Mười hai năm qua, bằng những đồng lương hưu và trợ cấp thương tật, ông “khăn gói” để... Nam tiến với hy vọng tìm thấy những đồng đội thân yêu của mình đã hy sinh vì Tổ quốc. Bước sang tuổi 66 vẫn phải đi thuê nhà ở, nhưng cứ nghĩ đến những liệt sĩ chưa về được với quê mẹ ông lại vững bước lên đường tìm kiếm. Ông thương binh 2/4 Nguyễn Văn Chính, quê ở thôn Mỹ Lộc, xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà, đã lặn lội cùng thân nhân các liệt sĩ đi suốt dọc dài đất nước để kiếm tìm và đưa hài cốt các anh về với xóm làng...

Tìm mộ liệt sĩ ở Trường Sơn. Ảnh: Internet

Giọng kể ấm áp, nhẹ nhàng pha chút trầm tư, sâu lắng ông đã đưa chúng tôi đi từ những cảm xúc hồi hộp, lo lắng của mỗi trận chiến đến sự cảm phục, kính trọng qua từng kỷ niệm về tình đồng đội ngày ấy và hôm nay.

Nhớ lắm... đồng đội ơi!

Có lẽ trận chiến để lại nhiều “dấu ấn” nhất đối với ông chính là trận đánh đêm giao thừa Mậu Thân năm 1968. Đơn vị ông (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A, Bộ Quốc phòng) có nhiệm vụ nghiên cứu nhiều địa điểm để chuẩn bị cho bộ đội chủ lực tấn công địch. Sau lời chúc Tết của Bác Hồ, theo kế hoạch, các đơn vị đồng loạt phát hỏa tấn công tiêu diệt địch.

Nhưng đơn vị ông lại được lệnh chuyển sang đánh trận công kiên, thu hút địch để đơn vị đột phá cửa mở.

Phải vượt qua 10 hàng rào để tiếp cận mục tiêu, ông làm nhiệm vụ ôm bộc phá khối để đánh lô cốt đầu cầu. Do đồng đội hy sinh nhiều, tiểu đội trưởng Phạm Đức Xế (quê Hải Dương) và chiến sĩ hỏa lực Nguyễn Văn Hiệp (quê Hà Bắc) đã nhanh trí nằm đè lên hàng rào tạo lối đi cho ông ôm khối bộc phá nặng 20 ki-lô-gam, xông vào đánh lô cốt địch. Phải giẫm lên thân thể đồng đội đang đau đớn thế kia nên ông lưỡng lự giây lát, nhưng nghe giọng nói dứt khoát, quyết liệt và ánh mắt như có lửa của trung đội trưởng: “Tiến lên!”, ông đành giậm vào lưng 2 đồng đội để lao lên. Tiếng nổ xé đất, chiếc mũ sắt trên đầu bị xé toác, đạn găm nhiều mảnh vào đầu ông. Những mảnh lô cốt vỡ bung lên đập vào lưng, nhưng may có bao đạn khoác nên không bị gãy cột sống mà chỉ bị… vẹo thôi.

9 tháng sau, vết thương tạm ổn định, ông đã gặp bộ phận chính sách để tìm hiểu về Trung đội của mình thì được biết trong số 47 cán bộ, chiến sĩ của trung đội sau trận đánh có tới 44 đồng chí hy sinh và chỉ còn 3 người bị thương, trong đó có ông. Hôm đánh trận ấy, mấy anh nuôi cứ ngóng tin, cơm canh thì nguội lạnh rồi mà chẳng thấy ai về ăn, họ cứ ôm nhau khóc mãi… Kể đến đây ánh mắt ông rưng rưng xúc động, giọng ông như nghẹn lại. Sống mũi tôi cay cay khi nghe ông nói: “Tôi có cảm giác như đồng chí Xế, đồng chí Hiệp và tất cả anh em trung đội vẫn còn sống và đang hiện hữu đâu đây. Họ vẫn đùa vui, tếu táo dù biết rằng nằm trong đội quân “cảm tử". Tôi không thể nào quên được ánh mắt như có lửa của đồng đội khi thúc giục tôi nhảy lên lưng họ để tấn công địch. Khi sức khỏe bình phục tôi đã thầm hứa cần phải làm gì đó để tìm lại hài cốt của đồng đội và đưa họ về quê…”.

Dù tuổi đã cao và mang trên mình nhiều thương tật, 7 mảnh đạn trên đầu ông chưa gắp ra được, có mảnh tạo thành vết lõm sâu vẫn dở chứng làm ông thường xuyên đau nhức, nhưng mỗi đợt đi tìm kiếm ông lại cảm thấy mình như khỏe ra. Ông còn nhớ như in lúc ông bị thương, đồng chí Nguyễn Văn Trân (quê Hải Dương) đã ôm chặt lấy ông và nói “Tao sẽ trả thù cho mày”. Rồi ông lịm đi… Vậy mà khi ông bình phục, đồng chí Trân đã trở thành liệt sĩ. Những đồng đội của ông, kể cả Nguyễn Văn Trân đến nay vẫn nằm đâu đó chưa được về với gia đình. Điều ấy đã khiến đôi chân người thương binh Nguyễn Văn Chính càng dẻo dai hơn để hằng năm vững bước xuôi phương Nam tìm kiếm…

Thất hứa với người đã khuất là có tội!

