QĐND - Tuy định cư ở nước ngoài, nhưng trái tim anh luôn nhớ về quê hương. Tình yêu ấy đã tiếp thêm ý chí và nghị lực để anh dày công sưu tầm hơn 150 tấm bản đồ và 3 cuốn atlas tặng  Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng. Điều đáng trân trọng là những tư liệu quý giá đó đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Anh là Trần Thắng, hiện sinh sống, làm việc tại bang Connecticut (Hoa Kỳ)…

Nặng lòng với Trường Sa, Hoàng Sa

Tôi và Trần Thắng có buổi hàn huyên tại quán cóc bên sông Hàn. Tiếng là Việt kiều, nhưng anh giản dị và khiêm tốn. Đặc biệt, Thắng có lối kể chuyện dí dỏm, hài hước. Chuyện anh kể về những năm tháng bươn chải kiếm sống nơi xứ người; chuyện về nỗi nhớ quê hương khắc khoải đến cháy lòng; chuyện bôn ba khắp các nước sưu tầm những tấm bản đồ cổ và atlas. Nhân cơ hội này, tôi tranh thủ “khai thác” về những việc làm ý nghĩa của Trần Thắng…

- Động cơ đã nào thôi thúc anh?

Sau phút trầm ngâm, Trần Thắng nhỏ nhẹ: “Tuy xa quê nhưng lòng tôi luôn hướng về Tổ quốc với tất cả những gì thiêng liêng, máu thịt nhất! Tình yêu và trách nhiệm của một người con đất Việt đã thôi thúc tôi làm điều đó!”.

Và Thắng đã kể cho tôi về hành trình vượt qua hàng ngàn dặm đường để sưu tầm những tấm bản đồ cổ và những cuốn atlas có giá trị lịch sử và pháp lý:

"Khi tôi nghe nhiều luồng dư luận và một số học giả đề cập tới vấn đề bản đồ cổ xưa của Trung Quốc không hề có địa danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi tự hỏi tại sao những tấm bản đồ quý hiếm này lại trôi nổi trên thị trường? Phải chăng, đây là những tài liệu quan trọng góp phần khẳng định hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về chủ quyền của Việt Nam? Suốt mấy đêm liền thao thức, cuối cùng tôi quyết định phải bằng mọi giá sưu tầm bằng được những tấm bản đồ ấy.

Trần Thắng (thứ hai, từ phải sang) trao bản đồ cổ tặng đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Một thời gian sau, theo dõi trên mạng thấy có mục rao bán những tấm bản đồ của phương Tây về lãnh thổ Trung Quốc, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để thực hiện ý tưởng của mình. Vào thời điểm này, tuy công việc của công ty khá bận rộn, nhưng tôi vẫn bàn giao cho người khác để cất công tìm đến những cửa hiệu đồ cổ, điểm rao bán bản đồ tìm mua cho bằng được. Sau nhiều chuyến bay đi, bay về giữa các nước, số lượng bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc được xuất bản tại Ý, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ... trong khoảng thời gian từ 1626 đến 1980 ngày một nhiều thêm. Trong số 100 bản đồ độc bản có tới 70 bản đồ lãnh thổ Trung Quốc, 15 bản đồ vẽ Hoàng Sa nằm sát bờ biển Việt Nam, 15 bản đồ khu vực Đông Dương hoặc Đông Nam Á và 2 sách toàn đồ chứng minh Trung Quốc không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đáng chú ý, các bản đồ cổ và sách toàn đồ của Chính phủ Trung Quốc phản ánh tính lịch sử và tính pháp lý rất cao. Hơn 70 bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc ghi rõ miền Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Rõ ràng bản đồ phương Tây thể hiện Hoàng Sa ngay sát Việt Nam, vì trên thực tế, từ quần đảo Hoàng Sa đến bờ biển của Việt Nam gần nhất so với các nước trong khu vực. Mặt khác, trên quần đảo Hoàng Sa có cư dân Việt Nam sinh sống nên người Tây phương cho rằng đảo này thuộc về lãnh thổ của Việt Nam.

