LTS: Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo tài năng đức độ, người chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường, nhà lãnh đạo thực tiễn phong phú của Đảng và dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm. Dù ở lĩnh vực công tác nào đồng chí cũng nêu cao những phẩm chất cao quý của người Đảng viên Cộng sản, đã có những đề xuất sáng tạo, quyết định đúng đắn, góp phần tạo ra những bước ngoặt của lịch sử. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí (7-8-1912/7-8-2012), Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu một trong những đóng góp xuất sắc của đồng chí.
Cha đẻ của khoán sản phẩm
Không quá lời khi nói như vậy về vai trò của đồng chí Võ Chí Công trong cuộc “cách mạng” nông nghiệp ở nước ta. Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân là người đã viết về vai trò của ông trong lĩnh vực này “Võ Chí Công-con người có mặt đúng lúc lịch sử có nhu cầu”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, do nóng vội, chủ quan, ngành nông nghiệp nước ta bị đảo lộn với "phong trào" hợp tác hóa ồ ạt. Một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội ập đến trên phạm vi khắp cả nước. Tình hình đến mức nguy ngập, cả nước lâm vào nạn đói, nền sản xuất bị ngưng trệ, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, người có nhiều thời gian làm việc với đồng chí Võ Chí Công giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước kể rằng: Việc đưa quy mô hợp tác xã (HTX) lên toàn xã, đặc biệt việc quản lý HTX theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp mà rõ nhất bằng phương thức “khoán việc” sai quy luật, nên không phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo của người lao động. Hậu quả trên dẫn đến tình trạng nhiều địa phương ở Đồng bằng Bắc Bộ đã tìm cách “xé rào”, khoán sản phẩm đến người lao động, tất nhiên đều là “khoán chui”. Trước tình hình ấy, đồng chí Võ Chí Công, lúc ấy với cương vị là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng đã trực tiếp về Đồ Sơn (Hải Phòng), một trong những địa phương “khoán chui” để nghiên cứu, nắm tình hình. Sau đó đồng chí đã chỉ đạo cho làm khoán thí điểm ở xã Thổ Tang (tỉnh Vĩnh Phú). Do thực tiễn các nơi làm khoán có hiệu quả, nên các cuộc họp của Ban Bí thư, của Hội đồng Bộ trưởng, hoặc các cuộc họp bàn về khoán trong nông nghiệp, đồng chí đều bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết tâm tháo gỡ cơ chế quản lý HTX nông nghiệp. Như được cởi trói, nền nông nghiệp nước ta thật sự khởi sắc từ đó. Nhà báo lão thành Hoàng Tùng kể: “có một nhà tu hành đã phải thốt lên, ông nào đưa ra sáng kiến khoán sản phẩm nên thờ ông ấy làm Thành hoàng”.
Trong các cuộc họp bàn về khoán trong nông nghiệp đã có nhiều ý kiến không đồng tình, với nhiều lý do khác nhau. Có ý kiến, nói đến khoán là đụng đến “bàn thờ", nhờ hợp tác xã mà thắng được Mỹ, cho khoán chui là phá CNXH… Đồng chí Võ Chí Công đã thẳng thắn phê phán những quan điểm và nhận thức không đúng. Đồng chí tỏ thái độ: “Nói như vậy là đồng bào, chiến sĩ miền Nam không đồng tình được. Vì suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Nam làm gì có HTX. Còn đánh giá vai trò to lớn của HTX nông nghiệp ở miền Bắc thì không ai có thể phủ nhận được. HTX nông nghiệp ở miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ đã tập trung sức người, sức của, dốc toàn lực cho tiền tuyến miền Nam. Ở chiến trường Khu 5 xung quanh tôi là những chiến sĩ thanh niên nam, nữ trong các HTX từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng miền Nam. Bây giờ hòa bình, phát triển kinh tế, xây dựng CNXH, cách quản lý của mô hình HTX cũ không hiệu quả, thì phải quyết sửa chữa, phải đổi mới nó đi”.
