QĐND - Gặp ông vào một buổi chiều đầu hè nắng như thiêu đốt, khi biết chúng tôi có ý định viết về cuốn sách mà ông và các bạn bè trong ngành ngoại giao vừa cho ra đời, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cười xuề xòa: “Có gì đâu. Những gì cần nói tôi đã viết hết trong sách rồi”. Nói là vậy, chứ nhắc tới chuyện nghề, ông vẫn say sưa lắm. Khoảng sân nhỏ trước nhà ông lấp loáng nắng. Bóng nắng tràn cả vào trong đôi mắt của nhà ngoại giao kỳ cựu, làm người ta có cảm giác nó cứ sáng bừng lên, nhất là khi ông nhắc tới những câu chuyện bếp núc ít ai biết của cái nghề mà người đời xưa nay chỉ những thấy hào quang…
*
* *
Cuốn sách “Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao” được bắt đầu từ những lúc ông và một số bạn bè từng làm việc lâu năm trong ngành ngoại giao nay đã nghỉ hưu, lúc trà dư, tửu hậu trò chuyện về những khoảnh khắc đáng nhớ đã trải qua trong đời làm nghề. Mỗi người phụ trách một lĩnh vực hoạt động riêng, một khu vực riêng nên những câu chuyện cũng vô cùng đa dạng. Kể cho nhau nghe xong, mọi người mới thấy “ồ hóa ra cũng nhiều chuyện hay”. Vậy thì nên chăng ghi lại những việc đã làm, những gì đã thấy để thiên hạ tỏ tường. Cũng lại không ngờ cái sáng kiến ấy đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người. Thế là ông và các cộng sự bắt tay vào viết lại những chuyện tai nghe mắt thấy về “cái nghề, cái nghiệp ngoại giao”. Cuốn sách Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao cũng ra đời từ đấy.
 |
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Chu Vũ
|
ông bảo mục đích ban đầu viết cuốn sách cũng chỉ là để cho những bạn trẻ học ngành ngoại giao biết có những chuyện cụ thể như thế, hoặc chia sẻ với anh em trong ngành như những câu chuyện về cuộc đời. Nhưng sau này, ngày càng đi sâu, những người làm ngoại giao như ông lại thấy rằng, có lẽ nhiều người không hiểu rõ ngành này thế nào. Tỉ như cái lần ông và phu nhân (bà Hồ Thể Lan, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao, một trong những tác giả góp mặt trong cuốn sách - PV) đi thăm lại khu Tân Cương ở Thái Nguyên - nơi ông từng tản cư thời kháng chiến chống Pháp, có gặp một anh cán bộ xã rất trẻ và năng động. Người cán bộ trẻ ấy đã trách nhẹ ông rằng, “là ngoại giao sao các cô chú cứ nói vòng vo tam quốc, mà không nói thẳng, chúng cháu chả hiểu thế nào”. Lúc đó ông chỉ cười. Xét cho cùng thì đa phần người ta hiểu theo cách như thế. Bởi xưa nay, nói đến “ngoại giao” nhiều người chỉ thấy bề ngoài có phần hào nhoáng mà không rõ lắm chuyện bếp núc của nghề ra sao.
Chính vì thế, ông và bạn bè viết cuốn sách này với mong muốn, qua những câu chuyện cụ thể giới thiệu bếp núc ngoại giao là như thế nào, kỹ năng ra sao, bản thân ngoại giao cũng có nhiều khó khăn, cơ cực chứ không đơn giản, để người ta hiểu, rồi đồng cảm. “Bởi từ những việc tưởng chừng như đơn giản lại nảy sinh rất nhiều chuyện, nếu làm không cẩn thận, không có kỹ năng thì sẽ hỏng việc. Ngành này không chỉ tác động trong nước mà còn tác động quốc tế, không cẩn thận sẽ mất uy tín của đất nước”, ông trầm ngâm nói. “Chúng tôi không có ý định viết “lịch sử” hay giáo trình” ngoại giao Việt Nam hoặc hồi ký mà chỉ muốn qua những câu chuyện về người thật, việc thật, những công việc họ đã làm, những hoạt động đã từng tham gia, những sự kiện đã từng chứng kiến, những đất nước đã từng đi qua góp phần làm cho mọi người phần nào những điều hay nỗi khổ, điều khôn sự dại của một lớp người đã “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” ngoại giao, đồng thời ước sao lớp người sau may ra có thể lượm lặt được đôi điều bổ ích”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.
*
* *
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan tự nhận mình được vận mệnh ưu ái khi trong đời làm ngoại giao được chứng kiến quá nhiều sự kiện nổi bật. Nhiều tới nỗi chính bản thân ông cũng chưa phân định được sự kiện nào nổi bật nhất. Vậy nhưng, vẫn có những sự kiện gắn liền với thời điểm, mà dù cho năm tháng có phủ lên nó một lớp bụi thời gian, thì ông vẫn còn nguyên cảm giác xúc động khi nhớ về. ấy là khi Hiệp định Pa -ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973. Lúc đó ông Vũ Khoan tháp tùng đồng chí Nguyễn Duy Trinh sang ký. Cảm giác lúc đó đối với ông thật khó tả thành lời, bởi sau một cuộc chiến tranh tàn khốc như thế lại ký được một hiệp định hòa bình. “Cho đến bây giờ tôi vẫn có thể nhớ trọn vẹn cái cảm giác lúc ấy. Mọi người vỡ òa trong niềm vui mừng”, ông Vũ Khoan không giấu được sự xúc động.
Khoảnh khắc thứ hai mà cho đến bây giờ ông Vũ Khoan vẫn luôn nhớ chính là khi nghe tin chiến thắng 30-4-1975, giải phóng đất nước. Lúc đó, ông chỉ muốn “bổ nhào” vào miền Nam. Nhưng cấp trên lúc đó lại cử ông đi Liên Xô để dự lễ kỷ niệm Chiến thắng phát -xít 9-5. Sang đó, ông mới thấy mình may mắn, bởi được chứng kiến và trải qua một cảm giác không ai có được. “Đó là cả thế giới chào mình! Khi giới thiệu đoàn Việt Nam, cả hội trường mấy nghìn người, đại diện cho hơn một trăm nước, đứng lên hoan nghênh mình. Niềm tự hào dân tộc chính là đây”, ông Vũ Khoan nhớ lại.
Khoảnh khắc thứ ba khiến ông Vũ Khoan nhớ mãi là khi Việt Nam được kết nạp vào ASEAN. Lễ kết nạp diễn ra ở Bru -nây. Lá cờ Việt Nam được kéo lên ở Trung tâm hội nghị quốc gia trong tiếng quốc ca tưng bừng. Gió biển thổi khiến lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, nổi bật giữa nền trời Bru -nây xanh vời vợi. Lúc đó, ông chợt nghĩ, thế là cô lập đã hết rồi, bao hy sinh đã được đền đáp…
*
* *
Từ lúc nghỉ đến giờ, cứ rảnh lúc nào là ông Vũ Khoan lại lụi hụi viết về những gì mình đã trải qua trong mấy chục năm lăn lộn với nghiệp ngoại giao. Cứ túc tắc viết để chơi, để nhớ và để nhắc mình về nghề. Vì thế, đồ rằng ông còn nhiều chuyện tâm đắc lắm. Nhưng ông chỉ hấp háy cười, cứ biết thế đã. Nói như ông và nhóm tác giả cuốn sách, đây là một sự khởi đầu, là cái “đà” khích lệ những người đồng nghiệp của họ thuộc mọi lứa tuổi kể tiếp về những trải nghiệm trong đời hoạt động ngoại giao của mình. Biết đâu đấy, có thể từ cuốn sách đầu tay này sẽ xuất hiện một xê -ri sách về chuyên đề ngoại giao thì hay biết mấy.
Chia tay ông lúc bóng chiều đã dần ngả. Trời vẫn chưa tắt nắng. Nheo mắt nhìn vài tia nắng quái, lòng chợt lấn bấn với câu nói của ông: “Thực ra cũng mạnh dạn nói rằng, khi viết cuốn sách này, trong lòng chúng tôi mang một hoài bão. Đó là mong rằng, những câu chuyện trong cuốn sách này sẽ nhắc người ta là trong từng trường hợp thì nên làm như thế. Mà những kinh nghiệm đó cũng không phải là của chúng tôi, là của thế hệ lãnh đạo đi trước đã để lại cho chúng tôi”.
Lại tin rằng, hoài bão của ông và những người bạn chắc chắn sẽ được hiện thực hóa.
THU TRANG