Mỗi lần có điều kiện gặp mặt, chúng tôi thường kể cho nhau công việc hay đời thường và nhớ lại kỷ niệm những ngày lao động vất vả, gian nan nhưng vô cùng vinh dự vì đơn vị được giao trọng trách đào hầm an toàn nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ ở để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - thuộc ATK Tuyên Quang. Kỷ niệm ấy như nhắc nhở chúng tôi giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ở mọi nơi, mọi lúc...”. Đại tá Thân Thế Xương nguyên chính trị viên đại đội 260, tiểu đoàn 333 bộ đội công binh tâm sự.

Ông Thân Thế Xương và tập tư liệu để viết hồi ký

Hỏi chị nhân viên bưu điện ở phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội đường đến nhà ông, chị nói: “Ở phố này có 2 ông Xương đều là bộ đội Công binh, anh hỏi ông Xương làm đường hay ông Xương đào hầm?”. Gõ cửa nhà lúc ông đang ngồi ở bàn viết, trầm ngâm trước chồng tư liệu dày cộp về ATK và tập bản thảo viết dở cuốn hồi ký kể về những ngày ông cùng đơn vị “khoét núi đào hầm” bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ ở ATK. Nghe tôi kể, chuyện hỏi thăm nhà, ông thật sự ngạc nhiên:

- Tôi ở đây đã 40 năm, chưa nói với ai về công việc những năm ấy, có lẽ qua sách báo, đài, truyền hình mà dân phố biết được việc làm của chúng tôi.

Chất giản dị, chân tình, khiêm tốn của người chính trị viên đại đội cách đây 54 năm vẫn còn nguyên trong ông... Nhỏ nhẹ, cân nhắc từng câu, kể cho chúng tôi nghe chuyện những ngày trong quân ngũ, lăn lộn ngoài trận mạc, nhất là những ngày cùng đơn vị vinh dự nhận trọng trách làm hầm ở ATK. Ông nói:

- Tôi không muốn kể về mình sợ mọi người nghĩ là mình có tư tưởng công thần, mà chỉ kể với vợ với con để các cháu biết được niềm tự hào của cha chúng đã có một thời được làm việc chỉ cách nơi Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ ở rất gần. Những ngày ấy đối với tôi là “những ngày gian khổ trong sung sướng”.

Đưa cho tôi tập tài liệu trong chiếc tủ hai buồng đầy ắp giấy tờ ông tâm sự:

- Nhờ những tài liệu tôi sưu tầm được và lời kể của anh Học, anh Tý, anh Hồng, anh Nhàn, anh Thú mà Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Tuyên Quang đã tìm ra đơn vị thi công căn hầm an toàn của Bác, hầm an toàn của Trung ương Đảng, hầm an toàn của Chính phủ, chính là đại đội 260 tiểu đoàn 333, bộ đội Công binh. Các kiến trúc sư đã vẽ lại được chính xác vị trí của từng căn hầm, lên đề án sửa chữa phần lở của đầu hầm an toàn của Chính phủ để trả lại nguyên trạng ban đầu của di tích gốc.

Để có được chồng tài liệu nặng hàng chục kg và hàng trăm bức ảnh này, ông đã cất công đi đến nhà từng người trước cùng công tác trong đơn vị để hỏi chuyện, ghi chép tỷ mỷ. Bà Lê Thị Nhỡ vợ ông nói như trách yêu chồng:

- Nghỉ hưu đã 16 năm nay tôi thấy ông ấy chưa nghỉ trọn một ngày. Cứ đọc đọc, ghi ghi, vẽ vẽ từ những chồng giấy và những cuốn sổ đã ố vàng. Có những ngày ông ấy đội mưa, đội gió đạp xe lên tận nhà ông Hồng cách hàng chục km để sưu tập, so sánh tài liệu đến tận tối mịt mới về. Chuyện đào hầm như đã thấm vào máu thịt của ông.

Cách đây ba tháng các cán bộ Đoàn công binh Sông Thao (tiền thân là tiểu đoàn công binh 333) đến nhà hỏi ý kiến ông về vị trí của cửa hầm an toàn của Chính phủ mà đơn vị nhận thi công sửa chữa, ông thức trắng hàng chục đêm đọc tài liệu, vẽ sơ đồ, rồi tham mưu cả biện pháp thi công để căn hầm giữ được nguyên trạng ban đầu.

Còn nhớ hôm đoàn phóng viên lên dự lễ khánh thành công trình chống lở đầu hầm an toàn của Chính phủ và đặt bia công tích, Đại tá Trần Phú Nhâm chính ủy Đoàn công binh Sông Thao (đơn vị thi công) nói với tôi:

- Để phục hồi được nguyên trạng đầu hầm an toàn của Chính phủ chúng tôi phải nhờ đến

Tôi không muốn kể về mình sợ mọi người nghĩ là mình có tư tưởng công thần, mà chỉ kể với vợ với con để các cháu biết được niềm tự hào của cha chúng đã có một thời được làm việc chỉ cách nơi Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ ở rất gần. Những ngày ấy đối với tôi là “những ngày gian khổ trong sung sướng”.

những tập tài liệu rất quí của bác Thân Thế Xương. Nếu không có những tài liệu ấy chúng tôi cũng không biết rõ bắt đầu thi công từ đâu.

Nghe tin đơn vị đang thi công, sửa chữa đầu hầm an toàn Chính phủ ông sốt ruột đến nhà ông Tý “lặn lội” lên ATK để xem: “các em sửa chữa có đúng kỹ thuật, đúng kích thước cửa hầm năm xưa không”. Khi thấy các chiến sĩ dùng đất mịn trộn với xi măng đắp bả theo từng mảng vào vách hầm mà vẫn giữ được màu sắc của đất cũ, tạo sự hài hòa giữa phần gia cố và phần tiếp giáp của cửa hầm, ông rất hài lòng.

Sau chuyến đi ấy về nhà ông lại tiếp tục tìm đến các khu di tích lịch sử, dành thời gian phác thảo lại hàng trăm mẫu bia khác nhau, tìm từng câu, chọn từng chữ cho thật súc tích, dễ nhớ, dễ đọc để ghi lên bia công tích.

Ngày 4-9 báo Quân đội nhân dân đưa tin bia công tích khánh thành, biết tôi là tác giả, ông tìm bằng được để xin những tấm ảnh tôi chụp trong lễ khánh thành. Ông nói:

- Đây cũng là những tư liệu rất quý để bổ sung vào “kho” tư liệu của đơn vị chúng tôi.

Tặng tôi cuốn hồi ký đã kỳ công viết cả năm trời mà ông vẫn chưa thật ưng ý. Ông tâm sự:

- Cứ đọc đến từng câu, từng chữ trong cuốn sách này là tôi lại nhớ như in những sự kiện, những tên người, nhất là những lần được làm việc gần Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ; được nhìn thấy Bác đi từ lán làm việc xuống tưới rau ở những mảnh vườn nhỏ ở cạnh sông Phó Đáy, có lúc Bác ngồi câu cá trên gộp đá cách bờ sông khoảng mấy bước chân trông như một tiên ông… Thời gian đó đối với cá nhân tôi thật là hạnh phúc, không bao giờ quên được. Cuốn hồi ký này hoàn thành tôi sẽ tặng cho Bảo tàng Công binh, Bảo tàng ATK và đồng đội tôi ngày ấy đã cùng tôi chung lưng đấu cật để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nói về người chính trị viên thân thương ngày đó, đại tá Nguyễn Văn Tý xúc động:

- Tôi và anh Xương là cặp cán bộ “hai trong một”, chỉ cần nói nửa lời là hiểu nhau. Là chính trị viên anh Xương giáo dục anh em bằng chính những hành động cụ thể của mình. Khi cần anh cũng cầm đục, cầm choòng, cũng quai búa, cầm thước chữ A đi kiểm tra độ cao, độ rộng của hầm. Cái tình “cán binh” những năm tháng ấy đặc biệt lắm anh ạ.

Đã hơn 10 năm nay, dường như đã thành nếp, tối nào ông cũng dành thời gian đọc lại tư liệu, làm đề cương, chọn câu, chọn chữ, chắt lọc từng chi tiết để hoàn thành cuốn hồi ký mà đồng đội ông mong mỏi từng ngày. Lần trở lại ATK đứng trước cửa hầm an toàn của Bác Hồ ông lặng đi, rồi tiến lại lấy tay xoa lên vách hầm để tìm lại hơi ấm năm xưa của Bác và những người đồng đội, một thời “mưa rừng cơm vắt”. Ông như thấy nguồn sáng của căn hầm từ trong lòng đất ATK-nguồn sáng của ý chí quật cường thôi thúc ông làm nhiều hơn những việc tốt cho đời.

Bài và ảnh: VŨ ĐẠT