 |
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm cánh đồng lúa năng suất cao thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh tư liệu. |
Trải qua nhiều cuộc bàn bạc trong các cơ quan lãnh đạo, đấu tranh với những quan điểm bảo thủ và căn cứ vào thực tế của tình hình, tháng 1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị 100 về thực hiện khoán mới trong các HTX nông nghiệp, và người dự thảo chỉ thị này chính là đồng chí Võ Chí Công. Cuộc đấu tranh cho khoán sản phẩm trong nông nghiệp tưởng như vậy đã thắng lợi. Nhưng ngay sau đó lại xuất hiện luồng dư luận, khoán sản phẩm chỉ là tạm thời, là để đối phó với nạn đói trước mắt, nhìn tổng thể khoán sản phẩm chính là “khoán lùi” và thời gian tồn tại của nó là không lâu. Để nội bộ thống nhất, đồng chí Võ Chí Công đã giải thích cặn kẽ, khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động, là bước tiến phù hợp với quy luật kinh tế khách quan trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH. Chinh phục mọi người ủng hộ quan điểm này và đứng về phía khoán sản phẩm, đồng chí Võ Chí Công đã phải trải qua thời kỳ rất khó khăn vất vả…
Từ kết quả to lớn của đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, mà trực tiếp là khoán sản phẩm, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng ban Cải tiến cơ chế quản lý kinh tế Trung ương. Và từ kinh nghiệm chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, từng bước đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần quan trọng với Đảng xây dựng đường lối đổi mới toàn diện kinh tế, chính trị, xã hội đất nước ta do Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng tháng 12-1986 đề ra.
Kiên định lập trường trong sửa đổi Hiến pháp
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của đồng chí Võ Chí Công trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII là việc xây dựng Hiến pháp năm 1992. Đây là bộ luật cơ bản để Quốc hội từ nhiệm kỳ khóa IX cho đến các khóa tiếp theo và hiện nay dựa vào đó để ban hành các đạo luật, pháp lệnh thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng.
Là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí đã dành nhiều tâm trí, sức lực để nghiên cứu, tham khảo nhiều ý kiến đóng góp của các nhà hoạt động chính trị, luật pháp, khoa học, văn nghệ sĩ… và các tầng lớp nhân dân, cùng với các thành viên trong ủy ban chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung nhiều lần để có được bản dự thảo hoàn chỉnh trình kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VIII thảo luận thông qua với 100% đại biểu tán thành. Trong quá trình chuẩn bị Hiến pháp sửa đổi, có nhiều ý kiến khác nhau. Những đồng chí đã từng làm việc với đồng chí Võ Chí Công trong giai đoạn này, đều khẳng định: Trong quá trình thực hiện sửa đổi Hiến pháp, đồng chí Võ Chí Công phải trải qua một cuộc đấu tranh gay gắt với những quan điểm sai trái. Lúc đó, có quan điểm muốn xây dựng Hiến pháp theo kiểu Liên Xô (cũ), có người lại muốn làm theo kiểu Tây Âu là tam quyền phân lập, không ít ý kiến đòi bỏ Điều 4… Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí đã đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm trên. Đồng chí nói: “Càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng, xã hội ta quá độ lên CNXH trong những điều kiện đặc thù, con đường chúng ta đi không thể sao chép từ một mô hình nào có sẵn. Chắc chắn phải có thời gian và đòi hỏi phải có bước đi quá độ, những biện pháp, phương thức chuyển tiếp, và phải tìm tòi, thử nghiệm trong thực tế mới có thể từ bỏ mô hình cũ vốn đã rất quen thuộc để chuyển sang mô hình còn khá mới mẻ. Một thực tế đã thành quy luật cái mới mẻ chỉ có thể ra đời khi có những tiền đề đầy đủ cho nó nảy sinh. Do đó, phương châm là: Toàn diện, tích cực, năng động, sáng tạo, song thận trọng, có bước đi vững chắc không nôn nóng, vội vàng”. Đồng chí đã kiên trì vận dụng những quan điểm của Đảng trong sửa đổi Hiến pháp. Và Hiến pháp năm 1992 đã hội đủ các yếu tố: Thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đẩy mạnh đổi mới kinh tế, đồng thời đổi mới vững chắc về chính trị. Hiến pháp này còn khẳng định, Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản; mà nội dung chính là chính quyền thuộc về nhân dân, trước hết là giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Hiến pháp đã thể chế hóa nền dân chủ XHCN, nhân dân làm chủ đất nước; đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng…
Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 được đông đảo nhân dân đồng tình hoan nghênh, là sự ghi nhận công lao của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Hội đồng Nhà nước và đặc biệt là vai trò to lớn của đồng chí Võ Chí Công. Cùng với đó, đồng chí đã cùng với Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và các đồng chí trong Hội đồng Nhà nước tích cực đổi mới lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả của các kỳ họp Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội; đổi mới các hoạt động của Hội đồng Nhà nước. Và nền nếp đó ngày càng được hoàn thiện.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Võ Chí Công luôn thể hiện là con người của thực tiễn, nắm vững yêu cầu của thực tiễn, có mặt đúng lúc yêu cầu của lịch sử trong những thời điểm quan trọng và có nhiều đề xuất sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tạo ra những bước ngoặt lịch sử. Với tinh thần, ý chí, phẩm chất, đạo đức cách mạng, sự đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc, đồng chí Võ Chí Công đã trở thành tấm gương sáng, để lại nhiều bài học sâu sắc và quý báu cho chúng ta hôm nay.
Đặng Trung Hội