Trường đại học Quảng Bình là một nhà trường còn non trẻ, cùng một lúc làm nhiệm vụ đào tạo nhiều ngành, nhiều lớp, trọng tâm là "Dạy người, dạy nghề, dạy phương pháp". Tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, nhưng mấy năm qua, Trường đại học Quảng Bình đã làm tốt công tác Giáo dục quốc phòng (GDQP), xứng đáng là lá cờ đầu về công tác GDQP trong khối các trường trong tỉnh. Để góp phần giáo dục nâng cao kiến thức toàn diện cho sinh viên, Trường đại học Quảng Bình đã coi môn GDQP ngang tầm với các môn học khác. Nhà trường có 8 khoa, 6 phòng, với gần 4.000 sinh viên, nhưng chỉ có hai giảng viên chuyên ngành giáo dục thể chất, quốc phòng. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Phán, Hiệu trưởng nhà trường, một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu trên mặt trận Đường 9, nói với chúng tôi về bộ môn GDQP hiện nay trong nhà trường:

- Cũng là một tổ bộ môn, nhưng chỉ có hai thầy giáo, đều là hai cựu chiến binh phụ trách, nên thật vất vả. Thầy Cao Đăng Văn đã qua đào tạo ở trường sĩ quan lục quân, về đây đứng lớp giảng dạy 12 năm, nên có nhiều thuận lợi. Thầy Mai Phương, nguyên là sĩ quan đặc công, qua 10 năm giảng dạy cũng đã có kinh nghiệm tốt. Điều đáng quí là cả hai thầy đều cố gắng tự học tập, tìm phương pháp dạy dễ hiểu, tích cực tiếp thu những cái mới trong công tác GDQP để truyền thụ kịp thời cho sinh viên.

Hiện nay, với khối lượng giảng dạy hàng trăm tiết, học rải đều trong năm là một thử thách quá sức đối với tổ bộ môn. Để "vận hành" trôi chảy nhiệm vụ nặng nề này, hai giảng viên đã biên soạn hàng chục tài liệu, bài giảng, tích cực tham gia nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giảng dạy. Từ năm 2000 đến nay, hai giảng viên đã có 4 đề tài nghiên cứu, trong đó đề tài "Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn GDQP tại Trường đại học Quảng Bình" của thầy Phương có giá trị ứng dụng cao. Thầy giáo Cao Đăng Văn nói về người đồng nghiệp của mình:

- Anh Phương là con người rất năng động. Tuy kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng vẫn tích cực đi sâu tìm hiểu công nghệ thông tin. Anh đã nghiên cứu phần mềm, kết hợp với camera, chụp ảnh, vẽ đa chiều, vẽ cấu tạo trong, làm nên bộ giáo án giảng dạy trên thiết bị điện tử rất công phu.

Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi tài ứng dụng công nghệ thông tin của thầy giáo Phương. Từ môn bắn súng, ném lựu đạn, bắn máy bay bay thấp đến các môn phức tạp như: Kỹ thuật sử dụng thuốc nổ, cấu tạo đạn, các loại vũ khí tự tạo v.v.. đều được anh mô phỏng khá rõ ràng, sinh động trên màn hình. Khi trình chiếu cho sinh viên xem trên máy đa năng Perojecter các em thấy rất hấp dẫn, tạo hứng thú trong học tập.

Chúng tôi qua tham quan kho thiết bị mô hình giảng dạy môn GDQP của trường. Các loại tủ đựng súng, lựu đạn, vòng ngụy trang, bản đồ địa hình quân sự, máy bắn la-de và cả các loại bia được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Riêng giáo trình quân sự có khoảng 100 bộ được bảo quản ở thư viện. Anh Phương nói: "Các loại giáo trình mới thực ra còn thiếu nhiều, chúng tôi đang tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm để giảng dạy".

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Huỳnh Phán, Bí thư Đảng ủy nhà trường cho biết thêm:

- Hằng năm, vào đầu khóa học, Đảng ủy đều có Nghị quyết chuyên đề về công tác GDQP. Trong các hội nghị thường kỳ, Đảng ủy đều bàn bạc việc giảng dạy môn GDQP và xây dựng lực lượng tự vệ. Tác dụng của môn học đã ảnh hưởng tích cực đến nền nếp sinh hoạt của sinh viên trong trường nhất là đối với các sinh viên sống trong ký túc xá. Ở đây, từ khuôn viên trường lớp đến nhà ở rất sạch sẽ, ngăn nắp, an ninh, trật tự luôn bảo đảm tốt. Trên bảng kết quả 5 năm GDQP của nhà trường thể hiện rõ nét bằng biểu đồ, tỷ lệ khá, giỏi tăng dần và số sinh viên xếp loại trung bình giảm dần, đó là kết quả đáng khích lệ.

Chúng tôi rời sân trường khi một lớp học thực hành môn bắn súng vừa kết thúc. Các sinh viên trong những chiếc áo quân phục màu cỏ úa, rắn rỏi, khỏe mạnh, vừa đi, vừa cười nói rôm rả. Tôi hỏi nữ sinh Nguyễn Thị Nga, khoa Ngoại ngữ: "Em cảm nhận thế nào khi học môn GDQP?". Cô trả lời bằng giọng Lệ Thủy dễ thương:

- Chúng em đều là cô giáo tương lai cả đấy. Môn GDQP chúng em rất thích. Các bài học không những giúp chúng em nắm chắc về tình hình quốc phòng, an ninh mà còn am hiểu thêm về kỹ thuật quân sự. Đấy là một phần không thể thiếu trong hành trang của chúng em.

Chúng tôi thực sự thấy vui khi môn GDQP của Trường đại học Quảng Bình đã dần tạo ra nếp sống ngăn nắp, gọn gàng cho sinh viên. Nó là cơ sở để mỗi sinh viên hoàn thiện khối kiến thức toàn diện của mình trong cuộc sống.

Bài và ảnh: PHẠM VĂN VUI