QĐND - Con đường khoa học không chỉ đầy khó khăn, gian khổ, chông gai, mà cần cả sự hy sinh, xả thân vì sự phát triển. Đó là con đường thầy giáo Nguyễn Phan Thanh đã chọn. Tinh thần hy sinh quả cảm, tấm lòng thương yêu đồng nghiệp của ông đã hun đúc trong tâm hồn các thế hệ sinh viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) lòng khát khao nghiên cứu khoa học, hăng say sáng tạo, tìm kiếm và chiếm lĩnh tri thức mới, ứng dụng có hiệu quả trong chiến đấu, sản xuất.

Sinh viên là những người đồng nghiệp

Đó là quan niệm của thầy giáo, liệt sĩ Nguyễn Phan Thanh trong công tác đào tạo ở một ngành đặc thù nhiều nguy hiểm, rủi ro mà Bộ môn Đạn do ông làm chủ nhiệm từ những ngày đầu khi còn là Phân hiệu hai Đại học Bách Khoa, tiền thân của Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự -HVKTQS).

Thầy giáo liệt sĩ Nguyễn Phan Thanh. 

Lớp sinh viên đầu tiên mà ông trực tiếp giảng dạy là sinh viên đang học năm thứ 3 chuyển tiếp từ các lớp ngành cơ khí, hóa học của Trường Đại học Bách Khoa. Khó khăn đầu tiên không phải là nội dung khoa học mà chính là công tác tư tưởng và định hướng nghề nghiệp. Con đường binh nghiệp đầy khó khăn gian khổ. Đạn dược là một ngành nguy hiểm, nhiều rủi ro. Điều kiện học tập quá thiếu thốn về tài liệu, chương trình, phòng thí nghiệm, lớp học được trang bị… chưa có, lớp học nơi sơ tán, bàn ghế làm bằng tre nứa, có lúc phải học tập, sinh hoạt dưới hầm. Tất cả đặt lên vai thầy giáo Nguyễn Phan Thanh vừa là Chủ nhiêm Bộ môn, vừa là Chủ nhiệm lớp. Ông xác định công việc đầu tiên là ổn định tư tưởng, định hướng nghề nghiệp, xây dựng lòng yêu nghề.

Mỗi buổi lên lớp, bằng năng khiếu kể chuyện hấp dẫn và hóm hỉnh, đan xen trong bài giảng, ông kể những câu chuyện thời sự cả nước ra trận, toàn dân là chiến sĩ, về những đồng nghiệp ngành hóa cùng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa với ông đang vững vàng trên vị trí chiến đấu. Qua từng câu chuyện ông đều ý tứ truyền cho sinh viên tình yêu nghề, yêu từng viên đạn, từng cái ngòi đạn, gói thuốc nổ… Theo nội dung từng môn học, Nguyễn Phan Thanh dẫn sinh viên đến các kho đạn của các quân khu, quan sát các nhân viên bảo quản đạn, mỗi sinh viên phải tự tay lau chùi, sắp xếp từng viên vào hòm đạn theo đúng quy trình, cùng với thủ kho sắp xếp các hòm đạn theo yêu cầu kỹ thuật thông thoáng, chống mối mọt, chống cháy nổ. Ông đưa sinh viên đến nhà máy sản xuất đạn, cùng công nhân nhồi thuốc vào quả đạn, làm các công việc này không chỉ để hiểu biết mà tạo nên tâm lý tự tin và yêu việc mình làm.

Hủy đạn là một công việc phức tạp và nguy hiểm, để làm quen và hiểu biết việc xếp đạn và kích nổ, Nguyễn Phan Thanh làm mẫu một lần sau đó yêu cầu mỗi sinh viên phải tự làm ít nhất một lần không chỉ để ghi nhớ quy trình mà tự tin vào công việc mình đã làm.

Khi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu quả đạn hóa học 75mm của Mỹ, ông yêu cầu mỗi sinh viên phải tự khoan, dù chỉ một vòng xoay, việc làm rất nhỏ nhưng lại rất cần thiết củng cố lòng tự tin, không sợ hiểm nguy, để thêm yêu nghề.

