QĐND - Với tài năng, kinh nghiệm, uy tín ghép giống nhãn lồng chín muộn trong và ngoài tỉnh nên những người dân ở xóm Bắc (xã Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên) thường gọi anh Đỗ Bá Nghĩa (sinh năm 1965) với cái tên trìu mến: Anh Chủ nhiệm.
Từ người làm thuê…
Dọc đường từ thị trấn Khoái Châu về xóm Bắc, xã Đông Kết, bạt ngàn màu xanh của nhãn lồng. Nghe “danh” của người có tài ghép nhãn từ lâu nên chúng tôi quyết tâm tìm tới nhà anh Đỗ Bá Nghĩa, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nhãn lồng Khoái Châu - người nông dân “có tài” nhân giống nhãn lồng chín muộn.
Thấy khách vào nhà, chị Đỗ Thị Biên (vợ anh Nghĩa) giọng niềm nở: “Mời các anh vào nhà uống nước đợi nhà tôi, anh ấy đi có chút việc, tý nữa sẽ về”. Chỉ ít phút sau, chúng tôi thấy chị Biên cầm tới một chùm nhãn trĩu quả: “Mời các anh thưởng thức cây nhà lá vườn! Nhãn năm nay được mùa, được giá, nên các gia đình trong xóm đều phấn khởi…”. Ít phút sau, chúng tôi thấy một người đàn ông ngoài 50 tuổi, với dáng nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn bước vào. Bên những chùm nhãn lồng mọng nước, chủ nhà tâm sự về hành trình gian nan để đi đến thành công của mình…
“Năm 1985, tôi nhập ngũ vào một đơn vị công binh. Tháng 4-1987, tôi được trên điều động tham gia phục vụ chiến đấu tại Vị Xuyên (Hà Giang). Mặc dù thời gian không được nhiều, nhưng đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của đời tôi. Sau 6 tháng làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, tôi trở về đơn vị cũ công tác và đến tháng 4-1990 được phục viên trở về địa phương. Về quê được hơn một tháng, do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, nên tôi tiếp tục khoác ba lô đi làm thuê ở Bãi Lạng, huyện Lương Sơn (Hòa Bình)…”.
 |
Anh Đỗ Bá Nghĩa, Chủ nhiệm HTX nhãn lồng Khoái Châu, say sưa giới thiệu giống nhãn chín muộn của quê hương.
|
Để có được thành công như ngày hôm nay, Đỗ Bá Nghĩa đã phải trải qua những năm tháng gian nan, vất vả, vừa đi làm thuê kiếm sống, vừa mong ước học được nghề ghép nhãn. Đôi bàn tay sần sùi, chai sạn mân mê chùm nhãn, anh Nghĩa bộc bạch: “Bốn năm đi làm thuê ở Hòa Bình, tôi cũng đã tích cóp được một số vốn đáng kể để mang về quê lập nghiệp. Ngày trở về quê, thương mẹ già một mình đêm ngày còm cõi, nên tôi đã kết duyên với cô thôn nữ ở gần nhà”.
Sau khi xây dựng gia đình, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Sống trong căn nhà lụp xụp, nhiều đêm trời mưa gió, vợ chồng, con cái không có chỗ tránh phải sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Người con trai vùng đất nhãn lồng luôn trăn trở, tự đặt câu hỏi: Tại sao mọi người dân sống trên vùng đất bãi bồi phì nhiêu, có giống nhãn lồng là đặc sản nổi tiếng mà quanh năm nghèo vẫn hoàn nghèo? Với tâm huyết về cây nhãn quê mình, anh đã nuôi chí đi học nghề ghép nhãn…
... đến “chuyên gia” ghép nhãn
Nhớ về những ngày đầu học nghề, anh Nghĩa tâm sự: “Mình muốn học nghề ghép nhãn nhưng không có người dạy và cũng không có sách vở, tài liệu hướng dẫn. Nghe có người mách bảo nên mình đã đạp xe tới Viện Rau quả Trung ương, Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội… những mong có người chỉ bảo. Nhưng thật tiếc, ở đó cũng không có ai chuyên về ghép nhãn”. Không nản chí, Đỗ Bá Nghĩa về quê đi học hỏi những người già có kinh nghiệm ghép cây ở vùng đất nhãn lồng. Những ngày đầu học nghề, có ngày anh ghép tới 100 đến 200 mắt (mầm), nhưng cũng chỉ “đậu” được từ 10 đến 20 mắt. Bao nhiều tiền tích cóp được trong suốt 4 năm đi làm thuê, anh đều “nuôi” mầm nhãn, nhưng rồi thành công vẫn chưa đến. Khi tiền trong nhà đã cạn kiệt, vợ chồng anh tiếp tục đi vay ngân hàng để... tiếp tục ghép nhãn.
Với tính năng động, nhạy bén, nắm bắt xu thế phát triển của giống nhãn lồng chín muộn, năm 1998, Đỗ Bá Nghĩa bắt đầu tiên phong cải tạo vườn nhãn tạp của gia đình. Để cầm cự thời gian học nghề, anh Nghĩa thực hiện phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”. Sau bao năm lăn lộn, vất vả với mầm nhãn, vườn nhãn lồng chín muộn của gia đình sai trĩu quả, năng suất cao gấp 10 lần giống nhãn truyền thống. Tiếng lành đồn xa, đã có rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới nhờ anh ghép giống nhãn lồng chín muộn...
