QĐND - Ở tuổi 70, tóc bạc, da mồi, nhưng đôi bàn chân ông vẫn ngày ngày đến từng nhà vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây đời sống văn hóa. Ông hướng dẫn bà con trồng cây lúa nước, nhận khoán chăm sóc rừng. Đêm đến, ông lại chong đèn “đánh vật” với từng con chữ để biên soạn tài liệu và dạy miễn phí cho thế hệ trẻ chữ viết của đồng bào Cơ Tu. Ông là thầy giáo về hưu Đinh Văn Trí ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng)...
"Bắt" con nước về ruộng
Từ năm 1965, ông tham gia cách mạng, làm liên lạc viên cho huyện đội Đông Giang. Ông như con thoi hết về miền xuôi, lại lên miền ngược vận chuyển tài liệu, dẫn đường cho cán bộ, bộ đội đánh giặc, giữ làng. Gần 6 năm cùng đồng đội chiến đấu, ông được tổ chức phân công làm thầy giáo dạy chữ cho đồng bào dân tộc. Tiếng là dạy chữ nhưng chủ yếu thầy giáo Đinh Văn Trí tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Cơ Tu gùi lương, tải đạn phục vụ chiến trường. Cũng chính nhờ những lớp học bổ túc văn hóa giữa rừng xanh mà thầy giáo Trí “cưa đổ” cô học trò Mạc Thị Gái - hoa khôi núi rừng Đông Giang…
Gần một thập kỷ công tác trong ngành giáo dục, đến năm 1984 thầy giáo Đinh Văn Trí trở về quê hương. Ngày ấy, thôn Phú Túc nghèo xác xơ, đất đai bạc màu, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí thấp kém, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Đời sống, sinh hoạt của người dân đặc biệt khó khăn, chủ yếu củ mài, củ sắn thay cơm.
 |
Thầy giáo Đinh Văn Trí vẫn miệt mài dạy chữ Cơ Tu cho bà con.
|
Trước thực trạng đó, đảng viên Đinh Văn Trí luôn tự hỏi: Vì sao hòa bình rồi mà quê hương vẫn đói nghèo, lạc hậu? Phải làm sao đây để bà con hết khổ? Từ bao đời nay đồng bào quen sống du canh, du cư với tập tục “cuốc, đốt, cốt, trỉa” giờ về sống định canh, định cư thì biết lấy cái gì mà ăn, mà mặc? Giải được bài toán khó này không thể một sớm, một chiều..
Việc làm đầu tiên của ông là vận động bà con từ bỏ thói quen đốt rừng, chủ động khai hoang đất đồi trồng bắp, trồng mì để giải quyết khâu đói. Tập tục xưa cũ vốn ăn sâu vào tiềm thức, vào máu của người dân, nên ban đầu nhiều người chẳng tin những lời ông nói, những việc ông làm. Không nản lòng, ông chủ động “vào cuộc” để làm gương cho bà con. Hồi đó, từ sáng tinh sương ông đã vác cuốc lên nương. Bàn tay đã quen cầm súng, cầm cung tên đánh giặc, thế mà giờ cầm cuốc vẫn bị rộp phồng, bỏng rát. Nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó, Đinh Văn Trí đã cải tạo vùng đất hoang thành những nương bắp, nương mì xanh tốt...
Công sức và những giọt mồ hôi của ông thấm vào lòng đất thu được kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, thầy giáo Trí và các cộng sự kiên trì rỉ rả tuyên truyền, vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con trong thôn dần dần “sáng cái đầu, ưng cái bụng” rồi làm theo. Từ đó không riêng gì xã Hòa Phú, mà tất cả các địa phương miền núi thuộc huyện Hòa Vang từng bước giải quyết được khâu đói.
 |
Ông Trí là tấm gương tiêu biểu trong phong trào tăng gia sản xuất.
|
Một thời củ mài, củ sắn thay cơm kiên trung đánh giặc, nên thầy giáo Đinh Văn Trí hiểu, sự đói nghèo thường đi liền với lạc hậu. Vì thế muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn phải học cách trồng cây lúa nước như người kinh ở dưới xuôi. Tính ông đã nói là làm, đã làm là làm cho bằng được. Nan giải nhất là thiếu nước tưới tiêu. Giải quyết vấn đề này, ông vác rựa lên núi Đá Bàn chặt tre, nứa vận chuyển về tận suối Cha Liếu rồi kết nối lại làm mương dẫn nước về thôn phục vụ cho cây lúa. Riêng gia đình ông Đinh Văn Trí tiên phong sản xuất gần 1ha ruộng lúa nước. Vốn điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Hòa Phú quanh năm mát mẻ, lại có nguồn nước tưới tiêu dồi dào, ruộng lúa của gia đình ông sinh sôi, phát triển cho mùa bội thu. Từ thành công của chính gia đình mình, ông đã tận tình truyền thụ kinh nghiệm trồng lúa nước cho bà con. Ban đầu chỉ có vài hộ gia đình trồng lúa nước, chưa đầy hai năm sau thì hầu hết bà con thôn Phú Túc đều học tập phương thức canh tác của thầy giáo Trí. Nhờ vậy, bà con đã giải quyết được khâu đói…
Nói về công lao của thầy giáo Đinh Văn Trí, Già làng Lê Văn Rời (83 tuổi) tâm sự: “Thầy giáo Trí là người đầu tiên bắt con nước về cho cây lúa uống, giúp bà con có cái ăn, cái mặc, mang ấm no về thôn ta! Công ơn của thầy Trí to lắm, nhiều lắm!”.
