QĐND Online - “Tất cả các máy móc phục vụ nông nghiệp này đều do tôi làm, tự tay tôi mày mò ra tất”, Ông Đinh Công Viên, 82 tuổi, (Kim Bảng – Hà Nam) tâm sự. Mới chỉ trải qua lớp học xoá mù chữ nhưng ông đã là tác giả sáng chế của rất nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp: tuốt ngô, nghiền sắn, thái bèo…
Kỹ sư của bà con nông dân
“Ông Viên giỏi lắm, không học qua trường lớp nào mà chế tạo được máy tuốt ngô, máy nghiền sắn. Mỗi vụ thu hoạch ngô, sắn nhà tôi đều nhờ ông sang giúp. Cái máy của ông ấy làm nhanh mà giá công lại rẻ nên bà con quanh đây ai cũng nhờ ông cả”. Bà Đinh Thị Thảo, xóm 5, thôn Khuyến Công(Kim Bảng – Hà Nam) hết lòng ca ngợi. Ông Trần Văn Dung, hàng xóm của ông Viên cũng trầm trồ: “Cả ngày thấy ông ấy mày mò bên đống sắt, ấy thế mà ra được cái máy phục vụ cho bà con, ông ấy tài thật”.
 |
Nhà khoa học bên sản phẩm “4 trong 1” .
|
“Chúng tôi tự hào vì có một nhà khoa học sáng chế, cải tiến máy móc phục vụ nông nghiệp trong xã. Ông được Trung ương, tỉnh tặng nhiều bằng khen, có hội chợ gì về công nghệ thiết bị phục vụ nông nghiệp ông đều được đại diện cho tỉnh đi dự thi”. Anh Lê Minh Thuy, chủ tịch UBND xã Khả Phong cho biết.
Một bài toán kinh tế đơn giản, hiệu quả được bà con nông dân xã Khả Phong đưa ra: Nếu thuê ở ngoài thì thu hoạch một sào ngô phải mất 30.000 đồng, còn với ông “kỹ sư” thì chỉ mất 20.000 đồng/sào mà làm đến nơi đến chốn. Cứ đến vụ thu hoạch, bà con xã Khả Phong đều nhờ hết ông Viên. Tiếng lành đồn xa, các xã bên nghe tiếng ông Viên phục vụ bà con chu đáo, giá cả phải chăng cũng tìm đến nhờ ông tuốt ngô, nghiền sắn. Kể từ đó,“Kỹ sư” Viên trở thành người nổi tiếng được bà con nông dân cả huyện Kim Bảng tín nhiệm.
6 tạ thóc cho một sáng chế
Từ nhà văn hoá thôn Khuyến Công rẽ vào nhà ông Đinh Công Viên chưa đầy 100m. Căn nhà mái bằng nhỏ bé đồng thời cũng là “xưởng cơ khí”, chất đầy những dụng cụ: sắt, nhôm, máy móc… cùng những tấm bằng khen treo trên tường. Với những thành tựu: máy tuốt ngô, thái bèo…, hẳn ít ai biết đó là sản phẩm của một lão nông đã ở cái tuổi xế chiều.
Câu chuyện nhà khoa học “chân đất” Đinh Công Viên chế tạo, cải tiến máy móc bắt đầu từ năm 1997. Nhà trồng 7 sào ngô. Cứ đến vụ, vợ chồng ông phải ngồi tỉ mẩn tách hạt cả tháng không hết, lại bị thêm chứng bệnh đau lưng, mỏi gối hành hạ. Ông nảy ra ý định làm một cái máy tuốt ngô cho đỡ nhọc. Đem chuyện bàn với cậu con trai út. Tưởng bố tuổi già, mắc chứng bệnh lẩm cẩm, anh chỉ cười xoà động viên: “Nếu bố làm được thì nhà mình nhàn quá, con ủng hộ”.
Chuyện tưởng đùa, vậy mà hôm sau ông đi mua sắt, nhôm về làm thật. Quan sát kỹ máy tuốt lúa, ông nảy ý tưởng làm một chiếc máy tuốt có răng, tuốt được hạt ngô. Đục đẽo, hàn xì một cách hăng say quên ăn, quên ngủ, những ngày đầu với ông Viên đầy gian nan và thử thách.
“Sau 3 tháng cái máy tuốt ngô đầu tiên của đã tôi ra đời nhưng thất bại vì nó không tuốt được ngô. Tiếc đứt ruột vì làm cái máy đó tôi mất tới hai tạ thóc. Phá máy, làm lại. 3 tháng sau cái máy thứ hai ra đời nhưng cũng không thành, nó ngốn tiếp hai tạ thóc nữa”, ông Viên tâm sự. Không nhận được sự ủng hộ của gia đình, đến hàng xóm cũng phản đối: “Cái nhà ông Viên này thừa hơi, ngồi đánh vật với đống sắt, nhôm cả ngày mà đòi tạo ra được máy tuốt ngô, trong khi trình độ mới hết lớp vỡ lòng”.
Khó khăn là vậy, nhưng ông Viên vẫn tự an ủi: “Nhất định phải thuần phục được đống sắt để vợ con bớt đi nỗi vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quyết tâm giải phóng sức lao động chân tay cho bà con và đầu tư thêm 2 tạ thóc nữa cho lần thử nghiệm thứ 3”.