Một thời gian sau, tôi tiếp tục sưu tầm được 3 cuốn atlas tại Anh, Ba Lan và New York (Mỹ). Những cuốn atlas này rất có giá trị về mặt cơ sở pháp lý góp phần khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Vấn đề này được thể hiện khá rõ trong cuốn atlas Toàn đồ Trung Hoa dân quốc Bưu dư đồ, do Tổng cục Bưu chính (thuộc Bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc) xuất bản vào năm 1919 và 1933 (gồm 78 bản đồ) ở Nam Kinh không hề thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc. Ngoài ra, cuốn Atlas of The Chinese Empire do phái bộ China Inland Mission xuất bản tại Anh năm 1908 (gồm 23 bản đồ) và tập bản đồ về Năng lượng và dầu khí của Trung Quốc do Bộ Nội vụ Mỹ nghiên cứu vào năm 1980, đều không có tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời điểm đó, ngành công nghiệp Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, họ rất cần năng lượng để cung ứng. Tuy nhiên, trong những tấm bản đồ chính thống của Trung Quốc về tài nguyên năng lượng, đặc biệt là về dầu khí và than, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa như họ đòi hỏi chủ quyền bằng “đường lưỡi bò” hết sức phi lý hiện nay…

Để có được những tấm bản đồ, những cuốn atlas, Trần Thắng phải tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, thậm chí bao nhiêu vốn liếng đều dồn lại để mua. Tới lúc hết tiền thì mượn thêm của bạn bè, người thân. Sau khi mua được bản đồ quý, Trần Thắng đầu tư thời gian, công sức kiểm tra lại thông tin về nhà xuất bản, năm xuất bản, mã số… Sau đó, anh tiếp tục đầu tư công sức, tiền của để bảo quản chu đáo. Toàn bộ hình ảnh về bộ sưu tập này được lưu tại trang web của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam. Tính các khoản ăn ở, vé máy bay đi lại các nước và mua bản đồ, tài liệu… cũng tới hàng trăm nghìn USD.

Tâm sự với Trần Thắng, tôi càng bị cuốn hút vào những câu chuyện và việc làm ý nghĩa của anh. Trước khi về hiến tặng TP Đà Nẵng, anh đã mang những tấm bản đồ, những cuốn atlas quảng bá rộng rãi tại các thư viện của những trường đại học, cao đẳng hàng đầu ở Mỹ và một số cuộc triển lãm khác để bà con kiều bào, sinh viên và các tầng lớp nhân dân Mỹ xem và cùng tranh luận.

"Tôi muốn cả thế giới biết rằng, Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Tôi mong làm sao để người nước ngoài và kiều bào ta sinh sống khắp nơi trên thế giới đều hiểu biết sâu sắc hơn về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Có thể nói, những tấm bản đồ lịch sử này là bản quyền pháp lý để góp phần đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam"- Trần Thắng nói với tôi như thế.

Và trên thực tế, việc tuyên truyền, quảng bá những tấm bản đồ, những cuốn atlas này đã giúp phần lớn các tầng lớp nhân dân ở Mỹ hiểu biết hơn về những giá trị lịch sử cũng như chủ quyền của dân tộc ta từ xa xưa đến nay. Thắng cho biết: "Một tờ báo uy tín ở Hoa Kỳ đã có bài viết đánh giá cao về công trình của Trần Thắng. Lần đầu tiên một bài viết liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa tạo được dấu ấn trong lòng người đọc, bởi lâu nay, nhiều bài báo chủ yếu đề cập tới sự xung đột, chứ không nói cụ thể về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Thế nên, sau khi bài viết được đăng tải thì hàng vạn kiều bào và người dân nước ngoài nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa".

 “Gửi trọn niềm tin vào Đà Nẵng”

Giờ đây, bất cứ ai tới Bảo tàng Đà Nẵng đều xem và bình luận về ý nghĩa chính trị và giá trị pháp lý của những tấm bản đồ và những cuốn atlas do Trần Thắng sưu tầm. Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã tặng anh bằng khen vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc sưu tầm tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa…

Không phải ngẫu nhiên mà Trần Thắng tin tưởng hiến tặng toàn bộ bản đồ và những cuốn atlas do chính mình dày công sưu tầm cho Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng.

