QĐND - "Đồng chí Vũ Xuân Chiêm là một chính ủy đôn hậu giàu lòng yêu thương đồng chí, đồng đội, là cán bộ lãnh đạo kiên định đường lối mà đầy lòng nhân ái… Ông cũng là một Bí thư Đảng ủy độ lượng bao dung, biết trân trọng tài năng, trí tuệ của cán bộ và chiến sĩ, nhất là đối với lớp trẻ...". "Người Thủ trưởng, người thầy ấy đã vun đắp cho tôi tổ ấm gia đình và định hướng phấn đấu cho cả cuộc đời tôi...". "Với Vũ Xuân Chiêm, tôi quý nhất một con người trung thực, thủy chung, giản dị, tiêu biểu nhân cách vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng". Đó là lời của đồng chí, đồng đội nói về Chính ủy Đoàn vận tải quân sự 559 - Vũ Xuân Chiêm (1965-1970) và đây cũng chính là giai đoạn mang dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Xuân Chiêm được Bộ đội Trường Sơn nhớ mãi.
 |
Đồng chí Vũ Xuân Chiêm, Chính ủy Bộ tư lệnh Đoàn 559 phát biểu trong Hội nghị tổng kết mùa khô năm 1965-1966 tại Trường Sơn. Ảnh tư liệu. |
Tháng 4 năm 1965, Quân ủy Trung ương quyết định giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 mở đường vận tải cơ giới trên tuyến đường Trường Sơn nhằm tăng cường vận chuyển vật chất chi viện cho các chiến trường miền Nam, Hạ Lào; bảo đảm sinh hoạt và an toàn cho các đoàn hành quân qua tuyến, chống lại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Đoàn 559 được tổ chức và tăng cường lực lượng tương đương cấp quân khu, trực thuộc Quân ủy Trung ương, quân số lên đến 24.400 người (chưa kể 1.500 công nhân của Bộ Giao thông vận tải và 7.600 thanh niên xung phong phối thuộc). Ủy viên Trung ương Đảng, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy; Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đại tá Vũ Xuân Chiêm làm Phó chính ủy Đoàn 559.
Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian này được Quân ủy Trung ương giao cho Đoàn 559 là bằng mọi cách bảo đảm bổ sung khẩn cấp vật chất chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ và trực tiếp bảo đảm cho Mặt trận Tây Nguyên. Nhận nhiệm vụ trực tiếp của trên, Phó chính ủy Vũ Xuân Chiêm chủ động đề nghị họp Đảng ủy Đoàn 559 mở rộng bàn cách thực hiện. Cuộc họp kéo dài 5 ngày (5 đến 9-7-1965) để tìm ra mọi biện pháp đưa con người, vật chất tới các chiến trường. Từ hội nghị này, ý chí quyết tâm cũng như trí tuệ sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 được phát huy cao độ, chiến thắng được "thiên tai, địch họa" cung cấp hậu cần kịp thời cho tiền tuyến.
Được tăng cường về lực lượng và phương tiện, từ năm 1965, Đoàn 559 bắt đầu hình thành phương thức vận tải bằng nhiều lực lượng, lấy bộ đội vận tải xe hơi làm trung tâm. Chuyển sang phương thức vận tải mới, vấn đề cơ bản đặt ra là phải gấp rút sửa đường cũ và mở thêm các con đường mới. Do vậy từ cuối năm 1964 đầu 1965, Đảng ủy Đoàn 559 đã lãnh đạo việc thực hiện mở đường ô tô 129, nối từ đường 12 vào đường 9 và tới Bạc trên bờ sông Sê Công, mở thêm con đường từ Pác-ca-don tới Chà Văn, Tà Xẻng nối với đường gùi của Tây Nguyên. Ngoài ra, đường sông cũng được tận dụng, khai thác bằng cách dùng thuyền, mảng chuyển hàng từ Bạc tới Pác-ca-don... Phó chính ủy thường xuyên chống gậy đi kiểm tra, phổ biến nghị quyết của Đảng ủy Đoàn tới các tuyến vận tải, kho tàng, binh trạm… xử lý ngay các tình huống khó khăn cho các đơn vị.
Tháng 12-1965, Quân ủy Trung ương quyết định bổ nhiệm Đại tá Vũ Xuân Chiêm làm Chính ủy và Đại tá Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh Đoàn 559 thay cho đồng chí Phan Trọng Tuệ trở lại cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Sau khi chấn chỉnh tổ chức, điều động cán bộ, di chuyển cơ quan ổn định, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm triệu tập hội nghị cấp ủy các đơn vị để bàn việc thực hiện quyết tâm chiến lược mới của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng là thực hiện bảo đảm xây dựng hệ thống đường vận tải Trường Sơn thông suốt liên tục nhằm thực hiện chỉ tiêu giao hàng đến các chiến trường miền Nam 14.500 tấn, bạn Lào 6.000 tấn, bảo đảm xây dựng tuyến 23.000 tấn.
 |
Trung tướng Vũ Xuân Chiêm trò chuyện với Đoàn cán bộ Thành ủy Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012. Ảnh: ktdt.com.vn. |
Đầu năm 1966, do sự đánh phá ác liệt của địch, công tác vận chuyển bảo đảm hàng hóa vật chất chi viện cho các chiến trường của Đoàn 559 đạt thấp (Mặt trận Trị Thiên 39%, Khu 5 hơn 27%) làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất chiến đấu của bộ đội, Quân ủy Trung ương yêu cầu Đoàn phải chấn chỉnh. Trước hội nghị Đảng ủy mở rộng, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm khẳng định: “... Tôi nhận phần trách nhiệm nặng nề, đấy là biểu hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong chiến đấu…”. Trước sự dũng cảm tiếp nhận sự phê bình từ Quân ủy Trung ương của Chính ủy, từng cán bộ tự phê bình rất tự giác. Từ tinh thần của hội nghị này, bộ đội toàn Đoàn có sự chuyển biến rất rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ.
Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên vào thay Tư lệnh Hoàng Văn Thái. Chính ủy Vũ Xuân Chiêm và Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên sâu sát đời sống bộ đội, hai người đi đến thống nhất giải pháp “tổ chức hiệp đồng các binh chủng, chiến đấu dưới sự chỉ huy thống nhất, trực tiếp của trung đoàn, binh trạm và Bộ Tư lệnh”. Kết quả, các mùa vận chuyển sau đó, Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Từ cuối năm 1965 đến năm 1969, tình trạng thiếu đói trên chiến trường Tây Nguyên và Khu 5 kéo dài, nhiều đơn vị chỉ còn đủ gạo cho thương binh, bệnh binh, còn phần lớn phải ăn môn dóc, môn thục, củ móng ngựa… thay gạo. Năm 1967, nhiều lúc bộ đội khi kiếm rau xanh "chỉ được ăn lá già, không ăn lá non, không nhổ cây rau rừng, chỉ hái lá". Mùa hè năm 1969, tổng lương thực dự trữ của cả chiến trường Tây Nguyên chỉ đủ nuôi bộ đội một tuần. Có chiến sĩ bị thương nặng đã đưa nắm cơm khẩu phần duy nhất của mình cho đồng đội và dặn: "Tôi không sống được nữa, ăn vào cũng chẳng ích gì, đồng chí cầm lấy mà ăn để có sức tiếp tục đánh giặc". Đói cùng với lao động nặng nhọc và ảnh hưởng của chất độc hóa học Mỹ hoặc bị nhiễm độc rau, củ, quả rừng là nguyên nhân căn bản của bệnh sốt rét, tiêu chảy, phù thũng, phù tim… có thời kỳ ở các bệnh xá, số bệnh binh gấp 10 lần thương binh. Có trung đoàn, mỗi chiến dịch từ 300 đến 400 người ốm yếu phải nằm lại. Thiếu đói, đau ốm làm một số cán bộ, chiến sĩ bi quan, dao động, lẻ tẻ có quân nhân đào ngũ, thậm chí có kẻ "chiêu hồi" địch; nhiều nơi xuất hiện những câu ca tiêu cực như: "Tây Nguyên đi dễ khó về. Thiếu gạo, thiếu muối tái tê lòng người". Những khó khăn trên, buộc ta phải tinh gọn biên chế, chuyển lực lượng ra miền Bắc. Mặt trận Tây Nguyên còn 4 trung đoàn, Quân khu 5 ở chiến trường đồng bằng chỉ còn 4 trung đoàn bộ binh…
Tình hình trên, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm từng nói trong nước mắt: "… Tôi đã nghe đồng chí Tư lệnh Trị Thiên và Tây Nguyên thông báo tình hình đói, đau ốm gây tổn thất rất nặng nề trong vùng căn cứ vì không kịp thời cấp cứu…". Để chia sẻ và dành phần nhiều lương thực cho bộ đội chiến đấu, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm chủ động đưa ra kiến nghị và thực hiện: "Ưu tiên dành các chiến trường, tiếp đến là những binh chủng trên Trường Sơn, sau rốt là cơ quan Bộ Tư lệnh ngày ăn hai lạng gạo với rau rừng…". Ngay từ khi chuẩn bị vào tuyến 559, Vũ Xuân Chiêm đã gặp Cục trưởng Quân y Vũ Văn Cẩn và ghi chép vào sổ tay những tác hại của muỗi độc và phương pháp phòng chống. Trước tình hình bộ đội bị sốt rét tăng mạnh, Vũ Xuân Chiêm rất băn khoăn và áy náy về việc mình chưa lường hết độ nguy hiểm của bệnh dịch này. Khi bác sĩ Phạm Ngọc Thảo được cử về Đoàn, một cuộc họp được Vũ Xuân Chiêm tổ chức ngay với quân y để thành lập các "đội săn muỗi" đến các vùng "rốn" muỗi độc, điều trị tập trung dứt điểm các cơn sốt của bộ đội…
Từ năm 1965 đến 1970, thời gian đồng chí Vũ Xuân Chiêm làm Chính ủy Đoàn 559, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ một con đường nhỏ, trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Cùng với các đồng chí Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đồng Sĩ Nguyên… Chính ủy Vũ Xuân Chiêm có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Đường Hồ Chí Minh lịch sử, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một huyền thoại trong Chiến tranh Việt Nam.
Ngô Nhật Dương