QĐND - Đến ga Tháp Chàm (Ninh Thuận), hỏi đường về nhà vợ chồng anh Phan Văn Huệ, chị Nguyễn Thị Thanh ở khu phố 2, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tôi được bác xe ôm Nguyễn Văn Tư chở đến tận nhà. Vui câu chuyện với người từ xa tới, bác nói với tôi: “Ai chứ vợ chồng nhà Huệ-Thanh, cả phường Đô Vinh đều biết. Nhà hắn nghèo, nhưng vợ chồng hắn giàu lòng nhân ái lắm...”.
Căn nhà mái tôn thấp lè tè của anh chị Phan Văn Huệ - Nguyễn Thị Thanh nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Mới hơn 9 giờ, vừa bước vào nhà, tôi đã vã mồ hôi vì cái nóng hầm hập. Đang nằm trên giường, thấy khách lạ đến thăm, anh nặng nề chống tay ngồi dậy. Trước mặt tôi là người đàn ông dáng người nhỏ bé với khuôn mặt xanh xao, nhìn già hơn so với tuổi 53 của anh. Anh Huệ cho biết, anh vừa đi tái khám vết mổ bàng quang ở Bệnh viện Bình Dân trở về nên người không được khỏe. Mấy hôm nay vết mổ đau lại khiến anh phải nghỉ ở nhà chứ mọi khi, giờ này anh đã có mặt ở ga Tháp Chàm đón những chuyến tàu ra Bắc vào Nam với công việc hằng ngày là bốc vác hành lý, hàng hóa cho khách đi tàu để kiếm sống qua ngày… Ngồi trò chuyện với anh được một lúc, tôi thấy chị Thanh tất tả đi về. Nhìn dáng người nhỏ bé của chị, ít ai biết rằng, hằng ngày chị đã phải đổ biết bao mồ hôi, bốc xếp hàng tấn hàng hóa, hành lý cho khách đi tàu để kiếm được mỗi ngày 100-150.000 đồng lo cho cuộc sống của hai vợ chồng và hai con nhỏ cùng người mẹ chồng gần 90 tuổi hay ốm đau, bệnh tật. Trò chuyện với anh Huệ, chị Thanh, tôi được biết gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo. Ruộng đất không có, gần chục năm trời, anh chị làm nghề thu nhặt phế liệu ở ga Tháp Chàm. Thấy gia cảnh anh chị khó khăn, lại thật thà, chất phác, năm 2004, UBND phường Đô Vinh đã giới thiệu cho anh chị vào làm ở tổ tự quản xe đẩy hành lý của ga Tháp Chàm. Gần 10 năm với nghề xe đẩy ở ga tàu, mỗi chuyến tàu đến, tàu đi, dù giữa đêm khuya mưa gió hay giữa trưa hè nóng bức, anh chị phải nương theo giờ tàu chạy tất bật ra ga kiếm sống. Lao động vất vả, thu nhập không cao, lại phải nuôi hai con nhỏ cùng người mẹ già, vì vậy cuộc sống của anh chị cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Gần 10 năm kiếm sống ở ga tàu, chứng kiến cảnh nhiều hành khách đi tàu bị ốm đau, cơ nhỡ, anh chị thấy không đành lòng. Rất nhiều lần anh chị đã dang rộng vòng tay, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn với tâm nguyện giúp người là để lại đức cho con cháu…
 |
Anh Huệ, chị Thanh cùng hai cô con gái chăm ngoan, học giỏi bên ngôi nhà cũ của mình.
|
Đang ngồi trò chuyện cùng tôi, điện thoại của chị Thanh bỗng đổ chuông. Qua câu chuyện của chị, tôi được biết, người vừa điện thoại hỏi thăm chị là cô giáo Cao Thị Giang, giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - vợ của Thiếu tá Lê Anh Tài, Trạm phó trạm kỹ thuật T61, Vùng 2 Hải quân - người mà anh chị vừa giúp chăm sóc hơn 10 ngày ở Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận khi cô giáo Giang cùng con nhỏ 3 tuổi trên đường ra thăm quê, không may bị sinh sớm, không có người thân bên cạnh. Câu chuyện chị kể cho tôi nghe như mới xảy ra hôm qua…
Dịp hè vừa qua, cô giáo Giang đang mang thai tháng thứ 8 cùng con nhỏ về thăm quê, gần đến ga Phan Thiết thì đau bụng dữ dội. Cô Giang đã báo cho trưởng tàu xin xuống ga gần nhất để khám bệnh. Nhân viên tàu đã đưa hai mẹ con Giang xuống ga và nhờ nhân viên ga Tháp Chàm gọi xe đưa về Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận khám thai. Cùng đi đến bệnh viện với Giang, có chị Thanh, nhân viên tổ xe đẩy hành lý ga Tháp Chàm. Các bác sĩ ở đây xác định cô Giang có dấu hiệu sinh sớm, phải mổ. Một mình với con nhỏ, lại đang bụng mang dạ chửa, cô Giang không khỏi lo lắng. Biết vậy, chị đưa cháu nhỏ về nhà cho chồng và hai con chăm sóc, còn chị thì trực ở bệnh viện để chăm sóc, lo cho cô từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến vệ sinh cá nhân. Hằng ngày, anh Huệ đều đặn mang cơm đến bệnh viện giúp vợ chăm sóc cô Giang.