Chia sẻ với tôi về vấn đề này, anh nói: “Sở dĩ tôi hiến tặng những tư liệu này cho Đà Nẵng là gửi trọn niềm tin vào đấy, bởi đây là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Hơn nữa, Đà Nẵng lại là địa phương có huyện đảo Hoàng Sa, có Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội - nơi đang có chương trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, nên đưa tài liệu về đây để góp phần giúp địa phương mở rộng phạm vi nghiên cứu!”.
 

Trần Thắng truy cập mạng Internet

Có thể nói, với hơn 150 bản đồ (gồm bản gốc và file lưu trữ). Đây là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Ðức, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Mỹ và Hồng Công (Trung Quốc) trong khoảng thời gian 1626-1980. Trong đó có 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản. Các bản đồ này được chia thành 3 nhóm: 80 bản đồ ghi nhận cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, hoàn toàn không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, có chú thích tên tuổi các địa danh liên quan đến lãnh thổ trên đất liền Việt Nam; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á, Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Đặc biệt là 3 cuốn atlas đã bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là: Trung Quốc địa đồ (1908), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933).

Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu và đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách đến xem nguồn tư liệu quý giá này. Và họ đã đưa ra những lời bình luận xác đáng, khách quan về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay như Giáo sư sử học Phan Huy Lê, sau khi xem toàn bộ số bản đồ và những cuốn atlas do Trần Thắng trao tặng, cũng đã cảm kích trước tấm lòng của một nhà khoa học luôn hướng về quê hương, giúp Việt Nam có thêm những chứng cứ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Chính ông đã trực tiếp viết thư cho Trần Thắng. Bức thư có đoạn: “Ý nghĩa của những tấm bản đồ này gắn liền với ý nghĩa lịch sử và pháp lý. Đặc biệt, những tấm bản đồ của Trung Quốc đến năm 1933 cho thấy thời điểm đó chính quyền Bắc Kinh không có nhận thức về lãnh thổ phía Nam, tất cả bản đồ đều ghi rõ lãnh thổ của Trung Quốc kéo dài đến đảo Hải Nam. Trong khi đó, những tấm bản đồ của thế giới vẽ châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam đều chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với Việt Nam”.

Còn chuyên gia về Biển Ðông-Carlyle A. Thayer thì nhận xét, “Maps such as Thang Tran's collection, provide unique historical insights into present day claims. They show contradictions in China's claim to "indisputable sovereignty."”. Bản dịch là: “Những bản đồ từ bộ sưu tập của Trần Thắng chứng minh những giá trị lịch sử đặc trưng trong những tuyên bố ngày nay. Chúng cho thấy những trái ngược sự tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền không thể chối cãi”.

Nhớ hôm chuẩn bị ra Hà Nội tham gia cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự tổ chức, Trần Thắng đã nói với tôi, giọng rất cảm động: “Được tham gia trưng bày những tấm bản đồ quý giá này tại một cuộc triển lãm lớn như vậy ở quê nhà là ước mơ cháy bỏng của em!”.

Ước mơ cháy bỏng đó của Trần Thắng đã thành hiện thực. Hơn thế nữa, những đóng góp của anh góp phần làm cuộc triển lãm thêm phong phú và có sức hấp dẫn, thuyết phục người xem. Trong cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự, kỹ sư Trần Thắng đã giới thiệu gần 200 bản đồ và những cuốn atlas khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trần Thắng sinh năm 1970, tại quê hương “núi Ấn, sông Trà”. Đến năm 1983, anh và gia đình chuyển vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1991, anh cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí Trường Đại học  Connecticut, anh được Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tuyển dụng làm việc từ năm 1999 đến nay. Năm 2000, Trần Thắng sáng lập và hiện là Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York. Trần Thắng được nhiều cơ quan ở Hoa Kỳ và Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao vì có nhiều đóng góp trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ và giới thiệu giáo dục Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Từ câu chuyện về Trần Thắng, chúng tôi thấy trách nhiệm của mỗi người con đất Việt có tinh thần yêu nước nồng nàn là hãy cống hiến và cống hiến thật nhiều cho quê hương. Những việc làm thầm lặng, ý nghĩa như Trần Thắng đúng là rất bình dị mà cao quý…

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG