Ông Nguyễn Lương Cảnh (ngoài cùng bên trái) và đồng chí Đồng Sĩ Nguyên cùng những đồng đội Đoàn 559

Tròn 40 năm, kể từ khi nhận nhiệm vụ vẽ bản đồ Đường Trường Sơn, cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh, hiện ở Tiểu khu 9, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vẫn không quên được giây phút đặt những nét chì đầu tiên phác thảo lên tấm bản đồ Đường Trường Sơn. Trường Sơn trong quá khứ, hiện tại và tương lai với ông mãi là dòng máu nóng chảy trong người…

Từ khắc bia mộ cho liệt sĩ...

Năm 1965, ông Cảnh tham gia lực lượng thanh niên xung phong, có mặt tại những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ trên khắp tuyến đường 12A, đường 10, đường 20 quyết thắng...

Ông nhớ lại: "Cuối năm 1965, sau một loạt bom của giặc Mỹ trút xuống đường mòn Hồ Chí Minh ở km39 - U Bò, đồng chí Lê Văn Di- đội trưởng Đội cầu 4- Quảng Bình- đã hy sinh. Khi ấy, chiến tranh ác liệt quá nên không thể chôn cất chu đáo được, nhưng tôi vẫn muốn đánh dấu nơi nằm xuống của đồng đội để sau này nếu có điều kiện sẽ đưa bạn về. Vì vậy, tôi cố công tìm được tảng đá và dùng một tuốc-nơ-vít khắc cho bạn một tấm bia với dòng chữ: “Đây là phần mộ liệt sĩ Lê Văn Di, đội trưởng Đội cầu 4”, kèm theo đó là một tấm bản đồ đánh dấu nơi chôn cất… Sau này, tôi còn tự tay khắc bia mộ và sơ đồ mộ chí cho rất nhiều liệt sĩ khác nữa. Chính nhờ việc làm này của tôi mà sau chiến tranh, rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ đã được xác minh tên tuổi, quê quán…”.

Thật bất ngờ, những tấm bản đồ vẽ tay, nhưng cụ thể đến từng chi tiết của ông đã được chỉ huy cấp trên biết đến. Năm 1967, ông Cảnh được điều về bộ phận vẽ bản đồ thuộc cơ quan Tham mưu, Bộ tư lệnh Đoàn 559. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ vẽ tuyến đường Trường Sơn. Ông Cảnh nhớ lại: “Khi tôi mới nhận nhiệm vụ, Tư lệnh đường Trường Sơn - đồng chí Đồng Sĩ Nguyên- gọi tôi đến căn dặn: “Nhiệm vụ của người vẽ bản đồ các tuyến đường không hề đơn giản, đòi hỏi phải tuyệt đối bí mật”.

Để vẽ được một cách chuẩn xác, đúng vị trí các tuyến đường, tọa độ của kho tàng, bến bãi, nơi đóng quân của các binh trạm…, ông Cảnh phải thu thập, nghiên cứu tài liệu, từ bản đồ thông thường, bản đồ của địch mình thu được và các đơn vị tại chỗ khảo sát gửi lên, trinh sát gửi về... Giữa núi rừng Trường Sơn mênh mông trùng điệp, ông đã lặng lẽ làm công việc vẽ bản đồ, lặng lẽ dồn hết tâm lực để tập hợp và vẽ nên mạng lưới đường hoàn chỉnh để phục vụ cho tác chiến của Bộ tư lệnh Đoàn 559. Ông Cảnh bảo: “Những người vẽ bản đồ như tôi hồi đó là những người làm “nhiệm vụ đặc biệt”, không hề được tiếp xúc với ai ngoài những người chỉ huy và không được phép nói với ai về nghề nghiệp mình làm. Ý thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian ở chiến trường tôi không cho ai biết mình làm nghề gì”.

