ vào những điểm chó bới đất báo hiệu có nạn nhân. Kết thúc vòng tập, chú khuyển nào tìm đúng nhiều vị trí nhất sẽ được điểm cao.
Chứng kiến cảnh ấy, cánh nhà báo chúng tôi cứ xì xào: Thảo nào những năm qua, chó nghiệp vụ của trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân trong những vụ sạt lở lớn, như vụ sạt lở núi ở thủy điện Bản Vẽ và ở Lèn Cờ (Nghệ An); sạt lở đất đá ở Khên Lền - Pác Nặm (Bắc Kạn); sạt lở Quốc lộ 6 ở Mai Châu (Hòa Bình); mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên)… Tất cả những vụ tai nạn thảm khốc đó, khi các lực lượng cùng phương tiện hiện đại đã phải “bó tay” thì chó nghiệp vụ đều xác định chính xác vị trí các thi thể nạn nhân bị vùi sâu trong đất đá. Nhà trường được Bộ Quốc phòng và các địa phương khen thưởng, còn nhân dân và báo chí thì hết lời khen ngợi. Rồi nữa, khi tham gia Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN năm 2013 (ARDEX-2013), bạn bè quốc tế đã vô cùng thán phục khả năng tìm kiếm, cứu nạn của các chú chó nghiệp vụ do Trường Trung cấp 24 Biên phòng đào tạo.
Trước khi vào nơi huấn luyện chó tìm kiếm phát hiện ma túy, chúng tôi được Thượng úy Đào Duy Hà là giáo viên của trường cho biết, thời gian qua, chó nghiệp vụ đã tham gia khám phá rất nhiều vụ án ma túy lớn, điển hình là vụ mật phục, bắt sống hai đối tượng buôn “hàng trắng” có súng quân dụng ở biên giới Chiềng Sơn (Sơn La) với tang vật là 50 bánh hê-rô-in và gần 400 viên ma túy tổng hợp; rồi vụ phát hiện 62 bánh hê-rô-in giấu tinh vi trong bình xăng của một chiếc ô tô ở tỉnh Hòa Bình...
Có “thực mục sở thị” công tác huấn luyện mới biết vì sao chó nghiệp vụ lại tài phát hiện ma túy đến thế. Để thử tài những chú khuyển, đồng chí giáo viên bọc kín 2 gói ma túy trong 5 lần ni lông, giấy báo rồi giấu vào 2 cái túi, để lên 6 chiếc ô tô lẫn với nhiều túi khác cùng loại. Các chú chó của lực lượng hải quan, biên phòng lần lượt trèo lên xe sục sạo. Kết quả là, đa số chó nghiệp vụ phát hiện đúng xe và túi có chứa “hàng trắng”. Với những chú khuyển chưa phát hiện đúng, huấn luyện viên ve vuốt động viên và nhẹ nhàng rút kinh nghiệm, hướng dẫn tập lại.
Nhưng hai màn tập nêu trên vẫn chưa gay cấn, hấp dẫn bằng màn huấn luyện chó chiến đấu. Ra bãi tập rộng thênh thang, chúng tôi thấy khoảng 20 huấn luyện viên cùng những chú khuyển khổng lồ đang đứng thẳng hàng bằng hai chân… chào khách! Nghe khẩu lệnh “bắt đầu tập”, những chú khuyển lập tức nằm sát đất, lần lượt bò đến gần bãi vật cản, khéo léo nép mình trườn qua hàng rào thép gai, rồi chạy băng qua bức tường cao 2m và chiếc cầu thang cao ngang nóc nhà, vọt qua ô cửa hẹp… Loáng một cái, chó lại bay qua những vòng lửa đang bốc cháy ngùn ngụt trong tiếng nổ “bùm, bùm” của súng tạo giả và khói lựu đạn cay bay nghi ngút.
Chứng kiến cảnh ấy chúng tôi đã thấy “hoa mắt”, nhưng sang bài tập tấn công địch thì thực tình ai cũng “đứng tim”. Đang nằm im mật phục, nhận được lệnh của huấn luyện viên, chú khuyển như tia chớp lao ra, nhảy lên ngang cổ quật đối tượng xuống. Với tình huống “địch” cầm súng, nó lao lên cắn đúng vào tay làm súng rơi ngay; còn nếu “địch” chống cự bằng dao, nó lao vào vật lộn, dùng hàm răng trắng ởn giằng xé giống như chú sư tử tấn công con lợn rừng hung dữ. Dù những người lính “quân xanh” đã mặc đồ bảo hộ có độ bền siêu khủng, nhưng chúng tôi vẫn thót tim khi nhìn “địch” bị những chú khuyển khổng lồ, thiện chiến tấn công. “Thực tế đã có không ít “quân xanh” bị chó nghiệp vụ cắn thủng trang phục bảo hộ, phải nhập viện nhà báo ạ!”-Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Chính trị nhà trường cho biết.
Coi khuyển như bạn, như con
Phát hiện và bắt sống hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thám báo; tham gia triệt phá nhiều chuyên án hình sự, nhiều vụ buôn lậu lớn, bắt giữ hàng trăm tội phạm mang “hàng trắng” và có vũ khí “nóng” là thành tích của những huấn luyện viên cùng những chú khuyển thuộc chuyên ngành chó chiến đấu trong những năm qua. Và để huấn luyện được những chú khuyển làm nhiệm vụ trong tình huống đầy hiểm nguy ấy, những “người thầy đặc biệt” ở đây phải vô cùng kỳ công. Mỗi học viên về trường được biên chế một chú khuyển non và họ phải thực sự coi chó như con, như bạn thân, thậm chí như người yêu thì mới điều khiển được nó một cách tuyệt đối, sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm theo lệnh của chủ.
Nói thì đơn giản vì loáng một câu là xong, nhưng thực tế là huấn luyện viên phải rất tâm huyết với nghề mới có thể gắn bó cả đời với công việc “đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” và gắn bó với chú khuyển của mình như hình với bóng. Hằng ngày, những “người thầy đặc biệt” trực tiếp chăm sóc chó từ bữa ăn, nước uống, tắm táp; kiên trì dạy dỗ, hướng dẫn chó từng động tác nhỏ, từ dễ đến khó; tập cho chó quen dần với tiếng nổ của súng đạn, dày dạn với lửa khói, hơi cay… Đặc biệt, phải huấn luyện cho những chú khuyển hung dữ vốn rất dễ “nổi nóng” biết kiên trì giữ bí mật nhiều giờ trong điều kiện mật phục; dù xung quanh có động tình, khiêu khích thì chó nghiệp vụ vẫn phải nằm im nếu chưa được lệnh tấn công.
Đồng chí Chính ủy nhà trường, Đại tá Phạm Văn Phương kể: “Cuối năm 2013, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến kiểm tra đã đánh giá cao kết quả hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường và chia sẻ với những khó khăn của đơn vị, đồng thời chỉ thị: Khi huấn luyện chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy phải chú ý bảo tồn lực lượng nhưng cũng phải cố gắng bắt sống đối tượng để còn mở rộng chuyên án, khám phá toàn bộ đường dây tội phạm. Bộ trưởng còn yêu cầu huấn luyện sâu kỹ chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn để đáp ứng với thực tế số vụ thiên tai, hỏa hoạn, sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp. Vì thế, yêu cầu huấn luyện của trường đòi hỏi ngày càng cao”.
Chứng kiến cảnh huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ luyện tập và lật lại những chiến công xuất sắc của nhà trường đặc biệt này trong suốt 55 năm qua, chúng tôi đã hiểu vì sao huấn luyện viên phải chăm sóc chó như chăm con nhỏ, coi chó như bạn rất thân. Chưa cần nói những lúc chó ốm đau, phải chăm sóc theo chế độ đặc biệt và huấn luyện viên lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Dù chó khỏe mạnh bình thường vẫn được “thầy” trực tiếp dùng tay bốc cháo bón từng miếng cả 3 bữa trong ngày. Lúc nghỉ giải lao, “thầy” ngồi bên cạnh chó, vừa thủ thỉ “tâm sự”, rút kinh nghiệm luyện tập, vừa tìm diệt bọ chét và ve vuốt bộ lông mượt để khích lệ, động viên.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cho biết, quan điểm của trường là tất cả cán bộ khối cơ quan đều phải qua lớp đào tạo huấn luyện viên một năm để hiểu đặc thù công việc. Các huấn luyện viên gần như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ vì phải luôn gần gũi, chăm sóc chú khuyển của mình. Chính vì thấu hiểu sự vất vả đó nên năm 2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định tăng phụ cấp đặc thù và chuyển sĩ quan cho những huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc.
Theo Đại tá, TS Phạm Văn Thùy, mấy năm qua, nhà trường đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp trên sử dụng chó nghiệp vụ trong diễn tập khu vực phòng thủ và bảo vệ an ninh trật tự ở những địa bàn trọng điểm. Hiện trường có 5 Cụm Cơ động làm nhiệm vụ ở địa bàn biên giới trọng yếu và Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), góp phần giữ vững an ninh để phát triển kinh tế-xã hội. Với những thành tích nổi bật, Trường Trung cấp 24 Biên phòng vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. |
Bài và ảnh: QUANG CƯỜNG - MINH ĐỨC