Thời điểm đó Thiếu tá Lê Anh Tài, chồng cô, đang làm nhiệm vụ trên biển ở khu vực Nhà giàn DK1. Mãi hơn một tháng sau, anh mới trở về đất liền gặp mặt vợ con. Tôi đã được đọc lá thư với lời lẽ hết sức chân tình anh Tài gửi cho tôi kể về những việc làm đầy tình nghĩa của vợ chồng anh Huệ, chị Thanh: “… Trong lúc vợ con tôi đang ở nơi đất khách quê người, lại có bầu cùng với con nhỏ dại, bản thân tôi lúc ấy đang ở giữa biển khơi mênh mông, không thể nào về giúp đỡ được vợ con. Hai bên gia đình lại ở xa, chưa vào ngay Tháp Chàm được, rất may mắn cho gia đình tôi đã nhận được sự giúp đỡ đầy nghĩa tình, vô tư trong sáng của vợ chồng chú Huệ, cô Thanh và của một số nhân viên nhà ga như anh Dân, cháu Hồng. Những tấm lòng nhân ái ấy của chú Huệ, cô Thanh, gia đình chúng tôi mãi mãi không bao giờ quên…”.
Cảm kích trước tấm lòng nhân ái của vợ chồng anh Huệ, chị Thanh, gia đình cô Giang đã gửi anh chị chút quà để tỏ lòng biết ơn, nhưng anh chị kiên quyết từ chối. Đây không phải là lần đầu anh chị giúp người không may gặp hoạn nạn, khó khăn.
Mới đây nhất, ngày 16-7, bà Nguyễn Thị Án, quê ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội, đi tàu ra Bắc, bị tai biến mạch máu não, phải xuống ga Tháp Chàm để vào Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận cấp cứu, hai vợ chồng anh Huệ, chị Thanh lại đưa vào viện, đóng giúp tiền viện phí và chăm sóc hai ngày liền cho đến khi gia đình vào đón về Hà Nội chữa trị tiếp.
Trong ngôi nhà nhỏ của anh chị, có một bức ảnh anh chị chụp chung với vợ chồng và con nhỏ gần 3 tuổi của Thiếu tá Hoàng Nghĩa Thanh, Đội trưởng Đội điều tra Công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chuyện xảy ra cách đây đã gần 3 năm. Năm 2010, do bị hiếm muộn, chị Trần Thị Thủy, vợ Thiếu tá Hoàng Nghĩa Thanh, nhân viên Bảo tàng Xô-Viết Nghệ Tĩnh, tỉnh Nghệ An vào Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi đi tàu về Vinh, đến ga Tháp Chàm, bỗng dưng chị bị ngất xỉu, nhân viên trên tàu phải đưa chị xuống ga để vào Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận cấp cứu. Anh Huệ lúc đó đang đẩy xe ở ga đã đưa chị vào bệnh viện. Còn chị Thanh khi hay tin đã tới chăm sóc chị Thủy, cho đến hơn một ngày sau, gia đình chị Thủy mới vào đến nơi. Do có dấu hiệu động thai, chị Thủy phải nằm dưỡng thai hơn 10 ngày tại nhà nghỉ. Chia sẻ với khó khăn của gia đình chị Thủy, hằng ngày anh chị đều nấu nướng thức ăn mang đến để chị Thủy bồi dưỡng sức khỏe. Cuối năm 2010, chị Thủy sinh cháu Hoàng Linh Đan trong niềm hạnh phúc vô bờ của hai bên gia đình. Gia đình Thiếu tá Hoàng Nghĩa Thanh coi anh chị là ân nhân của gia đình.
Những người không may cơ nhỡ được anh chị giúp đỡ, sau này đều trở thành những người thân thiết của anh chị. Dù xa xôi cách trở, họ vẫn thường liên lạc chia sẻ vui, buồn cùng nhau. Anh chị coi đó là niềm hạnh phúc.
Anh Trần Văn Dũng, Trưởng ga Tháp Chàm khi nói chuyện với tôi đã dành cho vợ chồng anh Huệ, chị Thanh những lời tốt đẹp: “Vợ chồng anh Huệ, chị Thanh không giàu có về tiền bạc, nhưng là người giàu có về tình nghĩa. Anh Huệ, chị Thanh đã rất nhiều lần giúp đỡ những hành khách đi tàu không may bị đau ốm hay gặp rủi ro. Anh chị là người có lối sống thật thà, chất phác, nhiều lần nhặt được hành lý, tài sản của khách để quên đều nộp cho nhà ga để trả lại hành khách mà không cần nhận lại bất cứ một sự trả ơn nào”.
Bài và ảnh: PHẠM VĂN MẤY