Cẩn thận, tỉ mẩn, người trợ thủ đắc lực, người lính thuộc biên chế bí mật của Tư lệnh Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông nhớ lại: “Hôm đó Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên gọi tôi lên giao nhiệm vụ vẽ bản đồ chi tiết từ vị trí đóng quân của cấp đại đội đến cấp sư đoàn với đầy đủ trận địa, kho tàng… trên toàn tuyến đường Trường Sơn, với tỷ lệ 1:500.000 để Bộ tư lệnh Đoàn báo cáo lên cấp trên. Sau 4 tháng thì tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi mang tấm bản đồ đã hoàn thành trao cho đồng chí Tư lệnh trưởng, sau một hồi xem xét, ông bảo: “Cậu vẽ lại”. Tôi phân vân: “Báo cáo đồng chí, tấm bản đồ này tôi đã kiểm tra và vẽ rất chính xác”. Đồng chí Tư lệnh trưởng vừa cười, vừa vỗ vai tôi, bảo: “Chính tại vì tấm bản đồ vẽ cụ thể quá nên phải làm lại. Nếu trên đường chuyển ra Hà Nội, chẳng may bản đồ lọt vào tay địch thì rất nguy hiểm”. Sau đó, tôi về chỉnh sửa lại tấm bản đồ với tỷ lệ sai lệch 5km, một số vị trí tuyệt mật được dùng bằng ký hiệu riêng... Sau này, tôi và tổ vẽ bản đồ được Bác Hồ biểu dương, khen ngợi”.

Trường Sơn là dòng máu chảy mãi trong tôi

Năm 1980, ông Cảnh xuất ngũ trở về quê hương trong hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn và bước vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống lại đói nghèo. Để từng bước giành chiến thắng trên mặt trận mới này, ông từng làm rất nhiều nghề, như: vẽ tranh, chụp ảnh, bán nước giải khát... Khi đã có lưng vốn, ông mạnh dạn mở cơ sở sản xuất, gia công, kinh doanh các mặt hàng nhôm kính. Từ cơ sở, ông phát triển lên thành công ty. Hiện nay công ty của ông đã có 1.000m2 nhà xưởng, với 4 xe ô tô vận tải hàng hoá, doanh thu hằng năm đạt hơn 5 tỷ đồng; mức lương hằng tháng của công nhân đạt hơn 1,2 triệu đồng…

Ông Cảnh tâm sự: "Tôi mở công ty ra là để giúp cho con em CCB chưa có công ăn việc làm, cho họ vào làm và đào tạo nghề miễn phí cho họ, chứ không vì mục đích kinh doanh...". Gần 18 năm hoạt động, cơ sở của ông đã hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho 160 con em CCB của TP Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình; hỗ trợ xây dựng gần 300 cơ sở nhôm kính, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động. Năm 2006, ông còn mở thêm lớp dạy nghề về gia công nhôm kính miễn phí cho những CCB và con em CCB của tỉnh Khăm Muộn (Lào). Ông bảo: “Trong những năm tháng kháng chiến, những người bạn Lào đã luôn kề vai sát cánh cùng bộ đội Việt Nam vượt qua bao thử thách để chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Những việc tôi làm là tình cảm chân thành và sự tri ân đối với những người lính Quân giải phóng nhân dân Lào”.

Khi cuộc sống đã dần đi vào ổn định, ông Cảnh mở thêm một quán cà phê mang tên Tịnh Tâm Viên – đây là nơi ông gửi gắm tâm tư, ý nguyện bấy lâu nay mà mình ấp ủ. Trong diện tích khá khiêm tốn của quán, ông dành phần lớn để thể hiện tình cảm của mình với Trường Sơn. Một dãy Trường Sơn thu nhỏ được ông gắn bằng các khối đá vôi lớn hình thù kỳ lạ, có nhiều hang hốc, đá tai mèo, thạch nhũ… Bạn bè, đồng chí, đồng đội, những người yêu Trường Sơn, những bạn trẻ muốn tìm hiểu về Trường Sơn của một thời hào hùng, Trường Sơn của hôm nay, khi đến đây, đều được ông tiếp đón niềm nở, ân cần và những câu chuyện về Trường Sơn cứ mở ra mãi…

Bài và ảnh: CHÂU GIANG