Không có một nguồn kinh phí tài trợ nào mà hằng năm ông vẫn miệt mài… Nam tiến đi tìm hài cốt đồng đội. Có năm ông tổ chức đi tới 4 lần vào Quảng Trị như năm 2006. Năm 2007 ông đã đi 2 chuyến vào miền Đông Nam bộ. Nhiều thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh gọi ông là “nhà ngoại cảm” bởi kết quả tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ sau mỗi “tua”… về chiến trường xưa! Nhưng ông chỉ cười và bảo: “Ngoại cảm gì đâu, cốt là cái “tâm” của mình nên các liệt sĩ đã đưa đường chỉ lối đến nơi…”.

Ông bắt đầu đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ tháng 12-1995 và khi nghỉ hưu (năm 1998) thì ông dành tất cả thời gian để xác minh tin tức về các liệt sĩ và tổ chức các chuyến “du Nam”. Ban đầu

Dù tuổi đã cao và mang trên mình nhiều thương tật, 7 mảnh đạn trên đầu ông chưa gắp ra được, có mảnh tạo thành vết lõm sâu vẫn dở chứng làm ông thường xuyên đau nhức, nhưng mỗi đợt đi tìm kiếm ông lại cảm thấy mình như khỏe ra. Ông còn nhớ như in lúc ông bị thương, đồng chí Nguyễn Văn Trân (quê Hải Dương) đã ôm chặt lấy ông và nói “Tao sẽ trả thù cho mày”. Rồi ông lịm đi… Vậy mà khi ông bình phục, đồng chí Trân đã trở thành liệt sĩ. Những đồng đội của ông, kể cả Nguyễn Văn Trân đến nay vẫn nằm đâu đó chưa được về với gia đình. Điều ấy đã khiến đôi chân người thương binh Nguyễn Văn Chính càng dẻo dai hơn để hằng năm vững bước xuôi phương Nam tìm kiếm…

chỉ mình ông, sau nhiều người biết tin, họ tìm đến nơi nhờ ông giúp. Từ đó, ông đã tập hợp hàng trăm giấy báo tử, thư, ảnh hay bất cứ kỷ vật nào của liệt sĩ để xác định chiến trường, đơn vị, hay nghĩa trang, vị trí chôn cất…

Thật khó khăn khi nhiều liệt sĩ chỉ có mỗi dòng thông tin “hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam, đã an táng tại nghĩa trang mặt trận” trên Giấy báo tử, nhưng qua các mối quan hệ đồng đội ở Hội cựu chiến binh và nhiều nơi khác, ông đã xác định được liệt sĩ ở đơn vị nào, hy sinh tại chiến trường nào. Có khi chỉ nhờ một lá thư của liệt sĩ gửi về cho gia đình trước ngày hy sinh, ông đã xác định được phiên hiệu đơn vị hoặc địa điểm mặt trận tham gia chiến đấu của liệt sĩ. Cứ thế, ông cặm cụi đêm ngày “nghiên cứu” từng di vật của liệt sĩ rồi liên hệ các đơn vị cũ xem còn ai cùng chiến đấu và biết gì về các anh để xác minh và củng cố thông tin thêm chi tiết, cụ thể hơn. Rồi ông liệt kê tất cả những liệt sĩ ở cùng một đơn vị, hy sinh ở cùng một địa danh, mặt trận và gặp gỡ, trao đổi với gia đình các anh, sau đó tổ chức “lên đường” tìm kiếm. Có lẽ, chính bởi cái “tâm” sáng của ông nên nhiều liệt sĩ đã “phù hộ độ trì” giúp ông phán đoán rất chính xác nơi các anh đang yên nghỉ để “đón” các anh về trong niềm vui khôn tả của gia đình và quê hương nơi thuở nào đưa tiễn các anh đi…

Rất nhiều trường hợp khi ông và đoàn tìm kiếm đến vị trí hy sinh của liệt sĩ thì không còn phần mộ ở đó nữa. Vậy là cuộc tìm kiếm lại kéo dài hơn so với dự định ban đầu. Như trường hợp người thân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, là đặc công nước hy sinh tại Cửa Việt nhưng khi tìm đến thì ngôi mộ đã bị di dời đi nơi khác. Phải mất nhiều thời gian “bám” địa bàn và nhờ người dân khu vực để xác minh, cuối cùng đã tìm thấy liệt sĩ ở nghĩa trang Đường 9. Có trường hợp người vợ liệt sĩ 38 năm khắc khoải ngóng tin phần mộ của chồng đến nay đã già yếu, nhưng vẫn không thấy mà chỉ có một thông tin là liệt sĩ ở Sư đoàn 304 mà ông Chính đã suy đoán rằng, liệt sĩ nằm ở nghĩa trang Hướng Hóa, sau tìm thấy đúng như ông dự đoán.

Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn, ngần ấy năm ngược, xuôi Nam - Bắc, thì ông lấy tiền đâu mà đi, ông rưng rưng cảm động tâm sự: “Tôi vẫn còn sống về với gia đình, làng xóm, trong khi đồng đội và biết bao liệt sĩ khác vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Điều đó làm tôi day dứt, nhưng cũng phải đến lúc nghỉ hưu mới có thể thực hiện được. Tiền thì chủ yếu mình bỏ ra, sau tìm được cũng có gia đình thân nhân trợ giúp một phần”.

Cũng bởi ông làm một công việc rất đáng trân trọng nên đến bất cứ địa phương, cơ quan, đơn vị nào ông cũng nhận được sự nhiệt tình, nên cũng đỡ chi phí đi rất nhiều. Đầu tháng 7 năm nay ông vừa cùng đoàn CCB Đặc công khu vực Hà Nội tổ chức chuyến đi tìm kiếm 7 hài cốt liệt sĩ phải qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… Và đến 10 giờ đêm ngày 10-7 đoàn đã tìm được 6 liệt sĩ (Đặng Văn Khoa, Trần Đăng Cự, Dương Ngọc Lương, Trần Duy Nho, Lương Thanh Hải, Nguyễn Văn Xuân), ngoài ra còn tìm thêm được 7 liệt sĩ khác.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Ban liên lạc Đoàn Đặc công B29 tại Hà Nội đã gọi vui ông là “nhà ngoại cảm” vì khả năng phán đoán, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo nguyện vọng gia đình. Còn ông Chính thì chân thành nói: “Đợt tìm kiếm lần này thành công ngoài dự định là nhờ có sự giúp đỡ của các cựu chiến binh, chính quyền địa phương và đơn vị, đồng đội cũ".

Hạnh phúc ngày trở về...

Chắt chiu được đồng nào, người thương binh ấy lại dồn hết cho các chuyến đi tìm đồng đội. Như vậy, hẳn cuộc sống sinh hoạt gia đình của ông cũng thuộc vào dạng khá giả? Nhưng không, trái lại hoàn toàn! 66 tuổi rồi, ông vẫn phải thuê nhà để ở. Còn cô bộ đội thông tin dễ thương-người vợ yêu quý của ông đã mất cách đây 8 năm rồi.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông bà cố thắt lưng buộc bụng để nuôi dạy 4 người con nên người (3 đã tốt nghiệp Đại học, một đang học). Căn nhà ông đang ở thuê chỉ có 20m2 tại số 10B, Hàng Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vậy mà ông vẫn nghĩ mình còn có điều kiện hơn so với nhiều người khác vì có lương hưu và trợ cấp thương tật. Chính vì thế khi được đơn vị cấp đất làm nhà ông đã nhường lại cho một gia đình liệt sĩ còn khó khăn hơn ông…

Nhắc lại người vợ yêu quý, nét mặt ông ngời lên niềm hạnh phúc. Năm 1966 ông đóng quân ở Hà Tây và đã thầm yêu trộm nhớ cô gái quê lụa Nguyễn Thị Kim Dung. Để giữ trọn mối tình với ông, “cô gái quê lụa” đã xung phong nhập ngũ vào đơn vị thông tin. Chờ đợi 7 năm đến khi chàng trai Nguyễn Văn Chính làm nhiệm vụ đưa thương binh từ chiến trường phía Nam ra Bắc điều trị, hai người mới có cơ hội tổ chức đám cưới. Cũng là người lính, bà luôn thấu hiểu tâm trạng của chồng, nên không chỉ động viên mà còn dành dụm, tiết kiệm từng đồng chi tiêu sinh hoạt để giúp chồng thực hiện ước nguyện tìm kiếm đồng đội. Khi bà qua đời, các con ông lại tiếp tục thay bà chăm sóc cho cha, từ lọ dầu gió, viên thuốc cảm, bánh xà phòng, chu đáo như ngày mẹ Dung còn sống chuẩn bị trước mỗi chuyến ông đi…

Đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ do thương binh Nguyễn Văn Chính tổ chức chỉ lưu lại đơn vị Đặc công B29 đúng một đêm. Sáng hôm sau mọi người đã vội vã từ giã để tiếp tục lên đường theo kế hoạch. Những cái bắt tay thân thiết, những bàn tay vẫy chào đầy lưu luyến của cán bộ, chiến sĩ đơn vị Đặc công B29 với đoàn CCB tìm kiếm mộ liệt sĩ cứ đọng mãi trong tôi. Mong rằng, ngày càng có nhiều những tấm gương như thương binh Nguyễn Văn Chính để những người mẹ có thể thanh thản “nhắm mắt” khi về già, những người vợ bớt khắc khoải ngóng tin chồng và những người con được an ủi phần nào khi được “đón” người thân về trong vòng tay yêu thương của gia đình và làng xóm.

Bình Dương, đêm mưa tháng 7-2007

BĂNG PHƯƠNG