Trong công việc Nguyễn Phan Thanh rất nghiêm khắc. Phó giáo sư (PGS) Ngô Thế Khuề, nguyên chủ nhiệm Khoa Đảm bảo Kỹ thuật (HVKTQS) kể: Trong một lần đưa sinh viên lớp Đạn chuyển tiếp Khóa 1 chúng tôi đến học tập tại một kho quân khí, khi mắc màn ngủ, vì không có búa đóng đinh, một sinh viên đã lấy vỏ đạn cối làm vật đóng. Nguyễn Phan Thanh nhìn thấy, đã tập hợp ngay cả lớp lại, bằng lời nói chân tình, ông phân tích về tình yêu nghề nghiệp, không cho phép người kỹ sư có những hành vi tùy tiện với những sản phẩm dù là những chi tiết ban đầu chưa phải là sản phẩm hoàn thiện. Người kỹ sư phải hiểu sâu sắc hành động của người chiến sĩ đối mặt với kẻ thù, đạn tốt sẽ tiêu diệt được kẻ thù, bảo vệ mình, đạn không nổ, không diệt được địch mà ta thương vong. Chính những hành động và sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Nguyễn Phan Thanh đã hun đúc tình yêu nghề nghiệp cho những lớp sinh viên ngành Đạn, nhiều người từ tình yêu nghề, đã  phấn đấu trở thành cán bộ lãnh đạo, những giáo viên đầu ngành như PGS Ngô Thế Khuề, Vũ Văn Lâm, Đỗ Kế Ngọc, Hoàng Như Cơ… Khi nói về vai trò người thầy, Nguyễn Phan Thanh thường tâm sự: Đạo làm thầy điều cốt yếu phải coi người học là những đồng nghiệp tương lai, công việc quan trọng nhất là truyền cho họ lòng yêu nghề, xây dựng một tình yêu sâu sắc với nghề nghiệp.

Sự lựa chọn hy sinh tối thiểu

Nguyễn Phan Thanh sinh ra trong một gia đình nho học có tinh thần yêu nước nên ông được đi học sớm và hiểu biết nhiều ngoại ngữ. Năm 1950 nhập ngũ, thì năm 1951 ông đã được giao làm công tác địch vận và quản lý gần 100 tù, hàng binh Âu, Phi. Với vốn ngoại ngữ khá, lại được lựa chọn đào tạo ngành hóa học ở Trường Đại học Bách Khoa, sau đó làm giáo viên dạy môn đạn ở trường cán bộ Hậu cần, ông đã đọc được nhiều tài liệu và ấp ủ những ý tưởng về nghiên cứu khoa học.

Khi được điều động và giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn Đạn ở Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, ông đã phát huy niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Công trình đầu tiên thành công được đánh giá cao là thiết lập quy trình khoan tháo đạn hóa học 75mm Smoke WP. Đây là loại đạn khói, dùng nguyên liệu phốt pho trắng. Khi nổ, hóa chất này tiếp xúc với không khí sẽ bùng cháy, sản sinh ra khói trắng dày đặc để ngụy trang mục tiêu. Chất phốt pho bám vào quần áo hay da thịt sẽ càng phủi càng cháy lan rộng, rất nguy hiểm. Nguyễn Phan Thanh đã thành công, bằng quy trình khoan tháo đạn trong nước có nhiệt độ 40-45 độ C. Thuốc đạn được hòa trong nước có nhiệt độ thích hợp không phát sinh cháy nổ, đảm bảo sự an toàn khi thao tác, sau khi cắt bổ đã được dùng làm trang bị học tập.

Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS,TS)Võ Ngọc Anh, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Vũ Khí, còn cho biết: Ý tưởng sáng chế một loại súng phóng lựu, cải tiến từ súng thông thường chiến sĩ đang sử dụng, đã hình thành trong tư duy của ông từ rất sớm. Đã vài lần thử nghiệm nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Cùng lúc này ông nghĩ đến chế tạo một loại lựu đạn, được định hướng bằng cánh dù, mang phần đạn lõm để tiêu diệt xe tăng (lúc này chưa có loại đạn B40, B41). Công việc phải dừng lại trên các trang đồ án tốt nghiệp của học viên, vì lúc này các đoàn nghiên cứu của Học viện từ chiến trường về mang theo nhiều loại bom, đạn của địch, trong đó có cả đạn pháo 127mm, mà Mỹ đang hằng ngày, hằng giờ bắn từ các chiến hạm vào bờ biển Quảng Bình, Vĩnh Linh, gây những thiệt hại rất to lớn cho quân, dân ta. Hơn ai hết, các nhà thiết kế, các giáo viên, học viên chuyên ngành vũ khí và công trình quân sự cần biết rõ cấu tạo, tính năng kỹ, chiến thuật của đạn… để loại bỏ những nguy cơ khi thiết kế các công trình quân sự, hay xử lý các tình huống chiến đấu. Lòng khát khao đưa chuyên ngành Đạn của Bộ môn phát triển lên một bước mới càng thôi thúc ông phải lao vào nghiên cứu tìm hiểu các loại đạn của địch. Ông đặt ra mục tiêu cho mình không chỉ hiểu biết, giảng giải về lý thuyết mà phải giải thích cặn kẽ trên từng mẫu vật cụ thể, kể cả đạn của ta và đạn của địch. Lúc bấy giờ không thể kiếm đâu ra bất cứ tài liệu nào về loại đạn pháo tàu 127mm, ký hiệu P127. Nhà trường đã chấp nhận đề nghị của Khoa Công trình quân sự và Bộ môn Đạn, tháo quả đạn 127mm chưa nổ để nghiên cứu trực tiếp làm rõ các thông tin cần thiết. Công việc đầy nguy hiểm vì các loại đạn của pháo tàu rất phức tạp, một số loại còn có cơ chế chống tháo, đạn 127mm P127 còn có thêm một ngòi đáy để phòng khi không nổ còn có thể gây sát thương khi phá hủy. Đây là việc cấp bách cần giải mã càng sớm càng tốt viên đạn câm lặng kia để hạn chế tác hại trên chiến trường và để các nhà thiết kế đưa ra phương án thiết kế các công trình phòng thủ. Mệnh lệnh khẩn cấp là hình thành kế hoạch nghiên cứu, khẩn trương triển khai công việc trong tháng 4-1969.

Thầy giáo Nguyễn Phan Thanh, Chủ nhiệm Bộ môn Đạn được nhận nhiệm vụ làm chủ đề tài, có sự tham gia của thầy giáo Nguyễn Đình Đức - giáo viên công tác nổ và mìn (Khoa Công Trình quân sự) và các cộng sự. Một quy trình tháo đạn được soạn thảo chặt chẽ, tỉ mỉ. Vị trí tháo đạn cách xa nhà dân, bên lũy tre của gia đình nơi ông ở khi sơ tán. Viên đạn được đặt dưới hố sâu, chỉ một người được phép tháo đạn, người ghi chép phải ở một hầm kín, khoảng cách đủ đảm bảo an toàn. Do không có dụng cụ chuyên dụng nên sử dụng những dụng cụ hiện có là những chiếc kìm, chiếc búa thô sơ. Công việc nghiên cứu được tiến hành bí mật.

PGS, TS Võ Ngọc Anh và PGS, TS Ngô Văn Quyết thuật lại: Ngày 19-4-1969, công việc tháo ngòi nổ của viên đạn đã vào giai đoạn quyết định. Ngòi nổ đầu đạn đã được tháo rời, đặt vào nơi an toàn bên một hầm khác. Chỉ còn 1/4 vòng ren là mở được ngòi nổ đáy đạn. Nguyễn Phan Thanh yêu cầu tất cả cộng sự rời khỏi căn hầm, một mình tình nguyện ở lại để thực hiện phần công việc nguy hiểm này. Không ai muốn rời khỏi hầm trong giây phút đó. Nguyễn Phan Thanh thuyết phục cộng sự: “Còn rất nhiều việc khó khăn hơn, nguy hiểm hơn, đòi hỏi trí tuệ cao hơn đang chờ đợi các bạn. Riêng việc này các bạn cứ để cho mình làm”. Ông biết rõ đây là bước nguy hiểm nhất, điều rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng ông không muốn đồng nghiệp của ông phải hy sinh. Nếu phải hy sinh, ông là người tình nguyện, đó là lựa chọn sự hy sinh tối thiểu - một người - chính bản thân mình. Mọi người không muốn rời ông. Ông buộc phải ra lệnh tất cả rời khỏi căn hầm về tuyến sau ẩn nấp chờ đợi. Chỉ còn lại một mình, ông bắt đầu thao tác thận trọng đóng xoay những vòng ren còn lại, đường ren cuối cùng vừa hết thì viên đạn phát nổ. Thân thể ông nổ tung và bay theo các mảnh đạn. Đồng đội gạt nước mắt nhặt những phần thân thể còn lại, gia chủ nơi ông ở chỉ còn nhặt được cái búa văng ra xa. Ông hy sinh ở tuổi 38, và bước vào năm thứ 20 đời quân ngũ, trong niềm kính trọng và tiếc thương của đồng đội.

Các đồng nghiệp hoàn thiện nốt những kết quả nghiên cứu của ông, kết hợp với những tài liệu thu thập được, khẳng định đây là một kiểu ngòi nổ chống tháo, thiết kế theo nguyên lý từ trường. Khi bắn, từ trường của ngòi nổ bắt đầu hoạt động, nếu triệt tiêu hoạt động của từ trường, ngòi nổ mất tác dụng. Kết quả đó đã đóng góp tích cực cho các đoàn công tác trong xử lý bom đạn và xây dựng các công trình phòng thủ.

Bóng hình anh trong hành trang ra trận

Tinh thần xả thân vì khoa học, vì yêu cầu phục vụ chiến đấu trên chiến trường của thầy giáo liệt sĩ Nguyễn Phan Thanh đã tạo nên làn sóng mới trong Học viện: Ra chiến trường, bám sát mặt trận, nghiên cứu khoa học trực tiếp giải quyết những vấn đề khoa học kỹ thuật theo yêu cầu chiến đấu.

Cuối năm 1969, hầu hết giáo viên khoa CTQS thay nhau ra mặt trận. Các kỹ sư cầu đường đến các trọng điểm địch đánh phá ác liệt như Cầu Cầm, Linh Cảm, Nam Đàn, Thượng Gia, Hạ Vàng, Xuân Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, phà Long Đại nghiên cứu quy luật, thủ đoạn đánh phá của địch, cùng các lực lương công binh phá bom đạn của địch, xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng sửa chữa cầu đường. Nhiều tư liệu, phim ảnh được lưu lại làm tài liệu giảng dạy. Năm 1970, các kỹ sư công trình đi Quảng Trị nghiên cứu bom mìn và ngụy trang. Đầu năm 1971, các kỹ sư công trình và công tác nổ cùng 20 học viên vừa tốt nghiệp đi xây dựng hệ thống công sự ở Cánh Đồng Chum, theo yêu cầu của nước bạn Lào. Chính hệ thống công trình này đã bảo vệ vững chắc cho Cánh Đồng Chum. Khi địch tập kích bằng B52, các kỹ sư công trình và vũ khí đã bám sát các trọng điểm như Vĩnh Linh, Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, khảo sát phân tích sự tản mát của bom khi B52 rải thảm, rút ra kết luận phục vụ cho việc xây dựng hệ thống công sự chống bom của B52. Năm 1973-1974, Học viện cử 4 đoàn giáo viên, học viên vào thực tập và làm đồ án tốt nghiệp tại đường 9 Quảng Trị. Tham gia cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, các đoàn cán bộ, giáo viên bám sát từng bước tiến quân của các binh đoàn, giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp quản các trung tâm kỹ thuật ở vùng mới giải phóng. Trong hành trang của mỗi cán bộ, giáo viên, học viên ra trận có hình bóng của người đồng nghiệp, người thầy, mà trong trái tim họ, Nguyễn Phan Thanh, bất tử.

Hình ảnh thân thương, say mê công việc, tận tụy với nhân dân của thầy giáo quân đội Nguyễn Phan Thanh còn ghi đậm nét trong mỗi người dân thôn Đồng Xáo. 36 năm đã qua, chiếc búa nhặt được trong ngày ông hy sinh là kỷ vật thiêng liêng của bà con nơi đây. Mỗi khi họ ngắm nhìn chiếc búa, mà ông từng dùng nó để làm việc, bóng dáng người anh hùng trong trí nhớ của họ lại hiện về gần gũi thân thương như ngày nào ông ăn, ở với bà con.

Năm 2005, bà con thôn Đồng Xáo đã tặng lại kỷ vật này cho HVKTQS như một lời nhắn nhủ các thế hệ giáo viên, học viên: Con đường khoa học dù khó khăn đến đâu, dẫu có phải hy sinh, nhưng chắc chắn các thế hệ sau sẽ làm nên những điều kỳ diệu, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.

Trần Công Huyền