Trong những ngày qua, nhân dân xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và một số vùng lân cận rộ lên tin đồn về một hộ dân trong lúc xây dựng nhà đã đào được ngôi mổ cổ. Theo tin đồn này, trong thi hài trong mộ là xác ướp của một cô gái, khi được khai quật lên vẫn còn nguyên hình hài, cùng với đồ di táng là nhiều loại trang sức, kim ngân, châu báu. Khi khai quật, trong mộ tỏa ra một mùi hương ngào ngạt, da dẻ người chết vẫn còn trắng hồng, tươi màu. Nội tạng vẫn chưa phân hủy…Trong buổi sáng 5-9, chúng tôi đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo xã Ninh Hiệp cùng với gia đình khai quật được ngôi mộ kia để xác minh sự chính xác của tin đồn...
"Mộ cổ" chỉ khoảng 100 năm |
Ông Nguyễn Trọng Sâm-Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp-tỏ ra khá ngạc nhiên trước sự lan tỏa nhanh chóng của tin đồn này. Ông cho biết: Trong khoảng 15 năm trở lại đây trên địa bàn xã cũng đã khai quật được khá nhiều ngôi mộ cổ, nhưng những ngôi mộ này đều đã có người nhận như trường hợp ngôi mộ của gia đình ông Tỉnh, hay của dòng họ Lý. Những trường hợp trước, các gia đình hoặc dòng họ đều có những ghi chú trong gia phả, nên dễ dàng xác định được danh tính cũng như mốc mộ chí của người đã khuất. Về trường hợp ngôi mộ mới được khai quật gần đây, ông Sâm khẳng định: “Sau khi thông báo trên Đài truyền thanh xã và báo cáo lên phòng VH-TT huyện, sau 24 tiếng không có người nhận chúng tôi xác định đây là mộ vô thừa nhận, và đã cho gia đình anh Trung (chủ nhân ngôi nhà có mộ nằm trong khuôn viên) quy tập vào nghĩa trang xã theo đúng trình tự, thủ tục quy định của nhà nước. Theo phỏng đoán của chúng tôi ngôi mộ này có “tuổi” khoảng hơn 100 năm vì lối kiến trúc và vật liệu xây dựng”.
 |
|
Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Ngọc Tuyến-Cán bộ Văn hóa-thông tin xã-người trực tiếp giám sát việc di chuyển ngôi mộ này. Ông khẳng định
: “Đây không phải là mộ ướp thơm như lời đồn thổi và càng không giống trường hợp ngôi mộ khai quật được ở Nhật Tân hồi năm ngoái. Về kiến trúc, ngôi mộ này giống như một số ngôi mộ khác đã từng được khai quật tại khu vực này. Lớp “quách” phía ngoài là một lớp vật liệu vôi vữa trông giống như vỏ ốc, vỏ sò nghiền nát cùng với mật mía, rơm như vẫn thấy trong kiến trúc cổ. Lớp vật liệu này bao quanh một quan tài gỗ được các mép ván có gắn sơn ta kín, khít. “Quách” có chiều dài khoảng 2,4 mét, rộng 1 mét và cao khoảng 0,9 mét. Di hài người chết được quấn ngoài bằng vải trắng (giống chất liệu vải lụa) bên trong là giấy bản. Bên cạnh thi hài còn tìm được một chiếc túi đựng trầu cau (trong túi còn những miếng trầu), một chiếc quạt giấy và một đôi dày vải. Trong miệng người chết có 3 đồng tiền đã bị ô-xy hóa, không xác định được tiền lưu hành từ thời nào. Các đồng tiền đều có lỗ vuông ở giữa, không phải loại tiền hiện đại. Tổng thể, ngôi mộ không phải là mộ cổ, không có gì đặc biệt. Trái ngược với tin đồn, khi chúng tôi khai quật chiếc mộ này mùi tỏa ra rất nặng và khẳn chứ không “thơm” như mọi người vẫn nói”.
Qua tìm hiểu một số người cao tuổi trong làng cho chúng tôi biết thêm, ngôi mộ cổ này đã được biết tới từ khá lâu rồi. Lúc đó mộ vẫn nằm nổi trên ruộng rau muống. Về sau này trong khi quy hoạch dãn dân, một số dấu mốc bị hủy hoại nên không xác định được cụ thể. Vô tình trong quá trình xây dựng gia đình anh Nguyễn Như Trung ở xóm 5 mới đào phải, tuy trước đó gia đình vẫn biết ở khu vực nhà mình có một ngôi mộ cổ.
Tại sao tin đồn lan xa?
Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi được biết thông tin cụ thể đằng sau tin đồn này, bởi vì việc đào được mộ ở xã Ninh Hiệp không phải là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên qua quá trình đồn thổi, từ việc tiết lộ thông tin từ một ngôi mộ hơi đặc biệt đã được biến thành xác ướp, và cuối cùng là linh cữu của hậu duệ các đời vua nhà Lý…
Anh Trung kể lại: “Khi đào phải mộ chúng tôi đã lập tức thông báo với UBND xã và xã đã cho phát tin trên loa phóng thanh xã trong suốt một ngày đêm mà không có ai đến nhận. Do đã bị chậm tiến độ thi công, gia đình tôi quyết định chuyển mộ theo quy định của Nhà nước. Khi mở tấm ván “thiên”, mùi tỏa ra rất nặng, mọi người không ai lại gần. Lớp da và xương của thi hài vẫn bện chặt vào nhau không thể bỏ vào tiểu sành được theo phong tục “thay áo” cho người đã khuất nên gia đình mua một chiếc quan tài mới loại tốt rồi bốc toàn bộ di hài người chết cùng với đồ tùy táng bỏ vào trong đó đưa vào nghĩa trang của dòng họ tại nghĩa trang xã Ninh Hiệp. Mọi việc tưởng không có gì đặc biệt nhưng hôm sau ra chợ tôi cũng không thể tin vào tai mình về những lời người ta đồn thổi. Nào là ruột rà, nội tạng người chết còn nguyên, nào là mộ thơm, rồi nhiều đồ dùng vàng bạc…Thực tế là khi mở quan tài, thấy chưa phân hủy hết chúng tôi bốc toàn bộ vào quan tài. Vậy thôi!”.
Địa bàn xã Ninh Hiệp là nơi có nhiều hộ gia đình buôn bán vừa và nhỏ, người buôn bán tứ xứ đổ về đây giao thương. Những tin đồn thất thiệt không có cơ sở dễ gây hoang mang, rất hay được đồn thổi. Chuyện tin đồn ở đây không phải là hiếm, mặc dù không nhằm dụng ý gì nhưng những câu chuyện “kỳ quái” vẫn được người dân thêm mắm thêm muối để ly kỳ hơn…Chỉ khổ cho người dân nơi đây, trong thời gian ngắn phải đón tiếp một lượng khách quá tải và những người hiếu kỳ, khi xem xong trở về không khỏi bực mình bởi mất thời gian vì những việc không đâu!
Tuấn Anh-Đông Hà