Thu hẹp khung máy, làm cẩn trọng từng khâu. 9,10 giờ tối hàng xóm vẫn nghe tiếng búa gõ chan chát từ nhà ông Viên. Sau 1 tháng 20 ngày, chiếc máy tuốt ngô thứ 3 đã đi vào hoạt động với tỷ lệ sót hạt ở bắp là 15%. Cậu con trai lúc này mới thấy bố mình quả là một “vĩ nhân”. “Bố tôi cứ cặm cụi mãi hỳ hục với đống nhôm sắt cả tháng trời, khuyên ngăn thế nào ông cũng không nghe, vậy mà cuối cùng cũng ra được cái máy tuốt ngô thật, cứ như là trong mơ ấy”. Hàng xóm cũng “trố mắt” thán phục tài nghệ của lão nông mà họ vẫn cho là gàn dở.
Sau 7 tháng 20 ngày mày mò sáng chế cùng với 6 tạ thóc, ông Viên đã làm được việc mà bà con vùng quê chiêm trũng này không thể ngờ tới, đó là chế tạo ra những chiếc máy phục vụ cho thu hoạch mùa vụ. Năm 1999, máy tuốt ngô của ông Viên đã hoàn toàn “chiếm lĩnh thị trường”, nhiều nơi khác cũng đổ về nhờ máy tuốt của ông Viên. Cải tiến thêm một số bộ phận, năm 2004, máy tuốt ngô của ông đã tuốt sạch được toàn bộ hạt ngô trên bắp. Từ đây, ông cũng tiếp tục sáng chế, tôn tạo nhiều loại máy khác phục vụ nông nghiệp. Bà con, ai có nhu cầu, ông sẵn sàng bán lại những sản phẩm của mình với giá cả phải chăng.
Thành công lớn nhất của nhà khoa học “chân đất” là chiếc máy “4 trong 1”: “Trông nó thế này thôi nhưng các chú đừng coi thường nhé. Nó có thể làm được 4 việc đấy: tuốt ngô, lúa, lạc, đậu tương…Bây giờ tôi cải tiến loại máy này làm được thêm một việc nữa là gieo hạt”. Loại máy tuốt này làm việc với công suất tuốt 2 tấn ngô/giờ, loại lớn hơn có thể tuốt 10 tấn ngô/ giờ, nhưng do loại này công suất lớn quá, không bà con nào có đủ ngô để thuê nên nó hiện đang “xếp xó”. Ngoài ra các loại máy: nghiền sắn, máy cắt cỏ, máy thái rau bèo… tất cả đều là sản phẩm trí tuệ được làm từ đôi bàn tay của một lão nông đã ở tuổi 82.
Nhà khoa học…vẫn nghèo
Thu nhập từ 20.000 – 30.000 nghìn đồng/ngày là số tiền ông Viên thu được mỗi khi vào mùa vụ. Vừa giúp vừa làm, bận rộn là thế, ấy vậy mà không “nông vụ chí kỳ” thì thất nghiệp với ông lại là lẽ thường. Tuy là nhà “khoa học” của bà con nông dân nhưng ông Viên vẫn nghèo. Trong căn nhà mái bằng cũ kỹ của ông không có gì giá trị ngoài cái tivi 14 inch. “Nhiều lúc, thèm một điếu thuốc mà trong túi cũng không có lấy 1 nghìn đồng để mua”, ông chia sẻ.
 |
Trong nhà là những cỗ máy được làm bằng sắt.
|
Ngày nay, sáng chế, cải tiến máy móc phục vụ nông nghiệp của ông Viên không những đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần phát huy sáng tạo cho nhiều thế hệ mai sau. Hiện nay, ngoại trừ 6 tấm bằng khen, ông Viên nhận được từ Trung ương, tỉnh số tiền thưởng là 200.000 đồng kèm theo, tổng cộng ông có khoảng 1.200.000 đồng tiền thưởng từ những sáng chế, cải tiến của mình.
Ông được dự nhiều hội chợ công nghệ tại các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Hà Nội… Nhiều người biết tới nhưng ông thì vẫn chỉ là một lão nông nghèo. Một lần, nghe tiếng tăm, ông Phạm Văn Bình, giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Bình Quân ở Sơn Tây (Hà Nội) đã về tận Hà Nam thăm ông Viên, chứng kiến cảnh ông khổ sở, phải dùng búa và đe để chặt sắt, ông Bình ngay tặng ông một kéo cắt sắt kèm theo 40 lưỡi cắt, ông bùi ngùi lắm.
Ở cái tuổi 82, nhưng ông Viên vẫn chưa thể nghỉ vì cả hai lý do vật chất và tinh thần. Vật chất vì nghèo nhưng còn sức ông vẫn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, tinh thần vì sự ham mê sáng chế, cải tiến máy móc. “Tôi chỉ có một ước mơ, đó là có sức khoẻ để tiếp tục chế tạo nhiều máy móc phục vụ bà con nông dân”, ông Viên trăn trở.
Bài và ảnh: Văn Phú – Nguyễn Liên