Dạy chữ miễn phí cho con trẻ
Thôn Phú Túc, xã Hòa Phú được mệnh danh là “thủ phủ” của tộc người Cơ Tu ở Đà Nẵng. Do quá trình giao thoa hội nhập nên người Cơ Tu dần dần mai một bản sắc văn hóa vốn có của mình từ bao đời nay. Trong khi tiếng nói vẫn khá phổ biến thì bộ chữ viết truyền thống của người Cơ Tu gần như bị thất truyền, chỉ có ít người già viết được, còn trẻ em hầu như không biết gì. Trước tình hình như vậy, thầy giáo Trí tự nhủ lòng, mai này còn ai nhớ đến nguồn cội văn hóa, chữ viết của tổ tiên? Làm sao đây để “cứu” con chữ của dân tộc mình?
Sau nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, thầy giáo Trí quyết định liên hệ, tìm gặp các già làng người Cơ Tu ở trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng để tham khảo ý kiến, ghi chép lại từng con chữ, rồi hệ thống, biên soạn lại thành giáo án.
Đang kể, ông Trí lấy trên giá sách trao cho tôi cuốn sổ dày cộp, bên trong ghi toàn chữ Cơ Tu và nói: “Trông vậy chứ mất công lắm. Lặn lội, sưu tầm từng con chữ đã khó, nhưng biên soạn sao cho dễ nhận biết, dễ hiểu, dễ nhớ còn khó hơn. Gần chục năm tôi mới có được nó đấy chú ạ!".
Trò chuyện với ông, tôi hiểu thêm đức tính kiên trì, nhân hậu và tình thương, trách nhiệm đối với thế hệ trẻ của người thầy về hưu đáng kính này… Buổi đầu dạy chữ Cơ Tu cho các cháu học sinh hết sức khó khăn. Chữ Cơ Tu phiên âm phức tạp, rất khó viết, ông cầm tay rèn từng chữ một. Điều đáng trân trọng là kinh tế gia đình cũng không dư giả gì, nhưng ông dạy chữ Cơ Tu cho bọn trẻ bằng tâm huyết của mình, chứ hoàn toàn không thu một đồng học phí nào. Thậm chí để khuyến khích các cháu học chữ Cơ Tu, ông còn trích tiền lương hưu mua tặng sách, vở, giấy, bút. Nhiều hôm ông bảo vợ lên nương dỡ khoai, sắn về luộc phục vụ các cháu… Vậy mà có bữa mới chỉ học được vài chữ thì đám trẻ ngồi cắn bút rồi lục tục bỏ về. Những lúc như vậy, ông nhẹ nhàng động viên các cháu cố gắng học tập. Thương ông nhiệt tình, nhân hậu, nên từ đó các cháu không bỏ lớp nữa. Cứ như vậy, khi chiều về, đêm đến, bà con trong thôn lại thấy những mái tóc vàng hoe cháy nắng, những đôi mắt trong veo chăm chú lắng nghe cách phát âm, dõi theo cách cầm bút viết từng nét chữ của thầy giáo Trí.
Gần chục năm tự nguyện “đưa đò”, thầy giáo về hưu Đinh Văn Trí đã dạy miễn phí cho hàng trăm em biết đọc và viết thông thạo chữ Cơ Tu. Thế hệ trước đây được thầy Trí dạy chữ Cơ Tu nay nhiều người đã trưởng thành như các ông Nguyễn Văn Lở giữ chức Bí thư chi bộ, ông Trần Văn Bảy giờ là cán bộ xã…
Học tập và làm theo gương Bác Hồ
Nói về thầy giáo già có công “cứu” con chữ Cơ Tu, ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú khẳng định: “Thầy giáo Trí là một đảng viên mẫu mực là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh! Nếu không có thầy thì đồng bào Cơ Tu ở Hòa Phú đã quên cái chữ dân tộc mình”.
Thật vậy, giờ đây ở tuổi 70 nhưng ông Đinh Văn Trí vẫn vững vàng như cây lim, cây táu giữa đại ngàn. Ông thường nói, là đảng viên thì phải gương mẫu, là cán bộ thì phải thương dân. Lời nói và hành động của ông luôn nhất quán. Tuy sức lực không còn dẻo dai như trước, nhưng ông vẫn tích cực cùng con cháu tham gia lao động sản xuất. Ông lại là người tiên phong nhận 6ha đất trồng cây keo lá tràm và vận động bà con cùng canh tác, hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Noi gương thầy giáo Trí, bà con ở thôn Phú Túc đều hăng hái nhận khoán đất trồng cây, gây rừng. Nhờ vậy, thu nhập của bà con từ rừng khá ổn định, đời sống từng bước được nâng lên. Với cương vị là Trưởng ban công tác Mặt trận, ông luôn tuyên truyền cho nhân dân vững tin theo Đảng, vận động bà con từ bỏ hẳn những hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay, nạn mê tín dị đoan, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Chiều Hòa Vang mênh mang sâu thẳm, tiếng gió vẫn rì rào phía thung lũng sâu. Hình ảnh người thầy giáo già âm thầm dạy chữ miễn phí cho những đứa trẻ Cơ Tu nghèo với tất cả tình yêu thương chan chứa cứ đậm mãi trong tôi. Phút chia tay, tôi đọc được nỗi niềm ưu tư đọng trên đôi mắt người thầy đáng kính ấy: Tuy trẻ em thôn Phú Túc được ông dạy chữ miễn phí nhưng càng ngày lớp học càng thưa vắng dần. Ông mong mỏi một ngày nào đó, ngành giáo dục và chính quyền địa phương đầu tư kinh phí để mở lớp dạy chữ Cơ Tu cho con em để mai này còn có thể giữ được bản sắc văn hóa, giữ được nguồn cội.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG