QĐND Online - "Chiến tranh đã kết thúc, nỗi đau rồi sẽ thấm sâu vào lòng đất, nhưng hãy luôn nhớ rằng, độc lập, tự do, hòa bình của ngày hôm nay là thành quả của những hy sinh to lớn của biết bao thế hệ đi trước. Lịch sử sẽ không lặp lại, nhưng mỗi chúng ta – thế hệ trẻ đi sau đừng bao giờ quên quá khứ - quá khứ của các thế hệ cha anh, quá khứ hào hùng và đau thương, của bao hy sinh mất mát để Việt Nam hôm nay rạng rỡ cờ hoa". Đó có thể coi là phương châm sống và hành động của chị Ngô Thị Thúy Hằng, cá nhân duy nhất vừa giành giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, dành tặng cho những thành tích xuất sắc, cống hiến vì cộng đồng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những đóng góp thầm lặng của mình, chị Hằng là cá nhân duy nhất giành giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

 

Từ “cuộc chơi”…

Nếu không gặp chị, thật khó hình dung hết hai chữ “tình nguyện” và con đường chị đến với hai chữ đó dường như chính là “nghiệp” mà chị đã lựa chọn cho số phận của mình.

Một cô gái trẻ (sinh năm 1976), tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, từng 10 năm trong nghề báo tại TP Hồ Chí Minh. Mọi việc dường như khá thuận lợi với cô gái thông minh và năng động nếu không có một ngày chị tình cờ đọc được thông tin về diễn đàn có địa chỉ www.nhantimdongdoi.org của nhóm sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Thật bất ngờ, bởi bản thân gia đình chị cũng là thân nhân liệt sĩ. Chị đã gửi thông tin lên trang web đó để tìm bác và kèm theo lời nhắn sẵn sàng hỗ trợ cho hoạt động của nhóm. Gần như ngay lập tức, chị nhận được phản hồi và điều ngạc nhiên là các bạn thanh niên ấy đều không phải là những gia đình thân nhân liệt sĩ.

Nhiệt huyết tuổi trẻ như có gì thôi thúc, chị chủ động cộng tác với nhóm bạn trẻ, tranh thủ từng ngày nghỉ, đi khắp các vùng miền làm công việc “mò kim đáy bể”, sưu tầm thông tin, ghi chép cụ thể địa hình và công tác quy tập mộ liệt sĩ (LS) ở các địa phương. Cập nhật thông tin “nuôi” diễn đàn và đến cuối năm 2004, chị gần như là quản trị của diễn đàn.

Chị Hằng cho biết: “Lúc đầu chỉ nghĩ tham gia diễn đàn như một cuộc chơi chứ không ngờ nghĩ mình sẽ làm mãi. Những lần tìm kiếm thông tin, tiếp xúc với gia đình liệt sĩ, phần lớn thân nhân là người nông dân, đời sống rất khó khăn. Thấy họ quá vất vả trong tìm kiếm người thân và quan trọng là họ không có nguồn thông tin. Nghĩ đến bản thân là người có hiểu biết, lại được sống trong điều kiện tốt còn tìm không được nơi bác mình yên nghỉ. Từ đó, ý nghĩ làm thế nào để giúp họ lớn dần trong đầu”.

Với trái tim biết chia sẻ, dám hi sinh, chị đã rẽ hẳn sang một trang khác của cuộc đời, đó là công việc tình nguyện. Từ việc hình thành một trang chuyên cập nhật thông tin về liệt sĩ, đã dần phát triển thành một Trung tâm thông tin về liệt sĩ (MARIN), với nhiều buổi tư vấn cho gia đình liệt sĩ tại văn phòng hoặc tại địa phương.

Bằng đầu óc nhạy bén và vốn kiến thức sẵn có, chị cùng nhóm tình nguyện đã nghiên cứu thành công, tìm ra phương pháp xác định và phân loại giấy báo tử; giải mã hệ thống phiên hiệu các đơn vị sử dụng trong chiến tranh. Từ kết quả này, MARIN đã ứng dụng, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp nhiều nguồn dữ liệu, hỗ trợ tìm hài cốt hoặc bổ sung thông tin còn thiếu trên bia mộ LS tại các nghĩa trang dựa trên các phương pháp khoa học. Báo tin chính xác phần mộ LS cho gần 5.000 thân nhân. Bằng phương pháp khớp nối thông tin theo nhiều nguồn khác nhau, MARIN cũng thành công trong xác định trả lại đầy đủ họ tên, nguyên quán chính xác cho gần 200 ngôi mộ LS khuyết danh trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Sau 8 năm theo đuổi, hiện nay chị đã nắm trong tay thông tin về họ tên, nơi hi sinh thực tế của hơn 800.000 LS. Giống như ngân hàng lưu trữ đầy đủ thông tin, mỗi một LS khi xác định được sẽ có 10 trường thông tin về họ, như: họ tên, năm sinh, năm mất, di ảnh, mất trong hoàn cảnh nào, đơn vị nào, nơi hi sinh thực tế…

Qua tiếp xúc thông tin, thấy có nhiều trường hợp hi sinh rất anh dũng nhưng không ai biết để tôn vinh. Các anh vẫn đang nằm đó, không tên, không tuổi và không nơi hương khói… Chị Hằng cùng nhóm tình nguyện có ý tưởng xây dựng đài tưởng niệm anh hùng LS trực tuyến tại địa chỉ www.lietsivietnam.org. Đây không chỉ là nơi tôn vinh, ghi nhận những công lao và hi sinh to lớn của các anh hùng LS, mà đài tưởng niệm sẽ lưu giữ nhiều câu chuyện có thật xảy ra trong chiến tranh qua những lá thư viết từ chiến trường, lời kể của các cựu binh. Tất cả mọi người, từ khắp mọi nơi trên thế giới có thể truy cập vào đài tường niệm để thắp hương và lưu lại những dòng cảm tưởng. Hiện nhóm tình nguyện đang bổ sung dữ liệu và hoàn thiện dần công việc.

Tôi rất xúc động khi đứng ở đây và chỉ muốn nói rằng chúng ta là những người trẻ tuổi, hãy cống hiến những gì có thể làm được cho đất nước. Có thể chỉ là những công việc nhỏ nhặt, cũng có thể là công việc đem lại niềm vui cho rất nhiều người. Để có thể được vinh danh ngày hôm nay, có niềm tin của hàng triệu gia đình thân nhân liệt sĩ đứng đằng sau chúng tôi, trong đó có mẹ tôi, cũng là thân nhân liệt sĩ - chị Ngô Thị Thúy Hằng phát biểu tại lễ vinh danh.

 

Đến người “vác tù và hàng tổng”

Trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do. Tuy nhiên, mới chỉ có một phần nhỏ hài cốt được tìm thấy, xác định danh tính và đưa về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước.

Càng đi sâu vào tìm hiểu, mỗi LS là một câu chuyện, chị càng cảm nhận nỗi mất mát và sự khủng khiếp của chiến tranh không thể ghi nhận bằng lời. Nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, cung cấp địa điểm tin cậy cho các thân nhân LS để sẻ chia nỗi đau tinh thần, hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm di hài các LS… chị và nhóm tình nguyện đã vượt lên mọi khó khăn, tổ chức được 6 cuộc gặp mặt tại các địa phương, trong đó có những cuộc cao điểm thu hút 1.000 thân nhân LS tham gia.

Từ chối nhiều vị trí có thu nhập cao, 8 năm qua, chị Hằng vẫn tự bỏ tiền túi để làm những công việc thầm lặng nhưng mang lại niềm vui cho hàng nghìn thân nhân LS. Chị và những tình nguyện viên đang làm việc tại trung tâm và các văn phòng đại diện ở hầu hết các tỉnh trong cả nước vẫn đang làm việc với một chữ “Tâm” duy nhất.

Công việc không lương không phải là vấn đề nhóm quan tâm, điều họ trăn trở là làm sao cho hoạt động của nhóm được công nhận tư cách pháp nhân. Tất cả các địa phương, tổ chức và các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đều biết đến hoạt động và hiệu quả xã hội của nhóm nhưng việc kết nối thông tin vẫn vô cùng khó khăn khi không thể phối hợp với các cơ quan chức năng; các địa phương, tổ chức các buổi gặp mặt truyền thông sâu rộng… do không có con dấu đóng vào văn bản.

Chị chia sẻ: “Từ trước tới nay, mọi người đều quan niệm những hoạt động có liên quan đến liệt sĩ đều là của các cơ quan ban ngành của Đảng và Nhà nước. Chưa có một tiền lệ nào từ một tổ chức cá nhân.

Khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã luôn coi trọng việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhưng sự khốc liệt của chiến tranh, thời gian khiến thông tin về LS sẽ ngày bị mai một. Vì vậy, việc tìm thông tin về các chú, tìm thông tin về nơi các chú hy sinh, theo cá nhân tôi nghĩ không còn là trách nhiệm của một tổ chức, cơ quan ban ngành nào mà mỗi chúng ta nên tự có trách nhiệm với những thông tin có liên quan đến liệt sĩ để cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan ban ngành liên quan góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Sự tri ân cần được xã hội hóa từng ngày, từng giờ chứ không chỉ trong dịp 27-7. Thời gian không chờ một ai, sự tri ân không bao giờ là đủ. Nếu có sức mạnh của cả xã hội, cộng đồng, đặc biệt là sự chung tay của các bạn thanh niên thì những thông tin về liệt sĩ sẽ nhiều hơn, nỗi đau sẽ vơi bớt đi”.

Bài, ảnh: Thu Hà