Hiện nay, tổng diện tích đất trồng nhãn lồng của huyện Khoái Châu lên tới 700ha (chưa tính các hộ trồng trong vườn nhà và trồng lẻ trên các trục đường giao thông liên thôn, liên xã). Nhãn được trồng chủ yếu ở các xã Đông Kết (170ha), Hàm Tử (165ha), An Vĩ (122ha), Bình Kiều (109ha), Bình Minh (63ha), Dạ Trạch (47ha)…, trong đó có hơn 80% diện tích là giống nhãn lồng chín muộn. Giống nhãn này, người dân nơi đây thường gọi với cái tên quen thuộc - nhãn Miền (ông Nguyễn Văn Miền ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử là người đầu tiên tạo giống thành công - TG). Nhãn chín muộn có đặc điểm quả to tròn, màu vàng sáng, vỏ dày, có nhiều gai nổi rõ, ít bị nứt quả, ăn có vị ngọt đậm, thơm mát và là một trong những giống nhãn quý cho năng suất cao. Mặt khác, đặc điểm nổi trội của giống nhãn lồng chín muộn là tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao và ổn định hơn những giống nhãn thường. Tuy tạo giống thành công loại nhãn này, nhưng ông Miền lại chưa sản xuất đại trà được, do chưa nắm bắt được kỹ thuật ghép cây nhân giống.
Gần 20 năm làm nghề ghép nhãn, anh Nghĩa tự hào kể về “thành tích” của mình và những nơi đã đặt chân “gây mầm sống”, giúp đỡ được nhiều gia đình phát triển kinh tế nhờ có nhãn lồng chín muộn: “Năm 2006, tôi được GS, TS Trần Thế Tục, Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội về thăm và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Tôi đã đi ghép nhãn lồng chín muộn ở hầu hết các tỉnh phía Bắc nước ta, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… ”.
Nỗi niềm của "Anh chủ nhiệm"
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nhãn lồng của gia đình, Đỗ Bá Nghĩa phấn khởi “khoe”: “Trước kia, toàn bộ khu vườn này đều là đất lúa. Nhưng từ khi biết đến giống nhãn lồng chín muộn, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng nhãn. Năm nay, gia đình tôi có gần 1ha nhãn lồng chín muộn, thu được hơn 7 tấn. Tôi cũng ghép được gần 20.000 cây giống nhãn lồng chín muộn… cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Tháng 3-2009, để tạo cơ sở pháp lý và “chắp cánh” cho giống nhãn lồng chín muộn Khoái Châu có thêm cơ hội tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước, UBND Khoái Châu đã ra quyết định thành lập HTX Nhãn lồng Khoái Châu. Anh Đỗ Bá Nghĩa được bầu làm Chủ nhiệm HTX với số phiếu tuyệt đối.
Với tình yêu và trách nhiệm với quê hương, anh Nghĩa luôn trăn trở là làm thế nào để ngày càng có nhiều người hiểu được quy trình bồi dưỡng, chăm sóc và thu hoạch nhãn? Anh đã chủ động mời các giáo viên, chuyên gia của Viện Rau quả Trung ương, Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội về giảng dạy, mở 2 đến 3 lớp tập huấn mỗi năm. Hằng tháng, các hội viên chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm bón nhãn theo chu kỳ sinh trưởng, tỉa, dọn cành và mời cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh; đồng thời, khuyến cáo các hội viên và người dân trồng nhãn thực hiện đúng các tiêu chuẩn VIETGAP… về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày đầu thành lập HTX, Đỗ Bá Nghĩa tặng 27 hội viên (2 cây nhãn lồng chín muộn/người) với chất lượng cao để nhân giống. Đối với các gia đình khó khăn, anh Nghĩa tới ghép nhãn không lấy tiền công, thậm chí còn tặng họ những cây nhãn giống tốt…
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Khoái Châu, tự hào về người nông dân nặng lòng với cây nhãn quê nhà: “Ông Nghĩa là người rất có kinh nghiệm trong việc nhân giống nhãn. Ông là người năng nổ, nhiệt tình, luôn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ mọi người dân nơi đây nhân rộng cây nhãn lồng chín muộn. Hằng năm, ông còn tích cực tham gia các hội thi, hội chợ về cây, giống nông nghiệp đều giành thành tích cao”.
Nhãn lồng chín muộn ở Khoái Châu đang là cây trồng chủ đạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Khoái Châu, ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng cả trong và ngoài tỉnh. Nhờ cây nhãn lồng chín muộn mà rất nhiều hộ gia đình kinh tế khó khăn ở Khoái Châu nói riêng và các địa phương khác nói chung đã vươn lên làm giàu. Vậy mà ông Đỗ Bá Nghĩa vẫn đau đáu một nỗi niềm mong mỏi, thương hiệu “nhãn lồng chín muộn Khoái Châu” sớm được các cấp có thẩm quyền huyện Khoái Châu và tỉnh Hưng Yên đăng ký, tạo cơ sở pháp lý và quảng bá ra thị trường trong và ngoài nước.
Niềm vui đã đến với người dân trồng nhãn lồng khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Sau cuộc làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thời gian tới, nhãn lồng và vải thiều sẽ được cấp phép xuất khẩu vào thị trường khó tính này…
Trao đổi với chúng tôi về thông tin xuất khẩu nhãn vào Hoa Kỳ, Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Khoái Châu, tâm sự: “Thị trường Hoa Kỳ và châu Âu rất chặt chẽ, khắt khe trong việc nhập khẩu. Để xuất khẩu hoa quả nói chung và nhãn lồng nói riêng, chúng tôi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn. Chúng tôi rất thiết tha mong được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, đồng thời có kế hoạch dài hạn trong việc phát triển và tìm đầu ra cho loại đặc sản này để người nông dân yên tâm, gắn bó với cây nhãn... ”.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI