Từ thị trấn Mường Xén vào đến bản Tặng Phăn (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) gần 50km nhưng phải mất hai giờ đồng hồ chúng tôi mới vào được tận bản. Cung đường đèo dốc, núi rừng thâm u với nhiều khúc cua tay áo. Sau trận mưa, một số đoạn đường lầy lội, bùn đất nhầy nhụa, những hòn đá to nhỏ nằm la liệt như muốn thử thách tay lái của người đi đường. Hết đoạn đường gập ghềnh, bản Tặng Phăn nằm yên bình trước dòng suối Khe Nàn trong vắt, dựa lưng vào ngọn núi Pu Mo hùng vĩ.
|
|
Đường vào bản Tặng Phăn còn rất khó khăn.
|
Thiếu tá Lê Văn Thiết, Phó đội trưởng Đội Sản xuất 1, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 vừa chuyển lên công tác trên này được hai năm nhưng rất am hiểu tình hình địa bàn. Anh dẫn chúng tôi đến ngôi nhà của bà Vi Thị My, một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất bản. Trong nhà bà My chỉ có ba chiếc giường kê ba góc, tấm chăn chiếu nhàu nhĩ, không có vật dụng gì đáng giá.
|
|
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đến thăm hỏi, trao quà tặng gia đình bà Vi Thị My. |
Thấy bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đến thăm, bà My đon đả ra đón, ba người con trai chạy theo sau với nụ cười ngây ngô, ôm chặt lấy gói quà của bộ đội tặng. Chồng bà My đã mất, bà có 11 người con nhưng người thì đã mất, đứa bỏ đi không còn tung tích, người lấy chồng xa, giờ chỉ còn 3 người con mắc bệnh thiểu năng không có khả năng lao động sống với bà. Mọi sinh hoạt của gia đình bốn người phụ thuộc vào trợ cấp hàng tháng được 1,6 triệu đồng. Người phụ nữ hơn 70 tuổi với tấm thân gầy, lưng thấp xuống nay vẫn hằng ngày đi làm rẫy, lên rừng hái măng, hái rau kiếm chút thức ăn qua ngày nuôi 3 người con bệnh tật. Có lẽ, vì sống một cuộc đời nhiều khổ đau, vất vả nên ánh mắt người phụ nữ này u buồn, ảm đạm như núi rừng nơi đây mỗi khi màn đêm buông xuống.
Trước hoàn cảnh éo le của gia đình bà Vi Thị My, Đội Sản xuất 1, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã hỗ trợ gia đình bà mỗi tháng 300.000 đồng từ nguồn quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị. Ngoài gia đình bà Vi Thị My, Đội Sản xuất 1 nhận còn nhận hỗ trợ bà Lương Thị Nguyên là hộ người già neo đơn không nơi nương tựa mỗi tháng 200.000 đồng và một số trường hợp đặc biệt khó khăn ở các bản khác. Số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng là tấm lòng nghĩa tình, trách nhiệm của bộ đội với bà con nơi đây.
|
|
Bộ đội và bà con thân tình trò chuyện. |
Để giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đội Sản xuất 1 hỗ trợ con giống và hướng dẫn chăn nuôi theo nếp sống mới cho hộ nghèo trong bản Tặng Phăn. Đội đã hỗ trợ 40 con ngan đen cho gia đình anh Kha Văn Bảy. Sau 3 tháng hướng dẫn chăn nuôi khoa học, gia đình anh Bảy bán, thu lãi hơn 6 triệu đồng. Đội còn hỗ trợ cho gia đình ông Vi Văn Toàn 30 con ngan, hiện đàn phát triển tốt. Thấy gia đình anh Bảy, ông Toàn chăn nuôi hiệu quả, lớn nhanh, bà con không thả rông nữa mà làm chuồng khoanh nuôi theo hướng dẫn khoa học của bộ đội.
|
|
Đội Sản xuất 1, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 hỗ trợ ngan giống cho gia đình ông Vi Văn Toàn, hộ nghèo ở bản Tặng Phăn. |
Hiện nay, Đội sản xuất 1 có nhiệm vụ quản lý, theo dõi mô hình trâu cái giống gồm 20 con tặng dân bản Tặng Phăn theo Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội Bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Khu Kinh tế - Quốc phòng Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Việc quản lý, theo dõi này cũng nhiều gian truân. Dù đã nhiều lần tuyên truyền, bà con đồng bào nơi đây vẫn có thói quen chăn thả trâu bò trên rừng, hôm nào trời mưa mới đi tìm đưa về chuồng. Có hôm, trâu của dân bản bị ốm, bỏ ăn, cán bộ của Đội Sản xuất 1 phải băng qua một cánh rừng mất gần một tiếng đồng hồ để khám bệnh cho trâu. Đều đặn những ngày sau, cán bộ Đội Sản xuất 1 và nhân viên thú y phải đến kiểm tra, chăm sóc, tiêm thuốc cho trâu đến khi trâu khỏe lại. Quãng đường đi "thăm trâu" rất xa, leo rừng, lội suối, anh em phải mang theo cơm nắm, nước uống để ở lại trên rừng.
|
|
Dù còn nhiều khó khăn nhưng Tặng Phăn là bản có kinh tế khá nhất xã Na Ngoi. |
Đội Sản xuất 1 của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 làm nhiệm vụ trên địa bàn 9 bản vùng cao biên giới của xã Na Ngoi, người dân chủ yếu thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Thiếu tá Lê Văn Thiết tâm sự: “Khó khăn nhất của đơn vị khi làm nhiệm vụ ở địa bàn xã Na Ngoi đó là nhận thức của người dân còn thấp nên các hình thức tuyên truyền tập trung không mấy hiệu quả. Vì thế, chúng tôi phải “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con nhưng ngặt nỗi cán bộ thì ít, địa bàn thì rộng, địa hình đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn. Sau nhiều năm kiên trì vận động, bà con đã dần bỏ những tập tục lạc hậu, trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả hơn”.
|
|
Bản Tặng Phăn có nhiều nhà sàn xây dựng kiểu mới khang trang. |
Dù cuộc sống ở bản Tặng Phăn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng cũng được xem là bản khá nhất của xã biên giới Na Ngoi. Ngoài làm nương rẫy, bà con được bộ đội hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt theo nếp sống mới, vận động bà con không du canh, du cư. Bản được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa, cầu dân sinh, hệ thống nước tưới tự chảy; bộ đội giúp đỡ nhiều ngày công làm đường giao thông, khắc phục hậu quả mưa lũ... Anh Vi Văn May, Phó trưởng bản Tặng Phăn, một cán bộ trẻ của bản dẫn chúng tôi đi thăm bản, vừa đi anh vừa nói: “Bản có chuyện buồn bộ đội Đoàn 4 có mặt giúp đỡ, có chuyện mừng bà con phải mời bằng được bộ đội ở lại chung vui”.
Xế chiều mặt trời khuất núi, chúng tôi rời bản Tặng Phăn, đi qua ruộng nếp nương đang dịp trổ đòng, hương thơm bay dịu ngọt. Bà con bắt đầu đỏ lửa thổi cơm, khói bếp vẩn vơ trên những nếp nhà sàn. Bộ đội ra về, bà con ở Tặng Phăn đều vẫy tay, mỉm cười thật tươi, tràn đầy niềm quý mến, tin cậy.
Bài, ảnh: HOÀNG HOA LÊ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.